Khóa học dành cho cha mẹ (P.39): Ba việc giúp thay đổi một cháu bé hay đánh nhau
Có một cậu học sinh tiểu học thường gây rối trong lớp, bắt nạt và đánh nhau với các bạn học khác. Một lần, vì một lỗi tương tự, cậu ấy đã bị cha mẹ đánh tới tấp và có 52 vết bầm tím trên cơ thể. Sau khi tôi làm ba điều đặc biệt, cậu ấy đã bắt đầu thay đổi tốt hơn và không mắc những lỗi ban đầu nữa.
Khi “cuốn sổ tinh thần” của bạn chuyển sang màu đỏ thì việc nghe nhạc và vẽ tranh là một cách tốt để điều chỉnh cảm xúc. Sau đó, bạn tiếp tục xem lại toàn bộ quá trình và nhìn lại biểu cảm trên gương mặt của mình, như thế mới có thể thực sự giải quyết vấn đề.
“Lấy đức báo oán” sẽ có được sự tin tưởng của học sinh
Ở bài trước, tôi đã đề cập đến việc một cậu học sinh tiểu học lớp 1 là Tiểu Minh (bút danh) đã làm con trai tôi bị thương ở mắt, và tôi đã nói với cậu ấy rằng: “Mọi người đều sẽ mắc lỗi, kể cả giáo viên và cô. Cô hy vọng chúng ta có thể giải quyết vấn đề này. Cô không biết cha mẹ của con giải quyết vấn đề này như thế nào, cho nên, cô mong con tìm một phòng riêng để nói chuyện điện thoại với cô.”
Câu nói này thật sự đánh trúng tâm tư của cậu bé, bởi dẫu sao thì không có đứa trẻ nào muốn bị cha mẹ của mình đánh cả. Khi cha mẹ cậu không có mặt, cậu ấy đã trả lời tất cả các câu hỏi của tôi qua điện thoại. Sau khi nói chuyện riêng, cậu ấy có sự tin tưởng với tôi, biết rằng tôi đang che chở cho cậu ấy và cậu sẵn sàng kể cho tôi nghe những khó khăn của mình.
Cậu bé nói rằng bản thân không có bạn bè và rất cô đơn. Tôi nói với cháu: “Muốn có bạn thì trước hết con phải trở thành người sống có trách nhiệm. Con trai cô rất thích học. Con đã đánh vào mắt của bạn ấy. Do đó, hai ngày tới bạn ấy không thể đi học được. Con có thể giúp bạn ấy một vài chuyện được không? Hai ngày tới con có thể chuyên tâm nghe giảng, tiếp thu kiến thức cô giáo dạy, sau đó ghi chép bài học đầy đủ được không?”
Kết quả là hai ngày đó Tiểu Minh rất ngoan ngoãn và rất nghiêm túc trong lớp, khiến giáo viên mừng rỡ không thôi.
Ý nghĩa của từ “sai” trong chữ Hán
Mọi người cần nhớ rằng: “Khi xảy ra sự việc, đừng nghĩ rằng mình bị ‘tổn thất’ điều gì, mà hãy nghĩ đến những gì mình ‘nhận được’ từ sự việc này. Bởi vì sự việc này đã xảy ra rồi, bạn cần phải có tâm lý tích cực để đón nhận.”
Những câu ngạn ngữ như vậy trong văn hóa truyền thống Trung Quốc có rất nhiều, chẳng hạn như Tiếng Mân Nam có câu: “Đả đoạn thử cốt, phản nhi dũng”. Ý tứ là dù xương có gãy nhưng khi nối liền thì chúng sẽ cứng cáp hơn trước. Chữ “sai” 錯 trong chữ Hán, bên trái là chữ “kim” 金 của chữ “kim tử” 金子, nghĩa là vàng kim; bên phải là chữ “tích” 昔 trong từ “tích nhật” (昔日), nghĩa là quá khứ. Vì vậy, hàm ý của từ “sai” 錯 này, chính là bạn phải làm sao để từ sự việc trong quá khứ mà rút ra được những bài học, biến đó thành chuyện tốt.
52 “hình xăm dán” trên người đứa trẻ
Một ngày sau kỳ nghỉ đông, có một học sinh tiểu học vội vã đến gặp tôi và nói với tôi rằng một bạn cùng lớp có 52 “hình xăm dán” trên người. Điều đó có nghĩa là bạn ấy có 52 vết thương bầm tím khắp người sau khi bị cha mẹ mình đánh. Học sinh bị đánh chính là Tiểu Minh, người thường xuyên gây rối ở trường và đã từng đánh con trai tôi. Lần này, có thể cháu lại “gây chuyện” trong lớp và bị phản ánh với phụ huynh, phụ huynh biết chuyện thì tức giận nói “Sao con cứ dạy mãi mà không sửa vậy!”, và trút mọi tức giận lên cậu bé.
Tiểu Minh thực sự là một đứa trẻ rất thông minh, cháu có thể vì con trai tôi mà nghiêm túc ghi chép trong lớp học. Tại sao cậu bé luôn không kiềm chế được cảm xúc của mình? Qua vài lần trò chuyện, tôi biết được rằng cha mẹ của Tiểu Minh thường xuyên đi làm về muộn, họ lo lắng con mình ở nhà cô đơn nên đôi khi dẫu về nhà rất muộn nhưng họ vẫn đưa cậu bé đi dạo. Về đến nhà, cậu bé rất mệt và cũng không ngủ ngon giấc, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm trạng của cậu vào ngày hôm sau. Điều này thực sự rất khó để cậu không cáu gắt.
Đối với hoàn cảnh của Tiểu Minh, tôi đã làm ba việc:
Thứ nhất, kết bạn với mẹ của cậu bé;
Thứ hai, tìm cha mẹ của các bạn cùng lớp gần nhà Tiểu Minh để giúp đỡ chăm sóc cậu bé;
Thứ ba, tôi thường xuyên gọi điện cho cậu bé.
Trong khoảng thời gian này, Tiểu Minh vẫn sẽ mắc phải những lỗi ban đầu, đó là một loại thói quen. Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy được cậu bé càng ngày càng ít mắc những sai lầm tương tự. Cuối cùng, mẹ của Tiểu Minh đã gọi điện cho tôi và nói: “Tôi rất biết ơn cô! Nếu không có cô, con trai của tôi đã bị nhà trường cho nghỉ học và chỉ có thể chuyển sang trường khác. Cháu sẽ không thể chuyên tâm học ở đây vài năm cho đến khi tốt nghiệp.”
Nhìn thấy biểu cảm “gương mặt” của bản thân
Trong “cuốn sổ tinh thần”, nếu một người có 1/3 thời gian có cảm xúc không lành mạnh, thì chính là đang “bật đèn đỏ” về mặt tinh thần rồi. Làm thế nào để điều chỉnh cảm xúc của bản thân nhanh chóng và hiệu quả?
Có hai bước ở đây: Đầu tiên là bật nhạc lên. Âm nhạc là một loại biên độ, và tâm trạng của con người cũng là một loại biên độ. Nghe những bản nhạc tươi sáng, đẹp và nhẹ nhàng, sẽ có thể điều chỉnh cảm xúc của con người. Bước thứ hai là tập trung vào việc vẽ, khi con người tập trung vào các hành động cụ thể, nội tiết tố trong cơ thể sẽ được điều chỉnh.
Trong môi trường làm việc của một số công ty xuất sắc, thường hay phát những bản nhạc hay, và ở bất cứ chỗ nào cũng có thể với được những đồ vật như bút và giấy. Trong một lần diễn thuyết về triết lý quản lý của công ty, tôi đã từng gặp một ông chủ của công ty lớn nổi tiếng. Môi trường công ty của ông ấy chính là như vậy, thậm chí còn có tiếng nước chảy rất vui tai.
Khi thuần thục hai điều này rồi, bạn sẽ có thể tìm được chính mình một cách rõ ràng. Nếu không, khi đang bối rối thì làm thế nào bạn có thể tìm thấy mấu chốt của sự việc? Hãy chuẩn bị tốt cho hai điều này, nhìn lại bản thân, giống như xem một bộ phim vậy.
Bạn có thể nhìn thấy khuôn mặt (biểu cảm) của chính mình khi sự việc diễn ra hay không? Đây là điều mà chúng tôi gọi là “học tập có ý thức”. Bạn thấy cảm xúc của mình thay đổi như thế nào trong sự việc này? Ví dụ như giữa bạn và mẹ chồng phát sinh một chuyện gì đó, trước kia chúng ta thường sẽ nhìn nét mặt của người khác, cảm thấy đối phương thật đáng ghét, mà ít khi nhìn lại nét mặt của bản thân mình. Vì thế, vấn đề không bao giờ có thể giải quyết được.
(Còn tiếp)
Mời quý vị xem video “Khóa học dành cho cha mẹ” – Tập 39
Tào Cảnh Triết biên tập
Tử Yên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ