Khóa học dành cho cha mẹ (P.1): Nguyên lý cơ bản và quan niệm chính xác về giáo dục trẻ em là gì?
Làm thế nào trở thành cha mẹ tốt? Làm thế nào để hướng dẫn người khác làm cha mẹ? Đây là tâm nguyện nhiều năm qua của Tiến sĩ Trần Ngạn Linh. Tiến sĩ Trần có một bằng tiến sĩ và ba bằng thạc sĩ, cũng như nhiều năm giảng dạy thực tế và kinh nghiệm lâm sàng. Những nguyên lý cơ bản và quan niệm chính xác về giáo dục trẻ em là gì? Tại sao cha mẹ không tự tham khảo những cuốn sách mà họ đã mua từ lâu như “100 mẹo dạy con”…, mà lại sử dụng những hành vi khuôn mẫu trong tiềm thức đã được giáo dục lúc nhỏ để giải quyết các vấn đề?
Mọi vấn đề xã hội đều xuất phát từ giáo dục, cha mẹ không thể thoái thác trách nhiệm.
Khi còn rất nhỏ, tôi có một quan niệm rất rõ ràng, hơn nữa không thể phai nhoà trong tâm trí, chính là mọi vấn đề xã hội đều xuất phát từ giáo dục. Trong các vấn đề liên quan đến giáo dục, bậc làm cha mẹ không thể phủ nhận trách nhiệm của mình được, họ xứng đáng được hưởng vinh dự nếu họ biết cách làm người cha mẹ tốt.
Tôi xin kể một ví dụ rất đơn giản, khi tôi đang học thạc sĩ ở Mỹ, có lần tôi đi siêu thị mua sắm, khi đang xếp hàng chờ thanh toán thì bỗng nhiên nghe có tiếng đứa trẻ khóc rất thảm thiết. Vì đang ở Mỹ nên tôi chỉ nghe tiếng trẻ con khóc chứ không nghe thấy tiếng tát tai để cho đứa trẻ ngừng khóc.
Tôi quay đầu nhìn về phía phát ra tiếng khóc, hóa ra là một em bé da đen. Tuổi còn rất nhỏ, đang ngồi trên xe đẩy. Có hai điểm trên khuôn mặt của em ấy khiến tôi ấn tượng rất sâu, một là nước mắt, hai là nước mũi, ngoài ra thì đều là màu đen, da và bím tóc màu đen. Em bé khóc rất to và dữ dội, tôi quan sát thấy những người lớn xung quanh đó dường như đã mất khả năng chịu đựng. Tôi đã chủ động chạy đến với đứa trẻ. Tôi lặng lẽ nhìn đứa trẻ, đứa trẻ bỗng nhiên ngừng khóc. Tôi nghĩ có lẽ bản thân tôi có một loại khí chất được tích lũy từ nhỏ.
Từ nhỏ tôi đã nhận thấy mình có khả năng thiên bẩm trong việc giải quyết vấn đề về các mối quan hệ giữa người với người. Bạn bè và hàng xóm thích tìm tôi để phân xử các tranh chấp đúng sai. Tất nhiên, tôi cũng có một số lợi thế, ví dụ như tôi có vai vế khá cao trong gia đình. Ngoài ra, cha tôi là một giáo viên, nhiều người thường đến hỏi cha tôi cách viết thư, kiện tụng, v.v… Cha tôi đã dạy cho tôi nguyên tắc đối nhân xử thế rằng, khi sở hữu thứ gì đó, cũng nên nghĩ đến người không có những thứ này.
Lúc đó tôi nhìn thấy mẹ của em bé da đen, cô ấy hoàn toàn vô cảm, cô ấy không có cử động nào biểu đạt sự quan tâm, hoặc ôm con vỗ về, cô ấy hoàn toàn không làm điều đó.
Có người cho rằng đây là sự khác biệt giữa văn hóa phương Đông và phương Tây, cha mẹ phương Đông thường quan tâm đến con cái ngay lập tức, bế chúng và vỗ về chúng.
Sau đó, tôi bắt đầu tìm hiểu kiến thức về lĩnh vực này và đọc rất nhiều nghiên cứu của các chuyên gia trong các lĩnh vực khác. Dù cha mẹ Âu Mỹ không ôm con ngay nhưng họ sẽ có những phản hồi với trẻ, họ không ôm con bằng tay nhưng sẽ có phản hồi bằng âm thanh, dùng giọng nói để đối thoại với con.
Tuy nhiên, mẹ của đứa trẻ này lại không có bất kỳ phản ứng nào bằng lời nói hay hành động. Phán đoán của tôi lúc đó là: người mẹ này dường như không biết cách giao tiếp với con và cô ấy không hiểu hành vi im lặng của mình sẽ gây ra tổn hại gì cho đứa trẻ, đồng thời khiến cho những người xung quanh khổ sở ra sao. Tôi thấy nhiều người khó chịu vì nghe tiếng khóc này, và tôi cũng đã vì không chịu nổi mà chạy đến.
Có tri thức và địa vị, có phải là cha mẹ tốt không?
Tôi từng nghĩ rằng, những người có tri thức và quyền hành, hoặc những người có địa vị xã hội nhất định, có thể biết cách làm cha mẹ như thế nào. Nhưng sau này tôi mới biết hình như không phải vậy, không phải có bằng cấp cao thì đã biết cách làm cha mẹ.
Có nhiều sách về lĩnh vực này, dạy bạn 100 chiêu, 70 bí quyết, v.v… Bởi vì tôi đã tích luỹ được rất nhiều kinh nghiệm thực tế, tôi phát hiện ra một mấu chốt rất quan trọng. Khi quan niệm làm cha mẹ của bạn không thay đổi, cho dù bạn cố gắng ghi nhớ cả 100 chiêu thức thì khi sự việc xảy ra, ngay lúc đó, cách bạn dùng vẫn là những hành vi mà bạn được dạy từ nhỏ.
Điều cơ bản của giáo dục trẻ em là gì? Làm thế nào để lấy “bất biến” ứng đối với “vạn biến”?
Có một số cách dưới đây giúp chúng ta tìm ra nó. Ngoài ra còn có một số cách khác giúp chúng ta thay đổi quan niệm. Thông thường khi hoàn cảnh thay đổi, chẳng hạn như khi gặp khó khăn, chúng ta có thể sẽ nhận ra rằng những gì chúng ta tiếp thụ từ nền giáo dục trước đó không đủ để ứng phó với với những khó khăn trước mắt, và từ đó có thể tự mình suy ngẫm lại.
Một đứa trẻ bị chậm phát triển
Ví dụ, tôi từng được một trường học cao cấp mời đến giảng dạy về giáo dục cho cha mẹ. Sau đó, một người mẹ đến gặp tôi, hy vọng rằng tôi sẽ giúp được cho con của cô ấy. Điều kiện kinh tế của gia đình cô ấy rất tốt, trình độ tri thức của bố mẹ rất cao, họ cũng có công việc được nhiều người hâm mộ, thuộc tầng lớp tinh anh.
Con trai họ chuẩn bị bước vào lớp 4. Cô giáo đã rất tận tâm-tận lực với đứa trẻ nhưng biểu hiện của nó không đạt như dự kiến. Lúc đó, cả phụ huynh và nhà trường đều không nghĩ đứa trẻ có bệnh gì hay có vấn đề gì về trí lực.
Mặc dù ở Đài Loan việc chẩn đoán bệnh này của trẻ em là khá dễ dàng, nhưng khá nhiều người nổi tiếng lại không muốn xuất hiện ở bệnh viện, vì họ sợ gặp phải phóng viên và việc đăng tải hình ảnh không mong muốn lên mạng xã hội. Hơn nữa, nếu con cái của họ bị đưa tin lên báo từ lúc nhỏ vì có vấn đề gì đó, thì vấn đề đó sẽ đi theo trong suốt quá trình trưởng thành của đứa trẻ, dẫn tới một số phiền phức không đáng có.
Ngoài ra, nếu đưa con đi khám bệnh sẽ để lại bệnh án, bệnh án sẽ theo con suốt đời, một số phụ huynh không thích để lại hồ sơ này. Chính vì lý do này, con cái của một số người nổi tiếng đã rơi vào tình trạng chậm phát triển.
Tôi hẹn gia đình này ở một quán ăn, với tư cách là bạn của người mẹ và cùng ăn một bữa cơm. Tôi không chỉ quan tâm đến tâm thái của cha mẹ, mà còn muốn xem những hành vi tự nhiên của đứa trẻ. Đôi khi trẻ sẽ lo lắng khi được đưa đến bệnh viện. Ấn tượng của trẻ em về bệnh viện về cơ bản là chúng sẽ bị chích thuốc, hoặc phải uống thuốc rất đắng…dẫn đến khi bác sĩ làm xét nghiệm, có thể có một số sai lệch. Nếu gặp bác sĩ chuyên gia tỏ ra rất nghiêm túc thì đứa trẻ sẽ rất lo lắng, tình huống đó có thể khiến trẻ không thể làm những việc mà bình thường chúng vẫn làm được.
Lúc đó tôi đã nghỉ việc, đứa con nhỏ lại mới biết đi, trước khi đi dùng bữa cùng gia đình cô ấy, tôi dặn dò chồng tôi chăm sóc con một chút. Mẹ cháu nói với tôi rằng bà cảm thấy sự hy sinh của tôi thật lớn. Cô ấy cảm thấy trình độ học vấn của tôi cao như thế, điều kiện tốt như vậy, thì tại sao tôi phải đi làm một bà mẹ “toàn thời gian”.
Ngay lúc đó, tôi biết rằng đây là nguồn gốc vấn đề của cô ấy. Giá trị quan của cô ấy cho rằng làm mẹ toàn thời gian là công việc không cần phải có học vấn gì, hoặc là kiểu người phụ nữ không tìm được việc làm. Cô ấy cho rằng ăn, uống, ngủ nghỉ của trẻ thì chỉ cần tìm một người chăm sóc chúng là được rồi.
Chăm sóc con cái là một sự hy sinh rất lớn?
Khi giá trị của việc giáo dục con cái bị nhận thức lệch lạc, khi cảm thấy việc chăm sóc con cái là sự hy sinh rất lớn, họ sẽ mang theo tâm trạng như thế nào để chăm sóc con cái đây?
Họ sẽ cầu nhanh chóng, mong rằng đứa trẻ có thể mau mau theo kịp sự phát triển bình thường như mọi đứa trẻ khác. Trong trường hợp này cô ấy còn phải đi làm, còn có rất nhiều công việc, cô ấy sẽ trở thành một người mẹ gấp gáp. Khi người mẹ trở nên vội vàng, sẽ rất khó để nhìn thấy sự phát triển từng bước từng bước mà đứa trẻ cần phải có.
Vậy nên điều tôi thường thấy là khi vấn đề của đứa trẻ trở nên rất nghiêm trọng rồi, họ mới phát hiện ra rằng họ khống chế không nổi nữa.
Đứa trẻ này có vấn đề về thị giác, cô ấy đã đeo kính cho nó và không còn chú tâm về việc này nữa. Cô ấy không để ý đến việc đứa trẻ còn nhỏ như vậy đeo kính vào có thể bị những đứa trẻ khác cười nhạo. Cô ấy không quan tâm đến vấn đề này một chút nào. Khi một đứa trẻ bị chế giễu trong lớp và không có bạn bè, bạn có nghĩ nó sẽ học tốt không?
Ngoài ra, đứa trẻ này có vấn đề thăng bằng khi bước đi, dẫn đến viết chữ cũng có vấn đề. Đứa trẻ đã gần 10 tuổi, nhưng cha mẹ không phát hiện ra những vấn đề này.
Lý Âu biên tập
Bách Hợp biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times Hoa ngữ