Khi kinh tế Trung Quốc suy thoái, thì quyền lực chính trị của Bắc Kinh cũng tụt dốc
Nền kinh tế Trung Quốc đang trong tình trạng tuyệt vọng. Tuyệt vọng đến mức các quan chức tại một quận ở tỉnh Quảng Đông đã đề nghị một khoản hối lộ bất hợp pháp cho các nhà đầu tư Hoa Kỳ.
Theo The Wall Street Journal, bất kỳ “người ra quyết định” nào trong các công ty Hoa Kỳ mang lại khoản đầu tư sẽ nhận được 10% tổng giá trị của giao dịch. Chẳng hạn, khoản đầu tư 100 triệu USD của một công ty Hoa Kỳ có thể mang đến 10 triệu USD tiền lại quả cho giám đốc điều hành của công ty đó. Các cổ đông sẽ bị mắc kẹt với khoản đầu tư tệ hại trong khi CEO cười đắc thắng khi kiếm được món hời kếch xù để rồi sau đó phải khóc trên con đường đến tù.
Trong khi đó, giá trị của các khoản đầu tư vào Trung Quốc ngày càng khó ước tính vì nhà cầm quyền này coi các hoạt động thẩm định thông thường của các công ty Hoa Kỳ là hoạt động gián điệp, đồng thời các công ty trong ngành thẩm định hoặc là phải rút lui hoặc là phải thu hẹp quy mô tại quốc gia cộng sản này.
Lợi nhuận mà các công ty ngoại quốc kiếm được ở Trung Quốc giờ đây khó chuyển về nước hơn, vì vậy họ có nguy cơ không còn lựa chọn nào khác ngoài tái đầu tư vào Trung Quốc.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang nhắm đến các dự án tư nhân thành công nhất, bao gồm cả những dự án do công dân Trung Quốc thành lập, bằng các khoản tiền phạt lớn, lệnh cấm, quy định, và giam giữ các lãnh đạo doanh nghiệp. Bất kỳ công ty hoặc lãnh đạo nào được xem như đối thủ cạnh tranh với ông Tập Cận Bình và chính phủ độc tài toàn trị của ông ta đều bị dẹp tan.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng đang đe dọa giam giữ các công dân thông thường của Hoa Kỳ. Tháng trước (06/2023), Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã ban hành một cảnh báo về việc du lịch đến Trung Quốc do nguy cơ bị giam giữ oan uổng gia tăng.
Các mối đe dọa của Bắc Kinh đối với Đài Loan, sự tách rời dưới hình thức kiểm soát xuất cảng công nghệ và khoáng sản, thuế quan, các biện pháp phong tỏa hà khắc do COVID-19, những vi phạm đối với nhân quyền và luật pháp quốc tế, cùng hành vi chặn các luồng dữ liệu quốc tế do các cơ quan quản lý của Trung Quốc thực hiện, đã giáng thêm một đòn mạnh vào nền kinh tế Trung Quốc và đầu tư trực tiếp ngoại quốc (FDI).
FDI vào Trung Quốc giảm từ 100 tỷ USD trong quý đầu tiên của năm 2022 xuống chỉ còn 20 tỷ USD trong cùng thời kỳ năm 2023. GDP của Trung Quốc đã chỉ tăng 3% vào năm 2022, một trong những năm tồi tệ nhất trong nhiều thập niên của nước này. Chỉ số chứng khoán Trung Quốc của MSCI giảm 2% trong năm nay, so với mức tăng 15% của chứng khoán toàn cầu. Đồng nhân dân tệ đang ở mức thấp nhất trong tám tháng, yếu tố có thể cải thiện được xuất cảng, nhưng lại khiến một số nhà đầu tư lo lắng khi doanh thu được tính bằng đồng nhân dân tệ.
Các cơ quan quản lý tài chính của Trung Quốc đang cố gắng đảo ngược tình thế bằng cách thu hút các nhà đầu tư Hoa Kỳ lớn nhất thế giới trong một hội nghị chuyên đề vào tháng này. Một cách khác thường, họ sẽ yêu cầu các nhà đầu tư phản hồi để có hiểu biết rõ hơn về những thách thức mà các nhà đầu tư toàn cầu phải đối mặt ở Trung Quốc. Trong khi các cơ quan quản lý của Trung Quốc hứa hẹn rằng cuộc đàn áp công nghệ bắt đầu vào năm 2020 sẽ kết thúc, thì bản chất độc đoán của nhà cầm quyền này dưới sự chỉ thị của ông Tập khiến người ta khó tin vào lời của các cơ quan quản lý.
Một trong những quốc gia ủng hộ Trung Quốc mạnh nhất trong thập niên qua là Đức. Volkswagen và BMW sản xuất và bán một lượng lớn xe hơi bên trong thị trường nước này. Nhưng ngay cả Berlin cũng đang rút lui khỏi Trung Quốc. Hôm 13/07, chính phủ Đức tuyên bố sẽ giảm bớt sự phụ thuộc vào các tuyến cung cấp của Trung Quốc trong các lĩnh vực quan trọng như xe điện, công nghệ y tế, dược phẩm, nguyên tố đất hiếm, và vi mạch máy điện toán.
Sau khi trải qua việc Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Đức để gây sức ép buộc Liên minh Âu Châu không viện trợ cho Ukraine, Berlin cuối cùng đã nhận ra rằng các chế độ độc tài như Trung Quốc có thể sử dụng thương mại như một chiếc chùy chống lại chính họ. Một tài liệu chiến lược của chính phủ nêu rõ: “Trong các lĩnh vực quan trọng, [EU] không được phụ thuộc vào các công nghệ từ các quốc gia [không thuộc EU và] không chia sẻ các giá trị căn bản của chúng ta.”
Trong một hành động có khả năng là lần đầu tiên, Đức tuyên bố rằng họ sẽ ban hành các điều khoản để hạn chế các quỹ liên bang dành cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển có sự hợp tác với Trung Quốc, “trong đó việc thất thoát tri thức có khả năng cao sẽ xảy ra.” Hoa Kỳ, Nhật Bản, và các quốc gia EU khác nên lưu ý làm theo.
Chiến lược của ĐCSTQ để phục hồi nền kinh tế của chính họ là đa dạng.
Thứ nhất, khôi phục quan hệ thương mại và đầu tư quốc tế với phương Tây, đặc biệt là với châu Âu. Hôm 15/07, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) đã yêu cầu EU “làm rõ” “quan hệ đối tác chiến lược” với Trung Quốc vốn đã được thông qua vào năm 2003. Mối quan hệ này đã đặc biệt căng thẳng kể từ năm 2019, khi EU chính thức công nhận Trung Quốc là một “đối thủ cạnh tranh kinh tế” và “đối thủ có hệ thống”, đặc biệt là do Bắc Kinh ủng hộ sự hiếu chiến của Moscow.
Ông Vương đã sử dụng giọng điệu nghiêm nghị điển hình của mình, nói thêm rằng mối quan hệ đối tác này “không nên bị dao động.” Mối bang giao EU-Trung Quốc khó có thể cải thiện nếu không có nhân quyền và luật pháp quốc tế tốt hơn đáng kể từ phía Bắc Kinh, điều khó có thể xảy ra do tham vọng bá quyền của ĐCSTQ. Dã tâm đồng hóa về mặt văn hóa của nhà cầm quyền này — đến mức diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, và các học viên Pháp Luân Công — càng không giúp cải thiện tình hình mà còn khiến cho sự việc tệ hại hơn.
Thứ hai, Bắc Kinh tìm cách thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc bằng cách định hướng lại sản xuất theo tiêu dùng trong nước hơn là tiêu dùng quốc tế. Định hướng này có thể bao gồm việc chi tiêu kích cầu lớn hơn, gồm cả chi tiêu trong lĩnh vực địa ốc đang xuống dốc. Tuy nhiên ở Trung Quốc, chính sách kích cầu vốn dĩ đã bị lạm dụng quá mức, và tình hình địa ốc ảm đạm tại các thành phố ma là một triệu chứng chứ không phải nguyên nhân của tình trạng bất ổn kinh tế nói chung và sự chuyển hướng ngân quỹ kích thích cho sản xuất kém hiệu quả. Thêm vào đó, từ trước đến nay việc người dân giàu có hơn luôn liên quan đến quá trình dân chủ hóa. Sự giàu có của người dân mang lại những mối đe dọa đáng kể đối với ĐCSTQ vì công dân Trung Quốc có thể muốn dân chủ hóa một khi các nhu cầu căn bản của họ được đáp ứng. Vậy nên thay vì hướng đến sự giàu có cho người dân, thì ông Tập dường như tập trung vào các thị trường xuất cảng, biện pháp làm tăng sự giàu có và kiểm soát kinh tế toàn cầu của ĐCSTQ.
Thứ ba, Bắc Kinh tìm cách tăng cường hội nhập kinh tế khu vực và thông qua đó, tiến hành gây ảnh hưởng kinh tế hoặc thậm chí là kiểm soát đối với khu vực lân cận gần Trung Quốc của các nước khác tại Đông Nam Á. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã lạm dụng các mối bang giao của mình ở Đông Nam Á trong nhiều thập niên, chẳng hạn như thực hiện các cuộc tấn công quân sự đối với các lực lượng Việt Nam vào năm 1973, 1979, và 1988, và xâm chiếm các đảo của Philippines vào năm 1994 và 2012. Còn rất ít quốc gia ở Đông Nam Á thực sự tin tưởng Bắc Kinh. Mặc dù họ sẽ giao dịch với Trung Quốc — kể cả cho phép Bắc Kinh sử dụng lãnh thổ của họ để trung chuyển hợp pháp đến những nơi như Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu — nhưng họ sẽ không tin tưởng ĐCSTQ đến mức cho phép nhà cầm quyền này có nhiều ảnh hưởng chính trị hơn ở quốc gia của họ.
Vì vậy, ĐCSTQ đã tự dồn mình vào thế bí về kinh tế và chính trị. Tình thế này không có gì đáng ngạc nhiên vì giới cộng sản chưa bao giờ giỏi hoạt động trong thị trường tự do hoặc giữa các nhóm dân cư tự do và đa dạng trong các nền dân chủ tự do.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times