Khi căng thẳng leo thang, Hoa Kỳ cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước vũ khí hạt nhân
Căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Liên bang Nga dần dần ngày càng leo thang kể từ khi Điện Kremlin tiến hành xâm lược Ukraine hồi tháng 03/2022.
Những căng thẳng đó bắt đầu trở nên trầm trọng hơn sau một báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trước Quốc hội tuyên bố Nga sẽ từ chối cho phép các cuộc thanh tra tại chỗ và không đáp ứng các yêu cầu của chính phủ Tổng thống Biden để thảo luận về việc nước này bị cáo buộc không tuân thủ Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Hạt nhân Chiến lược Mới (New START).
“Nga sẽ không tuân thủ nghĩa vụ của mình theo Hiệp ước New START để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thanh tra trên lãnh thổ của mình,” Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố hôm 31/01 kèm theo Quyết định Không tuân thủ New START của Nga. “Việc Nga từ chối tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thanh tra ngăn cản Hoa Kỳ thực hiện các quyền quan trọng theo hiệp ước và đe dọa khả năng kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Hoa Kỳ và Nga.”
Hiệp ước New START, được Hoa Kỳ và Liên bang Nga ký kết hồi tháng 02/2011, buộc cả hai quốc gia phải duy trì số lượng vũ khí hạt nhân tầm xa như nhau trong kho vũ khí mà họ đã có vào năm 2018 cho đến khi hiệp ước chấm dứt vào tháng 02/2026.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Không phổ biến Vũ khí có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, Nga có khoảng 5,977 đầu đạn hạt nhân với 1,588 đầu đạn “được khai triển” trong khi Hoa Kỳ có 5,550 đầu đạn hạt nhân, trong đó có 3,800 đầu đạn “đang hoạt động.”
New START là sự lặp lại gần đây nhất trong năm thập niên về các hiệp định vũ khí chiến lược giữa các cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới, bắt đầu với Các cuộc đàm phán về Hạn chế Vũ khí Chiến lược năm 1972.
Ông Tony Fleming, giám đốc truyền thông của tổ chức phi đảng phái ACS có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, cho biết báo cáo của Bộ Ngoại giao về việc không tuân thủ đó “chắc chắn sẽ được nêu ra” tại một cuộc họp báo ngày 01/02 về New START do Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí (ACS) tài trợ.
Cuộc họp báo đã định của ACS về “Những Thách thức và Triển vọng đối với việc Kiểm soát Hơn nữa Vũ khí Hạt nhân của Hoa Kỳ-Nga” sẽ bao gồm các bình luận từ Phó Trợ lý Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc Cara Abercrombie, người từng là phó trợ lý tổng thống và là điều phối viên về chính sách quốc phòng và kiểm soát vũ khí, và từ Đại sứ phụ trách Chiến lược và Kiểm soát Vũ khí của Bộ Ngoại giao Phần Lan Jarmo Viinanen, vốn là chủ tịch mới được chỉ định của Ủy ban Chuẩn bị Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân 2023.
Cuộc họp báo còn có sự góp mặt của ông Steve Pifer, Viện sĩ Cao cấp không thường trú tại Viện Brookings và là thành viên William J. Perry tại Trung tâm An ninh & Hợp tác Quốc tế của Đại học Stanford; Cộng tác viên Nghiên cứu Cao cấp Hanna Notte của Trung tâm Giải trừ quân bị và Không phổ biến vũ khí hạt nhân Vienna; và Cộng tác viên Nghiên cứu Cao cấp Matt Korda từ Dự án Thông tin Hạt nhân của Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ.
Trong một dòng tweet hôm 31/01, bà Notte gọi cuộc họp báo này là một “sự kiện quan trọng” và cho biết bà sẽ “nói về việc Nga từ chối gặp Hoa Kỳ” liên quan đến việc tuân thủ New START “và những tác động đối với tương lai của việc kiểm soát vũ khí hạt nhân.”
Trong một tweet hôm 31/01, ông Pifer cho biết ông sẽ ghi nhớ về quyết định không tuân thủ của Bộ Ngoại giao trong cuộc họp báo này.
Các chuyên gia tham dự cuộc họp báo “sẽ thảo luận về sự đóng góp của New START đối với an ninh của Hoa Kỳ và Nga, việc thực thi [và những lo ngại về việc không tuân thủ hiệp ước], cũng như triển vọng kiểm soát vũ khí của Hoa Kỳ-Nga trong tương lai,” ông Pifer viết, đồng thời cho biết thêm rằng Nga “không tuân thủ các nghĩa vụ trong Hiệp ước New START nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thanh tra và tổ chức cuộc họp của Ủy ban Tư vấn Song phương.”
“Những vấn đề này có thể dễ dàng được giải quyết,” ông nói thêm, “nhưng điều này làm dấy lên mối lo ngại về thái độ của Moscow đối với hiệp ước.”
Sau khi biết được thông tin về báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trước Quốc hội, hôm 30/01, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói với hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti rằng “một tình huống rất có thể xảy ra” là Điện Kremlin có thể cho phép New START hết hạn vào năm 2026 mà không đạt được một thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân mới với Hoa Kỳ.
Mặc dù việc không tuân thủ hiệp ước hiện tại là một vấn đề cấp bách, nhưng ACS cho biết thời gian cũng là một yếu tố trong việc đàm phán một hiệp ước vũ khí chiến lược mới giữa hai quốc gia.
New START “sẽ hết hạn sau 1,100 ngày nữa, vào ngày 05/02/2026,” ACS cho biết. “Trừ khi Hoa Thịnh Đốn và Moscow bắt đầu đàm phán nghiêm túc về một khuôn khổ kiểm soát vũ khí hạt nhân mới, nếu không kho vũ khí hạt nhân của Nga và Hoa Kỳ lần đầu tiên kể từ năm 1972 sẽ không bị hạn chế.”
Trong tuyên bố kèm theo quyết định về việc không tuân thủ, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết Nga đã từ chối “nghĩa vụ triệu tập một phiên họp của Ủy ban Tư vấn Song phương” theo hiệp ước để thảo luận về cáo buộc không tuân thủ của nước này nhưng nói thêm rằng vẫn có cơ hội để giải quyết và khắc phục các cáo buộc của Hoa Kỳ.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times