Hội đồng chuyên gia: Nga giữ hiệp ước hạt nhân làm con tin để ngăn Hoa Kỳ viện trợ cho Ukraine
Ngay cả trong những ngày tháng cam go nhất của Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ và Liên bang Xô Viết, và sau này là Liên bang Nga, vẫn duy trì việc tuân thủ các hiệp định vũ khí hạt nhân và duy trì liên lạc để đàm phán về các hiệp ước mới.
Nhưng cuộc xâm lược Ukraine hồi tháng 02/2022 của Nga đã thay đổi toàn bộ mọi thứ, cụ thể là hiện nay Moscow không chịu tách biệt giữa hai vấn đề, đó là việc tuân thủ hiệp ước kiểm soát vũ khí chiến lược với việc viện trợ của Hoa Kỳ dành cho quốc gia đang bị bao vây này.
Bà Hanna Notte, nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Giải trừ Quân bị và Không Phổ biến Vũ khí Hạt nhân Vienna, cho biết: “Trên thực tế, chúng ta đang rơi vào cảnh bị giữ làm con tin.”
Bà Notte khẳng định rằng Nga đã “ngừng tách biệt” các thỏa thuận vũ khí hạt nhân [và xem đó] “như một khoản tiền chuộc” để buộc Hoa Kỳ phải rút lại sự viện trợ của họ đối với Ukraine.
Điều đó sẽ không xảy ra, theo bà Cara Abercrombie, phó trợ lý của tổng thống và điều phối viên về chính sách quốc phòng và kiểm soát vũ khí của Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc.
Bà Abercrombie cho biết, “Chúng ta phải rõ ràng rằng Hoa Kỳ sẽ không nhượng bộ như vậy” và yêu cầu Nga “tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý mà họ đã tự cam kết.”
Bà nói, thường có “những thách thức trong mối bang giao song phương” giữa Hoa Kỳ và Nga trong nhiều thập niên, nhưng cả hai quốc gia đều kiên định duy trì các nghĩa vụ trong hiệp ước như là “các công cụ ổn định và có thể dự đoán được” vì việc tuân thủ có lợi cho cả hai bên và thế giới nói chung.
Mối bang giao vốn đã căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Nga về vấn đề Ukraine càng trở nên trầm trọng hơn khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố rằng Điện Kremlin đang từ chối cho phép thanh sát tại chỗ kho vũ khí hạt nhân của mình và không đáp ứng yêu cầu của chính phủ TT Biden để thảo luận về việc Nga không tuân thủ Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Hạt nhân Chiến lược Mới (New START).
“Nga không tuân thủ nghĩa vụ của mình theo Hiệp ước New START đó là tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thanh sát trên lãnh thổ của nước này,” Bộ Ngoại giao cho biết trong một tuyên bố hôm 31/01 kèm theo bản báo cáo Xác định việc Không tuân thủ New START của Nga trước Quốc hội.
“Việc Nga từ chối tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thanh sát sẽ ngăn cản Hoa Kỳ thực hiện các quyền quan trọng theo hiệp ước và đe dọa khả năng kiểm soát vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ-Nga.”
Hai bà Notte và Abercrombie là một trong số các diễn giả trong một hội thảo trực tuyến kéo dài 90 phút hôm 01/02, “Những Thách thức và Triển vọng trong việc Tăng cường Kiểm soát Vũ khí Hạt nhân giữa Hoa Kỳ và Nga,” do Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn tài trợ.
Không tuân thủ là ‘tính toán của Nga’
Hiệp ước New START, vốn được Hoa Kỳ và Liên bang Nga ký vào tháng 04/2010 và có hiệu lực vào tháng 02/2011, quy định cả hai quốc gia này phải sở hữu cùng một số lượng vũ khí hạt nhân tầm xa giới hạn trong kho vũ khí mà họ có vào năm 2018 cho đến khi hiệp ước này hết hiệu lực vào tháng 02/2026.
Hiệp ước này là sự lặp lại mới nhất trong năm thập niên của hiệp định vũ khí chiến lược giữa các cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới, bắt đầu với các Cuộc đàm phán Hạn chế Vũ khí Chiến lược (SALT) năm 1972.
Bà Notte cho biết các quan chức Nga hiện nhấn mạnh rằng việc tuân thủ Hiệp ước New START và các cuộc đàm phán về bất kỳ hiệp ước kiểm soát vũ khí nào trong tương lai sau khi hiệp ước này hết hạn vào năm 2026 đều sẽ “bị ảnh hưởng” bởi cuộc chiến ở Ukraine và rằng sự trợ giúp của Hoa Kỳ dành cho Kyiv đã “khiến cho hoạt động như bình thường không còn khả thi nữa.”
Bà cho biết, với thỏa thuận cung cấp xe tăng chủ lực cho Ukraine gần đây của chính phủ TT Biden, thì “tình hình chung vẫn chưa thuận lợi để ấn định một ngày mới” cho các cuộc đàm phán với người Nga về các vấn đề tuân thủ và một hiệp ước mới.
“Cuộc xâm lược Ukraine đã trở thành nguyên tắc bao trùm trong chính sách ngoại giao của Nga,” bà Notte cho hay.
“Đối với Nga, những mối quan tâm khác chỉ là thứ yếu. Điều gì sẽ xảy ra vào năm 2026 không phải là điều đáng lo ngại. Vấn đề thực sự là Điện Kremlin tin rằng họ có thể gây sức ép buộc Hoa Kỳ chấm dứt việc viện trợ cho Ukraine trong bao lâu nữa.
“Họ muốn ép buộc Hoa Kỳ cân nhắc lại việc viện trợ của họ đối với Ukraine. Tôi không nghĩ là Hoa Kỳ sẽ chùn bước.”
Đây có thể là “tính toán của Nga, ít nhất là trong thời điểm hiện tại,” bởi vì cuối cùng Moscow sẽ được lợi nhiều nhất bằng cách nối lại liên lạc và hợp tác với các quá trình thẩm tra vì Hoa Kỳ có nhiều khả năng tăng cường năng lực chiến lược nhanh hơn họ, bà cho hay.
Bà Abercrombie cho biết Hoa Kỳ sẽ tiếp tục nói với Nga rằng họ có một “lộ trình rõ ràng để tuân thủ” bằng cách cho phép các đợt thanh sát và triệu tập một cuộc họp của một ủy ban song phương để thảo luận về bất kỳ vấn đề nào với hiệp ước này.
“Không có gì ngăn cản họ tiếp tục thanh sát [kho vũ khí của Hoa Kỳ],” bà nói. “Chúng tôi đã làm mọi thứ trong khả năng của mình để bảo đảm các thanh sát viên Nga có thể đến các địa điểm bên trong Hoa Kỳ và trên toàn cầu. Không có rào cản nào trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc thanh sát của Nga.”
Các cuộc thanh sát qua lại giữa hai nước đã bị tạm ngưng vào năm 2020 vì đại dịch COVID-19. Hồi tháng 08/2022, Hoa Kỳ muốn nối lại các cuộc thanh sát, nhưng Nga từ chối, với lý do là việc nối lại sẽ mang lại “các lợi thế đơn phương cho Hoa Kỳ.” Ông Steve Pifer, thành viên cao cấp không thường trực tại Viện Brookings và thành viên William J. Perry tại Trung tâm Hợp tác và An ninh Quốc tế của Đại học Stanford, cho biết Nga không giải thích hàm nghĩa của phát ngôn trên.
Hồi tháng 11/2022, phía Nga đã từ chối triệu tập một cuộc họp của ủy ban song phương để thảo luận về các vấn đề liên quan đến hiệp ước. Ông Pifer cho biết đầu tiên đó họ chỉ trì hoãn, nhưng sau đó họ đã quyết định hủy bỏ vì theo Moscow, nguyên nhân là vì Hoa Kỳ và các quốc gia Tây Âu có “thái độ thù địch với Nga”.
“Nếu chúng ta để lâu không thanh sát, thì sẽ chỉ tạo ra mối lo ngại lớn hơn. Hoa Kỳ ngày nay ít tin tưởng hơn vào tính chính xác trong tuyên bố của Nga về số đầu đạn hạt nhân được khai triển,” ông nói. “Nếu như để lâu mà không thực hiện thanh sát tại chỗ — đến giờ là hai năm rưỡi — thì sẽ đặt ra các câu hỏi [về gian lận], tạo ra áp lực lớn hơn để rời bỏ Hiệp ước New START.”
Sự ngờ vực có thể thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân
Theo ông Pifer, sự gián đoạn đang diễn ra này làm dấy lên mối lo ngại về khả năng của hai quốc gia, vốn sở hữu 90% vũ khí hạt nhân của thế giới, trong việc đàm phán một hiệp định mới khi hiệp ước hiện tại hết hiệu lực vào năm 2026.
“Thời gian ngày càng ngắn lại. Chúng ta có ba năm cho đến khi New START hết hạn. Có vẻ như là một khoảng thời gian dài nhưng sẽ không đủ nếu quý vị đang cố gắng làm điều gì đó có tổ chức,” ông nói, đồng thời cũng đồng ý với bà Abercrombie rằng các vấn đề về tuân thủ “có thể khắc phục được một cách dễ dàng:” Cho phép kiểm tra và triệu tập một cuộc họp song phương của ủy ban.
“Bây giờ chúng ta đang ở năm 2023. Tôi đoán là có thể không có ngày xác định [để bắt đầu các cuộc đàm phán hiệp ước mới] nhưng khả năng làm điều gì đó về vấn đề này sẽ giảm đi, tùy thuộc [vào] lượng thời gian mà hai quốc gia trên có. Càng có ít thời gian, chúng ta càng có ít tham vọng hơn.”
Ông Pifer cho biết, sự ngờ vực đã nổi lên, đồng thời trích dẫn một bình luận từ Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Hạ viện, Dân biểu Mike Roberts (Cộng Hòa-Alabama) rằng hiện tại Tham mưu trưởng Liên quân chắc hẳn đang cho rằng Nga đang gian lận bằng cách vượt quá mức giới hạn về vũ khí chiến lược.
“Quý vị sẽ thấy loại áp lực đó,” ông cho hay.
“Chúng tôi thực sự đang thấy điều đó diễn ra,” ông Matt Korda, một phụ tá nghiên cứu cao cấp của Dự án Thông tin Hạt nhân của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, đã đồng ý, đồng thời cho rằng phản ứng của ông Roberts đối với báo cáo của Bộ Ngoại giao rằng Nga đang vượt quá giới hạn là một sai lầm nguy hiểm.
“Báo cáo trên không buộc tội Nga đã làm việc đó. Họ không tuân thủ [các cuộc thanh sát] nhưng không vượt quá các giới hạn” về vũ khí, ông nói. “Các chính trị gia chỉ mất vài giờ để quyết định buộc tội Nga đã vượt quá các giới hạn.”
“Vì vậy, quý vị chỉ có thể tưởng tượng phản ứng sẽ ra sao nếu chúng ta không còn hiệp ước vào năm 2026.”
Theo ông Jarmo Viinanen, đại sứ Bộ Ngoại giao Phần Lan về kiểm soát vũ khí và chiến lược cũng như chủ tịch được chỉ định của Ủy ban Trù bị Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân 2023, các hiệp ước vũ khí hạt nhân giữa Hoa Kỳ và Nga đã ngăn cản các quốc gia khác phát triển hoặc mở rộng kho vũ khí của họ.
Ông nói nếu không có một hiệp ước, một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân sẽ diễn ra.
Theo ông Viinanen, “Việc kiểm soát vũ khí hạt nhân sụp đổ” sẽ là một thảm họa đối với các quốc gia trên toàn cầu, không chỉ trong việc hạn chế các cường quốc mở rộng kho vũ khí mà còn trong việc chống phổ biến vũ khí hạt nhân đối với những quốc gia đã chọn không chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt của riêng mình.
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times