TT Biden: Không có bằng chứng cho thấy ông Putin dự định sử dụng vũ khí hạt nhân
Hôm 22/02, Tổng thống (TT) Joe Biden đã gọi quyết định việc Nga quyết định ngừng tham gia hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng còn lại với Hoa Kỳ là một “sai lầm lớn” nhưng ông nhấn mạnh rằng cho đến nay không có bằng chứng nào cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin đang tìm cách sử dụng các vũ khí hạt nhân.
TT Biden đã đưa ra những bình luận này trong một cuộc phỏng vấn với ABC News ngay sau khi ông Putin tuyên bố trong một bài diễn văn quốc gia rằng Moscow sẽ tạm ngừng tham gia vào một hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân lớn.
Ông Biden nói, “Làm điều đó là một sai lầm nghiêm trọng. Không có trách nhiệm lắm. Và — nhưng tôi không thấy thông tin rằng ông ấy đang nghĩ đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân hay bất cứ thứ gì tương tự.”
TT Biden được hỏi liệu ông có tin rằng Hoa Kỳ kém an toàn hơn khi Nga rút khỏi hiệp ước này hay không.
“Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ kém an toàn hơn khi từ chối tham gia các thỏa thuận kiểm soát vũ khí vốn rất có lợi cho cả hai bên và cho lợi ích của thế giới. Nhưng tôi không nhận thấy bất cứ điều gì, chúng tôi không nhận thấy bất cứ điều gì — như sự thay đổi trong quan điểm của ông ấy và những gì họ đang làm,” ông Biden trả lời. “Ý tưởng rằng bằng cách nào đó điều này có nghĩa là họ đang nghĩ đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân… hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa, hiện không có bằng chứng nào về điều đó.”
TT Biden cũng cho biết ông “tin tưởng” rằng Hoa Thịnh Đốn và Moscow sẽ “có thể giải quyết được vấn đề này.”
Các điều khoản trong hiệp ước hạt nhân
Trong thông báo hôm 21/02, ông Putin cho biết rằng Nga sẽ không rút khỏi hiệp ước New START mà “chỉ đang tạm ngừng [sự tham gia của chúng tôi vào] hiệp ước đó.”
Hiệp ước này đã được Tổng thống Hoa Kỳ đương thời Barack Obama và người đồng cấp Nga Dmitry Medvedev ký kết lần đầu tiên hồi năm 2010, và đã có hiệu lực vào ngày 05/02 một năm sau đó.
Hồi năm 2021, ngay sau khi ông Biden nhậm chức, hiệp ước này đã được gia hạn thêm một giai đoạn năm năm và sẽ hết hiệu lực vào ngày 04/02/2026.
Hiệp ước này có mục đích đặt ra giới hạn về số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược mà cả hai nước có thể khai triển miễn là hiệp ước vẫn còn hiệu lực. Theo thỏa thuận này, cả Moscow và Hoa Thịnh Đốn đều cam kết khai triển không quá 1,550 đầu đạn hạt nhân chiến lược và tối đa 700 hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa (ICBM), hỏa tiễn đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM), và các oanh tạc cơ hạng nặng.
Thỏa thuận này cũng nhằm tăng cường an ninh quốc gia của Hoa Kỳ bằng cách cho phép Hoa Kỳ tiến hành 18 cuộc thanh tra tại chỗ các cơ sở vũ khí hạt nhân chiến lược ở Nga mỗi năm để bảo đảm nước này không vi phạm các giới hạn của hiệp ước.
Ngược lại, Nga cũng có thể tiến hành 18 cuộc thanh tra tại chỗ mỗi năm ở Hoa Kỳ.
Các cuộc thanh tra theo thỏa thuận này đã bị tạm dừng hồi tháng 03/2020 trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và các cuộc đàm phán dự kiến được tổ chức vào tháng Mười Một để thảo luận về việc tiếp tục những cuộc thanh tra này nhưng Nga đã trì hoãn.
Cả Hoa Kỳ và Nga được cho là chiếm khoảng 90% vũ khí hạt nhân hiện có của thế giới.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Nga đang tiếp tục xâm lược Ukraine và sự ủng hộ kiên định của phương Tây đối với Kiev, ông Putin đã cáo buộc trong bài diễn văn trước toàn quốc mới đây rằng Hoa Kỳ đang biến cuộc chiến này thành một cuộc xung đột toàn cầu.
TT Biden thăm Ukraine
“Hoa Kỳ và NATO công khai tuyên bố rằng mục tiêu chiến lược của họ là đánh bại Nga,” ông Putin nói. “Thế mà họ nghĩ rằng họ sẽ được phép thanh tra các cơ sở vũ khí hạt nhân của chúng ta sao?”
Ông Putin lập luận rằng trong khi Hoa Thịnh Đốn đang thúc đẩy việc tiếp tục các cuộc thanh tra tại chỗ các cơ sở hạt nhân của Nga, thì các đồng minh NATO đang tích cực giúp Ukraine tấn công các căn cứ không quân chiến lược của Nga.
Hồi tháng 12/2022, quân đội Nga cho biết đã bắn hạ các phi cơ không người lái của Ukraine xung quanh các căn cứ không quân ở sâu bên trong đất nước này.
“Các phi cơ không người lái được sử dụng cho nước này đã được trang bị và hiện đại hóa với sự giúp đỡ của chuyên gia NATO,” ông Putin nói. “Và bây giờ họ muốn thanh tra các cơ sở quốc phòng của chúng ta? Trong các điều kiện của cuộc đối đầu hiện nay, điều đó nghe có vẻ hoàn toàn vô lý.”
Trong bài diễn văn của mình, ông Putin đã nhấn mạnh rằng Nga không hoàn toàn rút khỏi hiệp ước hạt nhân mà chỉ đang tạm ngừng tham gia. Bộ Ngoại giao Nga cũng cho biết giới hạn vũ khí hạt nhân sẽ vẫn được tôn trọng và Nga sẽ tiếp tục trao đổi thông tin về các vụ phóng thử hỏa tiễn đạn đạo theo các thỏa thuận trước đó với Hoa Kỳ.
Trước đó trong tuần này, TT Biden đã có chuyến thăm bất ngờ tới Kyiv, nơi ông gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và đã cam kết viện trợ thêm nửa tỷ USD cho quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá này.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times