Kenya tiết lộ một phần hợp đồng dự án đường sắt do Trung Quốc tài trợ, cho thấy tham vọng của Bắc Kinh ở Phi Châu
Chính phủ Kenya hôm 06/11 đã đơn phương công bố ba tài liệu từ một hợp đồng cho vay với ĐCSTQ cho dự án đường sắt lớn do Trung Quốc tài trợ của nước này. Các tài liệu quy định rằng Kenya không thể tiết lộ nội dung của hợp đồng cho bất kỳ bên thứ ba nào mà không có sự đồng ý của nhà tài trợ, ngân hàng Trung Quốc. Do đó, tiết lộ của chính phủ Kenya đã thu hút sự chú ý đáng kể.
Hợp đồng xây dựng tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn (SGR) đã được ký kết vào năm 2014 bởi Tổng thống Kenya khi đó là ông Uhuru Muigai Kenyatta và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Kể từ đó, nhiều người ở Kenya đã đặt câu hỏi về các vấn đề như tham nhũng, nợ cao, thất nghiệp và nguy cơ thất bại của dự án, dẫn đến việc tân Tổng thống Kenya William Ruto phải công bố các tài liệu từ hợp đồng để thực hiện lời hứa bầu cử của mình.
Các nhà phân tích cho rằng đây là một hành động hiếm gặp và bày tỏ lo ngại rằng điều này có thể làm căng thẳng quan hệ Kenya-Trung Quốc.
Các tài liệu cho thấy các nội dung có lợi cho Trung Quốc một cách đơn phương.
Phía Trung Quốc yêu cầu rõ ràng rằng bất kỳ hàng hóa nào được mua bằng tiền thu được từ tuyến đường sắt đều phải có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Mọi tranh chấp phát sinh từ việc thực hiện thỏa thuận phải được giải quyết thông qua ủy ban trọng tài Trung Quốc.
Bất kỳ sự vỡ nợ nào của Kenya đối với bất kỳ khoản vay bên ngoài nào khác sẽ tự động dẫn đến một điều khoản vỡ nợ đối với khoản vay đường sắt, buộc Kenya phải trả ngay khoản vay đường sắt với đầy đủ lãi suất và cho phép phía Trung Quốc có quyền ngừng tài trợ thêm.
Theo New York Times, nhà kinh tế Tony Vatima cho biết các điều khoản của khoản vay đắt hơn dự kiến, vì lãi suất cho các khoản vay cao hơn bình thường đối với các thỏa thuận như vậy giữa hai chính phủ.
Ba tài liệu tiết lộ rằng Trung Quốc đã chiếm thế thượng phong trong các cuộc đàm phán. Thông tin công khai cho thấy Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Kenya và Kenya nợ Trung Quốc nhiều nợ song phương hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Tham nhũng dẫn đến dự án thất bại
Trong những năm kể từ khi ký hợp đồng cho dự án SGR đến cuộc tổng tuyển cử ngày hôm 09/08/2022 ở Kenya, dự án kể trên đã trở thành mục tiêu của các cuộc điều tra tham nhũng, đã có những cuộc phản đối dai dẳng của các nhà môi trường về việc phá hủy hệ sinh thái của các công viên quốc gia Kenya và của ngành vận tải đường bộ về tình trạng thất nghiệp ồ ạt đã dẫn đến khó khăn và bất ổn xã hội.
Sau khi hoàn thành 480 km (298 dặm) của SGR Mombasa-Nairobi, kế hoạch ban đầu là kết nối Kenya với Uganda bằng cách kéo dài tuyến từ Nairobi đến Malaba, biên giới phía tây của Kenya. Tuy nhiên, SGR Nairobi-Malaba đột ngột kết thúc ở vùng hoang dã của Thung lũng Tách giãn Đông Phi. Bắc Kinh sau đó đã giữ lại khoản vay 4.7 tỷ USD cần thiết để hoàn thành dự án, để lại Kenya với một tuyến đường sắt chưa hoàn thành, không sinh lời, và một khoản nợ khổng lồ phải giải quyết.
Hôm 21/06/2020, ba thẩm phán tại Tòa Phúc thẩm Kenya đã phán quyết rằng hệ thống đấu thầu dự án SGR đã bỏ qua các thủ tục mua sắm hợp pháp và rằng Tập đoàn Đường sắt Kenya (KRC), với tư cách là bên mua, đã vi phạm hiến pháp. Tòa án yêu cầu KRC tiết lộ thỏa thuận của họ với ĐCSTQ.
Trước cuộc bầu cử ở Kenya, Phó Tổng thống Ruto, 55 tuổi, và Thủ tướng Raila Odinga, 77 tuổi, đã đổ lỗi cho nhau về dự án SGR và cố gắng vạch ra một ranh giới, với việc ông Ruto thừa nhận rằng dự án đường sắt này cho đến nay đã thất bại trong việc thúc đẩy nền kinh tế và Kenya trở thành nạn nhân vì phải trả nợ cho Trung Quốc.
Ông John Githongo, một quan chức cao cấp của Kenya, người đã dành cả cuộc đời chống tham nhũng, cho biết: “Đường sắt khổ tiêu chuẩn là viên ngọc quý trên vương miện tham nhũng ở Kenya. Đó là một di sản đáng buồn của chế độ hiện tại.”
Các công tố viên Kenya cũng cáo buộc rằng ngay cả khi cuộc điều tra đang được tiến hành, ba nghi phạm người Trung Quốc đã hối lộ 5,000 USD cho các nhà điều tra, nhằm gây ảnh hưởng đến cuộc điều tra hình sự.
Đường sắt Tanzania-Zambia do ĐCSTQ hỗ trợ tái diễn
Dự án SGR của Kenya gợi nhớ đến tuyến đường sắt Tanzania-Zambia, được xây dựng với sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào những năm 1960 với chi phí rất lớn của người dân Trung Quốc.
Theo cựu Bộ trưởng Thương mại Tanzania Abdulrahman Mohamed Babu, hôm 18/02/1965, Tổng thống Tanzania khi đó là ông Julius Nyerere đã đến thăm Bắc Kinh và chính thức đề nghị với Chủ tịch Trung Quốc lúc đó là Lưu Thiếu Kỳ, Thủ tướng Chu Ân Lai, và Bộ trưởng Ngoại giao Trần Nghị rằng ông hy vọng Trung Quốc sẽ hỗ trợ việc xây dựng Đường sắt Tanzania.
Sau đó, Tổng thống Zambian Kenneth David Kaunda, người đã lãnh đạo đất nước giành độc lập, tỏ ra hoài nghi về chủ nghĩa cộng sản, nhưng buộc phải đồng ý với sự hỗ trợ của ĐCSTQ trong việc xây dựng Đường sắt Tanzania-Zambia, sau khi không nhận được sự hỗ trợ về cơ sở hạ tầng từ phương Tây.
Hôm 05/09/1967, trong cuộc Cách mạng Văn hóa của Trung Quốc, ông Chu Ân Lai đã gặp phái đoàn kinh tế chung Tanzania-Zambia và ký một thỏa thuận hỗ trợ xây dựng tuyến đường sắt Tanzania-Zambia.
Trong cuốn sách “Sự Nghiệp Ngoại Giao Trong Thời Kỳ Phi Thường” (“Diplomatic Career in Extraordinary Times”), ông Chu Bá Bình (Zhou Boping), lúc đó là Đại biện lâm thời của Đại sứ quán Trung Quốc tại Tanzania, tiết lộ rằng “tổng chi phí của dự án là 1.09 tỷ nhân dân tệ (khoảng 152.7 triệu USD), tất cả đều được do Trung Quốc cung cấp. Ước tính ban đầu 988.37 triệu nhân dân tệ (khoảng 138 triệu USD) là khoản vay không lãi suất trong 30 năm và khoản vượt 106 triệu nhân dân tệ (khoảng 14.8 triệu USD) do lạm phát là một món quà miễn phí.”
Năm 1970, công việc xây dựng bắt đầu hôm 26/10 ở Tanzania và hôm 28/10 ở Zambia.
Trung Quốc đã cử đi 56,000 nhân viên kỹ thuật. Trong hơn sáu năm, 47 chuyên gia, kỹ thuật viên, và công nhân Trung Quốc đã thiệt mạng trong công việc.
Tuyến đường sắt dài 1,860.5 km (1,156 dặm) cuối cùng đã hoàn thành hôm 14/07/1976.
ĐCSTQ đã thu được những lợi ích từ dự án đường sắt vào năm 1971, khi Nghị quyết 2758 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc được bỏ phiếu thông qua. Các đại diện của Tanzania thậm chí còn mặc đồng phục Trung Quốc để bỏ phiếu. Với việc đại đa số các quốc gia Phi Châu bỏ phiếu ủng hộ, ĐCSTQ đã thay thế Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) tại Liên Hiệp Quốc.
Một bài báo vào tháng Chín năm 2009 của phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc Southern Weekly đã mô tả tuyến Đường sắt Tanzania-Zambia là “tài sản vô hình” trong chính sách ngoại giao của ĐCSTQ, và được coi là “hình mẫu và hình ảnh thu nhỏ” về sự mở rộng trong ngoại giao của ĐCSTQ trong những năm đầu cầm quyền.
Do Ben Liang và Olivia Li thực hiện
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times