Iran: Biểu tình lan rộng trong bối cảnh căng thẳng khu vực gia tăng
Iran đã chứng kiến các cuộc biểu tình bạo lực kéo dài nhiều ngày hồi tuần qua (19-25/09), khởi phát từ việc một phụ nữ 22 tuổi tên Mahsa Amini đã tử vong trong lúc bị cảnh sát giam giữ sau khi bị bắt vì “trang phục không phù hợp”. Hàng chục người được cho là đã thiệt mạng, gồm cả nhân viên an ninh, trong sự kiện mà truyền thông nhà nước Iran đã mô tả là “các cuộc bạo loạn do ngoại quốc hậu thuẫn.”
Tuy các quan chức Hoa Kỳ lên tiếng ủng hộ những người biểu tình, nhưng Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tuyên bố sẽ xử trí “thẳng tay” các cuộc biểu tình, mà vẫn còn dai dẳng ở một số thành phố của Iran tính đến hôm 25/09.
Ông Mehmet Koc, một chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Iran có trụ sở tại Ankara, cho rằng những cuộc biểu tình là “sự phẫn nộ âm ỉ kéo dài đối với các quy định bắt buộc đội khăn trùm đầu của Iran, mà đỉnh điểm là sự qua đời của cô Mahsa Amini.”
Ông Koc nói với The Epoch Times, “Tuy nhiên có thể các lực lượng ngoại quốc hy vọng sẽ lợi dụng cuộc khủng hoảng này.”
Đáng chú ý, những cuộc biểu tình này lần đầu tiên nổ ra vào cùng ngày Iran chính thức gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), một khối đáng gờm gồm các quốc gia Á-Âu do Nga và Trung Quốc dẫn đầu.
Vụ thiệt mạng thổi bùng sự phẫn nộ của dân chúng
Hôm 13/09, cô Amini đã bị giam giữ tại Tehran vì không tuân thủ quy định trang phục nghiêm ngặt của Cộng Hòa Hồi giáo đối với phụ nữ Iran. Ba ngày sau, cô đã qua đời tại bệnh viện trong quá trình bị cảnh sát giam giữ.
Tuy các nhà chức trách tuyên bố cô Amini tử vong vì suy tim đột ngột, nhưng gia đình cô nói rằng có bằng chứng cho thấy cô đã bị cảnh sát đối xử ngược đãi về thể chất dẫn đến thiệt mạng.
Hôm 16/09, hàng ngàn người đã xuống đường ở thủ đô để phản đối vụ thiệt mạng của cô Amini và những hạn chế thủ cựu của Iran về trang phục, theo đó phụ nữ phải đội khăn trùm đầu và mặc quần áo rộng.
Bất chấp việc các nhà chức trách đã hứa sẽ điều tra vụ việc, các cuộc biểu tình nhanh chóng lan sang các thành phố khác, bao gồm Esfahan, Tabriz, và Mashhad. Trong một số trường hợp, những người biểu tình giận dữ đã tấn công và phóng hỏa các đồn cảnh sát cùng xe cộ.
Theo các tính toán gần đây từ các nguồn tin chính thức của Iran, ít nhất 35 người, bao gồm cả nhân viên an ninh, đã thiệt mạng trong cuộc bạo loạn này. Tuy nhiên, một số nhà bình luận độc lập đưa ra tổng số người thiệt mạng còn cao hơn nhiều.
Trong bối cảnh các báo cáo rằng chính quyền Iran đã cắt quyền truy cập Internet, hôm 23/09, Bộ Ngân khố Hoa Kỳ đã tuyên bố sẽ mở rộng phạm vi các dịch vụ trực tuyến có sẵn ở nước này.
Thứ trưởng Bộ Ngân khố Wally Adeyemo cho biết Hoa Thịnh Đốn đang “tăng cường sự hỗ trợ trong việc cung cấp luồng thông tin miễn phí cho người dân Iran.”
Cùng ngày đã chứng kiến các cuộc biểu tình phản đối lớn ở một số thành phố của Iran, tại đó những người biểu tình bảo vệ các chuẩn tắc văn hóa Hồi giáo đã lên tiếng ủng hộ chính phủ, và đổ lỗi tình trạng bất ổn này cho “kẻ thù ngoại quốc”.
Trong các bình luận trên truyền hình, Bộ trưởng Nội vụ Iran Ahmad Vahidi khẳng định rằng những cuộc biểu tình chống chính phủ này “hoàn toàn không liên quan đến cô Amini,” và rằng “các nhóm có tổ chức” đang lợi dụng sự ra đi của cô Amini để tìm cách “tàn phá đất nước này.”
Những tái cơ cấu địa chính trị
Biểu tình bắt đầu bùng phát hôm 16/09 sau thông tin về sự qua đời của cô Amini, cũng là ngày mà Iran gia nhập SCO tại một hội nghị thượng đỉnh mang tính bước ngoặt ở thành phố Samarkand của Uzbekistan.
Với sự tham dự của lãnh đạo các quốc gia Á-Âu lớn, gồm cả Nga và Trung Quốc, hội nghị thượng đỉnh SCO tại Samarkand được nhiều người xem là thách thức trực tiếp đối với ảnh hưởng của phương Tây trong khu vực này.
Hiện là khối liên minh khu vực lớn nhất thế giới, SCO được Moscow và Bắc Kinh sáng lập hồi năm 2001 nhằm đóng vai trò như một bức tường thành chống lại quyền bá chủ toàn cầu có thể cảm nhận được của Hoa Kỳ.
Nói với các nhà lãnh đạo Á-Âu tại hội nghị thượng đỉnh này, Tổng thống Nga Vladimir Putin ca ngợi sự xuất hiện của “các trung tâm quyền lực mới” có thể đứng vững trước ảnh hưởng của phương Tây.
Ông Koc tin rằng Iran, vốn là mục tiêu bị Hoa Kỳ trừng phạt lâu nay, sẽ được hưởng lợi từ tư cách thành viên trong tổ chức này.
“Thứ nhất, nó [tư cách thành viên trong SCO] sẽ bù đắp những nỗ lực của Hoa Thịnh Đốn nhằm cô lập Iran trên trường quốc tế,” ông nói. “Nó cũng sẽ tăng cường năng lực của nước này nhằm đối phó với các tác động do các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ gây ra.”
Tư cách thành viên SCO cũng được kỳ vọng sẽ củng cố mối bang giao giữa Iran và Nga, cả hai đều ủng hộ vững chắc chính phủ ông Bashar al-Assad của Syria.
Đáng chú ý, hôm 23/09, các quan chức Kyiv đã công bố kế hoạch hạ cấp liên hệ ngoại giao giữa Ukraine và Tehran vì Iran bị cáo buộc quyết định cung cấp phi cơ không người lái tân tiến cho Nga.
Tại Samarkand, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết thế giới hiện đang chứng kiến sự tái cơ cấu địa chính trị “chưa từng thấy trong một thế kỷ.” Ông cũng cảnh báo về những nỗ lực của “các thế lực ngoại quốc” nhằm kích động “các cuộc cách mạng màu” ở các nước thành viên SCO.
Về phần mình, ông Koc bác bỏ gợi ý rằng các cường quốc ngoại quốc đang “tổ chức và thực hiện” các cuộc biểu tình đang diễn ra ở Iran.
“Nhưng có thể các lực lượng ngoại quốc hy vọng sẽ lợi dụng cuộc khủng hoảng này,” ông nói, lưu ý rằng những cuộc biểu tình này “diễn ra đúng thời điểm Iran không muốn nhượng bộ trong các cuộc đàm phán với phương Tây về chương trình hạt nhân của họ.”
Tình trạng bất ổn trong khu vực
Iran không phải là quốc gia thành viên SCO duy nhất trải qua căng thẳng trong vòng hai tuần qua.
Hôm 12/09, các cuộc đụng độ đã nổ ra giữa Armenia và quốc gia thành viên SCO Azerbaijan, khiến hai bên đều có thương vong. Hai ngày sau, ít nhất 100 người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa hai nước thành viên SCO là Tajikistan và Kyrgyzstan.
Theo ông Koc, sự kình địch đang leo thang nhanh chóng giữa Nga và các nước phương Tây nói chung “có thể là một yếu tố góp phần vào tình trạng bất ổn gần đây ở các khu vực được xem là sân sau của Nga.”
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times