Iran: Trao đổi tù nhân với Hoa Kỳ không liên quan đến đàm phán hạt nhân
Hôm 22/08, Bộ Ngoại giao Iran cho biết việc trao đổi tù nhân với Hoa Thịnh Đốn không liên quan đến các cuộc đàm phán gián tiếp với Hoa Kỳ nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani nói với các phóng viên hôm 22/08, “Chúng tôi nhấn mạnh rằng việc trao đổi tù nhân với Hoa Thịnh Đốn là một vấn đề riêng biệt, và không liên quan gì đến quá trình đàm phán để khôi phục hiệp ước năm 2015.”
Iran đã yêu cầu trả tự do cho một số người Iran đang bị giam giữ vì các cáo buộc liên quan đến các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, mặc dù Hoa Kỳ đã liên tục kêu gọi một số công dân mang hai quốc tịch Iran–Mỹ — những người đang bị giam giữ tại Iran vì các cáo buộc an ninh — được trả tự do, bao gồm cả doanh nhân Siamak Namazi.
Hôm 16/08, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã đăng một dòng tweet về ông Namazi, người đã bị giam giữ vào năm 2015 và bị tuyên án 10 năm sau một phiên tòa xét xử kín.
Ông Blinken viết trên Twitter rằng, “Ông Siamak Namazi hiện đã bị giam giữ bất hợp pháp 2,500 ngày ở Iran. Chúng tôi quyết tâm giành lại quyền tự do cho ông ấy và bảo đảm tất cả những người Mỹ bị Iran giam giữ oan trái, bao gồm cả cha của ông ấy, ông Baquer, có thể hồi hương.”
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price cho biết trong một cuộc họp báo hôm 16/08 rằng Hoa Thịnh Đốn tin rằng những người bị giam giữ ở Iran đang “bị giữ như một con tốt chính trị, có lẽ được chế độ Iran thực hiện … trong một nỗ lực tìm kiếm đòn bẩy chính xác hoặc một số biện pháp nhượng bộ khác.”
“Đó là một thông lệ gớm ghiếc. Đó là một thông lệ mà chúng tôi lên án ở bất cứ đâu và ở mọi nơi nó diễn ra,” ông Price nói thêm.
Lời đề nghị ‘cuối cùng’ từ Liên minh Âu Châu
Sau hành động mới nhất từ Hoa Thịnh Đốn, các quan chức ở Tehran cho biết họ sẵn sàng trao đổi tù nhân miễn là Hoa Kỳ trả tự do cho các công dân Iran bị bỏ tù mà không có bất kỳ điều kiện nào, theo các bản tin địa phương.
Ông Kanaani nói với các phóng viên hôm 22/08 rằng Hoa Kỳ đang “chần chừ” trong các cuộc đàm phán gián tiếp để khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015, còn được gọi là Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA). Việc thương thuyết đã diễn ra trong hơn 16 tháng và do các quan chức Liên minh Âu Châu làm trung gian.
Hôm 08/08, các quan chức EU đã đưa ra một đề nghị “cuối cùng” để bảo vệ thỏa thuận này và cho biết họ mong đợi có được phản hồi trong vòng “rất, rất ít tuần,” Reuters đưa tin.
Tuy nhiên, các quan chức Iran cho biết họ đã xác định được một số vấn đề trong lời đề nghị mới nhất và kêu gọi Hoa Thịnh Đốn thể hiện sự linh hoạt để giải quyết những vấn đề đó. Tuần trước, Hoa Thịnh Đốn cho biết họ đang nghiên cứu phản ứng của Iran.
Ông Kanaani nói: “Chúng tôi không thể nói rằng chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận hoàn chỉnh, chừng nào chúng tôi đồng ý về tất cả các vấn đề.”
Hoa Kỳ đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, người sau đó đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Iran.
Tuy nhiên, ông Biden hy vọng sẽ đưa Iran trở lại thỏa thuận này trong một nỗ lực ngăn nước này thúc đẩy chương trình hạt nhân của mình. Các cuộc đàm phán giữa hai nước đã nhiều lần đổ vỡ do mâu thuẫn về lời đề nghị của Tehran cho rằng Hoa Thịnh Đốn phải bảo đảm rằng sẽ không có tổng thống Hoa Kỳ nào từ bỏ thỏa thuận này trong tương lai.
Ông Biden không thể đưa ra những bảo đảm như vậy vì thỏa thuận hạt nhân này thiên về hiểu biết chính trị hơn là một hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý.
“Chúng tôi tìm kiếm một thỏa thuận hữu ích có thể bảo đảm lợi ích quốc gia của Iran và sẽ bền lâu,” ông Kanaani nói. “Chúng tôi sẽ không dẫm vào vết xe đổ thêm lần nào nữa.”
Cô Katabella Roberts là một cây viết tin tức cho The Epoch Times, chủ yếu tập trung vào Hoa Kỳ, thế giới, và tin tức kinh doanh.