Indonesia lên án việc ‘chính trị hóa’ Hội đồng Liên Hiệp Quốc
Chính phủ Indonesia cho biết họ từ chối một đề nghị do phương Tây dẫn đầu nhằm tranh luận về các hành vi bị cáo buộc là vi phạm nhân quyền của Trung Quốc ở Tân Cương khi nước này tìm cách tránh việc “chính trị hóa” Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC).
Tổng cộng 17 quốc gia đã bỏ phiếu ủng hộ, 19 quốc gia phản đối, và 11 quốc gia bỏ phiếu trắng trong một cuộc bỏ phiếu để thảo luận về việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đàn áp người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi và các tộc người thiểu số khác ở Tân Cương.
Indonesia, quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới, nằm trong số 19 quốc gia bỏ phiếu phản đối bản kiến nghị, ngoài ra còn có Qatar, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, và Pakistan.
Ông Febrian Ruddyard, đại diện thường trực của Indonesia tại Liên Hiệp Quốc, cho biết bản kiến nghị sẽ “không mang lại sự tiến triển có ý nghĩa” vì nó “không nhận được sự đồng ý và hỗ trợ của quốc gia có liên quan”, Benar News đưa tin.
Ông Achsanul Habib, giám đốc nhân quyền tại Bộ Ngoại giao Indonesia, nói rằng các quốc gia thành viên UNHRC nên tham gia “đối thoại khách quan” và không nên sử dụng cách tiếp cận có chọn lọc đối với các vấn đề nhân quyền.
“Chúng tôi đã bỏ phiếu ‘không’ bởi vì chúng tôi không muốn chính trị hóa Hội đồng Nhân quyền, [vì nó] sẽ bị sử dụng cho mục đích ganh đua chính trị,” ông nói với các phóng viên hôm thứ Sáu (07/10).
Ông Achsanul lưu ý rằng Indonesia đã tham khảo ý kiến của tất cả các bên liên quan đến quyết định của mình, trong đó có Trung Quốc và những nước ủng hộ đề nghị này.
Các nhóm Nhân quyền nói lên những tiếc nuối
Hoa Kỳ, Anh, Canada, Úc, Lithuania, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch, và Iceland đã cố gắng để có được một cuộc thảo luận về tình hình nhân quyền ở Tân Cương sau khi một báo cáo của Liên Hiệp Quốc cáo buộc tội ác chống lại nhân loại có thể xảy ra.
Hội nghị Duy Ngô Nhĩ Thế giới cho biết trong một tuyên bố rằng nếu kiến nghị được UNHRC thông qua, thì các nạn nhân và các nhà hoạt động sẽ có thể nói với cộng đồng quốc tế về tình hình thực tế trong khu vực đó.
Ông Dolkun Isa, chủ tịch Hội nghị Duy Ngô Nhĩ Thế giới cho biết: “Chúng tôi rất lấy làm tiếc khi 19 chính phủ đã quyết định phản đối việc đối thoại về vấn đề này, trong khi 11 quốc gia muốn giữ im lặng trước nạn diệt chủng và các tội ác chống lại nhân loại”.
Tổ chức này kêu gọi các quốc gia ngừng việc trục xuất trở lại Trung Quốc người Duy Ngô Nhĩ và người Hồi giáo dân tộc Turks khỏi lãnh thổ của họ, mà thay vào đó cung cấp sự hỗ trợ nhân đạo cho họ, kể cả hỗ trợ y tế và tâm lý xã hội.
Cơ quan Nhân quyền Quốc tế (ISHR) đã cam kết tiếp tục các nỗ lực để buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về những hành động tàn bạo của họ ở Tân Cương.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times