IMF: Lạm phát cao hơn đòi hỏi một chính sách tiền tệ thắt chặt hơn nữa ở Á Châu
Hôm thứ Năm (13/10), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết các ngân hàng trung ương Á Châu phải thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa để bảo đảm lạm phát quay trở lại mức mục tiêu khi các đồng tiền trong khu vực này suy yếu.
Ông Krishna Srinivasan, Giám đốc Vụ Á Châu và Thái Bình Dương của IMF, nói rằng một chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn là cần thiết đối với hầu hết các nước trong khu vực, ngoại trừ Trung Quốc và Nhật Bản, những nơi có sự phục hồi yếu hơn và tình trạng trì trệ vẫn còn đáng kể.
Ông Srinivasan nói rằng lạm phát cơ bản đã vượt quá các mục tiêu của ngân hàng trung ương ở hầu hết các nền kinh tế Á Châu, và nhiều đồng tiền Á Châu đã mất giá “khá mạnh” khi Hoa Kỳ thắt chặt tiền tệ dẫn đến chênh lệch lãi suất ngày càng gia tăng.
Ông nói trong một cuộc họp báo: “Trong khi tính toán cơ sở của chúng tôi là lạm phát sẽ đạt đỉnh điểm vào cuối năm, tỷ giá hối đoái mất giá lớn có thể dẫn đến lạm phát cao hơn và kéo dài hơn, đặc biệt nếu lãi suất toàn cầu tăng mạnh hơn và do đó, đòi hỏi việc thắt chặt chính sách tiền tệ ở Á Châu hơn nữa.”
Ông Srinivasan cảnh báo rằng sự mất giá lớn và lãi suất tăng có thể gây ra căng thẳng tài chính ở các nước có nợ cao. Ông cho biết cần phải củng cố tài khóa để điều hòa nhu cầu cùng với chính sách tiền tệ và ổn định nợ.
Ông nói: “Á Châu hiện là con nợ lớn nhất trên thế giới bên cạnh việc tiết kiệm nhiều nhất, và một số quốc gia có nguy cơ mắc nợ rất cao.”
Kinh tế Trung Quốc giảm tốc tác động đến Á Châu
Ông Srinivasan nói rằng kinh tế của Trung Quốc giảm tốc – mà nguyên nhân chủ yếu là do các đợt phong tỏa nghiêm ngặt của họ – có thể có tác động lan tỏa “đáng kể” đối với khu vực này, đặc biệt là đối với các nước có quan hệ kinh tế với Trung Quốc.
Ông nói: “Tất cả các quốc gia, họ nhập cảng hoặc xuất cảng sang Trung Quốc. Theo nghĩa đó, nếu Trung Quốc chậm lại, nó sẽ có tác động đáng kể đến khu vực. Và đó là lý do tại sao điều quan trọng đối với Trung Quốc là phải giải quyết những khó khăn này.”
Báo cáo của Ngân hàng Phát triển Á Châu (pdf) ước tính phần còn lại của Á Châu đang phát triển sẽ tăng trưởng 5.3% trong năm nay và 2023, ngoại trừ Trung Quốc. Đây sẽ là lần đầu tiên trong hơn ba thập niên, phần còn lại của Á Châu đang phát triển sẽ phát triển nhanh hơn Trung Quốc.
IMF đã hạ dự báo tăng trưởng cho Á Châu và Thái Bình Dương xuống 4% trong năm nay và 4.3% cho năm sau, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng trung bình 5.5% trong hai thập niên qua.
Theo IMF, hầu hết các đồng tiền của thị trường mới nổi Á Châu đã mất từ 5% đến 10% giá trị so với đồng USD trong năm nay, trong khi đồng yên Nhật Bản mất giá hơn 20%.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times