Người đứng đầu IMF, Ngân hàng Thế giới đưa ra những cảnh báo nghiêm trọng về suy thoái, lạm phát
Trong một cuộc đối thoại mở đầu các cuộc họp trực tiếp đầu tiên của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) kể từ sau đại dịch, những người đứng đầu của hai tổ chức này đã cảnh báo về một loạt các cuộc khủng hoảng kép đe dọa sinh kế, bao gồm lạm phát dai dẳng và nguy cơ ngày càng tăng của một cuộc suy thoái toàn cầu.
Trong một “màn mở đầu” hôm 10/10 trước một tập hợp các cuộc họp thường niên kéo dài một tuần giữa hai tổ chức ở Hoa Thịnh Đốn, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass và Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva đã thảo luận về các cuộc khủng hoảng và kêu gọi hành động phối hợp đối mặt với những gì họ được mô tả như một “kỷ nguyên của sự biến động.”
Ông Malpass nói khi bắt đầu cuộc thảo luận: “Có một nguy cơ và sự nguy cấp thực sự về suy thoái kinh tế thế giới vào năm tới. Ông dẫn chứng tăng trưởng kinh tế chậm lại ở các nền kinh tế tiên tiến và sự mất giá tiền tệ ở nhiều nước đang phát triển.”
Ông Malpass cho biết, các mức nợ ngày càng trở thành gánh nặng ở các nước đang phát triển khi đồng tiền của họ mất giá, đồng thời cho biết thêm rằng “lạm phát vẫn là một vấn đề lớn đối với tất cả mọi người, nhưng đặc biệt là đối với người nghèo.”
Ông Malpass cho biết, mức độ nghèo đói đã tăng vọt trên toàn cầu, đồng thời lưu ý đến mức giảm 4% thu nhập trung bình “rất đáng lo ngại.”
Báo cáo nghèo đói mới nhất của Ngân hàng Thế giới ước tính rằng khoảng 70 triệu người đã bị đẩy vào cảnh nghèo cùng cực vào năm 2020, mức tăng lớn nhất trong một năm kể từ khi cơ quan này bắt đầu theo dõi mức độ thịnh vượng vào năm 1990.
Ông Malpass nói về sự “đảo ngược” trong quá trình phát triển khi vốn ngày càng chảy ra khỏi các nền kinh tế đang phát triển sang các nền kinh tế phát triển hơn. Kết hợp điều này là các vấn đề liên quan đến tình trạng thiếu lương thực, năng lượng, và phân bón.
“Đó là một loạt các vấn đề,” ông nói và cho biết thêm rằng một trong những mong muốn cốt lõi của ông là thấy nhiều nguồn lực hơn đổ vào các nền kinh tế đang phát triển.
‘Lực lượng gây ra sự gián đoạn’
Bà Georgieva đứng về phía quan điểm rằng nguy cơ suy thoái đã gia tăng. Bà ước tính vào cuối năm tới, khoảng một phần ba nền kinh tế thế giới sẽ chứng kiến ít nhất hai quý liên tiếp tăng trưởng âm, đây là định nghĩa chung cho một cuộc suy thoái.
Bà nói: “Tổng số tiền sẽ bị xóa sổ bởi sự suy thoái của nền kinh tế thế giới — từ nay đến năm 2026 — 4 ngàn tỷ USD. Đây là quy mô GDP của Đức — đã biến mất.”
Bà nói, thúc đẩy sự tổn thất kinh tế này là “lực lượng gây ra sự gián đoạn,” liệt kê các vấn đề như tác động của COVID-19 đối với chuỗi cung ứng và tác động của cuộc chiến ở Ukraine đối với giá lương thực và năng lượng.
Bà tiếp tục: “Lạm phát đang ở mức cao dai dẳng, một yếu tố dẫn đến việc thắt chặt các điều kiện tài chính mạnh mẽ hơn dự kiến trước đây.”
Bà Georgieva lưu ý rằng hoạt động kinh tế đang chậm lại ở cả ba nền kinh tế lớn — Âu Châu, nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá khí đốt tự nhiên cao; Trung Quốc, nơi có sự biến động về nhà ở và các đợt phong tỏa COVID-19 đang làm giảm tốc độ tăng trưởng; và Hoa Kỳ, nơi mà việc tăng lãi suất “đang bắt đầu có các tác động tiêu cực.”
Giám đốc IMF ủng hộ các hành động sẽ kiềm chế lạm phát, mà bà gọi là “một loại thuế đột ngột,” đặc biệt là đối với người nghèo.
Dù bà nói rằng tình trạng lạm phát trở nên “phi mã” là không thể chấp nhận được, nhưng bà cảnh báo về nguy cơ thắt chặt quá mức của các ngân hàng trung ương, điều này có thể dẫn đến lo ngại suy thoái xảy ra trên quy mô lớn.
Bà cho biết việc các chính phủ áp dụng một số biện pháp tài khóa để giúp mọi người vượt qua các cuộc khủng hoảng hiện tại và sắp xảy ra là hợp lý nhưng kêu gọi mọi hỗ trợ phải được nhắm mục tiêu tốt “bởi vì nếu không, thì chúng ta đang đổ thêm dầu vào lửa lạm phát.”
Bà Georgieva cũng kêu gọi các quốc gia “kiểm soát được nguy cơ khủng hoảng nợ lớn và đáng sợ” bởi vì nó sẽ ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia, không chỉ những quốc gia có gánh nặng nợ cao.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times