Giám đốc IMF cảnh báo: Thế giới đang chao đảo về phía ‘chuẩn mực mới nguy hiểm’
Bà Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đã cảnh báo thế giới đang đối mặt với nguy cơ suy thoái, với nền kinh tế toàn cầu đang trải qua một “sự thay đổi căn bản”.
Bà Georgieva nói trong bài diễn văn tại Đại học Georgetown ở Hoa Thịnh Đốn hôm 06/10 rằng chỉ trong ba năm, thế giới đã phải đương đầu với “hết cú sốc này đến cú sốc khác”. Thế giới đã phải ứng phó với đại dịch COVID-19, cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, và “thảm họa khí hậu trên tất cả các lục địa”, bà nói đồng thời cho biết những cú sốc như vậy đã gây ra “tác hại khôn lường” cho cuộc sống của người dân.
Bà cho hay tác động tổng hợp là sự tăng giá hàng hóa, đặc biệt là năng lượng và thực phẩm, tạo ra một cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.
Bà cho biết thêm, thế giới đang chứng kiến một “sự thay đổi căn bản” trong nền kinh tế toàn cầu, đang rời khỏi trạng thái của một thế giới có thể tương đối dự đoán được — vốn đã có một khung khổ dựa trên các quy tắc về hợp tác kinh tế quốc tế, lạm phát thấp, và lãi suất thấp — sang một thế giới mong manh hơn, bất ổn lớn hơn, có các cuộc đối đầu địa chính trị, sự bất ổn kinh tế lớn hơn, và các thảm họa thiên nhiên tàn phá thường xuyên hơn.
Bà Georgieva nói, để ngăn thời kỳ rủi ro ngày càng cao này trở thành một “tình trạng bình thường mới nguy hiểm”, thế giới phải tập trung vào việc ổn định nền kinh tế toàn cầu, phục hồi hợp tác, và chuyển đổi nền kinh tế để xây dựng khả năng phục hồi trước bất kỳ biến động nào trong tương lai.
Sự bất ổn vẫn ở mức “vô cùng cao” trong bối cảnh đại dịch và cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Bà Georgieva đã nêu ra khả năng “thậm chí còn có nhiều hơn” các bất ổn kinh tế, chỉ ra rằng rủi ro về ổn định tài chính đang tăng lên.
Người đứng đầu IMF muốn các nhà hoạch định chính sách tập trung vào việc giảm lạm phát và đưa ra một chính sách tài khóa có trách nhiệm bảo vệ những người dễ bị tổn thương về tài chính.
Bà nói: “Các nguyên nhân sâu xa hơn của sự rủi ro của thế giới chỉ có thể được giải quyết thông qua việc các quốc gia cùng nhau hợp tác.”
Tăng trưởng tụt hạng, suy thoái ở Hoa Kỳ
Trong bài diễn văn của mình, bà Georgieva chỉ ra rằng IMF đã dự báo một sự phục hồi mạnh mẽ hậu đại dịch COVID-19, với các nhà kinh tế của cơ quan này cho rằng lạm phát sẽ nhanh chóng giảm xuống.
Bà nói, “Nhưng đó không phải là những gì đã xảy ra. Nhiều biến động, trong số đó có cuộc chiến tranh vô nghĩa, đã làm thay đổi hoàn toàn bức tranh kinh tế. Không chỉ là nhất thời, lạm phát đã trở nên dai dẳng hơn.”
“Chúng tôi đã hạ thấp các dự báo tăng trưởng của mình ba lần rồi, xuống chỉ còn 3.2 % cho năm 2022 và 2.9% cho năm 2023. Và như quý vị sẽ thấy trong Triển vọng Kinh tế Thế giới cập nhật của chúng tôi vào tuần tới, chúng tôi sẽ hạ mức tăng trưởng cho năm tới.”
Bà nói, tất cả các nền kinh tế lớn trên thế giới đều đang “chậm lại”, bao gồm cả Hoa Kỳ, Trung Quốc, và khu vực đồng euro. Tình trạng này cuối cùng cũng ảnh hưởng đến các quốc gia đang phát triển và mới nổi, vì họ sẽ phải đối mặt với nhu cầu xuất cảng giảm cũng như giá năng lượng và lương thực cao.
IMF tin rằng rủi ro suy thoái đang gia tăng, với các quốc gia chiếm 1/3 nền kinh tế thế giới được dự báo sẽ chứng kiến “ít nhất” hai quý suy giảm liên tiếp vào năm 2022 hoặc 2023. Hoa Kỳ đã có hai quý âm liên tiếp vào năm 2022.
Bà Georgieva cho biết, ngay cả khi có tăng trưởng dương, thì tình hình sẽ “giống như một cuộc suy thoái” do giá cả tăng và thu nhập bị thu hẹp. IMF dự báo tổn thất sản lượng toàn cầu là khoảng 4 ngàn tỷ USD từ nay đến năm 2026.
Nhà đầu tư tỷ phú Stanley Druckenmiller gần đây đã cảnh báo rằng cuộc suy thoái kinh tế tiềm tàng ở Hoa Kỳ có thể tồi tệ hơn một cuộc suy thoái thông thường.
Tại một hội nghị thượng đỉnh các nhà đầu tư hồi cuối tháng Chín, ông Druckenmiller cho biết nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ không thể có một “cuộc hạ cánh mềm”. Thay vào đó, ông dự kiến nền kinh tế sẽ hạ cánh cứng vào cuối năm 2023 vì Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất mạnh mẽ để đối phó với lạm phát gia tăng.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times