Cuộc khủng hoảng khí đốt bắt đầu tồi tệ hơn sau khi Âu Châu cạn kiệt lượng dự trữ mùa đông
HELSINKI/BRUSSELS — Hôm thứ Tư (05/07), người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết, vào năm tới Âu Châu có thể phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng còn nghiêm trọng hơn sau khi tiêu thụ cạn kiệt các bồn khí đốt tự nhiên để vượt qua mùa đông lạnh giá năm nay, trong bối cảnh EU đang tìm cách xoa dịu cuộc khủng hoảng.
Các nước Âu Châu đã làm đầy các bồn chứa lên đến khoảng 90% sức chứa sau khi Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga do nước này xâm lược Ukraine.
Giá khí đốt, vốn đã tăng mạnh trong những tháng sau cuộc xâm lược hồi tháng Hai, đã giảm xuống. Nhưng điều đó có thể là trong ngắn hạn vì các nước cạnh tranh nhau để mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và các lựa chọn khác thay cho việc mua khí đốt qua đường ống của Nga.
Để giải quyết khó khăn này, Liên minh Âu Châu đang xem xét một mức trần giá cho khí đốt, một vấn đề đã gây chia rẽ khối gồm 27 quốc gia này do một số nước lo ngại điều này có thể khiến việc bảo đảm nguồn cung cấp trở nên khó khăn hơn.
Ông Fatih Birol, giám đốc điều hành IEA có trụ sở tại Paris, cho biết: “Với các kho dự trữ khí đốt hầu như đạt mức 90% sức chứa, Âu Châu sẽ qua khỏi mùa đông này với một số bất lợi miễn là không có sự kiện đột xuất nào về mặt chính trị hoặc kỹ thuật.”
Những thách thức thực sự mà Âu Châu, vốn trước kia phụ thuộc vào Nga khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên, phải đối mặt sẽ bắt đầu vào tháng Hai hoặc tháng Ba khi kho chứa cần được làm đầy trở lại vì nhu cầu tiêu thụ cao trong mùa đông đã tiêu hao tới 25%-30% kho dự trữ.
Ông Birol nói với các ký giả ở Phần Lan, “Mùa đông năm nay khó khăn nhưng mùa đông năm sau cũng có thể rất khó khăn.”
Các chính phủ Âu Châu đã tiến hành hỗ trợ người tiêu dùng trước tác động của giá cả đắt đỏ hơn. Hôm thứ Tư (05/10), Đức cho biết họ sẽ trợ cấp hóa đơn tiền điện vào năm tới bằng cách chỉ trả dưới 13 tỷ euro (12.8 tỷ USD) cho phí sử dụng do bốn công ty truyền tải lưới điện công suất cao (TSO) tính phí.
Phí này nằm trong hóa đơn tiền điện, chiếm khoảng 10% tổng chi phí đối với khách hàng bán lẻ và một phần ba đối với các công ty công nghiệp trong các lĩnh vực như thép hoặc hóa chất.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết sự can thiệp của Berlin sẽ ổn định mức phí này, nếu không mức phí sẽ tăng gấp ba lần do giá điện bán sỉ cao bất thường và chi phí hoạt động của những TSO này tăng lên.
Cho đến khi cuộc chiến Ukraine nổ ra hồi cuối tháng Hai, đường ống Nord Stream 1 bên dưới Biển Baltic nối từ Nga đến Đức là một trong những nguồn cung cấp khí đốt chính cho Tây Âu.
Tương tự như Nord Stream 1, Nord Stream 2 gồm hai đường ống riêng biệt chứa khí đốt nhưng chưa từng được phép phân phối nguồn khí đốt cho Âu Châu vì Đức đã đình chỉ việc cấp phép cho đường ống này ngay trước khi Nga xâm lược Ukraine hôm 24/02.
Những gì mà phương Tây và Nga cho là sự phá hoại gây ra những điểm rò rỉ lớn đã vô hiệu hóa ba trong số bốn đường ống này. Ngoài ra, hôm thứ Ba (04/10), các nhà chức trách Đan Mạch cho biết đường ống thứ tư đã bị giảm áp lực.
Sự phá hoại
Hôm thứ Sáu (30/09), Tổng thống Vladimir Putin đã đổ lỗi cho Hoa Kỳ và các nước đồng minh; Hoa Thịnh Đốn đã bác bỏ những cáo buộc này. Tuần trước (26/09-02/10), Nga đã lên án cái mà họ gọi là các giả thuyết “ngớ ngẩn” tại phương Tây cho rằng chính Nga đã phá hoại các đường ống này trong các vụ nổ.
Hôm thứ Tư (05/10), Điện Kremlin cho biết Nga phải được tham gia vào cuộc điều tra về các vụ rò rỉ, trong khi một trong những đồng minh của ông Putin cho biết họ nhớ lại vụ tấn công cơ sở hạ tầng dầu mỏ do Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ hậu thuẫn ở Nicaragua năm 1983.
Về phần mình, người đứng đầu Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen cho biết các nước EU cần tăng cường bảo vệ cơ sở hạ tầng trọng yếu của họ bằng cách tiến hành các cuộc kiểm tra tính ổn định của hệ thống và sử dụng hệ thống giám sát vệ tinh để phát hiện các mối đe dọa tiềm tàng.
Hôm thứ Sáu, bà đã nói tại Nghị viện Âu Châu trước một cuộc họp gồm các nhà lãnh đạo khối 27 quốc gia EU tại Prague, nơi họ tranh luận về kế hoạch mức trần giá của EU.
Tuy các chi tiết vẫn chưa được làm rõ, nhưng đa phần các nước xem đó là một cách để đối phó với lạm phát đã ủng hộ ý tưởng này. Tuy nhiên, kế hoạch này đã vấp phải sự phản đối từ Đức, Đan Mạch, và Hà Lan do lo ngại việc bảo đảm nguồn cung cấp sẽ khó khăn hơn.
Trong bài diễn văn của mình, bà Von der Leyen cho biết các nước cũng nên bắt đầu cùng nhau mua khí đốt để tránh việc các nước thành viên EU đấu thầu với nhau trên thị trường thế giới khiến giá vẫn đắt hơn.
Các căng thẳng trước đây ở thị trường khí đốt đã dịu đi khi hôm thứ Tư công ty năng lượng Gazprom của Nga khôi phục lại hoạt động vận chuyển khí đốt tới Ý thông qua Áo, sau khi công ty năng lượng do nhà nước kiểm soát này tạm dừng nguồn cung hồi cuối tuần qua vì các vấn đề pháp lý.
Tuy nhiên, cũng trong hôm thứ Tư, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết Nga có thể cắt giảm sản lượng dầu để bù đắp những tác động tiêu cực từ mức trần giá do phương Tây áp đặt đối với các hoạt động của Moscow ở Ukraine.
Do Essi Lehto và Kate Abnett của Reuters thực hiện
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times