Hồng Kông tuyên bố 14 nhà bất đồng chính kiến có tội theo Luật An ninh Quốc gia
Họ phải đối mặt với án tù chung thân theo luật do ĐCSTQ áp đặt.
Một tòa án ở Hồng Kông đã kết luận là 14 nhà hoạt động dân chủ và chính trị gia phạm tội “âm mưu lật đổ,” đánh dấu một vụ truy tố đơn lẻ lớn nhất theo Luật An ninh Quốc gia của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kể từ khi luật này có hiệu lực hồi năm 2020 ở thuộc địa cũ của Anh này.
Hôm thứ Năm (30/05), Tòa án Tối cao Hồng Kông đã đưa ra phán quyết nói trên, tuyên bố 14 trong số 16 bị cáo có tội theo luật do ĐCSTQ áp đặt.
Những người bị tuyên bố có tội gồm các cựu nghị sĩ Lương Quốc Hùng (Leung Kwok-hung), Lâm Trác Đình (Lam Cheuk-ting), Hoàng Bích Vân (Helena Wong), và Trần Chí Toàn (Raymond Chan).
Họ phải đối mặt với án tù chung thân. Hiện chưa rõ khi nào họ sẽ bị kết án.
Trong số những người bị xét xử trong vụ án này, có hai người đã được các thẩm phán tuyên trắng án là các cựu ủy viên hội đồng quận Lý Dư Tín (Lee Yue-shun) và Lưu Tuân Nghĩa (Lawrence Lau).
Tất cả 16 bị cáo ban đầu đều là thành viên của một nhóm lớn hơn gồm 47 người (còn được gọi là nhóm “Hồng Kông 47”), bao gồm các thành viên xã hội dân sự, nhân viên xã hội, giáo viên, và các nhà lập pháp mãn nhiệm ủng hộ dân chủ, cùng những người khác.
Năm 2021, họ đã bị bắt khi cảnh sát tiến hành các cuộc đột kích hàng loạt trên khắp thành phố và bị buộc tội âm mưu lật đổ vì hồi năm 2020 đã tham gia một cuộc bỏ phiếu sơ bộ được xem là không chính thức, không ràng buộc, và được tổ chức độc lập.
Cuộc bầu cử sơ bộ không chính thức đó được tổ chức để chọn ra các ứng cử viên cho cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp và đã có từ hàng trăm cho đến hàng ngàn người bỏ phiếu bất chấp những cảnh báo rằng làm như vậy sẽ vi phạm luật an ninh quốc gia do Bắc Kinh áp đặt có hiệu lực trong cùng năm.
Sau đó, cuộc bầu cử lập pháp mà lẽ ra sẽ diễn ra sau cuộc bầu cử sơ bộ đó đã bị chính quyền hoãn lại, với lý do nguy cơ sức khỏe cộng đồng trong đại dịch COVID-19. Ngoài ra, nhiều luật bầu cử đã bị thay đổi để giảm đáng kể quyền bầu cử của người dân và để bảo đảm giành được tỷ lệ đa số áp đảo ủng hộ Bắc Kinh.
Trước khi xảy ra các cuộc đột kích, Hồng Kông đã trải qua nhiều tháng bất ổn và biểu tình chống chính quyền giữa những lo ngại về luật An ninh Quốc gia, vốn đã làm xói mòn đáng kể các quyền tự do mà chế độ Trung Quốc đã hứa hẹn khi Vương quốc Anh đồng ý trao trả lãnh thổ cũ của Anh này cho Trung Quốc hồi năm 1997.
Sau vụ bắt giữ 47 người này, các công tố viên đã buộc tội họ cố gắng sử dụng các quyền lập pháp và bảo đảm giành được thế đa số để phủ quyết các dự luật ủng hộ ĐCSTQ và lật đổ người lãnh đạo và chính quyền thân ĐCSTQ của thành phố này.
Họ còn gán thêm cho cuộc bầu cử sơ bộ không chính thức này là một “âm mưu xấu xa” nhằm lật đổ chính quyền và phá hoại an ninh quốc gia.
16 người đã phản đối cáo buộc đó và sau đó trải qua một phiên tòa không có bồi thẩm đoàn, trong khi 31 người còn lại đã nhận tội trước khi bắt đầu phiên tòa kéo dài 118 ngày.
Hầu hết các bị cáo bị giam giữ kể từ khi bị bắt hồi năm 2021.
Bắc Kinh đã biện minh cho Luật An ninh Quốc gia và nói rằng cần phải khôi phục trật tự, duy trì sự ổn định, và “sự độc lập tư pháp” ở trung tâm tài chính châu Á này trong khi ngăn chặn hình thức biểu tình như đã thấy ở Hồng Kông phản đối những thay đổi lập pháp do chính quyền này áp đặt trong suốt năm 2019.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ và các quốc gia khác đã thể hiện lo ngại về những luật này của ĐCSTQ. Họ cho rằng những luật này đàn áp các quyền tự do của những người tham gia phát biểu chính trị ôn hòa, và gọi việc xét xử những cá nhân bị bắt trong những cuộc đột kích là có động cơ chính trị.
Các nhà lập pháp Hoa Kỳ cũng chỉ trích ĐCSTQ vì treo tiền thưởng lên tới 1 triệu dollar Hồng Kông (khoảng 128,000 USD) cho thông tin dẫn đến việc bắt giữ các nhà hoạt động dân chủ.
Trong khi đó, các tổ chức nhân quyền (trong đó có Tổ chức Ân xá Quốc tế) cho rằng luật này đã bị ĐCSTQ ép buộc thông qua mà không có trách nhiệm giải trình hoặc sự minh bạch, và đã dẫn đến một cuộc đàn áp trên diện rộng nhằm vào bất kỳ ai phản đối chính quyền, gồm cả các ký giả, những người bảo vệ nhân quyền, v.v.
Kể từ khi dự luật này được ban hành, chính quyền Hồng Kông cũng đã cấm các cuộc tụ tập, bao gồm cả việc tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn hàng năm, còn được gọi là Sự kiện Lục Tứ (ngày 04/06). Trong tháng Năm, cảnh sát đã bắt giữ sáu người vì tổ chức các hoạt động tưởng nhớ trước ngày kỷ niệm này.
Để ủng hộ những người biểu tình và nhà hoạt động ở Hồng Kông, các nhà lãnh đạo Quốc hội Hoa Kỳ dưới thời chính phủ cựu Tổng thống Trump đã thông qua hai văn bản luật, Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông và Đạo luật Tự trị Hồng Kông, mà sau đó được Tổng thống đương thời Donald Trump ký thành luật.
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times