Chuyên gia nhận định: Quy định của ĐCSTQ về việc kiểm tra điện thoại di động khi nhập cảnh là văn bản không có giá trị
Gần đây, Bộ An ninh Quốc gia của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cho biết việc “Kiểm tra điện thoại di động khi nhập cảnh” phải trải qua ba nguyên tắc. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng định nghĩa của quy định này mơ hồ, không rõ ràng, và chỉ là một cách để thắt chặt việc kiểm soát xã hội. Điều này cho thấy sự bất an của lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình và cuộc khủng hoảng ở cả trong lẫn ngoài nước.
Hôm thứ Ba (28/05), Bộ An ninh Quốc gia ĐCSTQ tuyên bố rằng hai “quy định” chính thức có hiệu lực từ ngày 01/07/2024, theo đó việc kiểm tra điện thoại cá nhân và các thiết bị điện tử khác phải tuân theo ba nguyên tắc. Đồng thời khẳng định thông tin “tất cả những người nhập cảnh đều phải bị kiểm tra điện thoại” là “hoàn toàn vô lý”, quy định này chỉ áp dụng cho các trường hợp liên quan đến hành vi gián điệp.
Ba nguyên tắc kiểm tra điện thoại khi nhập cảnh bao gồm: Thứ nhất, tiền đề kiểm tra phải rõ ràng: “phải thực hiện nhiệm vụ công tác chống gián điệp theo luật pháp.” Thứ hai, đối tượng kiểm tra phải rõ ràng: “phải là cá nhân và tổ chức liên quan đến công tác chống gián điệp,” không phải là “người nhập cảnh thông thường.” Thứ ba, quy trình kiểm tra phải rõ ràng: phải có sự chấp thuận, phải đưa các giấy tờ thực thi pháp luật, và phải có sự hiện diện của người bị kiểm tra hoặc người làm chứng tại hiện trường, v.v.
Trước đó, hồi tháng 04/2024, ĐCSTQ đã ban hành hai quy định: “Quy định về thủ tục thi hành luật hành chính của Cơ quan An ninh Quốc gia” và “Quy định về thủ tục giải quyết các vụ án hình sự của Cơ quan An ninh Quốc gia,” nói rằng Cơ quan An ninh Quốc gia có thể yêu cầu người dân ngừng sử dụng các thiết bị điện tử, thiết bị, và phần mềm liên quan cho đến khi “loại bỏ được tình huống nguy hại.” Hai quy định này có hiệu lực từ ngày 01/07/2024.
Tuy nhiên, vào đầu tháng 05/2024, truyền thông ngoại quốc đưa tin rằng Hải quan ở Thâm Quyến và Thượng Hải đã bắt đầu thực hiện quy định này. Nhiều cư dân địa phương nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) rằng chính họ đã trực tiếp trải qua hoặc chứng kiến nhân viên Hải quan tùy ý kiểm tra điện thoại di động của hành khách.
Phân tích: Thực tế là hoàn toàn do Bắc Kinh tùy ý nhận định
Hôm 29/05, trong một cuộc phỏng vấn với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times, ông Ngô Sắt Trí (Wu Sezhi), nghiên cứu viên của Hiệp hội Chính sách hai bờ và là Ủy viên tư vấn Viện Nghiên cứu Đài Loan cho biết vấn đề là làm thế nào để xác định ai là gián điệp, hành vi nào được cho là tiết lộ cơ mật hoặc đánh cắp cơ mật, e rằng không có một hoạt động tư pháp độc lập, hoặc một tiêu chuẩn nhận định độc lập, hoặc là một tiêu chuẩn nhận định khách quan.
“Rõ ràng tất cả đều là do phía Bắc Kinh tự ý nhận định, điều đó đã đủ để chính quyền ĐCSTQ gán nhãn cho những ai và cho những hành vi nào mà chính quyền này tự nhận định là vi phạm an ninh quốc gia hoặc có thể lật đổ chính quyền ĐCSTQ.”
Ông Ngô Sắt Trí cho rằng mục đích chính của hành động này là để răn đe, đồng thời đưa ra một thông điệp cảnh cáo đối với các lực lượng ngoại quốc về cách giải quyết các hành vi được cho là gián điệp hoặc vi phạm an ninh quốc gia theo quan điểm của ĐCSTQ.
“Tất nhiên, cũng không thể không nghi ngờ điều này, vì trong quá khứ cũng đã từng xuất hiện các trường hợp tương tự, đó là ĐCSTQ lợi dụng quá trình bắt giữ tùy tiện để áp đặt tội danh.”
“Hoặc dùng hành động này như một phương pháp đàm phán trong ngoại giao, tức là thông qua việc bắt giữ người dân thường để làm điều kiện đàm phán trao đổi khi xảy ra tranh chấp ngoại giao hoặc bất kỳ xung đột nào với các quốc gia khác trong tương lai.”
Mấy năm trước, ĐCSTQ đã từng sử dụng phương pháp “ngoại giao con tin” này. Năm đó, khi bà Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou), con gái của sáng lập viên tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc, bị bắt tại Canada. ĐCSTQ đã bắt giữ hai công dân Canada là ông Michael Kovrig và ông Michael Spavor làm con tin. Cho đến khi bà Mạnh Vãn Châu được phóng thích, thì ĐCSTQ mới thả hai công dân Canada này.
Phân tích lý do ‘lo ngại về nhân quyền công dân’
Ông Lại Kiến Bình (Lai Jianping), cựu luật sư Bắc Kinh và hiện là Chủ tịch Mặt trận Dân chủ Trung Quốc tại Canada cũng cho rằng, về bản chất, quy định này là một bộ quy trình và tiêu chuẩn bề ngoài trong quá trình thực thi pháp luật của chính quyền chuyên chế ĐCSTQ. Cái gọi là thực thi pháp luật này dường như là quan tâm đến việc bảo vệ nhân quyền và tự do cơ bản của công dân.
“Tuy nhiên, trên thực tế, trong quá trình thực thi các quy định này, khi các cơ quan và nhân viên chấp pháp giải quyết vụ án, thì họ hoàn toàn có thể làm sai lệch, vì vậy các quy trình quy định này có thể hoàn toàn không có giá trị, chỉ dùng để bài trí, vì có hai lý do.”
Ông Lại Kiến Bình nói, lý do thứ nhất là các quy định này vốn dĩ không rõ ràng, có thể bị diễn giải tùy ý. Ví dụ, quy định cho rằng phải là nhân viên an ninh quốc gia trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia thì mới có thể kiểm tra điện thoại.
“Tuy nhiên, như thế nào là thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia? Bản chất công việc này hoàn toàn là sự giải thích chủ quan. Bất cứ lúc nào, họ cũng có thể nói rằng đang thực hiện nhiệm vụ liên quan đến công tác chống gián điệp.”
Lý do thứ hai mà ông Lại Kiến Bình đưa ra là, ngay cả khi hoàn toàn vi phạm quy trình này, xâm phạm quyền lợi hợp pháp của công dân, thì nạn nhân khó có thể đưa ra một quy trình hợp pháp để giải quyết việc quyền lợi của mình bị xâm phạm. Điều đó có nghĩa là, ngay cả khi bị đối xử và bị kiểm tra một cách bất hợp pháp, nạn nhân cũng không có cách nào để bảo vệ quyền lợi của mình, bởi vì toàn bộ chính quyền này là một hệ thống quyền lực độc tài không có pháp trị.
“Vì vậy, những quy định như thế này về cơ bản chỉ là văn bản không có giá trị, không có biện pháp chấp hành. Vấn đề không nằm ở việc lập ra các quy định, mà nằm ở việc chấp hành trên thực tế.”
Ông Ngô Sắt Trí cũng cho biết, “Với hệ tư tưởng nhân trị của ĐCSTQ, có lẽ khó có thể làm giảm bớt cách nhìn tiêu cực của ngoại giới đối với ĐCSTQ.”
‘Chỉ là hành động phô trương để đối phó với áp lực dư luận’
Tháng 07/2023, ĐCSTQ đã thực thi bản sửa đổi của “Luật Chống Gián điệp”. Tháng 05/2024, bản sửa đổi “Luật Bảo vệ Bí mật Quốc gia” có hiệu lực thi hành. Luật này mở rộng quyền lực thực thi của nhân viên an ninh quốc gia ĐCSTQ, nhưng các điều khoản và định nghĩa của nó cũng bị ngoại giới chỉ trích là mơ hồ, không rõ ràng, càng không thể xác định “giới hạn đỏ” nằm ở đâu, vì vậy điều này khiến ngoại giới lo ngại.
Kết quả là, số lượng người ngoại quốc đến Trung Quốc du lịch giảm mạnh. Theo số liệu chính thức, số lượt người ngoại quốc xuất nhập cảnh năm 2023 chỉ đạt 36% so với trước đại dịch năm 2019, và số lượng du khách ngoại quốc được các công ty du lịch trên toàn quốc đón tiếp chưa đến 10% so với năm 2019.
Đầu tư ngoại thương cũng đang giảm mạnh. Số liệu từ Bộ Công thương của ĐCSTQ trong tuần lễ từ ngày 20-26/05 cho thấy, trong bốn tháng đầu năm nay, tổng vốn đầu tư trực tiếp từ ngoại quốc (FDI) vào Trung Quốc giảm 27.9% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Số liệu từ tháng trước cho thấy tổng số vốn FDI trong ba tháng đầu năm nay giảm 26.1% so với cùng thời kỳ năm trước.
Vào lúc này, ĐCSTQ đưa ra một “giải thích,” ông Lại Kiến Bình cho rằng, thực chất đó chỉ là một hành động phô trương để đối phó với áp lực dư luận như một kiểu ứng phó. Vì việc sửa đổi “Luật chống gián điệp” và “Luật Bảo vệ Bí mật Quốc gia,” cùng với hai quy định nêu trên sẽ có hiệu lực vào tháng Bảy tới. Trên thực tế là đã xác lập một cơ chế hoàn chỉnh để tăng cường kiểm soát xã hội.
“Tuy nhiên, cơ chế này rõ ràng vi phạm Hiến pháp và luật pháp của chính ĐCSTQ, rõ ràng là xâm phạm nhân quyền và tự do cơ bản của công dân Trung Quốc, thậm chí là cả người ngoại quốc. Vì vậy, không chỉ có người dân Trung Quốc phản đối mà còn bị ngoại giới chỉ trích.”
“Nhiều người dân và chính phủ ngoại quốc đều cảm thấy rất kinh ngạc và thất vọng với cơ chế pháp luật này của ĐCSTQ. Vậy nên, họ không dám đến Trung Quốc du lịch, kinh doanh hay thăm viếng. Nói tóm lại là người ngoại quốc không dám đến Trung Quốc nữa.”
Khủng hoảng cả trong lẫn ngoài nước, ông Tập tăng cường kiểm soát vì cảm thấy bất an
Ông Ngô Sắt Trí cho rằng, điều này cũng liên quan đến cảm giác không an toàn của ông Tập Cận Bình. “Vì sao sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền lại liên tục nhấn mạnh hai chữ ‘an toàn’. Điều này phản ánh sự bất an của một người nắm quyền, tức là ông Tập cho rằng mọi biến động dù lớn hay nhỏ cũng đều ảnh hưởng đến vị trí chính trị của mình hoặc sự ổn định của chính quyền.”
Vì vậy “Việc mở rộng và tăng cường kiểm soát nội bộ thể hiện rằng từ góc độ kinh tế, xã hội hay chính trị, tất cả đều được đánh giá dựa trên tiền đề ổn định của chính quyền ông Tập Cận Bình.”
Ông Ngô Sắt Chí cho rằng, điều này sẽ khiến nhiều nhân viên chấp pháp của Trung Quốc áp dụng các biện pháp cực đoan hơn, hoặc không muốn vượt qua giới hạn đỏ chính trị, và do đó, việc tùy ý bắt giữ là điều có thể dự đoán.
Từ khi bùng phát đại dịch đến nay, kinh tế Trung Quốc vẫn chưa phục hồi. Thị trường địa ốc ảm đạm, doanh nghiệp phá sản, tỷ lệ thất nghiệp cao, nhu cầu nội địa yếu, làn sóng giảm lương và thất nghiệp liên tiếp diễn ra, tiếng than oán của người dân không ngừng diễn ra ở khắp nơi.
Ngoài ra, chính sách ngoại giao “chiến lang” của Trung Quốc, việc mở rộng quân sự và gây rối ở các quốc gia và khu vực xung quanh, bao gồm biển Đông, biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan; cùng với việc cạnh tranh thương mại không công bằng, xuất cảng bán phá giá và ép buộc kinh tế, tất cả đều gây phản ứng ngược. Hoa Kỳ và các quốc gia dân chủ phương Tây đã áp dụng nhiều biện pháp giảm thiểu rủi ro để đối phó với các vấn đề mà ĐCSTQ mang lại.
Ông Ngô Sắt Chí cho biết, trong bối cảnh như vậy, sự bất ổn trong nội bộ và áp lực từ bên ngoài lên ĐCSTQ tạo thành một chuỗi liên kết khiến ông Tập Cận Bình cảm thấy không an toàn. Do vậy đảng này càng tăng cường kiểm soát nội bộ, đồng thời thông qua các quy định an ninh quốc gia để cảnh cáo bên ngoài.
Ông Lại Kiến Bình cũng cho rằng, kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền trong 13 năm qua, ông Tập đã đi chệch và ngược lại chính sách kinh tế cải cách mở cửa và chính trị ban đầu, chuyển sang hướng cánh tả dẫn đến việc kinh tế Trung Quốc suy thoái, ngoại giao rơi vào tình trạng bị cô lập chưa từng có từ trước tới nay. Điều này dẫn tới nguy cơ chính trị, nguy cơ cho việc nắm quyền, nguy cơ về xã hội khi dân chúng hiện đang vô cùng tức giận.
“Bất kể là người Trung Quốc hay người ngoại quốc, đều vô cùng căm ghét chính quyền chuyên chế ĐCSTQ, đều cố gắng đứng lên chống lại chính quyền này. Điều này khiến ông Tập Cận Bình nhận thấy có nguy cơ về chính trị, nguy cơ bị lật đổ, vì vậy ông ấy sẽ phải phản công.”