Hối lộ và các sáng kiến khác: Cách lính Ukraine đào ngũ
Chiến tranh đã diễn ra tại Ukraine được hơn một năm. Tuy nhiên, nhiều người đàn ông ở cả hai chiến tuyến đều không muốn bỏ mạng trong cuộc chiến này và họ đang né tránh nghĩa vụ quân sự. Dưới đây là một cái nhìn sơ lược về các cách nam giới đào thoát nghĩa vụ quân sự ở Ukraine.
Tại Nga, việc triệu tập quân sự được thực hiện thông qua một cổng thông tin trên Internet còn ở Ukraine thì việc chiêu binh vẫn tiếp tục như trước đây. Phần lớn nam giới nhận được thư thông báo và phải ra trình diện trước ủy ban quân sự trong thời hạn được quy định trong thư.
Ngoài ra, nhân viên của Ủy ban quân sự có thể phát giấy triệu tập cho lính nghĩa vụ tại nơi làm việc. Như cổng thông tin Fakty của Ukraine đã đưa tin, họ cũng thường phát lệnh triệu tập một cách tự phát trên đường phố hoặc tại các rào chắn.
Đôi lúc các nhân viên đó còn hành xử thô bạo theo cách thức tương tự như ở Nga: họ chặn những người đàn ông trên phố và đưa họ đến các văn phòng tập trung. Có một số video lan truyền trên Internet, trong đó những người đàn ông nói tiếng Ukraine mặc đồng phục cưỡng bức kéo người đi bộ vào xe. Các video không thể được xác minh độc lập. Tờ Tagesschau cũng đã đưa tin về vấn đề này.
Hình phạt lên tới năm năm tù cho những người né tránh nghĩa vụ quân sự
Tại Ukraine, bất kỳ ai phớt lờ lệnh triệu tập và từ chối thực hiện nghĩa vụ quân sự đều bị phạt tiền và ngồi tù từ 3 đến 5 năm. Từ tháng 01 đến tháng 07/2022, các tòa án Ukraine đã điều tra 5,000 người đàn ông vì từ chối nghĩa vụ quân sự (theo Điều 335, 336, 409 của Bộ luật Hình sự Ukraine), theo hiệp hội Connection — một tổ chức vận động cho quyền từ chối nghĩa vụ quân sự cũng như trợ giúp cho những người từ chối nghĩa vụ quân sự và những người đào ngũ.
Vào ngày 02/05/2022, ông Roman Gorbach, Trưởng phòng Nhân sự của Bộ Tư lệnh của Quân đội Ukraine, tuyên bố: “Đối với những người lính nghĩa vụ nhận được lệnh triệu tập, nếu họ ra nước ngoài bất hợp pháp — nghĩa là né tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự — thì họ sẽ bị trừng phạt theo luật hình sự hiện hành. Có nghĩa là, những cá nhân này sẽ bị truy tố theo luật Ukraine.”
Tham nhũng phát sinh từ việc cấm nam giới xuất cảnh
Kể từ khi cuộc chiến Ukraine bắt đầu vào ngày 24/02/2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã áp dụng thiết quân luật và ra lệnh tổng động viên. Kể từ thời điểm đó, nam giới từ 18 đến 60 tuổi không còn được phép rời khỏi đất nước.
Cảnh sát biên giới được cho là sẽ gửi giấy triệu tập đến tất cả các công dân nam trong độ tuổi quân sự và đưa họ ra mặt trận. Tuy nhiên, thông thường, tham nhũng đã cản trở các kế hoạch của chính phủ Ukraine: những người đàn ông có khả năng tài chính đã hối lộ cảnh sát tại biên giới.
Những người khác chuẩn bị tài liệu giả. “Giấy chứng nhận học tập, giấy chứng nhận không đủ sức khỏe tham gia nghĩa vụ quân sự, thẻ thương tật. [Có những người đàn ông] đã làm giả giấy khai sinh và trở thành những người cha có nhiều con [từ ba người con trở lên],” trụ sở bộ phận khu vực phía tây của lực lượng biên phòng Ukraine cho biết về những nỗ lực đào thoát của những người đàn ông, theo hãng thông tấn Ukraine Unian.
Theo trang mạng Strana.ua của Ukraine, việc làm giả giấy tờ có giá dao động trong khoảng từ 3,000 đến 10,000 dollar Mỹ. Các khoản hối lộ cho cảnh sát biên giới có khả năng có giá cao tương tự.
Hành vi hối lộ này không có gì là đáng ngạc nhiên. Theo chỉ số tham nhũng của trang web thống kê Trading Economics, Ukraine chỉ đứng sau Nga, quốc gia tham nhũng nhất ở châu Âu.
Hối lộ trong hệ thống tài xế tình nguyện
Một cách khác rất thuận tiện và an toàn để rời Ukraine là thông qua chương trình tình nguyện “Con đường” (“Schljach”). Đây là hệ thống dành cho tình nguyện viên lái xe vận chuyển hàng hóa cho lực lượng vũ trang Ukraine hoặc viện trợ nhân đạo và thuốc men từ ngoại quốc.
Để tham gia hệ thống này thì cần liên hệ với quân đội, cơ sở y tế, hoặc tổ chức viện trợ. Sau đó, các tổ chức này sẽ gửi đơn đến Bộ Giao thông vận tải hoặc cơ quan quân sự của chính phủ khu vực. Cuối cùng, sau khi nhận được giấy phép lái xe; người đó có thể rời khỏi đất nước và trở lại trong vòng 30 ngày, theo cổng thông tin pháp lý Yuridichnyj Fakt của Ukraine.
Tính đến tháng 03/2023, chính phủ Ukraine đã cấp hơn 1.27 triệu giấy phép xuất cảnh cho các tài xế thuộc chương trình “Con đường” (Schljach), theo thông tin từ Opendatabot, một công ty Ukraine thu thập dữ liệu chính thức từ cơ sở dữ liệu công cộng chính của Ukraine.
Opendatabot chỉ trích tính minh bạch của “Con đường” (Schljach). Cảnh sát biên giới và Bộ Nội vụ đều không thống kê được có bao nhiêu tài xế đã về nước đúng hạn hay liệu họ có còn ở ngoại quốc.
Ngoài ra còn có nhiều lỗ hổng trong quá trình nộp đơn. Theo lời một lính nghĩa vụ Ukraine ở Ba Lan nói với kênh BBC, không ai kiểm tra thông tin cá nhân của những người lái xe tiềm năng. Họ thậm chí còn không cần đến bằng lái để ghi danh — mà chỉ cần điền đơn cho đúng. Chi phí nộp đơn khoảng từ 2,000 đến 3,000 USD.
Vô vàn sáng kiến đào ngũ
Nhiều lính nghĩa vụ không muốn hoặc không thể trả những khoản tiền lớn như vậy, nên họ đã trở nên sáng tạo trong quá trình đào tẩu. Nhiều người đã ăn mặc giả trang thành phụ nữ. Ví dụ, hồi tháng Ba năm ngoái, cảnh sát biên giới Ukraine đã bắt một người đàn ông muốn vượt biên giới Ukraine-Romania bằng hộ chiếu của vợ mình. Người này đội tóc giả, trang điểm, độn ngực, và đẩy xe đẩy có con mình nằm bên trong.
Để được xuất cảnh, nam giới cũng thường trốn trong cốp xe, gầm ghế sau xe hơi, vali hoặc hộp, thậm chí trong ống thông gió trên xe lửa.
Mạo hiểm tính mạng để vượt biên
Bên cạnh đó, nhiều người đàn ông còn dám đi bộ: họ chọn các con đường nguy hiểm — vượt qua đồng hoang và núi cao hoặc bơi qua sông ở biên giới để không phải vượt qua các đồn biên phòng tại biên giới. Họ có nguy cơ bị chết đói, chết rét, hoặc chết đuối.
Như cổng thông tin du lịch Visit Ukraine Today đưa tin, ba người đàn ông đã cố gắng chạy trốn sang Romania qua tỉnh Zakarpattia của Ukraine hồi tháng Năm năm ngoái. Khi bị lính biên phòng phát hiện, họ đã lao mình xuống dòng sông biên giới Tisza. Một người thì chết đuối; một người bị lũ cuốn trôi và không thể tìm thấy sau đó.Vì cảnh sát biên giới và sự nguy hiểm tính mạng, nhiều nam giới đào ngũ đã trả những khoản tiền lớn cho những người tham nhũng. Một người tị nạn nói với BBC rằng, họ đòi khoảng 5,000 Euro cho mỗi người. Một lính nghĩa vụ tị nạn ở Đức đã nói với kênh truyền thông Deutsche Welle về số tiền tương tự.
Lính nghĩa vụ Ukraine tại Đức
Hiện tại không thể xác định được có bao nhiêu nam giới khỏe mạnh đã rời khỏi Ukraine. Tính đến ngày 31/08/2022, có 162,654 nam giới Ukraine trong độ tuổi từ 18 đến 60 đang ở Đức. Trước khi Nga tấn công, con số đó là khoảng 40,000 người. Đây là câu trả lời từ chính phủ liên bang đối với một một tờ câu hỏi nhỏ từ Đảng Sự lựa chọn khác cho Đức (AfD) hồi tháng 10/2022.