Họa sĩ Charles Le Brun: Thiên tài Pháp quốc thế kỷ 17 bị quên lãng
Cho đến nay, vẫn tồn tại một câu hỏi day dứt rằng: Vì sao Charles Le Brun (1619–1690) – với di sản là một họa sĩ, nhà lý luận nghệ thuật xuất chúng và là thành viên sáng lập của Học Viện Hội Họa và Điêu Khắc Hoàng Gia Pháp, lại không được đặt ngang hàng với những Nicolas Poussin hay Peter Paul Rubens.
Bất cứ ai yêu thích những bức tranh tráng lệ của nghệ thuật Baroque chắc chắn sẽ biết đến những bậc thầy lớn như Poussin, Rubens hoặc Anthony van Dyck. Rất nhiều triển lãm, ấn phẩm, và thậm chí cả phim ảnh đã hình thành nhận thức của chúng ta về những cảnh trong kinh thánh và thần thoại, khắc sâu những hình ảnh này vào nhận thức của chúng ta.
Thế còn họa sĩ Le Brun, người có ảnh hưởng lớn đến thời kỳ Baroque?
Đức vua Louis XIV và cung điện Versailles
Mặc dù phong cách Baroque bắt nguồn từ Ý, nhưng nó đã lan rộng về phía tây và sớm chiếm ưu thế trong Hoàng gia Pháp với trung tâm là cung điện Versailles. Cung điện hoành tráng này có rất nhiều sách và không có tên gọi nào được nhắc đến nhiều hơn nhà vua Louis XIV.
Vua Louis XIV không phải là một vị vua bình thường. Ông gần như dành trọn cuộc đời cho nghệ thuật cổ điển. Ví dụ, ông là một trong bốn người mở đường cho nghệ thuật múa ballet Pháp. Và thật vậy, nhà vua Louis đã từng biểu diễn trên sân khấu vào năm 1653 trong vai Thần Mặt Trời Apollo. Từ sự kiện này ông có biệt danh là Vua Mặt Trời.
Về hội họa, bất cứ ai đã đến thăm các sảnh nghệ thuật huyền thoại tại cung điện Versailles chắc chắn sẽ bị choáng ngợp trước những bức bích họa hoành tráng. Tuy nhiên, khách tham quan có thể sẽ ngạc nhiên khi biết rằng có rất ít tài liệu về những vị họa sĩ đã vẽ nên những kiệt tác này.
Thiên tài Charles Le Brun
Chỉ cần xem qua ảnh chụp các bức tranh của Le Brun cũng có thể thấy được tố chất thiên tài của người họa sĩ, tuy không thể sánh với trải nghiệm đầy cảm hứng khi dạo bước qua Phòng Trưng Bày Lớn tại cung điện Versailles.
Những cánh cửa vòm cao rộng mời gọi người xem tiến vào không gian sảnh mang đến trải nghiệm chưa từng có. Những thành tố trang trí của kiến trúc kết hợp hoàn hảo với những bức tranh tường đưa du khách bước vào một thế giới khác, tựa như cõi thiên giới.
Trong tác phẩm hoành tráng “Sự sụp đổ của các thiên thần nổi loạn” tại Bảo Tàng Mỹ Thuật Dijon, họa sĩ Le Brun đã vẽ cảnh này từ sách Khải huyền của Kinh thánh. Bức tranh vẽ các thiên thần hân hoan bay quanh Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, người đang thanh lý các loạn thần, đẩy chúng vào hướng một con ác long theo hình xoáy ốc và rơi xuống vực sâu.
Bố cục của bức tranh dẫn dắt người xem từ những mảng màu có độ tương phản cao của khối xoáy ốc gồm nhiều hình người ở trung tâm trong một không gian rộng mở sáng sủa, tạo ra ảo giác nhiều tầng lớp chiều cao.
Hiệu ứng của bức tranh khiến chúng ta như bước vào trong và trở thành một phần của khung cảnh. Chúng ta trải nghiệm khung cảnh lật đổ cái ác và tái tạo quy luật vũ trụ như thể sự kiện này đang diễn ra trong chính thời gian và không gian của chúng ta.
Chúng ta có thể quan sát cách sắp đặt xuất sắc những hình người đan xen rơi vào hỗn loạn, cuốn theo cơ thể đang hấp hối của con thú.
Một bức tranh gần gũi hơn được trưng bày tại Louvre mô tả “Chúa Hài Đồng đang ngủ” (1655) của Le Brun là một bố cục tuyệt vời chìm đắm trong ánh sáng ấm áp. Khung cảnh Chúa Hài Đồng đang ngủ trong vòng tay của Mẹ Mary biểu đạt khả năng khắc họa trọng lượng cơ thể một cách đặc biệt. Đứa trẻ được che chở trong tình yêu của Mẹ và những nhân vật xung quanh. Chúa Hài Đồng hiện diện thật thanh tao với làn da trắng như đá cẩm thạch, nằm ngủ yên ả trong những lớp vải được sắp xếp với những gam màu đỏ, xanh lam và trắng.
Những ví dụ này giúp chúng ta am tường hơn về các tác phẩm của một thiên tài có khả năng linh hoạt cả về chủ đề lẫn kỹ thuật, từ những cảnh kịch tính hoành tráng với nhiều nhân vật đến những cảnh thân mật giàu cảm xúc – đều được thể hiện một cách điêu luyện.
Vì sao họa sĩ Charles Le Brun bị lãng quên?
Nỗ lực của nhà vua Louis XIV để trở thành người bảo trợ nghệ thuật vĩ đại nhất trong lịch sử được hỗ trợ bởi Charles Le Brun, người từng là họa sĩ hoàng gia và coi sóc nhiều xưởng vẽ.
Bên cạnh khối lượng khổng lồ các tác phẩm đáng kinh ngạc mà Le Brun để lại, lý thuyết nghệ thuật của ông đã định hình cách thức giảng dạy nghệ thuật trên khắp Âu châu, và có ảnh hưởng nhất định đến các xưởng vẽ trên toàn thế giới cho đến ngày nay.
Tuy nhiên, triển lãm cuối cùng tôn vinh Le Brun ở Versailles được tổ chức từ năm 1963. Về sau, chỉ có một ấn phẩm tiểu sử bằng tiếng Anh xuất bản năm 2016 của nhà Wolf Burchard có tiêu đề “Nghệ sĩ xuất chúng: Charles Le Brun và Hình ảnh của Đức vua Louis XIV.”
Để trả lời cho câu hỏi tại sao thiên tài Le Brun không còn được tôn vinh, chúng ta cần hiểu cách chúng ta thần thoại hóa những nghệ sĩ và cách chúng ta biết về lịch sử như thế nào. Đầu tiên là sự kiện năm 1664 khi Charles Le Brun được ban chức Họa Sĩ Bậc Nhất cho Nhà vua đã khiến ông trở thành người đàn ông uy quyền và cống hiến. Vì thế mà tên của Le Brun hiếm khi được nhắc đến bên ngoài nước Pháp vì yếu tố chính trị của “chế độ quân chủ tuyệt đối” và vì mối liên hệ mật thiết của ông với Vua Mặt Trời.
Thuật ngữ “chế độ quân chủ tuyệt đối” về sau bị kỳ thị và được sử dụng để kích động cho Cách Mạng Pháp. Sự sụp đổ của chế độ đã kéo theo sự suy bại của những triển vọng và di sản từ nhiều chuyên gia của đế chế. Sau cách mạng, sự kỳ thị dường như đã bám chặt vào các nghệ sĩ có liên quan đến Cung điện Versailles và trên hết, đã làm tổn hại đến danh tiếng của Le Brun tài năng.
Đứng trước một nghệ sĩ đồng thời là người dẫn dắt trong trong lĩnh vực của mình, chúng ta dường như đã được huấn luyện để nghi ngờ tính liêm chính trong nghệ thuật của anh ấy. Tuy nhiên, ở đỉnh cao của kỷ nguyên nghệ thuật thịnh vượng, Le Brun có một vị thế hoàn hảo, ông được tự do tiếp cận và tuân theo những di sản mỹ thuật truyền thống. Vì thế, ông đương nhiên sẽ có tầm nhìn hài hòa với những dự án vĩ đại của nhà vua.
Nhà sử học nghệ thuật Anthony Blunt đã gọi Le Brun là “một nhà độc tài nghệ thuật Pháp quốc” và do đó đã định cho ông là nghệ sĩ hạng hai. Nhận xét này có vẻ mang tính chính trị hơn là một nhận xét chân thành về nghệ thuật của Le Brun.
Tuy nhiên, dường như có nhiều nguyên nhân hơn thế. Le Brun không phù hợp với hình ảnh lãng mạn hóa của một nghệ sĩ luôn phải chật vật và có cuộc sống phụ thuộc vào lòng hảo tâm của những khách hàng quen. Và trong tiểu sử của ông không tiết lộ bất kỳ câu chuyện tai tiếng nào mà các nhà sử học nghệ thuật có thể sử dụng để thêu dệt nên bí ẩn xung quanh đời sống của các bậc thầy, chẳng hạn như trường hợp của Caravaggio hoặc Bernini. Ngài Le Brun đã được vinh danh hơn là bị coi thường trong thời đại của chính mình.
Tiếp cận đến công chúng bằng giá trị phổ quát
Điều quan trọng nhất để có trải nghiệm ý nghĩa với tác phẩm nghệ thuật là tự hỏi bản thân, “Bản chất của tác phẩm nghệ thuật ảnh hưởng đến tôi như thế nào với tư cách là người xem?”
Những tác phẩm của Charles Le Brun không chỉ là tranh vẽ hay tranh tường mà còn chứa đựng nội hàm sâu sắc. Chiêm ngưỡng những thế giới trong tranh của ông, chúng ta thấy bóng dáng những thiên tưi. Họ biểu đạt những chủ đề mang tính tâm linh phổ quát hơn là những sự kiện luôn thay đổi của xã hội, vốn đang chìm đắm trong ồn ã của chiến tranh và cách mạng.
Khi nền văn minh phát triển, đôi khi những kho báu thực sự biến mất khỏi nhận thức của chúng ta. Tuy nhiên đây chỉ là vấn đề thời gian trước khi nhân loại vốn luôn khao khát được truyền cảm hứng nhìn nhận lại và chiêm ngưỡng những thành tựu diệu kỳ mà nền văn minh của chúng ta đã cống hiến.
Phương Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times