Căn mật thất tiết lộ niềm tín Thần của Michelangelo
Ít ai biết rằng một trong ba tam kiệt thời Phục hưng Michelangelo đã phải ẩn mình trong một gian mật thất được xây dựng trên chính ngôi nhà thờ của gia tộc đang kết tội ông.
Đó là một khoảnh khắc vô cùng thú vị vào năm 1975 khi giám đốc bảo tàng Paolo Dal Poggetto đã phát hiện ra một cánh cửa sập nằm ẩn dưới chiếc tủ hồ sơ tại gian phòng chứa vật thờ tự của Thánh đường San Lorenzo ở thành phố Florence, Ý. Dưới cánh cửa sập là những bậc thang bằng đá dẫn đến một mật thất bị lãng quên trong suốt 500 năm. Thoạt đầu, mật thất trông như một nhà kho chứa than, tuy nhiên khi ngài Dal Poggetto biết được vị trí của căn mật thất, ông không khỏi tò mò muốn biết những gì đằng sau lớp thạch cao của những bức tường trong căn phòng bí mật này.
Các chuyên gia, với dao giải phẫu, đã dành nhiều tuần để loại bỏ lớp thạch cao nhằm tìm kiếm manh mối còn sót lại, vì họ nhận định rằng những gì còn lại của căn phòng chính là những tác phẩm nghệ thuật. Đúng như dự đoán của các chuyên gia, hàng chục bức vẽ đã được tìm thấy, và phần nhiều trong số đó, họ chắc chắn, được thực hiện bởi người nghệ sĩ tài danh Michelangelo Buonarroti.
Đây là một phát hiện nghệ thuật mang tính lịch sử của thế kỷ. Và đằng sau kho báu được “khai quật” này là một câu chuyện của đức tin, của sức mạnh kiên định và của một sứ mệnh không mệt mỏi đến từ người nghệ sĩ. Và tất cả đã được khám phá.
Nhiều người cho rằng căn phòng bí mật nơi Michelangelo lẩn trốn vào năm 1530 trong hai tháng nơi ông trú mình để thoát khỏi sự trả thù của gia tộc Medici (1) ở thành phố Florence, Medici là những người có quyền lực bật nhất ngành ngân hàng thời bấy giờ.
“Tôi đã trốn trong một căn phòng nhỏ,” Michelangelo viết, “Tôi co ro tựa như những thi thể của nhà Medici phía trên tôi, tuy nhiên, tôi ở đây để trốn tránh những người sống. Và để quên đi nỗi sợ, tôi đã thực hiện vô số những bức họa trên các bức tường.”
Những bức vẽ này làm dấy lên một câu hỏi: đó là tại sao Michelangelo phải chạy trốn trước sự truy bắt của gia tộc hùng mạnh đã từng cưu mang ông, cùng với nỗi sợ hãi vì mối đe dọa có thể tước đi mạng sống của ông.
Ở tuổi 14, Michelangelo được đưa vào lâu đài Medici của ngài Lorenzo de Medici, người đã sớm nhận ra tài năng của Michelangelo. Tại đó, ông sống cùng gia tộc Medici như một người con trai. Tại đó, Michelangelo rất thích thú với việc được thụ hưởng một nền giáo dục vô cùng nhân văn.
Trong thời gian này, ông đã thực hiện bức phù điêu đầu tiên theo mô típ pagan (2) mang tên Battle of the Centaurs (tạm dịch: Trận chiến của các nhân mã). Bức phù điêu này được yêu cầu bởi Lorenzo vào năm 1492.
Ở một diễn biến khác, Savonarola, một nhà thuyết giáo kiệt xuất, đã lấy được lòng tin của số đông quần chúng chính vì vốn hiểu biết sâu sắc về thần học cùng phong cách rao giảng như thể trực tiếp chạm vào trái tim của người dân. Tuy nhiên, khi danh tiếng của ông lan xa, những chỉ trích của ông dành cho giáo hội cũng ngày một trở nên dữ dội.
Có lần ông dám buộc tội cả Giáo hoàng:
“Ông ta – Giáo hoàng, đã dựng nên một ngôi nhà đầy sự dối trá. Ông đã đặt một ả gái điếm lên ngai vàng của Solomon. Giáo hội đã mời tất cả những người này và luôn muốn làm hài lòng họ chỉ vì họ có tiền. Và những người ôm giữ đức tin chân chính vào Chúa đã bị tống cổ. Ôi một Giáo hội hạ tiện, các người lan truyền sự dâm dục, làm vương vãi khắp mọi nơi từ mặt đất đến tận biển sâu.”
Ngoài ra, Savonarola đã nhìn thấy rằng những người cầm quyền nhà Medici là nguyên nhân chính của sự trượt dốc về đạo đức và sự từ bỏ đức tin vào Kitô giáo ở thành Florence, vì nhà Medici đã cho phép các nghi lễ của ngoại đạo được cử hành. Và với ảnh hưởng của Savonarola, dân thành Florence bắt đầu nổi dậy chống lại sự cai trị của nhà Medici. Khi Savonarola quyết định đứng về phe của người ở Pháp ở Florence vào năm 1494, nhà Medici đã bị buộc phải từ bỏ quyền lực và trao trả lại thành Florence.
Vào ngày 13/01/1495, Savonarola đã giảng một bài thuyết giáo vô cùng hùng hồn về những cải tổ cần có trước đám đông công chúng trong Nhà thờ lớn, Cattedrale di Santa Maria del Fiore.
“Nàng (thành phố Florence) vinh quang hơn và mạnh mẽ hơn bao giờ hết, nàng đang giang rộng đôi cánh của mình, rộng đến mức không ai có thể mường tượng nổi. Florence chính là Jerusalem mới, hòa bình và đoàn kết sẽ lại ngự trị.”
Với việc nhà Medici phải sống lưu vong, Savonarola đưa thành Florence trở lại là một nhà nước cộng hòa độc lập, với suy nghĩ rằng luật Kitô nên là căn bản của đời sống chính trị và xã hội.
Tuy nhiên, sự lãnh đạo của Savonarola đã không tồn tại được lâu khi ông bắt đầu thuyết giảng quyết liệt hơn bao giờ hết nhằm vạch trần sự hủ bại của Giáo hội. Vì điều này, Giáo hoàng Alexander VI đã chính thức tuyên án tuyệt thông (3) với ông vào năm 1497. Tuy nhiên, Savonarola vẫn tiếp tục rao giảng tại thành Florence, do đó, Đức Giáo hoàng đã quyết định mạnh tay hơn với ông và cảnh cáo những người dân thành Florence rằng ai ủng hộ Savonarola sẽ bị khai trừ, sẽ bị cấm đặt chân đến các thánh tích và không được chôn cất theo nghi lễ của Kitô giáo nếu họ vẫn quyết chứa chấp Savonarola. Vào một ngày Chúa nhật Lễ Lá năm 1498, tu viện của Savonarola, nhà thờ Thánh Mark đã bị tấn công bởi một đám đông la hét ầm ỹ, Savonarola đã bị bắt và cuối cùng bị hành quyết bằng cách treo giàn thiêu sống ngay tại trung tâm thành phố trong cùng năm đó.
Tất cả 90 bài viết của Savonarola, từ các bức thư đến những tác phẩm lớn, được phát tán khắp Âu châu bởi những người ủng hộ ông. Nhiều người tin rằng lúc bấy giờ tâm trí của Michelangelo hoàn toàn đắm chìm trong những bài giảng của Savonarola.
Tác phẩm David của Michelangelo, biểu tượng của sự độc lập.
Savonarola cho rằng nghệ thuật thiêng liêng là một công cụ để quảng bá nhân sinh quan của ông, đồng thời ông cũng bài xích thứ nghệ thuật trần tục mang tính phá hoại. Quan điểm của ông về nghệ thuật đã giúp định hình phong cách sáng tác của nhiều nghệ sĩ cũng như ảnh hưởng đến tư tưởng của người dân ở thành Florence.
Bức tượng David – một nhân vật trong Thánh kinh được thực hiện bởi Michelangelo đã đóng vai trò quan trọng, tượng trưng cho sự thất thế của nhà Medici. Tác phẩm điêu khắc này được yêu cầu bởi Công hội len (được gọi là Arte Della Lana) một vài năm sau khi gia đình Medici bị lưu đày.
Lẽ ra, bức tượng ban đầu được cho là phải được đặt trên chóp của Nhà thờ Florence. Tuy nhiên, thay vì đặt tác phẩm điêu khắc cao 17 feet (hơn 5 mét) này tại Nhà thờ lớn, vào năm 1504, nó đã được dựng lên ở trung tâm của Florence, như một phép ẩn dụ mang nghĩa tương phản với tượng người khổng lồ Goliath. Những lời bình bên dưới bức tượng đã phản ánh quá trình đặt tượng mang đầy tính khiêu khích. Với tòa thị sảnh đằng sau, người hùng David như thể đang trong tư thế sẵn sàng cho trận chiến. Anh ném cái nhìn đăm chiêu về hướng của thành Rome, nơi gia tộc Medici đang lẩn trốn.
Theo một giáo sư lịch sử của Đại học Virginia, Paul Barolsky, trong một bài viết tại có tiêu đề Machiavelli, Michelangelo và David (2004), nước Ý có truyền thống lâu đời trong việc mô tả nhân vật David (trong Thánh kinh) như một người bảo vệ, xét về mặt xã hội và văn hóa. Để miêu tả David như một người bảo vệ, Michelangelo đã vẽ chàng David cao lớn hơn, anh tuấn hơn, và nhiều cơ bắp hơn so với nhưng gì được Thánh kinh miêu tả.
Sau cái chết của Savonarola, gia tộc Medici đã lấy lại được tầm ảnh hưởng khi Giovanni de Medici được chọn làm Giáo hoàng đầu tiên của nhà Medici, giáo hoàng Leo X. Là hậu duệ của gia tộc Medici, giáo hoàng Leo X đã giúp nhà Medici lấy lại vị thế và quyền lực trong chính quyền thành phố Florence vào năm 1512, và điều này đã chấm dứt nền cộng hòa tại đây.
Tuy nhiên vị Giáo hoàng này lại không được lòng những người ủng hộ Savonarola và những người dân ủng hộ nền cộng hòa, bao gồm cả Michelangelo.
Trong thời gian này, Michelangelo đang trong giai đoạn đang hoàn thiện về mặt tinh thần lẫn kỹ năng sáng tạo nghệ thuật. Vì thế, ông đã thực hiện nhiều tác phẩm mang tính biểu tượng như tác phẩm David trên trần nhà nguyện Sistine. Giống với Savonarola, ông nhìn nhận mình chính là người phụng sự của Thượng đế, tuy không phải bằng cách thuyết giảng, mà thông qua những tác phẩm nghệ thuật.
Năm 1527, khi một nhóm người tại thành Florence một lần nữa nổi dậy chống lại chính quyền của gia tộc Medici, để giành độc lập cho Florence, Michelangelo là một nhà hoạt động tích cực trong số đó. Ông thậm chí đã trở thành người lãnh đạo cho những thành trì của nền cộng hòa. Gia đình Medici một lần nữa phải sống lưu vong, và cuộc nổi dậy của người dân Florence, một lần nữa, đã phục hồi nền cộng hòa.
Tuy nhiên sự tồn tại của nền cộng hòa không kéo dài được lâu. Sau những trận chiến đẫm máu, gia tộc Medici lại thành công trong việc kiểm soát Florence vào năm 1531 thông qua Giáo hoàng Clement, cũng là một hậu duệ Medici. Ngài giáo hoàng phục hồi chức công tước của thành Florence cho Alessandro de Medici.
Với việc ngài “Giáo hoàng nhà Medici” và gia tộc của ông đã lấy lại được quyền lực, những người có tư tưởng Cộng hòa đã bị trừng trị thẳng tay. Và những người bị kết án dĩ nhiên bao gồm Michelangelo, và thế là, ông đã rút về gian mật thất dưới lòng đất của mình.
Tại thời điểm này, trong khi Michelangelo đang lẩn trốn khỏi cơn thịnh nộ của gia tộc Medici, và dĩ nhiên, cảm thấy hãi kinh khi phải đối diện với việc mạng sống đang bị đe dọa. Vì thế, các học giả nhận định rằng ông phải cố gắng giữ mình bận rộn với việc sáng tác nghệ thuật và đó là lí do của sự xuất hiện của các tác phẩm nghệ thuật được tìm thấy trong căn mật thất. Những tác phẩm trong gian mật thất đó có lẽ mang theo cảm hứng từ những tuyệt tác mà ông đã thực hiện trước đó và cả những tác phẩm mà ông chưa thể hoàn thành.
May mắn thay cho Michelangelo, danh tiếng của ông và sự quý mến mà ngài Giáo hoàng dành cho ông đã vượt trên sự “ngỗ ngược” của ông trong con mắt của chính quyền. Giáo hoàng đã đồng ý tha bổng cho Michelangelo với điều kiện ông phải hoàn thành mộ phần của nhà Medici trong Nhà nguyện Medici.
Khi Michelangelo nhận được thông điệp này; ông đã đồng ý ra khỏi nơi ẩn náu, để hoàn thành công việc thực hiện mộ phần còn dang dở. Sau khi hoàn thành công trình, ông liền rời khỏi quê hương Florence để chuyển tới Rome vào năm 1532 khi nền Cộng hòa của thành Florence đã kết thúc, và ông đã không bao giờ trở về quê hương mình.
Tại thành Rome, ông đã thực hiện một kiệt tác tuyệt vời khác mang tên “Bản án cuối cùng – The Last Judgment” tại nhà nguyện Sistine. Vào thời gian này, Michelangelo đã chứng kiến ảnh hưởng của nhà thuyết giảng Savonarola triển hiện trên ông, khiến ông đi theo tiếng gọi của Thượng đế thay vì Đức Giáo hoàng.
Chúng ta có thể thấy với bức bích họa này, Michelangelo đã khắc họa những trải nghiệm của mình khi còn ở thành Florence. Với tinh thần duy hộ công lý, ông đã truyền tải sự diễn giải có phần dữ dội của chính mình về phán quyết của Thượng đế. Tác phẩm này đã miêu tả những hình phạt của tội lỗi và sự cứu chuộc đối với những ai dám đứng lên để duy hộ đức tin chân chính.
Johanna Schwaiger là một nhà điêu khắc và đồng thời là giám đốc chương trình của Học viện New Masters mới.
Chú thích:
(1) Nhà Medici khởi đầu là một gia đình ngân hàng, tiếp đó trở thành một đế quốc chính trị và sau này là triều đại bắt đầu thống trị dưới quyền điều khiển của Cosimo de’ Medici trong nền Cộng hòa Florence trong nửa đầu của thế kỷ 15.
(2) Đa thần giáo, ngoại giáo hay pagan giáo (paganism) là một thuật ngữ được sử dụng lần đầu vào thế kỷ thứ tư bởi các tín hữu Kitô sơ khai để chỉ những nhóm dân cư có nguồn gốc từ Đế quốc La Mã thực hành theo tín ngưỡng đa thần giáo, cả vì bởi sự liên đới ngày càng tăng ở cả nông thôn và thành thị của họ với cộng đồng dân cư theo Kitô giáo, và vì họ không phải là milites Christi (hiệp sĩ của Chúa Kitô). Các thuật ngữ thay thế trong kinh điển Kitô giáo cho cùng nhóm người này là hellene, gentile, và heathen.
(3) Vạ tuyệt thông (hay dứt phép thông công, rút phép thông công) là một hình phạt của Giáo hội Công giáo Rôma dành cho những giáo sĩ và giáo dân phạm trọng tội. Khi một người bị tuyên án vạ tuyệt thông thì về bản chất, người ấy bị tách rời ra khỏi sự “hiệp thông” với những tín hữu khác trong Giáo hội, về hình thức là bị khai trừ khỏi tổ chức Giáo hội. Tuy nhiên, vạ tuyệt thông không phải là Thiên Luật (luật của Chúa) mà là Nhân Luật (giáo luật của Giáo hội), nên vạ tuyệt thông không ảnh hưởng đến mối liên hệ riêng rẽ giữa cá nhân người bị vạ với Thiên Chúa.
Song Ngư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm:
Những thông điệp tiên tri trên trần Nhà nguyện Sistine
Thời kỳ Phục Hưng tại Ý: Vinh quang Thiên Chúa hay thế nhân?
Chiếc cầu thang xoắn ốc thần kỳ tại nhà nguyện Loretto