Thời kỳ Phục Hưng tại Ý: Vinh quang Thiên Chúa hay thế nhân?
Các nhà sử học thường lập luận rằng, mỹ thuật Phục Hưng chú trọng khám phá vẻ đẹp thế tục thông qua cơ thể con người, các nghệ sĩ đã ngừng tập trung vào Chúa và bắt đầu tin vào bản ngã của chính họ. Điều này nghe có vẻ hợp lý, nhưng dường như không liên quan gì đến nước Ý.
Những kí ức đầu tiên của tôi về nước Ý là về thành phố Venice. Đó thực sự là một thế giới kì lạ và nhiệm màu, tôi cảm thấy mình là cô bé Alice lạc bước vào xứ sở Thần Tiên.
Ngày còn bé, tôi đã từng đuổi chim bồ câu xung quanh công viên St.Mark, trong lúc cha tôi đang vẽ những bức tranh phong cảnh bằng màu nước. Sau đó, trong quá trình nghiên cứu lịch sử nghệ thuật, tôi thường xuyên du lịch từ Salzburg, nơi tôi từng theo học, đến Umbria và Tuscany, để nghiên cứu kho tàng nghệ thuật trong các nhà thờ, tu viện và các bảo tàng.
Cuối cùng khi tôi chuyển đến Florence để học điêu khắc cổ điển, tôi đã sống giữa những kiệt tác nổi tiếng ở ngay trong chính thành phố đầy ắp những câu chuyện về cái nôi của thời kỳ Phục Hưng.
Những đổi mới như phối cảnh tuyến tính, sử dụng kiến thức về giải phẫu người, cũng như sự am hiểu về ánh sáng và bóng tối đã làm cho những thời kỳ Phục Hưng của Ý trở thành một hiện tượng lôi cuốn, với đỉnh cao là tác phẩm “Chúa trời tạo ra Adam” của nhà điêu khắc Michelangelo tại nhà nguyện Sistine ở thành Rome.
Tuy nhiên, không chỉ có những đổi mới về kỹ thuật khiến chúng ta ngạc nhiên trước những kiệt tác này, mà còn có một điều khác – phi thường hơn nhiều.
Các nhà sử học tập trung vào thời kỳ Khai Sáng thường thích cách giải thích rằng Phục Hưng là một bước chuyển đầu tiên tiến về thế giới hiện đại. Họ lập luận rằng, Phục Hưng là một thời kỳ đen tối của thời Trung Cổ – một xã hội mù chữ thù địch với các thú vui – cuối cùng đã bị phá vỡ khi khám phá lại các tư tưởng của Hy Lạp. Bằng việc khám phá ra vẻ đẹp thế tục thông qua cơ thể con người, các nghệ sĩ đã ngừng tập trung vào Chúa và bắt đầu tin vào bản ngã của chính họ.
Điều này nghe có vẻ hợp lý, nhưng nó dường như không liên quan gì đến nước Ý mà tôi đã biết và yêu mến. Bất cứ ai dành thời gian đến các bảo tàng và các nhà thờ của quốc gia này để tận mắt trải nghiệm nghệ thuật đều biết rằng điều này khác xa sự thật. Phần lớn các tác phẩm ra đời vào trước, trong, và sau thời kỳ Phục Hưng tại Ý đều có chủ đề đức tin vào Chúa.
Thời kỳ Phục Hưng xuất hiện từ thời Trung Cổ
Để hiểu rõ hơn điều gì đã châm ngòi cho một thời kỳ vàng son của nghệ thuật, trước tiên chúng ta phải đặt câu hỏi về lời kể của một nền văn minh đã mất đột ngột tái sinh ở Ý.
Nhà sử học thời kỳ Phục Hưng John Monfasani đã lầm sáng tỏ quan điểm sai lầm về một thời kỳ Đen Tối đã được định hình thêm qua các bộ phim bom tấn của Hollywood, có thể kể đến như “The Name of the Rose”, “Robin Hood”, và “The Da Vinci Code”. Hầu hết các bộ phim đều mô tả một Âu Châu thời Trung Cổ như một thời kỳ bạo lực và lạc hậu.
Ngài Monfasani đã vạch trần các quan điểm sai lầm này. Trong bài đánh giá cuốn sách “The Swerve: How the World Became Modern” của Stephen Greenblatt, Monfasani viết về các điểm không chính xác trên thực tế đã được xây dựng trong cuốn sách bán chạy của tờ New York Time.
“Để minh họa mức độ sai sót trong cuốn ‘The Swerve’ tôi sẽ đi qua từng điểm một trong bức tranh thời Trung Cổ của Greenblatt. Đầu tiên, có thể đã đúng khi nhận định rằng đó là một nền văn hóa quay lưng lại với việc đọc và viết. Nhưng điều đó đã không xảy ra ở Âu Châu thời Trung Cổ. Sự thật là, thời Trung Cổ được coi là một thời ưa chuộng sách vở nhất ở Âu Châu, thời kỳ mà những cuốn sách – Cơ đốc giáo, Hy Lạp, và La Mã cùng với nhau – sánh ngang với những báu vật cổ. Những độc giả và các nhà văn thời Trung Cổ, không chỉ giới tăng lữ mà cả văn hóa giáo dân, đều chịu ảnh hưởng khá lớn bởi những thư tịch này, đặc biệt là sau thế kỷ 10”.
Giả định chúng ta hiểu rằng các tu viện trong thời Trung Cổ không chỉ là nơi cầu nguyện mà còn là nơi trao đổi tri thức, sáng tạo và học hỏi. Và chúng ta cũng có thể giả định thêm rằng cuộc sống hàng ngày của người dân thời Trung Cổ cũng phức tạp như ở bất kỳ thời đại nào, tràn ngập bởi tình yêu, căm hận, đức tin, nghi kỵ, sự tò mò, và sự thiếu hiểu biết. Như thế, chúng ta sẽ có một bức tranh rõ nét hơn.
Tìm hiểu nghệ thuật thời Trung Cổ phong phú về thẩm mỹ và thể hiện sự đổi mới không ngừng qua hàng trăm năm, có thể thấy rõ ràng rằng nền văn minh Tây phương đã được sinh ra từ Âu Châu thời Trung Cổ.
Ảnh hưởng từ phương Bắc
Dấu vết của sự phát triển này có thể được tìm thấy qua các thời đại. Ở phương Bắc xa xôi của nước Ý, chúng ta đã tìm thấy một số bức tranh khắc họa hình người đáng chú ý. Ví dụ như, theo nhận định thời gian của nhà sử học người Đức Ernst Gombrich, sớm nhất là vào năm 1220 tại nhà thờ Bamberg của Đức có trưng bày một bức tranh cưỡi ngựa với kích thước thật và những tỷ lệ tuyệt vời, với những chi tiết tỉ mỉ trong trang phục, và các thớ cơ của con ngựa.
Kỹ thuật sơn dầu bắt nguồn từ các nước Bắc Âu. Phát minh này được kết luận là của Jan van Eyck ở Bruges – người phát triển kỹ thuật đó với mong muốn đạt được đỉnh cao lớn hơn trong dòng tranh hiện thực. Jan Eyck và những người cộng sự của mình thời Flemish vào đầu thế kỷ 15 đã đạt trình độ khắc họa chưa từng có đối với các bức chân dung cũng như các chi tiết vật liệu như kim loại, thủy tinh và các đặc tính của từng loại vải riêng biệt như nhung, bông và lụa. Các tác phẩm của họ được bắt nguồn từ những bức tranh thu nhỏ cuối thời Gothic.
Hiếm khi những nghệ sĩ Flemish được nhìn nhận là có ảnh hưởng lớn đến thời kỳ Phục Hưng tại Ý. Thậm chí rằng thuật ngữ “Người nguyên thủy Flemish” đã được sử dụng bởi các nhà sử học nghệ thuật từ thế kỷ 19, cũng có vẻ thiên lệch. Hãy nhìn vào tác phẩm Ghent altarpiece của Jan Eyck, một kiệt tác có chất lượng vượt trội và giàu tính biểu tượng, hoặc là bất kỳ thứ gì khác ngoài trừ “sự nguyên thủy” được nhắc phía trên.
Vậy, điều gì sẽ lý giải về câu chuyện sự thành công rực rỡ của thời kỳ Phục Hưng tại Ý trong thời kỳ Trung Cổ đen tối? Để tìm được câu trả lời, chúng ta tìm về nguồn gốc của cái tên “Phục Hưng”.
Những tác phẩm của Giorgio Vasari về thời kỳ Phục Hưng
Nhà sử học nghệ thuật đầu tiên của thế kỷ 16, Giorgio Vasari lần đầu tiên đề cập đến từ Rinascimento (Phục hưng) trong loạt sách tiểu sử các nghệ sĩ “Le Vite” (“The Lives”) viết tắt của “Le Vite de ‘Piv Eccellenti Pittori Scultori et Architettori” (“Cuộc đời của những họa sĩ, nhà điêu khắc và kiến trúc sư xuất sắc nhất”).
Mặc dù chín tập sách của ông cung cấp thông tin có giá trị về cuộc đời và công việc của những bậc thầy vĩ đại nhất, nhưng những mô tả của ông luôn được coi là đóng vai trò chủ chốt.
Đặc biệt, lời kể của Vasari về sự ra đời của thời kỳ Phục hưng, đã bị số đông nghi ngờ. Trong phần mở đầu của mình, ông mô tả mọi thứ được tạo ra sau sự sụp đổ của Rome và trước thời kỳ Phục Hưng là quái dị, man rợ và các kiến trúc biến dị, có tính hủy hoại thế giới. Ông tóm tắt cách những kẻ man rợ lật đổ La Mã và cách tôn giáo Cơ đốc giáo mới thành lập, sau “một cuộc đấu tranh lâu dài và đẫm máu,” đã xóa bỏ đức tin cổ xưa của người ngoại đạo. Sự tái sinh của tư tưởng Hy Lạp ở Ý cuối cùng đã đưa nghệ thuật lên một tầm cao mới, đạt đến đỉnh cao của những lời ca tụng.
Các nhà sử học và khảo cổ học ngày nay biết rằng đây là một bức tranh biếm họa về các sự kiện. Nhà sử học nghệ thuật người Đức, Gerd Blum, lần đầu tiên đã trích ra lời ca tụng của Vasari dành cho thời đại của chính mình trong cuốn sách của ông ấy “Giorgio Vasari, nhà phát minh của thời kỳ Phục hưng”.
Nhà phê bình nghệ thuật người Anh Waldemar Januszczak, trong loạt phim tài liệu “The Renaissance Unchained,” cũng đã dành những chỉ trích không kém lời kể của Vasari.
Hơn nữa, chúng ta biết rằng sự hỗn lạp giữa triết lý của Aristotle và Kitô giáo đã phát triển mạnh mẽ từ thế kỷ thứ tám chứ không chỉ từ thời Phục hưng.
Ngày nay, chúng tôi hiểu rằng nghệ thuật ở Ý đạt đến đỉnh cao thông qua truyền thống mỹ thuật lâu đời bắt nguồn từ các xưởng trong tu viện dưới sự ảnh hưởng của nhiều quốc gia và [những] truyền thống.
Những kiến trúc thời Phục Hưng tại Ý kể với chúng ta điều gì
Bất kể những ảnh hưởng nào đã khởi xướng nên thời kỳ Phục hưng tại Ý, nhưng còn có điều gì đó vĩ đại hơn nhiều so với những thành tựu kỹ thuật vẫn tiếp tục làm say đắm mọi người trên khắp thế giới cho đến ngày nay.
Tôi nhớ tôi đã đạp xe qua quảng trường Piazza del Duomo mỗi ngày trong thời gian ở Florence và nhìn thấy một đám đông du khách chật cứng mê mẩn bên ngoài Cổng Thiên đường tại Baptistery of San Giovanni (St. John) được tạo tác từ năm 1425 đến năm 1452.
Cổng Lorenzo Ghiberti là tác phẩm nghệ thuật mà tôi quay lại thường xuyên nhất kể từ lần đầu tiên vẻ đẹp tráng lệ này đập vào mắt tôi. Michelangelo từng mô tả kiến trúc này “đủ đẹp để trở thành cửa ngõ dẫn đến thiên đường.” Điều ấn tượng đặc biệt về cánh cửa này là khung hình mô tả quá trình sáng tạo của Adam và Eva – Adam trong trạng thái bất tỉnh, hướng người vươn lên để nhận được ân điển sinh mệnh từ Đức Chúa Trời.
Ngắm nhìn những tác phẩm như thế này sẽ khiến người ta lặng đi trong một khoảng thời gian và nhận ra vẻ đẹp của tạo hóa và bản thân chúng ta cũng là một phần của điều gì đó vĩ đại hơn rất nhiều.
Trong tác phẩm “Le Vite,” của mình, Vasari đã nhắc lại lời trăn trối nổi tiếng của Leonardo da Vinci rằng: “Tôi đã xúc phạm đến Chúa và nhân loại, vì vậy công việc của tôi không đạt được thành tựu lẽ ra phải có.”
Mặc dù chưa chứng minh được rằng Leonardo đã nói những lời này trước khi chết hay không, nhưng câu nói này đã trở thành biểu tượng cho một thế hệ nghệ sĩ được dẫn dắt bởi một điều gì đó lớn lao nhằm tôn vinh Sự Sáng Tạo của Chúa.
Johanna Schwaiger là một nhà điêu khắc và giám đốc chương trình của New Masters Academy.
Minh Uyên biên dich
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: