Hoa Kỳ trừng phạt 39 tổ chức trợ giúp thương mại cho Iran
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tuyên bố rằng bộ của ông đang áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 39 tổ chức được cho là đang trợ giúp các khách hàng Iran tham gia thương mại bất hợp pháp.
Thông báo hôm 09/03 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đề ra các biện pháp trừng phạt đối với hàng chục tổ chức “ngân hàng ngầm” trải rộng trên một số quốc gia sẽ phải chịu các lệnh trừng phạt này do có liên kết với các nhóm Iran.
Theo một thông cáo báo chí, “các hệ thống tài chính bất hợp pháp thuộc quyền tài phán của nhiều quốc gia” này cho phép các công ty Iran bị trừng phạt tiếp cận hệ thống tài chính toàn cầu và cho phép họ che giấu các giao dịch kinh doanh với các khách hàng ngoại quốc.
Thông cáo này cho biết, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Ngoại quốc (OFAC) của Bộ Ngân khố sẽ thực thi các biện pháp trừng phạt đó. Bước đi này thể hiện cam kết của Hoa Kỳ trong việc áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với chính phủ Iran cũng như trong việc phá vỡ các mạng lưới ở ngoại quốc mà nước này sử dụng để né tránh các lệnh trừng phạt.
Sử dụng các công ty bình phong
Để tạo thuận lợi cho thương mại thay mặt cho các khách hàng Iran của mình và giúp đỡ họ tránh các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, các doanh nghiệp trao đổi tiền tệ của Iran đã thành lập các công ty bình phong ở ngoại quốc. Chính quyền Iran đã kiếm được hàng chục tỷ USD từ các doanh nghiệp sử dụng các mạng lưới này trong nhiều ngành công nghiệp.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ khẳng định rằng họ dự định sẽ tiếp tục ngăn chặn các nỗ lực né tránh các lệnh trừng phạt của mình.
Bộ Ngân khố đã trích dẫn Công ty Thương mại Công nghiệp Hóa dầu Vịnh Ba Tư (PGPICC) và Công ty TNHH Hóa dầu Triliance là hai trong số các tổ chức được sử dụng làm bình phong để né tránh các biện pháp trừng phạt thương mại của Hoa Kỳ.
Theo thông cáo báo chí của Bộ Ngân khố, Thứ trưởng Bộ Ngân khố Wally Adeyemo cho biết: “Iran xây dựng các mạng lưới né tránh các lệnh trừng phạt phức tạp, nơi những người mua ngoại quốc, các nhà trao đổi tiền tệ, và hàng chục công ty bình phong hợp tác giúp các công ty Iran bị trừng phạt tiếp tục giao dịch.”
“Hành động hôm nay thể hiện cam kết của Hoa Kỳ trong việc thực thi các biện pháp trừng phạt của chúng tôi và khả năng của chúng tôi trong việc phá vỡ các mạng lưới tài chính ở ngoại quốc của Iran mà nước này sử dụng để rửa tiền.”
Sự hiện diện của Iran ở Mỹ Latinh
Iran đã trở thành tâm điểm trong những ngày gần đây kể từ khi dư luận phát hiện rằng các chiến hạm của họ đã cập cảng ngoài khơi bờ biển Brazil, như The Epoch Times đã đưa tin trước đó.
Sự kiện diễn ra từ ngày 26/02 đến ngày 04/03 này đã gây tranh cãi giữa các quốc gia dân chủ trong khu vực.
Theo các nguồn tin chính trị và an ninh, sự hiện diện của các chiến hạm này là kết quả của một một làn sóng gồm các nhà lãnh đạo cánh tả mới đã quét qua Mỹ Latinh trong những năm gần đây, trong đó có tân tổng thống của Brazil.
Theo các nhà bình luận, Iran dường như đang thực hiện lời hứa neo đậu các chiến hạm ở Kênh đào Panama vào cuối năm 2023.
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times