Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nam Hàn thắt chặt liên kết an ninh, lên án hành vi gây hấn của Trung Quốc
TRẠI DAVID, Maryland — Tổng thống Joe Biden cùng hai nhà lãnh đạo của Nam Hàn và Nhật Bản đã đồng ý thắt chặt liên kết kinh tế và an ninh ba bên tại hội nghị thượng đỉnh lịch sử ở Trại David hôm 18/08. Họ cũng đưa ra lời lên án mạnh mẽ đối với “hành vi nguy hiểm và hung hăng” của chính quyền Trung Quốc ở Biển Đông.
Khi kết thúc cuộc hội đàm với Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Tổng thống Biden đã công bố các thỏa thuận, bao gồm điều mà các nhà lãnh đạo gọi là “Các nguyên tắc Trại David.”
Họ nói trong một tuyên bố chung, “Mục đích của liên kết hợp tác an ninh ba bên của chúng tôi là và sẽ là duy trì thúc đẩy cũng như tăng cường hòa bình và ổn định trên toàn khu vực.”
Tổng thống Biden, cũng như các quan chức Hoa Kỳ, Nam Hàn, và Nhật Bản, khẳng định rằng hội nghị thượng đỉnh lần này “không phải về Trung Quốc” mà chú trọng vào các vấn đề an ninh rộng lớn hơn.
Trong một tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh, ba quốc gia cam kết kịp thời tham vấn với nhau trong các cuộc khủng hoảng và phối hợp ứng phó với các thách thức, khiêu khích, và đe dọa khu vực ảnh hưởng đến lợi ích chung.
Họ cũng đồng ý tổ chức các cuộc tập trận quân sự ba bên hàng năm và chia sẻ thông tin thời gian thực về các vụ phóng hỏa tiễn của Bắc Hàn vào cuối năm 2023. Các quốc gia này hứa sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên mỗi năm một lần.
Ba nhà lãnh đạo cũng đồng ý hợp tác về “khả năng phục hồi chuỗi cung ứng,” đặc biệt là về chất bán dẫn và pin, cũng như các công nghệ tân tiến khác như trí tuệ nhân tạo và điện toán lượng tử.
Liên kết đối tác nhắm vào Trung Quốc và Bắc Hàn
Ba cường quốc đặc biệt chỉ trích Trung Quốc cộng sản và Bắc Hàn, đồng thời tuyên bố sẽ phản đối bất kỳ sự thay đổi đơn phương nào đối với hiện trạng của khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương.
“Liên quan đến hành vi nguy hiểm và hung hăng tiếp sức cho các yêu sách hàng hải phi pháp mà chúng tôi đã chứng kiến gần đây của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) ở Biển Đông, chúng tôi phản đối mạnh mẽ bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng ở vùng biển thuộc Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương,” tuyên bố cho biết.
“Đặc biệt, chúng tôi kiên quyết phản đối việc quân sự hóa các phần lãnh thổ bị tước đoạt; việc sử dụng một cách nguy hiểm các tàu hải cảnh và tàu dân quân biển; cũng như các hoạt động mang tính cưỡng bách,” tuyên bố nói thêm.
“Chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình và ổn định tại Eo biển Đài Loan như một yếu tố không thể thiếu đối với an ninh và thịnh vượng trong cộng đồng quốc tế. Không có thay đổi nào trong lập trường căn bản của chúng tôi về vấn đề Đài Loan, và chúng tôi kêu gọi một giải pháp hòa bình đối với các vấn đề xuyên Eo biển.”
Để đạt được mục tiêu đó, tổng thống Nam Hàn nói rằng cần có sự hiệp lực giữa ba cường quốc để bảo đảm rằng quyền tự do của tất cả mọi người không bị ảnh hưởng.
“Tổng thống Roosevelt từng tuyên bố: Tự do không phải là thứ được ban cho, mà là thứ quý vị phải chiến đấu thì mới có được,” ông Yoon nói. “Để bảo đảm rằng các quyền tự do của mỗi chúng ta không bị đe dọa hoặc bị tổn hại, ba quốc gia của chúng ta phải thắt chặt sự hiệp lực. Đó cũng là lời hứa và nhiệm vụ của chúng ta đối với các thế hệ tương lai của mình.”
Cam kết tham vấn
Trong số các nguyên tắc được thông qua hôm thứ Sáu (17/08) cũng có “cam kết tham vấn,” trong đó nhóm đối tác ba bên này đồng ý tham vấn lẫn nhau và phối hợp ứng phó với “những thách thức, những hành động khiêu khích, và mối đe dọa trong khu vực ảnh hưởng đến lợi ích và an ninh chung của chúng ta.”
Dự kiến, hoạt động tham vấn này sẽ bao gồm việc chia sẻ thông tin tình báo, điều chỉnh thông điệp, đồng thời phối hợp các hành động nhằm đáp trả lại các mối đe dọa mới xuất hiện.
Đứng bên cạnh ông Kishida và ông Yoon, Tổng thống Biden đã tán dương hai nhà lãnh đạo này vì dũng khí chính trị của họ trong việc theo đuổi việc hàn gắn bang giao. Ông cho biết họ hiểu rằng thế giới đang “ở một thời điểm mang tính bước ngoặt, nơi chúng ta được kêu gọi lãnh đạo theo những cách mới, làm việc cùng nhau, sát cánh cùng nhau.”
“Điều quan trọng là tất cả chúng ta đã cam kết nhanh chóng tham vấn ý kiến của nhau để đối phó với các mối đe dọa đối với bất kỳ quốc gia nào của chúng ta từ bất kỳ nguồn nào,” ông nói. “Điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ có một đường dây nóng để chia sẻ thông tin và điều phối các phản ứng của chúng ta bất cứ khi nào có khủng hoảng trong khu vực, hoặc ảnh hưởng đến bất kỳ quốc gia nào trong chúng ta.”
Tổng thống Biden nói; “Cùng nhau, chúng ta sẽ bảo vệ luật pháp quốc tế” và chống lại “sự cưỡng bách.”
Không đề cập đích danh Trung Quốc, ông Kishisa nói, “Những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực ở Biển Hoa Đông và Biển Đông vẫn đang tiếp diễn,” đồng thời nói thêm rằng mối đe dọa về hỏa tiễn và hạt nhân của Bắc Hàn “ngày càng trở nên lớn hơn bao giờ hết.”
‘Cuộc hội đàm chưa từng có tiền lệ’
Nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc đã chỉ trích sự kết nối đang dần trở nên thân thiết giữa ba cường quốc, cáo buộc các đối tác này “làm gia tăng căng thẳng,” và tuyên bố “phản đối” bất kỳ hành động nào mà họ cho là đi ngược lại lợi ích của bản thân họ.
Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Vedant Patel cho biết hồi đầu tuần rằng hội nghị thượng đỉnh ba bên không phải là một hành động “khiêu khích.”
“Không có lý do gì để nhìn nhận hội nghị thượng đỉnh này là khiêu khích hoặc là bất kỳ hành động hay nỗ lực nào làm nảy sinh căng thẳng,” ông Patel nói trong cuộc họp báo hôm 15/08.
“Điều này nhằm mục đích làm sâu sắc thêm liên kết đối tác và sự hợp tác của chúng ta trên một số lĩnh vực mà chúng ta tin là vì lợi ích chung của cả ba nước.”
Hoa Kỳ hiện đang duy trì các liên minh mạnh mẽ với cả Nhật Bản và Nam Hàn. Tuy nhiên, mãi đến dạo gần đây, khả năng hợp tác phòng thủ giữa Tokyo và Seoul mới trở nên nổi bật.
Các căng thẳng lịch sử, bắt nguồn từ giai đoạn Nhật Bản đô hộ Nam Hàn trong nửa đầu thế kỷ 20 trước đó, khiến sự hợp tác sâu sắc hơn nữa giữa hai quốc gia này gặp nhiều rào cản. Nhưng trong những năm gần đây, sự hiếu chiến ngày càng tăng của Trung Quốc cộng sản và Bắc Hàn đã giúp xóa tan dần những căng thẳng đó và thúc đẩy hai cường quốc hướng tới một thái độ hợp tác hơn.
Ông Denis Wilder, thành viên cao cấp của dự án Sáng kiến Đối thoại Hoa Kỳ-Trung Quốc về các Vấn đề Toàn cầu tại Đại học Georgetown, nói rằng cuộc đối thoại này trở thành hiện thực là nhờ vào nỗ lực chưa từng có của giới lãnh đạo Nam Hàn và Nhật Bản.
“Đây là một cuộc đối thoại chưa từng có tiền lệ,” ông Wilder nói trong cuộc phỏng vấn hôm 18/08 với NTD, hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times. “Ba nhà lãnh đạo chưa bao giờ gặp mặt nhau như thế này. Thông thường, các cuộc gặp gỡ thường diễn ra bên lề các hội nghị khác.”
“Nhưng đặc biệt là năm nay tổng thống Nam Hàn đã nỗ lực rất nhiều để làm êm thấm mối bang giao với Nhật Bản.”
Để đạt được mục tiêu đó, Cố vấn An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan cho biết các nhà lãnh đạo đang thực hiện hành động dũng cảm để củng cố mối bang giao đang ấm lên đó, đồng thời xây dựng các khuôn khổ tổ chức để tạo tiền đề cho liên kết hợp tác an ninh ba bên mạnh mẽ hơn giữa ba cường quốc. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng liên kết đối tác này “rõ ràng không phải là một khối NATO khác của khu vực Thái Bình Dương.”
“Chúng tôi đang mở ra một kỷ nguyên mới và chúng tôi bảo đảm rằng kỷ nguyên đó sẽ tràn đầy nhựa sống,” ông Sullivan nói trong cuộc họp báo vào sáng sớm hôm đó.
Ông Sullivan cho biết liên kết đối tác này sẽ thúc đẩy một tầm nhìn tích cực về tương lai của Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương, và hợp tác để bảo đảm một khu vực ổn định và công bằng hơn.
“Sự hợp tác này không chống lại bất kỳ quốc gia nào; mà là hợp tác vì một điều gì đó khác,” ông Sullivan nói. “Đó là vì một tầm nhìn về Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương tự do, rộng mở, an toàn, và thịnh vượng.”
Khi được hỏi liệu liên kết đối tác ba bên này có thể làm thay đổi được sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc cộng sản trong khu vực hay không, ông Wilder vẫn lạc quan và nói thêm rằng những nỗ lực của Hoa Kỳ mở rộng ra ngoài hai nước liên minh này.
Ông Wilder nói: “Điều này hữu ích, nhưng Hoa Kỳ cũng đang giúp đỡ các đồng minh và đối tác trong khu vực.”
Bản tin có sự đóng góp của Emel Akan, Reuters, và The Associated Press
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times