PHÂN TÍCH: Nhật Bản và Đài Loan tăng ngân sách quốc phòng để củng cố chuỗi đảo thứ nhất
Hội nghị thượng đỉnh tại Trại David đã khép lại, mà cuối cùng đã dẫn đến một sự thể hiện mạnh mẽ về liên kết quân sự giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nam Hàn, và Đài Loan. Hôm 21/08, Nhật Bản công bố một mức tăng đáng kể trong ngân sách quốc phòng cho năm tài khóa 2024, Đài Loan tiết lộ mức ngân sách lập kỷ lục cho năm sắp tới, còn Hoa Kỳ và Nam Hàn thì đang bắt tay vào việc tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung mở rộng. Những hành động mang tính tập thể này tăng cường vị thế chiến lược dọc theo chuỗi đảo thứ nhất và đóng vai trò là biểu hiện hữu hình của các cam kết được đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh này.
Tại cuộc họp báo bế mạc hội nghị thượng đỉnh hôm 18/08, các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Nam Hàn đã chia sẻ tầm nhìn thống nhất về tăng cường hợp tác an ninh ba bên và nhấn mạnh vai trò của các quốc gia này trong việc thúc đẩy một trật tự toàn cầu an ninh và thịnh vượng hơn.
Hợp tác bốn bên: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan
Nhật báo Sankei Shimbun của Nhật Bản đưa tin rằng yêu cầu ngân sách năm tài khóa 2024 của Bộ Quốc phòng Nhật Bản lên tới con số chưa từng có là 7.738 nghìn tỷ JPY (khoảng 52.75 tỷ USD), đánh dấu sự gia tăng đáng kể so với mức 6.8219 nghìn tỷ JPY (46.6 tỷ USD) được phân bổ cho năm tài khóa 2023.
Ngân sách được đề nghị này dành ra 930 tỷ JPY (khoảng 6.35 tỷ USD) cho chi phí đạn dược, nhằm tăng cường khả năng chiến đấu bền vững của quốc gia này. Hơn 380 tỷ JPY (khoảng 2.6 tỷ USD) đã được phân bổ cho việc bắt đầu đóng hai quân hạm được trang bị hệ thống phòng thủ hỏa tiễn hiện đại nhất có tên là Aegis Ashore, biến thể trên đất liền của hệ thống phòng thủ Aegis tích hợp trên tàu chiến hay nói cách khác là “những tàu được trang bị hệ thống Aegis (ASEV).”
Ngân sách này cũng bao gồm khoản phân bổ trị giá 64 tỷ JPY (khoảng 440 triệu USD) cho việc phát triển liên hợp các chiến đấu cơ thế hệ tiếp theo với Vương quốc Anh và Ý, cùng với 32 tỷ JPY (khoảng 220 triệu USD) để phát triển đạn dược dẫn đường chính xác được thiết kế cho các mục tiêu trên biển và trên đất liền. Các cân nhắc ngân sách bổ sung bao gồm việc lắp đặt hỏa tiễn đất đối hạm Type 12 được sản xuất trong nước trên các tàu hải quân, sản xuất hỏa tiễn dẫn đường siêu thanh quy mô lớn với tầm bắn 3,000 km (khoảng 1864 dặm), và hình thành một cơ quan hậu cần mới đặt tên là “Nhóm Vận tải các Lực lượng Phòng vệ Biển” nhằm tạo thuận lợi cho việc vận chuyển thiết bị và vật liệu đến các đảo phía tây nam Nhật Bản.
Để minh chứng mạnh mẽ cho cam kết lâu dài của Nhật Bản với việc tăng cường phòng thủ, hồi tháng Mười Hai năm ngoái, chính phủ nước này đã thông qua một kế hoạch toàn diện trong vòng 5 năm, dành 43 nghìn tỷ JPY cho đến năm tài khóa 2027, đặc biệt để củng cố cơ sở hạ tầng an ninh quốc gia.
Đài Loan
Tại Đài Loan, Tổng thống Thái Anh Văn đã thông qua ngân sách quốc phòng chưa từng có cho năm tài khóa sắp tới. Trong một cuộc họp báo hôm 21/08, bà Thái cho biết tổng ngân sách quốc phòng của Đài Loan cho năm tới sẽ tăng lên mức kỷ lục 606.8 tỷ Tân Đài tệ (TWD) (khoảng 19 tỷ USD) từ mức 359.6 tỷ TWD (khoảng 11 tỷ USD) được cấp phát hồi năm 2016, và dự kiến sẽ chiếm 2.5% GDP của nước này.
Bà nhấn mạnh Đài Loan cần phải củng cố khả năng tự vệ của mình như một cách để bảo vệ lợi ích quốc gia và tập hợp sự ủng hộ của quốc tế.
Những tiến bộ ổn định đã được ghi nhận trong khả năng phòng thủ của nước này, bao gồm cả việc sắp chuyển giao 683 xe thiết giáp tám bánh và đợt xe tăng M1A2T đầu tiên. Lực lượng Không quân Đài Loan cũng chuẩn bị hoàn thành việc nâng cấp toàn bộ 141 chiến đấu cơ F-16A/B vào cuối năm nay, cùng với việc ra mắt 91 tàu hải quân và một tàu ngầm nguyên mẫu, dự kiến sẽ được hạ thủy vào tháng Chín này.
Hoa Kỳ-Nam Hàn
Trong một hành động phù hợp với cam kết của Hội nghị thượng đỉnh Trại David về việc tăng cường hợp tác ba bên, Hoa Kỳ và Nam Hàn đã bắt đầu các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn hôm 21/08 với biệt danh là “Lá chắn Tự do Ulchi.” Các cuộc tập trận này, dự kiến kéo dài đến hôm 31/08, nhằm mục đích củng cố các cơ chế phản ứng chung của liên minh Hoa Kỳ-Nam Hàn và sự sẵn sàng cho các kịch bản chiến tranh toàn diện.
Quân đội Hoa Kỳ và Nam Hàn xác nhận rằng cuộc tập trận sẽ bao gồm hơn 30 bài diễn tập về việc di chuyển trên thực địa, con số này tăng hơn gấp đôi so với năm ngoái. Đài NHK của Nhật Bản dẫn nguồn tin từ Nam Hàn tiết lộ rằng oanh tạc cơ B-1 của Hoa Kỳ cũng có thể được đưa vào cuộc tập trận. Ngoài ra, Không quân Nam Hàn còn tiết lộ rằng một phần của cuộc tập trận sẽ tập trung vào việc đánh chặn hỏa tiễn hành trình và chiến đấu cơ đang tiến đến của kẻ thù.
Sau khi bắt đầu các hoạt động quân sự chung giữa Hoa Kỳ và Nam Hàn, Tổng thống Yoon Suk-yeol đã triệu tập một cuộc họp an ninh quốc gia cao cấp. Ông khẳng định: “Hòa bình thực sự chỉ có thể đạt được thông qua lực lượng áp đảo. Chúng tôi sẽ chống lại mọi hành động khiêu khích từ Bắc Hàn bằng phản ứng áp đảo.”
Làn sóng ngân sách quốc phòng chưa từng có và các cuộc tập trận quân sự toàn diện này báo hiệu một liên minh vững chắc giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nam Hàn, và Đài Loan, nhằm tăng cường an ninh và ổn định khu vực trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang.
Bao vây ĐCSTQ: Tiết lộ cấu trúc an ninh “12345”
Chuyên gia an ninh và quốc phòng Đài Loan Tô Tử Vân (Su Tzu-Yun) cho biết, khi mối bang giao Hoa Kỳ-Trung ngày càng trở nên căng thẳng hơn, thì một sự chuyển đổi đáng chú ý đã diễn ra trong khuôn khổ an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Sau hội nghị thượng đỉnh G-7 năm nay ở Hiroshima, các quốc gia như Nam Hàn và Philippines đã tái gia nhập liên minh của Hoa Kỳ, củng cố điều mà ông Tô mô tả là một khối “NATO sinh lợi.” Sự thay đổi này đã biến Chuỗi đảo thứ Nhất hùng mạnh một thời thành vòng vây hình lưỡi liềm mới kết hợp nhiều cơ chế đồng phòng vệ quân sự nhằm kiềm chế Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Cấu trúc liên minh nhiều lớp này hiện đang được gọi là cấu trúc an ninh “12345.”
Cấu trúc an ninh “12345” bao gồm nhiều lớp phòng thủ và hợp tác. Lớp thứ nhất được trói chặt bởi một hệ thống phòng thủ độc lập, mạnh mẽ do Hoa Kỳ lãnh đạo. Lớp thứ hai kết hợp sự hợp tác quốc phòng song phương bắt nguồn từ các liên minh quân sự Hoa Kỳ-Nhật Bản và Hoa Kỳ-Nam Hàn. Lớp thứ ba là liên minh ba bên giữa Úc, Vương quốc Anh, và Hoa Kỳ, được gọi là AUKUS, bổ sung thêm một tầng lớp nữa. Lớp thứ tư chính là Đối thoại An ninh Tứ giác, hay QUAD, quy tụ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, và Úc. Cuối cùng, mạng chia sẻ thông tin tình báo của Liên minh Ngũ Nhãn (FVEY) là lớp hoàn thiện của cấu trúc đa tầng này.
Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Biden đã duy trì các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Chiến lược ngoại giao cốt lõi của ông xoay quanh việc xây dựng các liên minh mạnh mẽ, đặc biệt là trong Chuỗi đảo thứ Nhất nằm ở phía tây Thái Bình Dương. Các quốc gia như Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, và Philippines đã chứng kiến sự gia tăng hợp tác quân sự, củng cố khả năng phòng thủ của Chuỗi đảo thứ Nhất.
Ông James R. Holmes, một giáo sư tại Đại học Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ, ví chiến lược khai triển mới này của Hoa Kỳ với giai đoạn đầu của Chiến tranh Lạnh. Ông ủng hộ “chiến lược chuỗi đảo” nhằm buộc Trung Quốc tuân thủ các chuẩn mực quốc tế. Giáo sư Holmes nhấn mạnh rằng mục tiêu không phải là kích động chiến tranh mà là thuyết phục Trung Quốc hành xử theo luật lệ quốc tế.
Thuật ngữ “Chuỗi Đảo thứ Nhất” có nguồn gốc từ một chuỗi đảo ở Tây Thái Bình Dương, bắt đầu từ Quần đảo Kuril và kéo dài qua Nhật Bản, Đài Loan, Philippines, và kết thúc tại Kalimantan. Khái niệm này có từ năm 1951 khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ đương thời Dulles đề xướng đây là một chiến lược hàng hải nhằm ngăn chặn các lực lượng cộng sản ở Liên Xô và Trung Quốc.
Trung Quốc đã công bố ngân sách quân sự trị giá 224 tỷ USD cho năm 2023, đánh dấu mức tăng đáng kể 7.2% — mức cao nhất trong bốn năm. Ngược lại, ngân sách quốc phòng của Hoa Kỳ cho năm 2024, được công bố hôm 13/03, ở mức đáng kinh ngạc là 842 tỷ USD, tăng 3.2% so với năm 2023 và 13.4% so với năm 2022. Đây là mức ngân sách quốc phòng cao nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin tuyên bố rằng việc gia tăng này là một hành động nhằm ứng phó với kế hoạch tăng tốc hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc. Để đáp trả, quân đội Hoa Kỳ tập trung toàn lực vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, với hơn 9.1 tỷ USD được dành cho nhiều dự án khác nhau, bao gồm cả nâng cấp các căn cứ không quân và phát triển hệ thống hỏa tiễn cảnh báo sớm.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times