Thăm dò ý kiến: Người Nhật có thiện cảm nhất với Đài Loan, còn với Trung Quốc thì ngược lại
Năm 2023 sắp trôi qua, văn phòng đại diện Đài Loan tại Nhật Bản đã công bố những phát hiện mới nhất về cách người Nhật nhìn nhận về Đài Loan. Cuộc khảo sát cho thấy một sự tương phản đáng chú ý: Người Nhật yêu mến Đài Loan nhất trong số tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ Á Châu, trong khi cảm tình của họ đối với Trung Quốc, đặc biệt là nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc, lại ít hơn đáng kể. Tinh thần này lặp lại kết quả khảo sát trước đó, cho thấy sự tôn trọng lẫn nhau giữa Nhật Bản và Đài Loan cao bao nhiêu, thì thiện cảm với Trung Quốc lại giảm sút bấy nhiêu.
Vào ngày 18/12, Văn phòng Đại diện Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Nhật Bản (sau đây gọi là Văn phòng Đại diện Đài Loan) đã chia sẻ những kiến giải về nghiên cứu dư luận năm nay. Được thực hiện từ ngày 30/10 đến ngày 01/11/2023, bởi một cơ quan bỏ phiếu do Văn phòng Đại diện Đài Loan ủy quyền, cuộc khảo sát này thu thập dữ liệu từ 1,000 người tham gia, bao gồm cư dân Nhật Bản từ 20 đến 89 tuổi. Cuộc khảo sát này cho biết mức độ tin cậy là 95%.
Những phát hiện chính (pdf) cho thấy 76.6% người Nhật Bản được hỏi cảm thấy họ có mối liên hệ gần gũi quen thuộc với Đài Loan, 65% cho rằng nước này đáng tin cậy, và 72.8% nhìn nhận tích cực về mối bang giao Nhật Bản-Đài Loan. Những số liệu này có nét rất tương đồng với cuộc khảo sát năm 2021 (pdf) được công bố vào ngày 20/01/2022.
Những người tham gia đã chọn từ chín quốc gia/khu vực Á Châu, bao gồm Trung Quốc, Đài Loan, Nam Hàn, Thái Lan, Singapore, Philippines, Việt Nam, và Ấn Độ, cho hạng mục “quốc gia/khu vực Á Châu thân cận nhất.” Đài Loan đứng đầu danh sách với tỷ lệ lựa chọn 46.2%, tiếp theo là Nam Hàn với 19.1%. Trung Quốc, dưới sự cai trị của chế độ cộng sản Trung Quốc, trượt dài phía sau với chỉ 1.9%.
Khi được hỏi Đài Loan gợi lên điều gì, đa số (74.8%) trả lời “Thân thiện với Nhật Bản,” tiếp theo là những mô tả như “Một đất nước tự do và dân chủ,” “Kinh tế phát triển,” “Món ăn ngon,” và “Có nhiều điểm du lịch hấp dẫn.” Mối liên kết lịch sử và chất lượng sản phẩm cũng được ghi nhận.
Nghiên cứu sâu hơn về cảm giác thân thiết này, 76.6% người khẳng định cảm thấy gần gũi với Đài Loan, 5.4% không cảm thấy vậy, và 18% vẫn giữ thái độ trung lập. Đi sâu vào nguyên nhân, phần lớn (74.4%) cho rằng họ gần gũi với nhau vì “lòng tốt và sự thân thiện của người Đài Loan.” Tiếp theo là sự ảnh hưởng lẫn nhau trong lịch sử (41.1%), hợp tác kinh tế (33.9%), kết nối văn hóa (27.4%), nhiều người nói được tiếng Nhật ở Đài Loan (25.1%), và sự viện trợ trong các cuộc khủng hoảng như động đất và đại dịch COVID-19 ( 23.9%). Thiếu quan tâm hoặc thiếu hiểu biết về Đài Loan là nguyên nhân chính dẫn đến sự lựa chọn là họ không cảm thấy gần gũi với Đài Loan.
Về mức độ tin cậy, 65.0% số người được hỏi tin tưởng Đài Loan, chỉ có 2.4% bày tỏ sự không tin tưởng. Những lý do chính dẫn đến sự tin tưởng bao gồm “sự thân thiện với Nhật Bản” (62.2%), các giá trị chung như tự do và dân chủ (55.1%), kết nối lịch sử (35.5%), và bản chất ôn hòa của Đài Loan (34.8%).
Cuộc khảo sát cũng nêu bật những lo ngại liên quan đến mối bang giao giữa Đài Loan và Nhật Bản, trong đó vấn đề hàng đầu là “tác động của tình hình Eo biển Đài Loan đối với Nhật Bản” (44.4%). Khi được hỏi về việc duy trì hòa bình ở Eo biển Đài Loan, lựa chọn phổ biến nhất là “ngoại giao và đối thoại” (57.0%), tiếp theo là “hợp tác Nhật Bản-Hoa Kỳ-Đài Loan” (37.1%), và tăng cường khả năng phòng thủ ở Đài Loan và Nhật Bản.
Cuối cùng, một tỷ lệ lớn (63.5%) bày tỏ sự quan tâm đến cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan vào tháng 01/2024.
Xét về các quốc gia hoặc khu vực được yêu thích, Nhật Bản dẫn đầu với tỷ lệ ưa thích 60%, đánh dấu mức tăng nhẹ 1% so với cuộc khảo sát trước đó. Trung Quốc, mặc dù đứng thứ hai, vẫn tụt lại đáng kể ở mức 5%, chưa bằng 1/10 so với Nhật Bản, cho thấy sự chênh lệch rõ rệt. Con số này thể hiện mức giảm 3 điểm phần trăm so với cuộc khảo sát trước đó vào năm 2019. Hoa Kỳ duy trì vị trí thứ ba ở mức 4%.
Khi đánh giá “Quốc gia hoặc khu vực có ảnh hưởng nhất đối với Đài Loan,” Hoa Kỳ đã leo lên vị trí dẫn đầu với 58%, đánh dấu bước nhảy vọt đáng kể 25%. Trung Quốc, với mức giảm 20 điểm phần trăm, đứng ở mức 25%. Nhật Bản đứng thứ ba với 13%, giảm nhẹ 2 điểm phần trăm.
Hồng Ân lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times