Ủy ban của Nghị viện Anh đề nghị Nhật Bản và Nam Hàn tham gia AUKUS
Ủy ban Ngoại vụ Vương quốc Anh đã đưa ra đề nghị về việc mời Nhật Bản và Nam Hàn gia nhập liên minh ba bên AUKUS.
Trong báo cáo (pdf) được xuất bản hôm 30/08, ủy ban này đã đề ra một số chiến lược nhằm hạn chế những thách thức ngày càng tăng từ một Bắc Kinh hung hãn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm cả việc tăng cường năng lực công nghệ của AUKUS.
“AUKUS không chỉ đơn thuần là việc Úc mua lại một hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân,” ủy ban có đa số các thành viên là thuộc Đảng Bảo Thủ cho biết trong báo cáo của mình.
“Có một thành phần liên quan đến phát triển chung, chia sẻ công nghệ tân tiến và mạng có thể có ý nghĩa tương đương, nếu không muốn nói là quan trọng hơn.”
“Chính phủ nên đề nghị với Úc và Hoa Kỳ mời Nhật Bản và Nam Hàn tham gia thỏa thuận hợp tác quốc phòng công nghệ AUKUS, chỉ tập trung vào các hoạt động theo Phương hướng B.”
The Epoch Times đã liên lạc với Bộ Quốc phòng Úc để đề nghị bình luận.
Tập trung vào công nghệ, không tập trung vào hạt nhân
Theo lời đề nghị này, liên minh được mở rộng để có thêm Nhật Bản và Nam Hàn này có thể sẽ tập trung chủ yếu vào các công nghệ tân tiến như AI trực tuyến, lượng tử, và công nghệ dưới nước, trong đó có công nghệ phát hiện tàu ngầm.
Ủy ban nói thêm rằng việc để Nhật Bản và Nam Hàn gia nhập có thể mang lại “kết quả hữu hình” nhanh hơn chương trình tàu ngầm và cũng mang lại cho Vương quốc Anh những lợi ích về kinh tế, an ninh, và công nghệ.
Chủ tịch Ủy ban Ngoại vụ Vương quốc Anh, Nghị viên Alicia Kearns cho biết việc tăng cường các mạng lưới của Vương quốc Anh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có thể “kiềm chế chủ nghĩa bành trướng kinh tế và chính trị của Trung Quốc, mang lại một lựa chọn dân chủ, khả thi cho các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”
Bà nói, “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một khu vực địa chính trị rộng lớn và đa dạng, nơi sinh sống của hơn một nửa dân số thế giới và sẽ tiếp tục phát triển như một cường quốc kinh tế lớn. Kỷ nguyên của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã đến.”
Bà Kearns nói thêm rằng Ủy ban của bà trong nhiều năm đã nói về sự cần thiết của việc cân bằng hợp tác kinh tế với sự thận trọng trong các giao dịch với Bắc Kinh, đồng thời thúc giục chính phủ Anh vừa đặt “ưu tiên cao” cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vừa duy trì sự tập trung của mình vào khu vực Châu Âu-Đại Tây Dương.
Sĩ quan Hải quân Hoa Kỳ: ‘AUKUS-Nhật Bản-Nam Hàn’ sẽ đẩy mạnh đổi mới
Theo cô Jasmin Alsaied, một sĩ quan tác chiến mặt nước của Hải quân Hoa Kỳ và là thành viên tại Viện Trung Đông, việc đưa Tokyo và Seoul vào liên minh sẽ mang lại một “thế trận răn đe toàn vẹn” có thể làm thay đổi bối cảnh địa chính trị của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
“Sự tham gia của AUKUS-Nhật Bản-Nam Hàn sẽ cho phép các bên liên quan hướng tới các mục tiêu chung chống lại các mối đe dọa trong khu vực bằng cách tạo ra các cơ hội sử dụng công nghệ như một biện pháp ngăn chặn những kẻ xâm lược,” cô Alsaied viết trong một bài xã luận được đăng trên tờ Asia Times, nói thêm rằng “tất cả các bên” đều quan tâm đến việc tăng cường sử dụng công nghệ tân tiến ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
“Đầu tiên, hiệp ước AUKUS bao gồm các dự án về phương tiện tự hành dưới biển, hệ thống AI, và sự tích hợp nhanh chóng các công nghệ thương mại.
“Hơn nữa, cả ROK (tên viết tắt của Nam Hàn, hay còn gọi là Đại Hàn Dân Quốc) lẫn Nhật Bản đều bày tỏ sự quan tâm đến AI và các dự án tự hành, đồng thời có thể giúp thử nghiệm và phát triển các nền tảng này để giải quyết các nhu cầu trong chiến tranh.”
Cô Alsaied nói thêm rằng đầu vào công nghệ mới này sẽ đạt được hai kết quả: phát triển khả năng phòng thủ mới cho Toyko, Seoul, và AUKUS, đồng thời cho phép thử nghiệm và tích hợp các công nghệ dựa trên việc truyền dữ liệu và chia sẻ thông tin nhanh chóng.
Cô Alsaied viết: “Khuôn khổ chung này sẽ củng cố các biện pháp xây dựng lòng tin vào thời điểm mà các cuộc thảo luận về vũ khí và chiến tranh có xu hướng đe dọa đến sự ổn định.”
“Nói rõ hơn, AUKUS-Nhật Bản-Nam Hàn là một khuôn khổ để hợp tác với Nhật Bản và Nam Hàn mà không dựa vào việc chia sẻ công nghệ hạt nhân.”
“Những cam kết mang tính chất này cũng có thể bổ sung cho khả năng quân sự của AUKUS, đồng thời cung cấp một khuôn khổ chung sử dụng các công cụ quyền lực mềm để đạt được sự ổn định trong khu vực.”
Ủy ban cũng kêu gọi Vương quốc Anh tham gia Bộ Tứ
Ủy ban Ngoại vụ cũng hối thúc Vương quốc Anh tìm cách gia nhập Đối thoại An ninh Tứ giác, hay “Bộ Tứ”, có Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, và Hoa Kỳ là thành viên.
Bộ Tứ là một nhóm làm việc giữa bốn quốc gia dân chủ nhằm tìm cách tạo ra một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở.
Báo cáo nêu rõ: “Chúng tôi nhận thấy lợi thế khi hợp tác với Bộ Tứ để phát triển một chiến lược phối hợp bao trùm toàn bộ khu vực hàng hải Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương và ghi danh tham gia Bộ Tứ vào thời điểm mà các thành viên hiện tại cảm thấy phù hợp.”
“Căn cứ vào sức mạnh của mối liên hệ quốc phòng song phương của chúng ta với các thành viên Bộ Tứ và mối tương quan giữa các mục tiêu của Vương quốc Anh và Bộ Tứ, Vương quốc Anh nên tìm cách gia nhập Bộ Tứ.
“Nếu chúng ta muốn ngăn chặn việc làm suy yếu các tiêu chuẩn quốc tế và các giá trị của hệ thống dựa trên luật lệ này, thì việc chúng ta tham gia một số tổ chức cụ thể ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là rất quan trọng để trợ giúp các đồng minh của chúng ta và duy trì những giá trị đó.”
Trong khi Bắc Kinh liên tục chỉ trích AUKUS và nhóm làm việc Bộ Tứ là bài xích Trung Quốc và gây ra “sự chia rẽ” cũng như “tâm lý chiến tranh lạnh”, thì Ủy ban Anh quốc lại phản hồi rằng Bắc Kinh “không nên hiểu hoặc miêu tả sai” các nhóm này là lực lượng thù địch.
Báo cáo của Ủy ban cho biết: “Bất kỳ nỗ lực nào để làm như vậy sẽ bị vạch trần như là những lời tường thuật sai sự thật.”
Ngoài ra, Ủy ban cũng kêu gọi Vương quốc Anh chống lại thông tin sai lệch, bao gồm cả AUKUS là một thách thức đối với chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế, đặc biệt là những quan niệm sai lầm xung quanh sự khác biệt giữa tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và tàu ngầm được trang bị vũ khí hạt nhân.
“Phần lớn thông tin sai lệch này xuất phát từ CHND Trung Hoa (Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa) và các đồng minh của nước này, chẳng hạn như Nga.”
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times