Báo cáo: Hơn một nửa số gia đình ở Úc đang phải chật vật với tình trạng căng thẳng do chi phí sinh hoạt
Áp lực về chi phí sinh hoạt đang ảnh hưởng đến hơn một nửa số gia đình ở Úc trong khi các biện pháp cứu trợ từ Ngân sách Liên bang gần đây nhất của Đảng Lao Động vẫn không trợ giúp được cho các gia đình.
Theo một báo cáo mới của Tổ chức Phòng chống Tự sát của Úc (Suicide Prevention Australia), lần đầu tiên trong quý tháng Chín năm nay, 56% gia đình Úc gặp phải tình trạng căng thẳng “vượt quá mức bình thường” do chi phí sinh hoạt tăng cao.
Trước đó, dữ liệu từ Cục Thống Kê Úc (ABS) cho thấy chi phí sinh hoạt của các gia đình Úc đã tăng lên mức cao hơn hoặc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ 0.8% lên 1.5% trong quý tháng Sáu.
Tình trạng này cũng xảy ra khi các biện pháp về chi phí sinh hoạt của Đảng Lao Động bắt đầu được khai triển vào tháng Chín – một biện pháp sẽ khiến chính phủ liên bang tiêu tốn 4.7 tỷ AUD (2.99 tỷ USD).
Báo cáo cho biết “chi phí sinh hoạt và nợ cá nhân” là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng căng thẳng trong quý tháng Chín (46%), tăng đáng kể so với quý trước (40%) và so với cùng thời kỳ năm ngoái (40%).
Báo cáo cũng cho thấy các gia đình có trẻ em dưới 18 tuổi có khả năng gọi dịch vụ ngăn chặn tự sát để được giúp đỡ cao gấp đôi (14%) sau khi một số tỷ lệ chẩn đoán sức khỏe tâm thần và hành vi tự sát cao nhất được báo cáo trong mười hai tháng qua.
Trong số hơn 1,000 người Úc được khảo sát, 28% người có con cho rằng cơ hội tiếp cận nhà ở và khả năng chi trả là mối quan tâm thứ hai sau chi phí sinh hoạt và nợ cá nhân, tiếp theo là sự cô lập xã hội, sự cô đơn cũng như sự tan vỡ trong gia đình, và các mối quan hệ.
Bà Nieves Murray, Giám đốc điều hành của Tổ chức Phòng chống Tự sát của Úc, cho biết những phát hiện từ báo cáo trên là một “dấu hiệu cảnh báo” về nguy cơ của tình trạng căng thẳng mà các gia đình Úc gặp phải và kêu gọi chính phủ liên bang phải hành động nhiều hơn nữa.
“Nuôi sống gia đình và giữ được ít nhất là mái nhà che nắng che mưa là hai trong số những nhu cầu cơ bản nhất của con người,” bà Nieves Murray cho biết hôm 07/09. “Mặc dù lãi suất là một vấn đề của Hội đồng RBA, nhưng chúng ta phải chuẩn bị và chủ động để ngăn chặn tình trạng căng thẳng và tỷ lệ tự sát tiếp tục gia tăng.”
Bà Murray cũng kêu gọi những người Úc gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần hãy tìm kiếm sự giúp đỡ.
“Nếu quý vị đang gặp khó khăn, hãy liên lạc với người khác để nhận được sự giúp đỡ. Mọi người luôn sẵn sàng giúp đỡ và điều đó có thể tạo nên sự khác biệt nếu quý vị đang gặp khó khăn.”
Các biện pháp cứu trợ của Chính phủ Liên bang sẽ không làm giảm áp lực chi phí sinh hoạt
Hơn một nửa (54%) người Úc được khảo sát cho biết các biện pháp cứu trợ của chính phủ liên bang sẽ không làm giảm áp lực chi phí sinh hoạt, so với 31% cho rằng các biện pháp này sẽ cải thiện điều kiện sống của họ.
Ngoài ra, một phần tư số người tin rằng các biện pháp cứu trợ sẽ khiến tình hình của họ trở nên tồi tệ hơn.
Từ ngày 20/09, hơn một triệu người Úc đang nhận trợ cấp thu nhập sẽ nhận được thêm 40 AUD mỗi hai tuần.
Khoản trợ cấp nuôi dạy con đơn thân cũng sẽ tăng thêm lên mức $176.90 mỗi hai tuần đối với cha mẹ đơn thân có con từ 14 tuổi trở xuống.
Trong khi đó, mức trợ cấp tiền thuê nhà tối đa của Liên bang, đang trợ giúp cho hơn 1.1 triệu gia đình Úc, sẽ tăng 15%.
Người Úc nhiễm bệnh kinh niên cũng sẽ có thể nhận được thuốc đủ dùng trong hai tháng.
Bộ trưởng Ngân khố Liên bang Jim Chalmers cho biết các biện pháp này là “những gì người dân cần nhất.”
Ông Chalmers cho biết: “Cho dù là thuốc giảm giá, trợ cấp thêm để thanh toán các hóa đơn, hay một chút trợ cấp để trả tiền thuê nhà, thì những chính sách và chương trình này đều nhằm mục đích giảm bớt áp lực trong thời điểm khó khăn nhất.”
“Chúng tôi biết rằng mọi người đang chịu áp lực rất lớn, đó là lý do tại sao ưu tiên số một của Chính phủ là đem đến hàng tỷ dollar tiền trợ cấp chi phí sinh hoạt để giảm bớt những áp lực lạm phát này mà không làm tình hình trở nên tệ hại hơn.”
“Chúng tôi nhìn nhận thực tế về những thách thức trong mười hai tháng tới, nhưng chúng tôi lạc quan về tương lai của nền kinh tế và đất nước chúng tôi.”
ABS: Chi phí sinh hoạt bằng hoặc cao hơn CPI
Một báo cáo hồi tháng Tám của ABS cho thấy chi phí sinh hoạt của các gia đình có người đi làm đã tăng 1.5% trong quý tháng 06/2023.
Ông Michelle Marquardt, trưởng bộ phận thống kê giá cả của ABS cho biết: “Tất cả các kiểu gia đình đều thấy chi phí sinh hoạt tăng lên mức bằng hoặc cao hơn chỉ số giá tiêu dùng.”
“Tác động của việc thay đổi giá cả đối với ngân sách gia đình của những kiểu gia đình có cách chi tiêu khác nhau là không như nhau.”
Chi phí sinh hoạt cao nhất là dành [để chi trả] cho người giúp việc gia đình, với mức tăng hàng năm là 9.6%.
Bà Marquardt cho biết: “Mức tăng chi phí sinh hoạt hàng năm dành cho những người giúp việc gia đình là mức tăng lớn nhất kể từ khi chuỗi gia tăng này bắt đầu vào năm 1999. Lần cuối cùng CPI ghi nhận mức tăng hàng năm 9.6% là vào năm 1986.”
Ngoài ra, giá thực phẩm và dịch vụ tiện ích cao hơn đã góp phần làm tăng chi phí sinh hoạt đối với tất cả các kiểu gia đình trong mười hai tháng qua.
“Hàng năm, giá thực phẩm tăng từ 7% đến 8%, do số lần đi ăn ở ngoài và mua đồ ăn mang về cũng như trái cây và rau quả tăng lên. Chi phí cho các dịch vụ tiện ích tăng từ 12% đến 14%, do giá bán buôn khí đốt và điện cao hơn được chuyển cho người tiêu dùng,” bà Marquardt cho hay.
Các gia đình có người đi làm bị ảnh hưởng nhiều nhất do lãi suất thế chấp tăng cao, vốn chiếm một phần lớn trong ngân sách của họ so với các kiểu gia đình khác, chẳng hạn như người đi thuê nhà.
“Lãi suất thế chấp đã tăng 91.6% trong năm. Con số này đã tăng cao hơn so với mức tăng 78.9% hàng năm trong quý tháng 03/2023, phản ánh tác động của việc Ngân hàng Dự trữ Úc tăng lãi suất tiền mặt và việc chuyển một số khoản thế chấp có lãi suất cố định đã hết hạn sang các khoản thế chấp có lãi suất thay đổi cao hơn.”
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times