Úc muốn thúc đẩy kết giao với Phi Châu qua nghị trình ngoại giao đầy tham vọng
Úc đang tìm cách tiếp xúc nhiều hơn với Phi Châu, theo Trợ lý Ngoại trưởng Tim Watts, người đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo cộng đồng người Úc gốc Phi rằng chính phủ Đảng Lao Động đương thời đã thiết lập một nghị trình nhằm thúc đẩy bang giao với các quốc gia Phi Châu.
Hôm 11/02, ông Watts đã trình bày tại Buổi diễn thuyết Tưởng niệm Tiến sĩ Apollo Nsubuga-Kyobe tại Đại học La Trobe ở Melbourne, nói rằng mặc dù Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một phần quan trọng trong chính sách ngoại giao của Úc, nhưng Đảng Lao Động cũng đang tìm cách mở rộng sự gắn kết toàn cầu của Úc và đang hướng đến Phi Châu.
“Chúng ta đang sống trong một thế giới bất định. Chúng ta không thể xem mọi thứ là điều hiển nhiên,” ông Watts nói. “Chúng ta không muốn chỉ ngồi yên và xem mọi thứ diễn ra — chúng ta muốn uốn nắn, và chúng ta muốn gây ảnh hưởng.”
Ông Watts lưu ý rằng mặc dù Úc không phải là một siêu cường toàn cầu, nhưng nước này có các lợi ích toàn cầu và chính phủ ông Albanese sẽ theo đuổi nghị trình toàn cầu đó bằng các nguồn tài nguyên mới và năng lượng mới.
“Úc và Phi Châu có nhiều điểm tương đồng — đặc biệt là mối quan tâm chung của chúng ta đối với một thế giới hòa bình và thịnh vượng,” ông Watts nói. “Sức ảnh hưởng của châu Phi trong kinh tế, văn hóa, và chính trị đang ngày càng tăng.”
“Tiếng nói của người Phi Châu đang ngày càng gây được tiếng vang thông qua các diễn đàn như Khối thịnh vượng chung, G20, và Liên Hiệp Quốc (LHQ) về các vấn đề từ việc cải tổ Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cho đến chống khủng bố, hay phát triển bền vững. Có rất nhiều cơ hội để Úc hợp tác với các quốc gia Phi Châu về những vấn đề quan trọng này.”
Giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và viện trợ nhân đạo là chìa khóa cho việc kết giao với châu Phi
Chính phủ liên bang sẽ tăng cường viện trợ nhân đạo và khí hậu như một phần trong nỗ lực tăng cường liên kết giữa Úc và Phi Châu.
“Thanh niên Phi Châu — giống như thanh niên Úc — cũng quan tâm sâu sắc đến biến đổi khí hậu hơn bất kỳ thế hệ nào khác,” ông Watts nói. “Họ đã lớn lên với những tác động tàn khốc của biến đổi khí hậu: hỏa hoạn, lũ lụt, nhiệt độ khắc nghiệt.
“Để được thế hệ này ở châu Phi và trên toàn cầu xem trọng, chúng ta cần phải có thành tích quốc gia vững chắc về việc đối xử nghiêm túc với biến đổi khí hậu.”
Ông Watts nói rằng chính phủ Úc cũng xem trọng biến đổi khí hậu và nêu bật sự phát triển của Úc về một nền tảng quan sát trái đất tên là Digital Earth Africa. Nền tảng này sẽ cho phép những người ra quyết định ở châu Phi – từ nông dân đến quan chức chính phủ. Họ sử dụng nền tảng này cho việc theo dõi tác động của biến đổi khí hậu để lập bản đồ cây trồng, quy hoạch đô thị, bảo tồn nước, và quản lý thiên tai.
Ông lưu ý rằng chính phủ Úc lo ngại về việc biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu như thế nào.
Để trợ giúp vấn đề này, ông Watts cho biết chính phủ ông Albanese sẽ cung cấp thêm 15 triệu dollar Úc (10.3 triệu USD) để giúp cung cấp thực phẩm, nước uống, và các trợ giúp thiết yếu khác ở vùng Sừng Phi Châu, số tiền này sẽ được cung cấp thông qua các tổ chức phi chính phủ của Úc và địa phương, Ủy ban Chữ Thập Đỏ Quốc Tế và các đối tác của Liên Hiệp Quốc.
Khoản tiền bổ sung này là một phần của gói viện trợ khẩn cấp trị giá 25 triệu AUD được công bố hôm 11/02, cung cấp 5 triệu AUD cho Yemen và 5 triệu AUD khác cho Pakistan.
Kể từ năm 2021–2022, Úc đã cung cấp 232 triệu AUD cho Chương trình Lương thực Thế giới. Ngoài ra, chính phủ liên bang còn giúp đỡ các quốc đảo Thái Bình Dương củng cố hệ thống lương thực và nông nghiệp của họ bằng cách trợ giúp tài chính và kỹ thuật cho họ.
Đảng Lao Động tìm cách mở rộng sức mạnh và ảnh hưởng toàn cầu của Úc
Trước đây, Ngoại trưởng Penny Wong đã báo hiệu rằng dưới sự lãnh đạo của bà, Úc sẽ mở rộng sức mạnh và ảnh hưởng trong khu vực và toàn cầu để trở thành một đối tác khu vực đáng tin cậy cho các nước đồng minh như Hoa Kỳ.
Hồi tháng 11/2022, bà Wong cho biết, “Bây giờ và trong tương lai gần, chúng ta phải đối mặt với chủ đề cạnh tranh quyền lực lớn dưới nhiều hình thức.”
“Nếu Úc có thể phát huy hiệu quả trong chính sách ngoại giao của mình, đặc biệt là trong các nhóm đa phương và nhóm nhỏ, thì chúng ta sẽ có nhiều cơ hội hơn để duy trì trật tự quốc tế, duy trì nền độc lập, thực thi quyền tự quyết của mình, và đạt được trạng thái cân bằng vốn là nền tảng của hòa bình bền vững và sự phồn vinh.”
Bà cũng lưu ý rằng Úc có thể tận dụng sức mạnh quốc gia độc nhất của mình, bao gồm cả xã hội đa văn hóa của chúng ta, điều đó có nghĩa là Úc có thể “nhìn ra thế giới” và thấy chính mình được phản ánh trong đó.”
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times