Hoa Kỳ lo ngại việc công ty Trung Quốc nằm trong danh sách đen tham gia xây dựng đảo gần đại sứ quán ở Manila
MANILA, Philippines — Hôm thứ Tư (02/08), Đại sứ quán Hoa Kỳ cho biết, Hoa Kỳ đã bày tỏ lo ngại về các dự án cải tạo đất lớn ở Vịnh Manila gần đại sứ quán được bảo vệ nghiêm ngặt của nước này do có sự tham gia của một công ty Trung Quốc nằm trong danh sách đen của Hoa Thịnh Đốn.
Phát ngôn viên Đại sứ quán Kanishka Gangopadhyay cho biết Hoa Kỳ cũng bày tỏ lo ngại về tác động môi trường tiềm năng của việc cải tạo đất ở Vịnh Manila trong các cuộc thảo luận với các quan chức chính phủ Philippines.
Các nhóm môi trường đã tổ chức các cuộc biểu tình phản đối các hoạt động khai thác kéo dài nhiều năm được chính phủ phê chuẩn, chủ yếu là do các công ty bất động sản tìm cách xây dựng các hòn đảo để đặt các khách sạn, sòng bạc, nhà hàng, và trung tâm giải trí cao cấp trong một vịnh nổi tiếng là ô nhiễm. Những người khác lo lắng rằng các tòa nhà cao tầng được xây dựng trên đất khai thác sẽ cản tầm nhìn của người dân về cảnh hoàng hôn nổi tiếng ở Vịnh Manila.
Ông Gangopadhyay cho biết trong một tuyên bố rằng: “Chúng tôi đã bày tỏ lo ngại về những tác động tiêu cực lâu dài và không thể đảo ngược tiềm ẩn đối với môi trường, khả năng phục hồi trước các hiểm họa tự nhiên của Manila và các khu vực lân cận, cũng như đối với thương mại.”
“Chúng tôi cũng lo ngại rằng các dự án có liên hệ với Công ty Xây dựng Giao thông Trung Quốc (CCCC), công ty này đã được thêm vào Danh sách Tổ chức của Bộ Thương mại Hoa Kỳ vì vai trò của họ trong việc trợ giúp quân đội Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông,” ông nói.
Không có bình luận ngay lập tức từ các quan chức chính quyền Trung Quốc.
Các công ty Trung Quốc bị đưa vào danh sách này bị hạn chế giao dịch với bất kỳ công ty Hoa Kỳ nào nếu không xin được giấy phép đặc biệt vốn gần như không thể xin được. Chính quyền Trung Quốc phản đối các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, xem các lệnh này là bất hợp pháp.
Thuộc sở hữu nhà nước, Công ty Xây dựng Giao thông Trung Quốc cho biết rằng Công ty TNHH Xây dựng Cảng Trung Quốc (CHEC), một trong những công ty con của họ, đã tham gia vào một dự án trong đó có việc thi công xây dựng ba hòn đảo nhân tạo tại vịnh gần ngoại ô thành phố Pasay ở vùng thủ đô.
Thẩm phán đã về hưu của Tối cao Pháp viện Philippines, ông Antonio Carpio, một nhà phê bình chỉ trích thẳng thắn các hành động ngày càng hung hăng của chính quyền Trung Quốc ở Biển Đông, cho biết các công ty Trung Quốc đã tham gia hoạt động nạo vét và cải tạo đất rộng rãi để xây dựng các đảo cho Bắc Kinh trong vùng biển mà chủ quyền cai trị của Manila đã được giữ nguyên trong phán quyết trọng tài quốc tế — do đó các công ty này bị cấm kinh doanh tại Philippines.
“Rõ ràng họ đã vi phạm luật môi trường của Philippines,” ông Carpio nói với The Associated Press. “Tệ hơn nữa, họ đã giúp Trung Quốc chiếm giữ các đảo và vùng biển của Philippines.”
Một phán quyết năm 2016 của một tòa trọng tài được thành lập ở La Haye theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) đã tuyên rằng các yêu sách bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông là vô hiệu dựa trên nền tảng lịch sử. Nhưng chính quyền Trung Quốc đã không tham gia vụ phân xử, đồng thời bác bỏ không thừa nhận phán quyết của tòa, và tiếp tục thách thức phán quyết.
Hoa Thịnh Đốn không đưa ra tuyên bố chủ quyền đối với Biển Đông nhưng đã nói rằng quyền tự do hàng hải và hàng không trong tuyến đường chiến lược — nơi một phần lớn thương mại của thế giới đi qua — và giải pháp hòa bình cho các tranh chấp kéo dài hàng thập niên là lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ.
Chính quyền Trung Quốc đã biến ít nhất bảy rạn san hô đang tranh chấp thành các căn cứ đảo hiện được bảo vệ bằng hỏa tiễn trong thập niên qua, gây lo ngại cho Hoa Kỳ và các đồng minh của họ, cùng với các quốc gia đối thủ của Bắc Kinh, và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực vốn từ lâu được coi là điểm nóng ở châu Á.
Jim Gomez của The Associated Press
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times