Hoa Kỳ kêu gọi người dân xem lại việc đến Hồng Kông: Mẹ con sẽ phải chia cách vì COVID
Hoa Kỳ kêu gọi công dân của mình “Cân nhắc Du lịch” đến Hồng Kông trong khuyến nghị du lịch mới nhất dành cho công dân Mỹ.
Theo một nhà bình luận, ngay cả khi có một vụ việc là mẹ và con bị buộc phải chia cách sau khi kiểm dịch nhập cảnh, vẫn không có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy chính quyền Hồng Kông sẽ thực hiện bất kỳ hành động nào để xem xét những trường hợp đáng tiếc như vậy.
Nhà bình luận Lợi Thế Dân (Simon Lee) nói rằng chính quyền Hồng Kông không còn chịu sự giám sát của giới truyền thông. Vì vậy, họ không có sợi dây nào ràng buộc, họ dám làm mọi thứ và Hồng Kông sẽ phải chịu thiệt hại về những hành động của họ.
Cảnh báo du lịch của Hoa Kỳ cho Hồng Kông hiện ở Cấp độ 3 “Cân nhắc Du lịch”. Chính phủ Hoa Kỳ đặc biệt đề cập rằng nếu một đứa trẻ được chẩn đoán nhiễm bệnh, thì các em có thể bị buộc phải chia tách khỏi cha mẹ của mình.
Anh Lợi Thế Dân, một nhà bình luận chính trị và kinh tế, cho rằng chính quyền hiện tại của Hồng Kông có thể hành động liều lĩnh khi không còn sự giám sát của truyền thông. Không có gì ngạc nhiên khi Hồng Kông bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách cảnh báo du lịch, tất cả đều do họ không biết kiềm chế.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã từng cập nhật khuyến nghị du lịch của mình vào ngày 19/07, kêu gọi người dân không nên đến Hồng Kông. Để nhấn mạnh điều đó, Bộ Ngoại giao còn in đậm một khả năng: “…… bao gồm nguy cơ cha mẹ và con có thể bị buộc phải chia cách do các hạn chế về phòng chống dịch bệnh hiện nay.” Để minh chứng, bộ trích dẫn một số trường hợp liên quan, “một số trẻ ở Hồng Kông và Trung Quốc có kết quả xét nghiệm dương tính đã bị tách khỏi cha mẹ và bị cách ly cho đến khi các em đáp ứng điều kiện xuất viện của bệnh viện địa phương.”
Trong một cuộc phỏng vấn với một chương trình trực tuyến, anh Lợi nói rằng sau khi hai mẹ con đến một khách sạn được chỉ định cho hoạt động cách ly ở Hồng Kông, nhà chức trách nói rằng bé trai có kết quả dương tính khi nhập cảnh và sẽ được đưa đến Vịnh Trúc Cao (Penny’s Bay) để cách ly, trong khi người mẹ có kết quả xét nghiệm âm tính.
Người mẹ hỏi liệu cô có thể chuyển đến ở cùng con trai mình không nhưng bị từ chối. Kết quả là bé trai buộc phải sống xa mẹ và bị đưa đến Vịnh Trúc Cao. Lúc đó, người mẹ đã kinh ngạc đến nỗi không nói nên lời.
Quy tắc hiện hành quy định rằng, những người có kết quả âm tính khi nhập cảnh vào Hồng Kông từ bên ngoài Trung Quốc cần phải trải qua cái gọi là quy trình cách ly “7+7”. Đó là thời gian lưu trú 7 ngày trong khách sạn cách ly được chỉ định cộng với 7 ngày tự theo dõi. Tuy nhiên, từ ngày 13/08, quy định cách ly sẽ thay đổi thành “3+4”.
Những người có kết quả xét nghiệm dương tính khi nhập cảnh sẽ được đưa đến trung tâm cách ly không chút chậm trễ.
Ngoài trường hợp hai mẹ con bị chia cách, anh Lợi cho biết anh cũng từng chứng kiến những trường hợp kỳ lạ qua nhóm trò chuyện trực tuyến. Có người khi gần hết thời gian cách ly, nhưng vì một số lý do nào đó mà chuyến bay của họ đã bị trì hoãn và họ cần phải ở lại thêm vài ngày, và họ đã bị từ chối đặt phòng khách sạn để phù hợp với lịch khởi hành mới.
Thiếu sự giám sát của truyền thông khả năng cao là nguyên nhân chính
Từ khi áp dụng Luật An ninh Quốc gia (NSL), quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí ở Hồng Kông đã bị sụt giảm nghiêm trọng. Sự chỉ trích đối với chính phủ đã được giảm bớt hoặc thậm chí bị “vô hiệu hóa”. Căn cứ vào tất cả những điều này, anh Lợi nói thẳng ra rằng vấn đề lớn nhất nằm ở chỗ, giờ đây các phương tiện truyền thông không còn vai trò giám sát chính phủ nữa.
Nếu không có sự giám sát thích đáng của các phương tiện truyền thông tự do, chính quyền Hồng Kông sẽ không biết gì về các đánh giá. Và mặt khác, chúng ta thấy ngày càng có nhiều trường hợp tiếp tục thi hành luật pháp một cách thiếu thận trọng và liều lĩnh. Cảnh báo du lịch cao (Cấp độ 3) mà Hoa Kỳ chỉ định đối với Hồng Kông có thể được cho là “tự gây ra”, và họ chỉ có thể tự đổ lỗi cho chính mình.
Anh Lợi nói rằng trong quá khứ, khi Apple Daily, Lập Trường Tân Văn (Stand News) và những tờ báo khác cùng loại vẫn còn tồn tại, họ sẽ đưa những tin tức như vậy làm tiêu đề trên trang nhất của họ để khơi dậy sự chú ý của chính quyền hoặc buộc họ phải đưa ra nhượng bộ nào đó. Ngay cả các phương tiện truyền thông ủng hộ chính quyền cũng có thể sẽ làm theo và nói về vấn đề đó. Hầu hết khi đối mặt với áp lực như vậy từ tất cả các phương diện trong quang phổ chính trị, chính quyền thành phố sẽ giải quyết từng trường hợp theo cách “thỏa đáng hơn”.
Nếu bây giờ truyền thông tự do vẫn còn tiếng nói, có khả năng cả hai mẹ con trên sẽ được ở Vịnh Trúc Cao cùng nhau, như một cử chỉ khoan hồng hoặc đối xử đặc biệt trong những trường hợp ngoại lệ, dẫn đến một cái kết có hậu. Thật không may, với việc các phương tiện truyền thông HK hiện nay đều đang trong tình trạng tự kiểm duyệt chính mình ở trên mạng, chính quyền Hồng Kông có thể làm bất cứ điều gì họ thích. Đó là lý do tại sao khi Hoa Kỳ nói rằng chính quyền Hồng Kông “quá độc đoán và cứng nhắc” trong việc thực thi các luật này, có rất nhiều phần trong nhận xét đó là thật.
Anh Lý nhấn mạnh rằng trong trường hợp thực thi pháp luật khinh suất và táo bạo của chính quyền Hồng Kông, thì việc Hoa Kỳ liệt kê tất cả các rủi ro và khuyên công dân của mình tránh đến Hồng Kông để bảo vệ hạnh phúc của người dân Mỹ là một việc làm đúng đắn. Nó không liên quan gì đến những gì chính quyền Hồng Kông rao giảng suốt ngày, “các chính phủ ngoại quốc không nên đưa ra những nhận xét vô trách nhiệm.” Anh thở dài: “Vấn đề không phải là người đó muốn bôi nhọ chính quyền này, mà là chính quyền này không biết kiềm chế.”