Hồng Kông chứng kiến làn sóng di tản ồ ạt
Cục trưởng Cục tài chính của thành phố cho biết ‘có lẽ nhiều người sẽ quay về’
Trong những năm gần đây, do môi trường chính trị chuyển biến xấu và các biện pháp phòng dịch hà khắc theo chính sách ‘zero COVID’, Hồng Kông đã chứng kiến một ‘làn sóng di tản’, nhân tài cũng lũ lượt rời đi. Theo số liệu của Chính phủ Hồng Kông, trong ba tháng đầu năm 2022, Hồng Kông đã mất đi khoảng 140,000 nhân khẩu. Ngay cả phó chủ tịch Liên đoàn các Nhà giáo dục Hồng Kông, một nghiệp đoàn ủng hộ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), cho biết trong một cuộc họp báo gần đây rằng “không thể nào tưởng tượng nổi làn sóng di tản lại lớn như vậy.”
Một nhà bình luận về vấn đề thời sự đã phân tích rằng năm nay Cục Doanh thu Nội địa Hồng Kông phát hành ít hơn 300,000 tờ khai thuế so với năm ngoái, cho thấy xu hướng di dân. Dự kiến 99% sẽ không trở lại Hồng Kông vì chính phủ không có bất kỳ kế hoạch nào để giữ chân nhân tài.
Ông Lương Chấn Anh (Leung Chun-ying), cựu Trưởng Đặc khu Hồng Kông, nói rằng “Tôi không nghĩ rằng những người Hồng Kông đó đi di tản. Tôi nghĩ rằng họ chỉ là đang “rời khỏi Hồng Kông” bởi vì họ chưa bao giờ trả lại hộ chiếu Đặc khu Hành chính Hồng Kông. Tôi tin rằng chỉ cần giải quyết tốt các vấn đề chính trị, thì họ sẽ quay trở lại Hồng Kông vì không gian phát triển của Hồng Kông vẫn còn rất lớn.”
Trưởng đặc khu được chỉ định Lý Gia Siêu (John Lee Ka-chiu) đã không trực tiếp phúc đáp các nghi vấn về làn sóng di tản và cách giữ chân nhân tài tại diễn đàn bầu cử hôm 30/04/2022. Ông chỉ phản hồi rằng Hồng Kông có pháp quyền để bảo hộ quyền con người và hoan nghênh những người Hồng Kông ở hải ngoại trở về Hồng Kông kiến thiết thành phố.
Hồi đáp nghi vấn của các thành viên Hội đồng Lập pháp hôm 06/06, Cục trưởng Cục Tài chính Hồng Kông, ông Trần Mậu Ba (Paul Chan Mo-po) nói rằng bề ngoài thì chính phủ dường như mất nguồn thu thuế từ những người rời Hồng Kông, nhưng thực tế công việc của họ sẽ được người khác thay thế, người đó cũng sẽ nộp thuế, vì vậy không ảnh hưởng lớn đối với tiền thu thuế.
Ông cũng nói, “những người tạm thời rời khỏi Hồng Kông, ngay cả khi họ chuyển ra ngoại quốc, khi họ nhìn thấy sự phát triển nhanh chóng của Hồng Kông, tôi tin rằng nhiều người sẽ quay trở về Hồng Kông.”
Dòng chảy ròng hơn 140,000 người trong quý 1
Theo số liệu từ Sở Di trú Hồng Kông, trong ba tháng đầu năm nay, lượng nhân khẩu ròng chảy ra khỏi Hồng Kông đã tăng lên hơn 140,000 người.
Ngoài ra, theo số liệu thống kê của Cục Điều tra và Thống kê, số lượng người trong lực lượng lao động Hồng Kông đã giảm xuống. Từ tháng 03/2022 đến tháng 05/2022, số người có việc làm là khoảng 3.745 triệu người, giảm 3.8% so với cùng thời kỳ năm ngoái, đây là mức giảm lớn nhất kể từ các mức kỷ lục bắt đầu năm 1982; giảm khoảng 250,000 lao động so với mức đỉnh điểm là 4 triệu người trong khoảng thời gian từ tháng 06/2018 đến tháng 08/2018.
Trong cùng khoảng thời gian ba tháng này, số lượng việc làm trong lĩnh vực bán lẻ là khoảng 256,000 người và số lượng việc làm trong lĩnh vực tài chính và bảo hiểm là khoảng 270,000 người.
Sự sụt giảm này tương đương với số người làm việc của gần một ngành.
Hồi tháng Hai, ông Lôi Thiêm Lương (Tim Lui Tim-leung), Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Hợp đồng Tương lai (SFC), và ông Ashley Alder, Giám đốc điều hành, cũng tiết lộ với Hội đồng Lập pháp rằng tỷ lệ thay đổi nhân viên của SFC đã tăng từ 5.1% năm 2020 lên 12% năm 2021, và đối với các chuyên gia cấp thấp, con số này cao tới 25%.
Ông Diêu Kiến Hoa (Stephen Yiu Kin-Wah), Chủ tịch Cơ quan Bảo hiểm Hồng Kông, tiết lộ hồi tháng 05/2022 rằng tỷ lệ thay đổi nhân viên của cơ quan này năm ngoái đạt 16%, đặc biệt sự mất mát của lực lượng chấp pháp, điều tra và thống kê bảo hiểm là tương đối lớn.
Ông Dư Vĩ Văn (Eddie Yue Wai-man), người đứng đầu Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông (HKMA), đã được tờ Nhật báo Kinh tế Hồng Kông phỏng vấn hồi tháng 06/2022 và cho biết rằng tỷ lệ thay đổi nhân viên của HKMA năm ngoái là 7%, cao hơn mức trước đó là 3% – 4%. Sự mất mát nhân sự lớn nhất là trong lĩnh vực công nghệ.
Số liệu thống kê cho tháng 03/2022 từ Cục Điều tra và Thống kê cho thấy số người có việc làm trong lĩnh vực “công nghệ thông tin và truyền thông” là 107,200 người, giảm khoảng 2,100 người, tương đương 1.9% so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Nghiệp đoàn: Làn sóng di tản lớn không tưởng
Hôm 20/06, công đoàn thân ĐCSTQ “Liên đoàn các Nhà giáo dục Hồng Kông” (HKFEW) đã công bố kết quả của một cuộc khảo sát trong lĩnh vực giáo dục mầm non, và phó chủ tịch nghiệp đoàn này đã bày tỏ tại cuộc họp báo, “chúng tôi không thể nào tưởng tượng nổi làn sóng di tản sẽ lớn như vậy.”
Cuộc khảo sát cho thấy kể từ khi bắt đầu đợt bùng phát thứ năm, các trường mẫu giáo cho biết đã mất bình quân 16 học sinh học nửa ngày, chiếm khoảng 13% số học sinh ghi danh học tại trường; và đối với các lớp học cả ngày, bình quân mất 9 học sinh, chiếm khoảng 14% toàn trường, đối với học sinh mầm non mất bình quân 19 học sinh, chiếm khoảng 27% toàn trường.
Một thành viên của hội đồng của Liên đoàn Những người làm Giáo dục Hồng Kông, nói rằng việc liên tục ngừng học và các lớp học trực tuyến theo chính sách COVID đã khiến quyết tâm di cư của các gia đình tăng lên.
Số liệu của Cục Giáo dục Hồng Kông cho thấy trong niên học 2021-2022, tỷ lệ mất giáo viên ở các trường công lập và các trường nằm trong chương trình trợ cấp trực tiếp (Direct Subsidy Scheme School, DSS) đạt mức cao nhất trong năm năm, lần lượt là 7.5% và 8.4%.
Số giáo viên mất đi trong niên học này (2021-2022) ở các trường công lập lên tới 3,580 người và ở các trường thuộc diện trợ cấp trực tiếp là 470 người. Số giáo viên mất đi ở các trường công lập năm ngoái là 2,100 người, trong khi ở các trường thuộc diện trợ cấp trực tiếp là 280 giáo viên.
Các trường hợp “chứng nhận miễn thuế” tăng gần 80%
Cục Doanh thu Nội địa đã công bố hôm 02/06 rằng trong kỳ thuế 2020-2021, số trường hợp chứng nhận miễn thuế được giải quyết cho những người nộp thuế sắp rời Hồng Kông là 31,000; và con số tương ứng trong kỳ thuế năm 2021-2022 đã tăng lên 56,000; tăng gần 80%.
Ngoài ra, Cục Doanh thu Nội địa đã phát hành 2.47 triệu tờ khai thuế cho kỳ thuế năm 2021-2022, cho thấy mức giảm 300,000 [tờ khai] từ con số 2.77 triệu [của năm kia], và ghi nhận mức giảm 150,000 so với 2.62 triệu của năm ngoái.
Theo số liệu mới nhất từ Bộ Nội vụ Vương quốc Anh, khoảng 19,500 người đã nộp đơn xin thị thực Công dân Anh ở Hải Ngoại (BNO) trong quý 1 năm 2022, tăng từ 15,600 trong quý 4 năm trước.
Kể từ khi khai triển chương trình này hồi tháng 01/2021, khoảng 110,000 người đã được cấp thị thực.
Công ty nghiên cứu thị trường VOTEE đã tiến hành phỏng vấn 993 công dân Hồng Kông từ ngày 12/04 đến ngày 24/04/2022.
Họ được hỏi liệu họ có di tản sau khi Trưởng đặc khu sắp tới lên nắm quyền hay không.
Khoảng 10% số người được hỏi cho biết “cả gia đình sẽ di tản,” trong khi 9% nói “một số thành viên trong gia đình họ sẽ di tản,” và 34% nói “Tôi có ý định di tản, nhưng trước mắt sẽ không rời Hồng Kông.” Trong khi 29% số người được hỏi nói rằng họ “sẽ không rời Hồng Kông.”
Các học giả chỉ trích chính phủ không có kế hoạch giữ chân nhân tài
Ông Ngô Minh Đức (Victor Ng Ming-tak), chuyên viên ngân hàng cao cấp và nhà bình luận về các vấn đề thời sự, phân tích rằng số lượng tờ khai thuế được phân phối trong năm nay (tháng 04/2022) đã giảm 300,000 so với năm trước, có nghĩa là 300,000 người đã “rời khỏi Hồng Kông,” trong đó liên quan tới khoảng 200,000 gia đình là “trụ cột của xã hội.” Các gia đình rời khỏi Hồng Kông là những người đóng thuế, là những người có tài chính “vững mạnh, trung lưu trở lên.”
Ông dự đoán rằng “99% những người rời Hồng Kông sẽ không quay trở lại” vì chính phủ không có kế hoạch giữ chân nhân tài.
Ông cũng cho thấy rằng vốn ngoại quốc đang dần rút khỏi Hồng Kông, trong khi chính quyền thành phố đã chuyển sự chú ý của mình sang Khu vực Vịnh Lớn ở Trung Quốc Đại lục, xung đột với vai trò trung tâm tài chính quốc tế của Hồng Kông.
Ông đặt câu hỏi về việc chính quyền sẽ hỗ trợ những ngành có giá trị gia tăng cao như thế nào, nếu không có những ngành đó thì làm sao thu nhập của nhân tài được ổn định và không giảm thấp hơn những năm trước.
Ông Hoàng Vĩ Quốc (Benson Wong Wai-kwok), cựu phó giáo sư về chính trị và liên hệ quốc tế tại Đại học Baptist Hồng Kông, nói với Epoch Times rằng thất bại lớn nhất trong “tuyên ngôn bầu cử” của ông Lý Gia Siêu là ông hoàn toàn né tránh cuộc khủng hoảng thảm khốc hiện nay ở Hồng Kông — đó là làn sóng di cư của người Hồng Kông.
Đối với hệ thống chính trị, kinh tế, giáo dục, thanh niên, và các vấn đề địa ốc của Hồng Kông trong năm năm qua, ông Lý chỉ đang nói về bản thân ông ấy, hoặc chỉ sao chép các ý tưởng của Trưởng đặc khu đương nhiệm về “Hội nhập Khu Vịnh Lớn” và “Tập trung vào Các cơ hội từ Sáng kiến Vành đai và Con đường.”
Ông Hoàng tin rằng chính quyền thành phố cố tình xem nhẹ làn sóng di cư vì họ không muốn mọi người biết có bao nhiêu người đã di tản.