Hoa Kỳ: Đảng Dân Chủ tại Hạ viện từ chối nhượng bộ về ngân sách
Lãnh đạo Đảng Dân Chủ tại Hạ viện đã trả lời các câu hỏi về cách tiếp cận của họ nhằm giải quyết khả năng chính phủ đóng cửa trong 10 ngày tới và cách họ sẽ làm việc với các thành viên Đảng Cộng Hòa nếu các nhà lập pháp Cộng Hòa muốn truất phế Chủ tịch Hạ viện.
Tại cuộc họp báo ngày 19/09, khi được The Epoch Times hỏi liệu rằng Đảng Dân Chủ sẽ có làm việc với Đảng Cộng Hòa về một thỏa hiệp nhằm tìm ra kế hoạch mà cả hai bên có thể đồng ý tài trợ cho chính phủ trước thời hạn ngày 30/09 hay không, các nhà lãnh đạo Đảng Dân Chủ đã nói rõ rằng họ muốn “lãnh đạo” nhưng đã có kế hoạch tuân thủ các thỏa thuận mà các nhà lập pháp đã đạt được trước đó.
Quốc hội phải thông qua 12 dự luật chi tiêu hàng năm để tài trợ cho các chương trình khác nhau của chính phủ. Không thông qua được các dự luật này sẽ dẫn đến việc chính phủ liên bang phải đóng cửa toàn bộ hoặc một phần, qua đó chỉ những nhân viên liên bang thiết yếu nhất mới tiếp tục làm việc.
Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) phải hòa giải một Hạ viện bị chia rẽ về mặt ý thức hệ trong khi cân bằng các cuộc đàm phán với Thượng viện và Tòa Bạch Ốc do Đảng Dân Chủ kiểm soát để thông qua một loạt dự luật cần thiết.
Dân biểu Pete Aguilar (Dân Chủ-California), người đứng đầu nhóm Democratic Caucus tại Hạ viện, đã nói với các phóng viên nhiều lần trong cuộc họp rằng Đảng Dân Chủ chỉ quan tâm đến luật pháp phù hợp với thỏa thuận trước đó giữa Tổng thống Joe Biden và ông McCarthy, được thiết lập vào đầu Quốc hội nhiệm kỳ thứ 118 hồi đầu năm nay.
Khi được The Epoch Times hỏi rõ là liệu Đảng Dân Chủ có sẵn lòng nhượng bộ về dự luật về chi tiêu phi quốc phòng và các dự luật phân bổ chi tiêu, cũng như về nguồn tài trợ liên quan đến đại dịch hay không, ông Aguilar nói: “Chúng tôi sẽ làm rõ điều này, chúng tôi muốn tuân theo thỏa thuận mà Chủ tịch McCarthy đã đồng ý với Tổng thống Biden.”
“Chúng tôi sẵn lòng chỉnh sửa các dự luật phân bổ đó và thực hiện các công việc cần thiết và quan trọng để tài trợ cho chính phủ nhằm bảo đảm rằng các Công viên Quốc gia luôn mở cửa, bảo đảm rằng chúng ta đang thực hiện nghiên cứu về bệnh ung thư, bảo đảm rằng chúng ta đang bảo vệ biên giới, và chúng ta đang giảm bớt tai họa fentanyl đang tràn qua [biên giới].”
“Đó là những điều mà các thành viên Đảng Dân Chủ tại Hạ viện muốn đầu tư vào. Đó chính xác là những gì mà chúng tôi đã thỏa thuận. Đó chính xác là những gì Chủ tịch McCarthy đã thỏa thuận. Và chúng tôi mong muốn hoàn thành những việc đó cho người dân Mỹ.”
Nhà lập pháp này không nói rõ liệu các thành viên Đảng Dân Chủ tại Hạ viện có sẵn sàng cắt giảm các khoản ngân sách liên quan đến đại dịch hay không, trong khi liên tục đề cập đến kế hoạch tài khóa trước đó mà sau này Đảng Cộng Hòa đã sửa đổi.
Về phần một kiến nghị bãi nhiệm tiềm năng đối với Chủ tịch Hạ viện thuộc Đảng Cộng Hòa, các dân biểu Đảng Dân Chủ dường như sẵn lòng hợp tác hơn với các dân biểu Đảng Cộng Hòa, nhấn mạnh sự sẵn lòng hợp tác của họ với những người đồng cấp nếu một kiến nghị như vậy được đưa ra trước Hạ viện.
Trong khi ông Aguilar kiềm chế suy đoán về những lý do cụ thể đằng sau những hành động bãi nhiệm Chủ tịch Hạ viện tiềm năng, ông nói, “Sẽ không có bất kỳ ai trong chúng tôi ngạc nhiên nếu có bất kỳ thành viên nào trong số đó hành động để phế truất ông ấy tại một thời điểm nào đó.”
Việc tiến hành một cuộc tranh luận về tài trợ đã đứng đầu danh sách các việc cần làm của các nhà lập pháp vào đầu năm nay khi Đảng Cộng Hòa trải qua nhiều tuần bế tắc với Đảng Dân Chủ về mức trần nợ hoặc số tiền tối đa mà Bộ Ngân khố Hoa Kỳ có thể vay một cách hợp pháp. Việc không tăng giới hạn vay đó sẽ dẫn đến vỡ nợ, điều mà các chuyên gia khẳng định là sẽ làm giảm giá trị của đồng USD.
Kết quả của các cuộc đàm phán đó là Đạo luật Trách nhiệm Tài khóa, đưa ra những nhượng bộ cho cả hai bên và đình chỉ giới hạn nợ cho đến tháng 01/2025, nghĩa là hiện tại không có giới hạn trực tiếp về số tiền mà Bộ Ngân khố có thể vay.
Cuộc đối đầu giữa cựu Tổng thống Donald Trump và Đảng Dân Chủ về tài trợ cho bức tường biên giới, đợt đóng cửa chính phủ lâu nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, bắt đầu vào tháng 12/2018 khi kết thúc Quốc hội nhiệm kỳ thứ 115 và kéo dài 34 ngày cho đến Quốc hội nhiệm kỳ thứ 116.
Dù ban đầu muốn tiếp tục đóng cửa nhưng cựu Tổng thống Trump đã nhượng bộ và chính phủ đã được mở cửa trở lại.
Phần lớn là do sự kiểm soát của một đảng đối với cả hai viện của Quốc hội và sau đó là Tòa Bạch Ốc, Hoa Kỳ đã tránh được việc phải đóng cửa chính phủ trong bốn năm rưỡi qua.
Bản tin có sự đóng góp của Joseph Lord.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times