Hạ viện không thông qua dự luật tài trợ tạm thời, Chính phủ Hoa Kỳ có nguy cơ đóng cửa
Với tình trạng hỗn loạn của Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện, giờ đây Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer gần như có thể đưa ra các điều khoản của dự luật tài trợ tạm thời để ngăn chặn việc đóng cửa chính phủ.
Hôm thứ Sáu (29/09), Hạ viện đã phủ quyết một dự luật tài trợ tạm thời, giáng một đòn mạnh vào Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) khi ông cố gắng ngăn chặn nguy cơ chính phủ đóng cửa trong vòng chưa đầy 48 giờ.
21 nghị sĩ Đảng Cộng Hòa đã cùng với Đảng Dân Chủ phản đối đạo luật này, nâng túc số cuối cùng lên 198 phiếu thuận – 232 phiếu chống.
Động lực trong cuộc tranh luận về tài trợ hiện chuyển sang Thượng viện, nơi Lãnh đạo Đa số Chuck Schumer (Dân Chủ-New York) đang đề nghị một nghị quyết chi tiêu tạm thời (CR) lưỡng đảng thông qua viện đó. Ông Schumer cho biết Thượng viện sẽ bỏ phiếu về dự luật của mình vào ngày 30/09. Ông Schumer gần như đã bảo đảm dự luật sẽ được thông qua vì 26 nghị sĩ Đảng Cộng Hòa đã ủng hộ việc thúc đẩy dự luật này.
Vụ đánh cược của ông McCarthy
Ông McCarthy đã đánh cược rằng ông có thể khiến những nghị sĩ Đảng Cộng Hòa bất đắc dĩ ủng hộ CR, được gọi là Đạo luật Phân bổ ngân sách Tạm thời và Tăng cường An ninh Biên giới, bằng cách đưa vào một số điều khoản về an ninh biên giới, mối quan tâm chính của những người theo phái bảo tồn truyền thống, và bằng cách trước tiên thông qua một số dự luật phân bổ ngân sách theo trình tự thông thường.
CR sẽ gia hạn tài trợ của chính phủ cho đến ngày 31/10 với mức giảm tổng cộng 8% trong chi tiêu tùy ý phi quốc phòng. Dự luật này cũng bao gồm gần như toàn bộ H.R. 2, Đạo luật Bảo đảm Biên giới, mà Đảng Cộng Hòa đã thông qua vào đầu năm nay nhưng chưa được Thượng viện thông qua.
Trước khi giới thiệu lại dự luật này, Đảng Cộng Hòa đã bổ sung việc thành lập Ủy ban Nợ Liên bang, điều mà một số thành viên của lưỡng đảng đã kêu gọi từ lâu.
Bất luận những cải tiến của dự luật đối với an ninh biên giới, một vấn đề quan trọng trong Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện, một số thành viên cứng rắn về tài khóa của đảng đã phản đối CR. Một số người phản đối bất kỳ hình thức nghị quyết chi tiêu tạm thời nào, tin rằng điều đó chắc chắn sẽ dẫn đến sự cần thiết phải thông qua một dự luật omnibus (tổng hợp nhiều dự luật khác nhau) vào phút cuối khiến họ mất khả năng bỏ phiếu cho các dự luật tài trợ riêng lẻ.
Những người khác phản đối CR vì giải pháp này sẽ duy trì, dù chỉ trong một tháng, các ưu tiên chi tiêu của Tổng thống Joe Biden, trong đó có việc viện trợ cho nỗ lực chiến tranh ở Ukraine.
Sau gần hai tuần đàm phán, với một số thất bại về mặt lập pháp, hôm 28/09, Chủ tịch Hạ viện đã có thể thông qua ba dự luật phân bổ ngân sách.
Dựa trên những chiến thắng đạt được thông qua “trình tự thông thường,” cho phép các thành viên tranh luận và đề xướng sửa đổi các dự luật tại sàn Hạ viện trước khi bỏ phiếu, ông McCarthy rõ ràng đã hy vọng giành được sự ủng hộ đối với CR này từ những người theo đường lối cứng rắn bất kham.
“Những người lo ngại về RC không muốn đầu tư như họ thường làm,” Dân biểu Dusty Johnson (Cộng Hòa-South Dakota), chủ tịch của Nhóm Main Street Caucus, nói với The Epoch Times hôm 27/09. “CR đã được sử dụng quá thường xuyên như một công cụ chống đỡ để tạo thuận tiện cho việc chi tiêu vô trách nhiệm.”
“Tôi nghĩ rằng có những thành viên trước đây đã phản đối CR, nếu họ thấy rằng chúng tôi đang trải qua một tiến trình có trách nhiệm và thận trọng về mặt tài khóa, chúng tôi sẽ hiểu rằng một dự luật tài trợ tạm thời có thể hữu ích trong quá trình này,” ông Johnson nói.
Dự đoán này hóa ra là không chính xác.
Đảng Dân Chủ phản đối nghị quyết chi tiêu tạm thời này vì một số thành viên cho là hà khắc. Họ cũng nêu ra thực tế là Thượng viện đang nghiên cứu một nghị quyết lưỡng đảng có thể sẽ được Hạ viện thông qua.
Dân biểu Rosa DeLauro (Dân Chủ-Connecticut) gọi CR của Hạ viện là một “cuộc trò đố chữ vô nghĩa với những hậu quả nghiêm trọng đối với người dân Mỹ.”
Sự khác biệt trong các dự luật
CR của Thượng viện được đính kèm với dự luật tái ủy quyền cho Cục Hàng không Liên bang. Dự luật này sẽ tài trợ cho chính phủ đến ngày 17/11 với mức chi tiêu hiện tại, đồng thời bổ sung 6.15 tỷ USD tài trợ cho nỗ lực chiến tranh ở Ukraine và 5.99 tỷ USD để cứu trợ thiên tai trong nước.
Đa số áp đảo về phía thượng nghị sĩ lưỡng đảng đã bỏ phiếu hai lần để thúc đẩy dự luật thông qua tiến trình lập pháp, và Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York) gần như đã bảo đảm cho dự luật sẽ được thông qua. Cuộc bỏ phiếu cuối cùng dự kiến diễn ra tại Thượng viện vào ngày 30/09.
Nhiều nghị sĩ Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện nghi ngờ về việc tiếp tục tài trợ cho Ukraine mà không có trách nhiệm giải trình và giám sát chặt chẽ hơn về cách sử dụng số tiền này. Là một người có vẻ mềm mỏng hơn, Thượng nghị sĩ Kyrsten Sinema (Độc Lập-Arizona) đã nỗ lực đưa ra một sửa đổi nhằm bổ sung các điều khoản về tăng cường an ninh biên giới của Hoa Kỳ.
Nếu Thượng viện thông qua CR, lưỡng viện sẽ có rất ít thời gian để rà soát đối chiếu hai dự luật đó.
Tại Hạ viện, ông McCarthy phải đối mặt với áp lực từ các thành viên có tư tưởng bảo tồn truyền thống nhất trong nhóm kín của mình để tránh thông qua luật với sự ủng hộ của Đảng Dân Chủ, vốn là điều chắc chắn sẽ cần thiết cho một dự luật thỏa hiệp.
Nguy cơ chính phủ đóng cửa
Trong trường hợp không được gia hạn quyền chi tiêu, việc đóng của chính phủ sẽ xảy ra vào lúc nửa đêm ngày 30/09.
Điều đó có nghĩa là việc ngừng các dịch vụ không thiết yếu của chính phủ, mà điều này sẽ ảnh hưởng đến khoảng 30% nhân viên liên bang theo Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng. Những nhân viên thiết yếu, kể cả thành viên của các lực lượng vũ trang, sẽ phải làm việc không lương trong thời gian chính phủ ngừng hoạt động.
Phúc lợi An Sinh Xã Hội và Medicare sẽ tiếp tục. Các phúc lợi WIC và SNAP sẽ tiếp tục trong một thời gian nhưng có thể hết khi chính phủ ngừng hoạt động trong thời gian dài.
Trong khi các chức năng thiết yếu của chính phủ vẫn tiếp tục, việc đóng cửa sẽ khiến hàng chục ngàn nhân viên chính phủ phải nghỉ việc tạm thời, đồng thời buộc các nhân viên thiết yếu, chẳng hạn như thành viên quân đội, phải làm việc không lương.
Các nhà lãnh đạo của lưỡng đảng coi việc đóng cửa là một thất bại chính trị và mong muốn tránh điều đó. Tuy nhiên, nỗ lực của Thượng viện cho đến nay nhận được sự ủng hộ của 77 thượng nghị sĩ, trong đó có 26 nghị sĩ Đảng Cộng Hòa.
“Trong các lần đóng cửa trước đây, từng có cảnh báo rằng nếu việc đóng cửa tiếp tục trong thời gian dài, số tiền còn lại mà họ phải quản lý và cung cấp phúc lợi . . . cuối cùng có thể cạn kiệt. Vì vậy, có một mối nguy hiểm thực sự là nếu tình trạng này tiếp diễn trong hơn một vài tuần, chúng ta có thể chứng kiến các chương trình đó bị gián đoạn,” ông Shai Akabas thuộc Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng cho biết trong bài thuyết trình hôm 29/09.
Theo ông Akabas, trong ngắn hạn, hoạt động kinh doanh trên toàn quốc có thể bị ảnh hưởng khi hàng chục ngàn nhân viên liên bang, phần lớn trong số họ không sống ở Thủ đô Hoa Thịnh Đốn, sẽ không được trả lương bắt đầu từ giữa tháng Mười. Các ngân hàng thực phẩm thường nhận thấy nhu cầu tăng vọt trong thời gian chính phủ đóng cửa.
Theo ông Akabas, việc ngừng hoạt động trong thời gian dài cũng sẽ có những tác động khác. Ví dụ, trong khi các kiểm soát viên không lưu vẫn tiếp tục làm việc thì việc đào tạo các kiểm soát viên mới sẽ bị đình chỉ. Các thanh tra an toàn đường sắt cũng sẽ phải về nhà.
Theo ông Akabas, tác động khôn lường nhất của việc đóng cửa chính phủ có thể là việc hạ bậc xếp hạng tín nhiệm nợ của đất nước hơn nữa, một dấu hiệu cho thấy sự thiếu tin tưởng vào khả năng quản lý tài chính của đất nước, trong đó có việc trả nợ.
Hồi tháng Tám, Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch đã hạ bậc xếp hạng tín nhiệm nợ hàng đầu của chính phủ Hoa Kỳ, với lý do các cuộc đàm phán về mức trần nợ lặp đi lặp lại vào phút cuối khiến khả năng thanh toán hóa đơn của chính phủ bị nghi ngờ.
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times