Hoa Kỳ cùng hơn 60 quốc gia khác cam kết giảm lượng phát thải từ máy điều hòa không khí và tủ lạnh
Mục tiêu vào năm 2050 là giảm 68% lượng phát thải từ các thiết bị như vậy so với mức của năm 2022.
Đặc phái viên về khí hậu của Hoa Kỳ John Kerry đã cùng hơn 60 quốc gia khác cam kết sẽ cắt giảm lượng phát thải từ tủ lạnh và máy điều hòa không khí nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Hôm thứ Ba (05/12), 63 quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ, đã tham gia cam kết cắt giảm lượng phát thải liên quan đến chất làm mát tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hiệp Quốc COP28 ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Cam kết về Chất làm mát Toàn cầu kêu gọi các quốc gia đến năm 2050 giảm ít nhất 68% lượng phát thải liên quan đến chất làm mát so với mức của năm 2022. Lượng phát thải liên quan đến chất làm mát chủ yếu đến từ các thiết bị như máy điều hòa không khí và tủ lạnh. Cam kết cũng đề nghị thiết lập các tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng tối thiểu cho các thiết bị vào năm 2030.
“Chúng tôi muốn đưa ra một lộ trình để giảm lượng phát thải liên quan đến chất làm mát trên tất cả các lĩnh vực nhưng tăng khả năng tiếp cận với hệ thống làm mát bền vững,” ông Kerry, người cùng đại diện các quốc gia khác tham gia cam kết, Reuters cho biết.
Dân biểu Jeff Van Drew (Cộng Hòa-New Jersey) đã chỉ trích cam kết này trong một bài đăng trên X hôm thứ Tư (06/12): “Ông John Kerry đã thất bại trong cuộc tranh cử tổng thống và kể từ đó đã cố gắng khẳng định sự trả thù của mình đối với những thường dân Mỹ. Nếu ông ấy mà làm được, thì xe hơi, các thiết bị, và thực phẩm của chúng ta sẽ biến mất. Tất cả đều là vì một người đàn ông đi khắp nơi trên phi cơ riêng của vợ mình.”
Cam kết của ông Kerry được đưa ra khi chính phủ Tổng thống Biden đề xướng áp dụng các quy định có thể gây hại cho thị trường thiết bị gia dụng. Hồi tháng Bảy, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) đã ban hành quy định cắt giảm 40% việc sử dụng hydrofluorocarbons (HFC) vào năm 2028, và gọi hóa chất này là “khí gây siêu ô nhiễm khí hậu.”
HFC được sử dụng làm chất làm lạnh trong các thiết bị như máy điều hòa không khí, máy bơm nhiệt, và tủ lạnh. Kể từ tháng 01/2022, việc nhập khẩu và sản xuất HFC yêu cầu có trợ cấp đặc biệt. Trong thời gian này, chi phí thay thế chất làm lạnh đã tăng vọt.
Trong một bài phân tích hồi tháng 08/2022, ông Ben Lieberman, một thành viên cao cấp tại Viện Doanh nghiệp Cạnh tranh, đã nhấn mạnh rằng: “Các kỹ thuật viên dịch vụ nói rằng việc thay thế chất làm lạnh bị mất vì rò rỉ hiện tiêu tốn tới 800 USD, cao gấp đôi so với một năm trước.”
“Hơn nữa, hạn ngạch HFC của EPA sẽ bị thắt chặt trong những năm tới, vì vậy mọi chuyện vẫn sẽ tiếp diễn, chắc chắn sẽ khiến hóa đơn của các chủ nhà tăng thêm.”
Hồi đầu tháng Ba, Bộ Năng lượng đã đưa ra các quy định mà theo đó tủ lạnh sẽ phải tuân theo một bộ tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng chặt chẽ hơn. Quy tắc này có hiệu lực vào năm 2027.
Mối lo ngại về chất làm mát
Hiện tại, thiết bị làm mát chiếm 20% tổng lượng điện tiêu thụ. Liên Hiệp Quốc ước tính con số này sẽ tăng lên hơn gấp đôi vào năm 2050. Lượng phát thải từ việc làm mát như vậy được dự đoán sẽ chiếm hơn 10% lượng phát thải toàn cầu vào giữa thế kỷ này.
Theo Liên Hiệp Quốc, khi nhiệt độ tăng lên, nhu cầu về thiết bị làm mát dự kiến cũng sẽ tăng lên. Đến năm 2050, công suất làm mát được lắp đặt ước tính sẽ tăng gấp ba do nhiệt độ tăng, thu nhập tăng, và dân số ngày càng tăng.
Ông Inger Andersen, Giám đốc Điều hành Chương trình Môi trường Quốc gia Liên Hiệp Quốc cho biết: “Ngành làm mát cần phát triển để bảo vệ mọi người khỏi nhiệt độ tăng cao, duy trì chất lượng và an toàn thực phẩm, bảo quản vaccine ổn định và duy trì hiệu quả kinh tế.”
“Tuy nhiên sự tăng trưởng này không thể đánh đổi bằng quá trình chuyển đổi năng lượng và những tác động khiến khí hậu trở nên khắc nghiệt hơn. Các quốc gia và ngành làm mát phải hành động ngay bây giờ để bảo đảm gia tăng chất làm mát carbon thấp.”
Một trong những cách thức cắt giảm lượng phát thải từ chất làm mát được đề nghị là sử dụng các biện pháp làm mát thụ động như cách nhiệt, thông gió, tạo bóng mát tự nhiên, và các mặt phẳng phản chiếu. Liên Hiệp Quốc ước tính rằng việc làm mát thụ động có thể hạn chế 24% sự tăng trưởng về nhu cầu đối với công suất làm mát vào năm 2050.
“Hãy tưởng tượng trong một cộng đồng khu ổ chuột, một khu định cư không chính thức, những ngôi nhà làm bằng tôn, và một bên là máy điều hòa không khí… Khát vọng của mọi người khi nhiệt độ tăng và thu nhập tăng là sự giàu có của họ được đo bằng khả năng làm mát của họ,” ông Yvonne Aki -Sawyerr, Thị trưởng Freetown, Sierra Leone cho biết trong cuộc họp báo COP28, theo Reuters
Cam kết về than
Cam kết của ông Kerry tiếp nối theo một cam kết khác về khí hậu mà ông đưa ra vào tuần trước rằng, Hoa Kỳ sẽ không xây dựng bất kỳ nhà máy điện than mới nào và sẽ loại bỏ hoàn toàn những nhà máy hiện có.
Trong một tuyên bố tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu ở Dubai, ông cho biết: “Để đạt được mục tiêu 100% điện không tạo ra carbon gây ô nhiễm vào năm 2035, chúng ta cần loại bỏ dần than không sử dụng công nghệ thu giữ CO2.”
“Chúng tôi sẽ nỗ lực đẩy nhanh việc loại bỏ than không sử dụng công nghệ thu giữ CO2 trên toàn thế giới, xây dựng nền kinh tế mạnh mẽ hơn và cộng đồng sôi nổi hơn. Bước đầu tiên là ngừng làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn: ngừng xây dựng các nhà máy năng lượng điện than không sử dụng công nghệ thu giữ CO2.”
Theo dữ liệu từ Bộ Năng lượng, năm ngoái (2022), 19.7% sản lượng điện ở Hoa Kỳ đến từ than đá.
Vào năm 2022, các nhà máy đốt than chiếm 36% sản lượng điện toàn cầu, hơn một nửa trong số đó đến từ Trung Quốc, quốc gia đang xây dựng các nhà máy điện than mới với tốc độ chóng mặt, và không hề nao núng trước nhiều cam kết và mục tiêu về khí hậu mà chính lãnh đạo nước này chỉ ủng hộ trên miệng.
Theo báo cáo hồi tháng Hai của Cơ quan Giám sát Năng lượng Toàn cầu và Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch, năm 2022, ở Trung Quốc, việc khởi công xây dựng nhà máy điện than, thông báo dự án mới, và cấp phép xây dựng nhà máy đã “tăng tốc đáng kể” – với hai nhà máy điện than mới được cấp phép mỗi tuần.
Báo cáo cho biết: “Công suất điện than 50 GW đã bắt đầu được xây dựng ở Trung Quốc vào năm 2022, tăng hơn 50% so với năm 2021. Nhiều dự án trong số này đã được cấp phép nhanh chóng và chuyển sang xây dựng chỉ trong vài tháng.”
Bản tin có sự đóng góp của Tom Ozimek và Reuters.
Tuệ Chân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times