Hội nghị khí hậu COP28 của Liên Hiệp Quốc kết thúc với lời kêu gọi thế giới tránh xa nhiên liệu hóa thạch
Các quốc gia cũng được khuyến khích thúc đẩy một nghị trình xã hội cấp tiến như một phần trong kế hoạch giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Sau hơn hai tuần thảo luận về cách để giữ cho nhiệt độ toàn cầu không tăng thêm, hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hiệp Quốc tại Dubai đã kết thúc vào sáng thứ Tư (13/12) với một thỏa thuận kêu gọi thế giới “chuyển đổi khỏi” nhiên liệu hóa thạch.
Đại diện của gần 200 quốc gia tham dự hội nghị thượng đỉnh — COP28, được tổ chức tại thủ đô của quốc gia vùng Vịnh giàu dầu mỏ — đã cùng nhau ký hiệp định không mang tính ràng buộc này.
Theo thỏa thuận này, mục tiêu là hạn chế sự ấm lên lâu dài của Trái Đất ở mức 1.5°C (2.7°F), một mức nhiệt độ mà các nhà khoa học chủ lưu và những người cảnh báo về khí hậu cho rằng là cần thiết để tránh những tác động tàn khốc và không thể đảo ngược của những gì họ tin là khủng hoảng khí hậu “do con người gây ra.”
“Chúng ta đã cùng nhau đưa thế giới đi đúng hướng,” ông Sultan al-Jaber, Chủ tịch COP28, đến từ Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, cho biết. Ông cũng đã thay đổi đề nghị ban đầu bằng những ngôn ngữ ôn hòa và dễ chịu hơn nhằm giữ cho Trung Đông và các quốc gia xuất khẩu dầu khác tham gia vào thỏa thuận này.
Phiên bản trước đó của thỏa thuận này đã vấp phải nhiều phản đối từ các nhà sản xuất và tiêu dùng năng lượng truyền thống lớn, chẳng hạn như Saudi Arabia, vì đã kêu gọi “loại bỏ hoàn toàn” dầu, khí đốt, và than đá. Thay vào đó, phiên bản thỏa thuận cuối cùng ủng hộ việc “chuyển đổi khỏi việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch” đồng thời “đẩy nhanh hành động trong thập niên quan trọng này để đạt được mục tiêu [lượng phát thải nhà kính] bằng 0 vào năm 2050” một cách “công bằng, có trật tự, và bình đẳng.”
Đây là lần đầu tiên thuật ngữ “nhiên liệu hóa thạch” xuất hiện trong thỏa thuận của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu. Văn bản này cũng công nhận vai trò của “nhiên liệu chuyển tiếp,” được hiểu là nói đến khí đốt tự nhiên, và kêu gọi tăng tốc các công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon.
Theo thỏa thuận này, các quốc gia cũng được yêu cầu thúc đẩy một nghị trình xã hội cấp tiến như một phần trong nỗ lực giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Cụ thể, thỏa thuận này khuyến khích các quốc gia thực hiện chính sách và hành động về khí hậu “đáp ứng giới tính” đồng thời xem xét “bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ, và công bằng giữa các thế hệ.”
Ngoài ra, thỏa thuận hôm thứ Tư kêu gọi các quốc gia lưu ý rằng “một số nền văn hóa” công nhận hành tinh này và các hệ sinh thái của hành tinh này là “Mẹ Trái Đất,” điều này dường như là một sự đồng tình với các nhóm hoạt động tuyên bố rằng các phần không thuộc con người trên Trái Đất có các quyền hợp pháp cố hữu và xứng đáng có đại diện pháp lý.
Không phải tất cả những người ủng hộ biến đổi khí hậu đều hài lòng với thỏa thuận này. Cựu Phó Tổng thống Al Gore, một nhân vật nổi bật trong phong trào bảo vệ môi trường cách đây nhiều thập niên, đã không đồng tình với đoạn nói về thu giữ carbon, cho rằng đây là cho phép các quốc gia có thể tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch miễn là họ sử dụng công nghệ đó để kiểm soát toàn bộ mức phát thải.
“Quyết định mà COP28 cuối cùng thừa nhận rằng cuộc khủng hoảng khí hậu về bản chất là cuộc khủng hoảng nhiên liệu hóa thạch, là một cột mốc quan trọng. Nhưng đó cũng là mức tối thiểu mà chúng tôi cần và đã quá hạn từ lâu,” ông nói. “Ảnh hưởng của các quốc gia dầu khí vẫn còn thể hiện rõ ở những biện pháp nửa vời và những lỗ hổng trong thỏa thuận cuối cùng.”
Thỏa thuận COP28 cũng gây thất vọng cho một nhóm đảo quốc, vốn lo sợ bị tuyệt chủng do mực nước biển dâng cao. Liên minh các Đảo quốc Nhỏ, đại diện cho 39 đảo quốc nhỏ và các quốc gia ven biển vùng thấp, phàn nàn rằng họ đã bị gạt ra ngoài cuộc đối thoại này và giọng điệu trong văn bản cuối cùng quá yếu mềm, không thể giúp giải quyết mối đe dọa hiện hữu mà họ đang phải đối mặt.
Bà Anne Rasmussen, nhà đàm phán chính của Samoa, một quốc gia ở Thái Bình Dương, nằm giữa Hawaii và New Zealand, cho biết: “Chúng tôi đã đạt được tiến bộ dần dần trong hoạt động kinh doanh như thường lệ khi điều chúng tôi thực sự cần là sự thay đổi nhanh chóng trong hành động của mình.”
Bà Rasmussen cũng lặp lại mối lo ngại của Phó Tổng thống Gore về việc thừa nhận vai trò của “nhiên liệu chuyển tiếp” và công nghệ thu hồi carbon.
“Chúng tôi đã đi đến kết luận rằng sự điều chỉnh cần thiết vẫn chưa được bảo đảm,” bà cho hay.
Cam kết về khí hậu của Mỹ
Ông John Kerry, nhà ngoại giao khí hậu hàng đầu của Tổng thống Joe Biden, mô tả thỏa thuận này là thỏa thuận “gửi những thông điệp rất mạnh mẽ đến thế giới.”
“Tôi nghĩ mọi người phải đồng ý rằng lời kêu gọi giảm 1.5 [°C] này mạnh mẽ và rõ ràng hơn nhiều so với những gì chúng ta từng nghe trước đây, và lời kêu gọi này phản ánh rõ ràng những gì khoa học nói,” ông nói. “Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy tiến trình chuyển đổi nhanh hơn.”
Bình luận của ông Kerry được đưa ra sau khi ông gặp người đồng cấp Trung Quốc, Giải Chấn Hoa (Xie Zhenhua) ở nam California vào tháng trước, trước hội nghị COP28. Cuộc gặp gỡ này đã đưa ra lời kêu gọi chung của Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh về cam kết loại bỏ dần hydrofluorocarbon, một loại khí được sử dụng trong chất làm lạnh và khí đốt máy điều hòa nhiệt độ.
Hôm 05/12, ngày thứ sáu của hội nghị thượng đỉnh tại Dubai, Hoa Kỳ và Trung Quốc đều ký cam kết cắt giảm lượng phát thải liên quan đến việc làm mát. Cam kết làm mát toàn cầu này yêu cầu các quốc gia giảm lượng phát thải ít nhất 68% vào năm 2050 so với mức năm 2022. Cam kết này cũng đề nghị thiết lập các tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng tối thiểu cho các thiết bị vào năm 2030.
Trong hội nghị về khí hậu, ông Kerry cũng tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ không xây dựng bất kỳ nhà máy đốt than mới nào trong khi đóng cửa những nhà máy hiện có. Về phía Trung Quốc, mặc dù ngoài mặt lãnh đạo quốc gia này đồng ý với nhiều cam kết và mục tiêu về khí hậu, họ vẫn xây dựng các nhà máy than mới với tốc độ nhanh chóng.
Các cam kết của chính phủ Biden đã thu hút sự chỉ trích từ những người ủng hộ sự độc lập về năng lượng của Mỹ, trong đó có cả ông Donald Trump, cựu Tổng thống Hoa Kỳ và là ứng cử viên tổng thống năm 2024.
“Tôi thấy ở nơi nào ông John Kerry cũng nói về [cách] chúng ta phải loại bỏ các nhà máy than của mình,” cựu Tổng thống Trump nói với người dẫn chương trình Sean Hannity của Fox News trong một sự kiện gặp gỡ cử tri New Hampshire. “Tuy nhiên, Trung Quốc đang xây dựng một nhà máy than mỗi tuần, những nhà máy than đồ sộ và họ đang thực hiện việc đó một cách tự động.”
Vân Sa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times