Hoa Kỳ có nên lo lắng về một đồng tiền dự trữ toàn cầu mới?
Tính hợp pháp để làm đơn vị tiền tệ dự trữ toàn cầu mới của một đồng tiền từ Trung Quốc và Nga phụ thuộc vào sự hậu thuẫn
Từ lâu, The Epoch Times đã đưa tin rằng Trung Quốc — và gần đây là do cuộc chiến đang diễn ra, Nga — vẫn luôn muốn chứng kiến đồng USD bị loại khỏi vị thế đồng tiền dự trữ toàn cầu lớn nhất.
Nga và Trung Quốc hiện đã bắt đầu làm việc đó, điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là thông báo nói rằng một số quốc gia thị trường mới nổi đang làm việc cùng với Nga và Trung Quốc. Russia Today (RT) — một kênh truyền thông bằng Anh ngữ thuộc sở hữu nhà nước của Nga — đã đưa tin hồi tháng Sáu rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo là các quốc gia thuộc khối BRIC bao gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, và Nam Phi đang làm việc để thiết lập một đồng tiền dự trữ toàn cầu mới.
RT cho biết: “Theo Tổng thống Nga, các quốc gia thành viên cũng đang phát triển các cơ chế thay thế đáng tin cậy cho thanh toán quốc tế.”
Tin tức này phần nào đã bị lãng quên trong đợt xáo trộn hồi tháng trước, khi nền kinh tế Hoa Kỳ bị ảnh hưởng bởi lạm phát gia tăng, một cuộc suy thoái kinh tế tiềm ẩn, sự biến động của thị trường chứng khoán, thị trường mã kim (cryptocurrency) hỗn loạn, sa thải trong ngành công nghệ, và những lo ngại xung quanh sức khỏe và mức độ tín nhiệm thấp của Tổng thống Joe Biden.
Tất nhiên, các lệnh trừng phạt của các quốc gia phương Tây đối với Nga và đóng băng dự trữ ngoại hối của nước này đã hủy hoại nền kinh tế Nga. Và việc loại bỏ các ngân hàng Nga khỏi hệ thống SWIFT quốc tế có nghĩa là quốc gia này bị cắt phần lớn khỏi các giao dịch chuyển tiền bằng USD. Theo dữ liệu của IMF, tính đến quý 1/2022, khoảng 59% tổng dự trữ ngoại hối toàn cầu được phân bổ được tính bằng đồng USD, đồng euro ở vị trí thứ hai với tỷ lệ 20%.
Thực tế là các quốc gia BRIC khác như Ấn Độ và Nam Phi đã cùng Nga và Trung Quốc xây dựng một loại tiền tệ toàn cầu mới để chống lại quyền bá chủ của đồng USD là điều đáng ngạc nhiên. Không nên bỏ qua nỗ lực phối hợp toàn cầu nhằm thay thế đồng USD.
Các dấu hiệu đã xuất hiện từ lâu. Từng là một trong những nước nắm giữ trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ nhiều nhất, Nga đã bán trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ trong năm năm qua. Đầu năm 2018, Nga nắm giữ gần 100 tỷ USD trái phiếu kho bạc của Hoa Kỳ. Con số đó đã giảm dần xuống khoảng 10 tỷ USD vào đầu năm 2020, và đến tháng 04/2022, con số này đã giảm xuống chỉ còn 2 tỷ USD.
Trong thời gian này, Nga cũng đang tích lũy lượng vàng dự trữ của mình. Hành động mua vàng của Nga bắt đầu khi nước này bị trừng phạt vào năm 2014 vì đã sáp nhập Crimea — có lẽ kế hoạch truất ngôi đồng USD như đồng tiền dự trữ toàn cầu cũng bắt nguồn từ khi đó. Theo dữ liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới — World Gold Council, lượng vàng nắm giữ của Nga ở mức 2,302 tấn tính đến quý 1/2022, tăng từ khoảng 1,000 tấn vào năm 2014.
Ngay sau khi các lệnh trừng phạt chống lại Nga được đưa ra hồi đầu năm nay, một trong những phản ứng đầu tiên của Moscow là buộc các nước Âu Châu phụ thuộc vào xuất cảng khí đốt của Nga phải thanh toán bằng đồng rúp hoặc bằng vàng. Các quốc gia đã tuân thủ và mua đồng rúp và bán bớt đồng euro. Điều thú vị là mặc dù Nga vỡ nợ, nhưng đồng tiền rúp của Nga vẫn mạnh lên trong năm nay.
Liệu một đồng tiền dự trữ toàn cầu mới được hỗ trợ bởi hàng hóa, do Trung Quốc cùng Nga hậu thuẫn có trở thành hiện thực? Tôi đã viết trong chuyên mục này hồi tháng Ba rằng đó là một khả năng, và được phân tích từ chiến lược gia lãi suất Zoltan Pozsar của ngân hàng Credit Suisse và chiến lược gia vĩ mô Sean Darby của công ty Jeffries ủng hộ. Xét cho cùng, Nga là nhà cung cấp chính các mặt hàng bao gồm dầu mỏ, khí đốt, vàng, và kim cương.
Khi đó, tôi đã đề nghị rằng các nước bên thứ ba có thể mua dầu mỏ của Nga với giá chiết khấu từ Nga hoặc bằng cách mua từ Trung Quốc thay vì phải trả giá cao cho dầu mỏ không có nguồn gốc từ Nga. Đó có thể là sự khởi đầu của một trật tự toàn cầu mới và mọi thứ mà Trung Quốc và Nga mong muốn. Tương tự, đây cũng là một cách thuận tiện để mở rộng việc sử dụng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số.
RT đã tuyên bố hồi tháng Bảy rằng đó chính xác là những gì đã xảy ra. Thương mại giữa Nga và các quốc gia BRIC khác trong ba tháng đầu năm 2022 đã tăng 38% lên 45 tỷ USD. Trong khi đó, thương mại giữa Nga và Trung Quốc tiếp tục tăng cao, với việc Nga vượt qua Ả Rập Xê Út để trở thành nhà cung cấp dầu số 1 của Trung Quốc, sau khi dầu mỏ của Nga bị hầu hết các nước phương Tây trừng phạt. Các quốc gia khác cũng đã bắt đầu chấp nhận các loại tiền không phải là “đồng USD dầu mỏ” để xuất cảng, trong đó Ả Rập Xê Út và Iran chấp nhận đồng nhân dân tệ cho [việc xuất cảng] dầu của họ.
Câu hỏi thực sự là đồng tiền này sẽ có hình thức gì. Để đồng tiền này có giá trị thực, nó cần được hỗ trợ nhiều hơn là nhờ vào tín dụng của chính phủ các quốc gia thuộc khối BRIC. Nó phải được hỗ trợ bởi dự trữ hàng hóa.
Các quốc gia khác có muốn giao dịch bằng đơn vị tiền tệ mới này không? Lúc đầu, khó có khả năng. Nhưng tình hình có thể thay đổi theo thời gian; hầu hết tất cả các loại tiền tệ chính hiện nay đều là tiền định danh dựa trên niềm tin và sự tín nhiệm của quốc gia phát hành. Khi các nền tảng chính trị và xã hội bị loại bỏ và bị thách thức trên khắp thế giới và nếu lạm phát tiếp tục nghiêm trọng hơn, một loại tiền tệ dự trữ mới được hỗ trợ bởi vàng và dầu mỏ — nói cách khác là các tài sản thực — có thể rất đáng gờm.
Trước khi chúng ta tuyên bố về sự thống trị của đồng USD, nó có một số đặc tính vô song. Thứ nhất, với tư cách là một loại tiền tệ, nó đang mạnh lên khi Cục Dự trữ Liên bang bắt đầu tăng lãi suất. Thị trường tài chính Hoa Kỳ vẫn là thị trường lớn nhất, an toàn nhất, thanh khoản nhất, và đáng tin cậy nhất để đầu tư. Thêm nữa, sự ổn định và danh tiếng của chính phủ Hoa Kỳ và hệ thống pháp lý khiến việc nắm giữ trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ được ưa chuộng hơn các tài sản dự trữ khác.
Nhưng trong ngắn hạn, đồng USD vẫn sẽ là một đồng tiền dự trữ mạnh. Có lẽ chính đồng euro và các loại tiền tệ khác mới cần phải lo lắng.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Fan Yu là một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính và kinh tế và đã đóng góp các phân tích về nền kinh tế Trung Quốc từ năm 2015.