Trung Quốc tìm cách truất ngôi đồng USD để lũng đoạn thị trường năng lượng thế giới
Kế hoạch thay thế đồng USD của Bắc Kinh sẽ thành công hay thất bại? Các lý do có thể có cho thành công hay thất bại đó là gì?
Một kế hoạch lâu dài của Trung Quốc và Nga nhằm thay thế đồng USD như một đồng tiền dự trữ của thế giới đã đạt được một loạt thành công gây chú ý gần đây, khi Trung Quốc xây dựng một cách có phương pháp một hệ thống tiền tệ đối thủ được mệnh danh là “Bretton Woods III.”
Sáng kiến tiền tệ này là thành phần tài chính trong chiến lược của chính quyền Bắc Kinh nhằm tăng cường ảnh hưởng đối với nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu và khắc phục điểm yếu chính của Trung Quốc với tư cách là một quốc gia nghèo năng lượng — một chiến lược dường như đang có hiệu quả.
Trong một bài bình luận đăng trên Financial Times, có nhan đề “A Bipolar Currency Regime Will Replace the Dollar’s Exorbitant Privilege” (Một Cơ Chế Tiền Tệ Lưỡng Cực Sẽ Thay Thế Đặc Quyền Đắt Đỏ Của Đồng USD), nhà kinh tế học Nouriel Roubini viết: “Với việc đồng USD ngày càng bị vũ khí hóa cho mục đích an ninh quốc gia, cùng sự cạnh tranh địa chính trị ngày càng tăng giữa phương Tây và các cường quốc theo chủ nghĩa xét lại như Trung Quốc, Nga, Iran, và Bắc Hàn, một số người cho rằng quá trình phi USD hóa sẽ tăng tốc.”
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Bretton Woods III là “một trật tự tiền tệ mới tập trung vào các loại tiền tệ dựa trên hàng hóa.” Hệ thống này xoay quanh một mạng lưới các thỏa thuận giữa Trung Quốc và các quốc gia xuất cảng hàng hóa để giao dịch bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc hoặc các loại tiền tệ khác ngoài đồng USD.
Nhưng việc truất ngôi đồng USD với tư cách là đồng tiền dự trữ thế giới là một lợi ích phụ đối với mục tiêu của Trung Quốc trong việc thiết lập khả năng tiếp cận lâu dài đáng tin cậy đối với nguồn cung cấp năng lượng mà nước này rất cần. Các quốc gia cho đến nay đã đồng ý chấp nhận đồng nhân dân tệ của Trung Quốc trong thanh toán dầu bao gồm Nga, Iran, và Venezuela. Kết hợp cùng nhau, ba nước xuất cảng dầu này chiếm 40% trữ lượng đã biết của thế giới; cả ba đều đang bị Hoa Kỳ cấm vận.
Trong khi đó, Trung Quốc và Brazil đã đạt được thỏa thuận bỏ đồng USD trong các giao dịch thương mại để chuyển sang sử dụng các loại tiền tệ tương ứng của họ.
Cái mà ông Roubini gọi là “vũ khí hóa đồng USD” đề cập đến thói quen sử dụng thẩm quyền tài chính để trừng phạt các đối thủ của Hoa Kỳ, với hành động gần đây nhất là loại các ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán ngoại hối mang tên Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT). Tuy nhiên, một số nhà phân tích cảnh báo rằng việc Mỹ chính trị hóa hệ thống USD toàn cầu đang khiến ngày càng nhiều quốc gia hơn buộc phải tìm kiếm các giải pháp thay thế, và Trung Quốc dường như rất vui lòng cung cấp giải pháp đó cho họ.
Trong một diễn biến mới đây nhất, và có lẽ là đáng lo ngại cho Hoa Kỳ, Saudi Arabia, nước xuất cảng dầu lớn nhất thế giới, đã tuyên bố sẵn sàng xem xét sử dụng đồng nhân dân tệ trong xuất cảng dầu. Trung Quốc đã thành công trong một cuộc đảo chính chiến lược hôm 10/03 khi làm trung gian hòa hoãn ngoại giao giữa Saudi Arabia và Iran mà không có sự tham gia của Hoa Kỳ.
Phần lớn lý do cho sự thống trị toàn cầu của đồng USD là kết quả của đồng “dollar dầu mỏ”, có được nhờ một giao thức đã giúp đồng USD thống trị thương mại của Saudi Arabia và các nước sản xuất dầu mỏ khác kể từ những năm 1970. Trong khi dầu mỏ, khí đốt, và các dạng năng lượng khác chiếm phần lớn thị trường hàng hóa thế giới, thì hầu hết các hàng hóa khác, bao gồm cả khoáng sản và hàng hóa nông nghiệp, cũng được định giá và giao dịch bằng USD.
Điều đó buộc các quốc gia trên thế giới phải nắm giữ USD để giao dịch trên các thị trường này, và nhu cầu đối với đồng USD và công khố phiếu Hoa Kỳ đã làm giảm chi phí đi vay cho Hoa Kỳ, ngay cả khi chi tiêu và thâm hụt của chính phủ chạm đến những mức cao mới.
Tại sao kế hoạch của Trung Quốc có thể thất bại
Nhiều nhà phân tích tài chính nhấn mạnh rằng vị thế thống trị của đồng USD sẽ không thể lay chuyển trong nhiều năm tới. Trong khi sự thống trị về kinh tế của Mỹ đã giảm từ mức chiếm một nửa tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thế giới vào năm 1945 xuống còn khoảng một phần tư hiện nay, và trong khi Trung Quốc đã thành công trong việc thiết lập các giao dịch thương mại bằng đồng nhân dân tệ với các nước xuất cảng hàng hóa chủ chốt, thì vai trò của đồng USD trong tài chính toàn cầu vẫn rất quan trọng.
Nhà kinh tế học David Beckworth, một nhà nghiên cứu tại Đại học George Mason, nói với The Epoch Times: “Trên bất kỳ khía cạnh nào, đồng USD đều có một khoảng cách dẫn trước rất lớn,” kể cả trong ngoại hối, hóa đơn thương mại, cũng như các thị trường nợ và vốn cổ phần. “Bất kỳ đề nghị nào về một loại tiền tệ thay thế có thể cạnh tranh với đồng USD sẽ phải mở rộng quy mô lớn đến mức dường như bất khả thi.”
Tỷ trọng của đồng USD trong thị trường nợ toàn cầu không chỉ chiếm ưu thế mà còn đang tăng lên.
Tổng nợ toàn cầu theo loại tiền tệ
Các khoản vay ngân hàng và chứng khoán nợ
Để đồng nhân dân tệ Trung Quốc trở thành một đồng tiền dự trữ, ông Beckworth cho hay, “nước này sẽ phải mở hoàn toàn thị trường vốn của mình để tiền có thể chảy xuyên qua biên giới vào và ra khỏi Trung Quốc mà không có bất kỳ hạn chế nào … và đó là điều mà chế độ độc tài đang nắm quyền không muốn làm.”
Hiện tại, khoảng một nửa giao dịch thương mại của thế giới và khoảng 60% tổng dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương được tính theo USD. Đồng euro, đối thủ cạnh tranh gần nhất của đồng USD, đang đứng ở vị trí thứ hai, chiếm 20% tổng dự trữ của các ngân hàng trung ương. Tỷ lệ dự trữ bằng đồng nhân dân tệ là 3%.
Ở một số khu vực, vai trò của đồng USD đang giảm dần. Tỷ lệ dự trữ toàn cầu của USD đã giảm xuống 59% vào năm 2022 từ mức hơn 70% vào năm 2000. Tuy nhiên, để thay thế USD, một số nhà phân tích cho rằng một loại tiền tệ phải có các thuộc tính mà chỉ Hoa Kỳ mới sở hữu.
Sau đó, một câu hỏi quan trọng đối với những người chấp nhận đồng nhân dân tệ của Trung Quốc trong giao dịch là: Họ sẽ làm gì với những tờ tiền Trung Quốc này? Sức hấp dẫn của đồng USD không chỉ nằm ở chỗ đây là một loại tiền tệ được chấp nhận rộng rãi mà còn ở mức độ phổ biến của các cơ hội đầu tư.
Hoa Kỳ là một trong những nền kinh tế mở nhất trên thế giới và các lựa chọn đầu tư cho đồng USD bao gồm từ tiền gửi không kỳ hạn đến trái phiếu, cổ phiếu, và địa ốc. Ngược lại, Trung Quốc là một nền kinh tế tương đối khép kín có các biện pháp kiểm soát tiền tệ và các lựa chọn đầu tư hạn chế. Thị trường chứng khoán Hoa Kỳ chiếm khoảng một phần ba tổng số chứng khoán toàn cầu; còn thị trường chứng khoán Trung Quốc thì chiếm ít hơn 8%.
Ngoài ra, đồng USD được sử dụng trong khoảng 90% trong số tất cả các giao dịch ngoại hối. Ngay cả sau khi có được động lực từ lệnh cấm vận USD đối với Nga, thì đồng nhân dân tệ chỉ chiếm 7% tổng giao dịch ngoại hối, sau đồng euro, đồng bảng Anh, và đồng yên Nhật.
Một thiếu sót quan trọng khác của đồng nhân dân tệ là thiếu một lịch sử ổn định. Ngay cả với lịch sử chi tiêu hoang phí và thao túng lãi suất gần đây của Mỹ, thì đồng USD đã tạo dựng được danh tiếng qua nhiều thế kỷ như một loại tiền tệ có uy tín và đáng tin cậy. Ở Trung Quốc, luôn có nguy cơ xảy ra tình trạng “tháo chạy vốn” khi những người giàu có cố gắng — trong bối cảnh đồng nhân dân tệ bị kiểm soát — chuyển tiền tiết kiệm của họ ra ngoại quốc đến những nơi trú ẩn an toàn hơn như Hoa Kỳ.
Ngoài ra, ông Beckworth nói, Trung Quốc sẽ phải chịu thâm hụt thương mại dai dẳng để cung cấp đủ nhân dân tệ ra ngoại quốc cho các giao dịch toàn cầu, điều này trái với chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất cảng hiện tại của Trung Quốc.
Theo nhà kinh tế học nổi tiếng Milton Ezrati, một người đóng góp bài viết cho Epoch Times, các thỏa thuận thương mại của Trung Quốc chỉ mang tính song phương, trong khi đồng USD được sử dụng chung giữa tất cả các quốc gia trên thế giới, cho dù Hoa Kỳ có là một bên tham gia giao dịch hay không.
“Đồng nhân dân tệ còn cách rất xa mới đạt đến vị thế một đồng tiền dự trữ quốc tế như đồng USD,” ông Ezrati cho biết trong một cuộc phỏng vấn với NTD, hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times. “Việc Trung Quốc thay thế USD trong mối quan hệ với Brazil hoặc Saudi Arabia, hoặc nhiều quốc gia tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường chỉ có thể khiến Hoa Thịnh Đốn bị tổn thương.” Vành đai và Con đường là một kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng toàn cầu do Trung Quốc khởi xướng cho các quốc gia đang phát triển trên khắp thế giới vào năm 2013.
Ông nói, “Tôi chắc chắn rằng việc này làm họ khó chịu. Hoa Thịnh Đốn yêu thích quyền lực, và đây là một sự xói mòn nhẹ đối với quyền lực đó. Nhưng tôi không nghĩ đó là một thách thức đối với đồng USD với tư cách là đồng tiền dự trữ của thế giới.”
Tại sao kế hoạch của Trung Quốc có thể có tác dụng
Ông Roubini lập luận rằng Trung Quốc vẫn có thể thành công.
“Hoàn toàn linh hoạt về tỷ giá hối đoái và lưu động vốn quốc tế là không cần thiết để một quốc gia đạt được trạng thái đồng tiền dự trữ,” ông nói. “Xét cho cùng, trong thời đại bản vị hối đoái vàng, đồng USD đã chiếm ưu thế bất chấp tỷ giá hối đoái cố định và kiểm soát vốn rộng rãi.”
Ông Roubini nói: “Mặc dù Trung Quốc có thể có các biện pháp kiểm soát vốn, nhưng Hoa Kỳ có phiên bản kiểm soát riêng mà có thể làm giảm sức hấp dẫn của tài sản bằng USD. … Phiên bản này bao gồm các biện pháp trừng phạt tài chính đối với các đối thủ của Hoa Kỳ.” Trong một số trường hợp, chẳng hạn như trong cuộc chiến Nga-Ukraine, Hoa Kỳ đã đóng băng hoặc tịch thu tài sản bằng USD do người ngoại quốc nắm giữ.
Trong khi đồng USD chỉ đơn giản được bảo đảm bằng lời hứa trả tiền của chính phủ Hoa Kỳ, thì các thỏa thuận thương mại dựa trên đồng nhân dân tệ của Trung Quốc mang lại một thứ gì đó có giá trị hữu hình. Hôm 09/12, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã hứa hẹn với Saudi Arabia và các nhà lãnh đạo khác của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) đang tề tựu tại Riyadh về “một mô hình hợp tác năng lượng toàn diện mới.”
Ông tuyên bố: “Trung Quốc sẽ tiếp tục nhập cảng một lượng lớn dầu thô từ các nước thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC), mở rộng nhập cảng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), đẩy mạnh hợp tác phát triển dầu mỏ và khí đốt thượng nguồn, dịch vụ kỹ thuật, cũng như lưu trữ, vận chuyển, và lọc dầu.”
“Nền tảng Sàn Giao dịch Dầu mỏ và Khí đốt Tự nhiên Thượng Hải sẽ được tận dụng tối đa cho việc tiến hành thanh toán bằng RMB trong thương mại dầu khí.” (Để phân biệt, RMB (renminbi) là tên chính thức của đồng nhân dân tệ; còn yuan (nguyên) là một đơn vị đếm của đồng tiền này, nhưng trong bối cảnh quốc tế thì đồng nhân dân tệ cũng có thể được gọi là yuan).
Tóm lại, Trung Quốc sẽ cung cấp công nghệ, vốn, và các dịch vụ kỹ thuật để xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở lọc dầu, các nhà máy hạt nhân, cơ sở khai thác dầu, v.v., để đổi lấy nguồn cung dầu ổn định giao dịch bằng đồng nhân dân tệ.
Trong một nỗ lực nhằm hậu thuẫn cho đồng nhân dân tệ, Trung Quốc cũng đã tăng mạnh việc mua vàng. Cũng đã có những cuộc thảo luận về việc gộp các loại tiền tệ của một số quốc gia thành một loại tiền tệ rổ chung được hỗ trợ bằng hàng hóa.
Nếu Trung Quốc thành công thì Hoa Kỳ có thể bị tổn thương như thế nào
Cựu Trợ lý Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Monica Crowley nói với Fox News rằng sẽ là “thảm họa” nếu đồng USD mất đi vị thế là đồng tiền dự trữ toàn cầu.
“Nếu Saudi Arabia quyết định liên kết với các địch thủ của Mỹ … và bắt đầu giao dịch dầu mỏ bằng các loại tiền tệ khác nhau, thì điều đó sẽ làm suy yếu toàn bộ hệ thống kinh tế toàn cầu.” Việc đồng USD mất vị thế là đồng tiền dự trữ sẽ “có nghĩa là lạm phát dữ dội, tồi tệ hơn nhiều so với bất kỳ điều gì chúng ta từng trải qua.”
Trong một báo cáo có nhan đề “War and Commodity Encumbrance” (Chiến Tranh Và Sự Trở Ngại Đối Với Hàng Hóa), nhà kinh tế học Zoltan Pozsar viết rằng “Trung Quốc đang bắt đầu thống trị OPEC+,” hoặc các quốc gia OPEC cùng với Nga và 10 quốc gia không phải là thành viên khác.
Ông viết, “Hoa Kỳ đã trừng phạt một nửa OPEC sở hữu 40% trữ lượng dầu của thế giới và để các quốc gia này rơi vào tay Trung Quốc, trong khi Trung Quốc đang tán tỉnh nửa còn lại của OPEC với một đề nghị khó từ chối.” Ông cảnh báo rằng các quốc gia khác có thể bị loại khỏi nguồn cung cấp năng lượng đang ngày càng gắn liền với Trung Quốc.
Ông lập luận rằng kết quả có thể là Trung Quốc nổi lên như một cường quốc môi giới tập quyền cho năng lượng toàn cầu. Ông lấy ví dụ về quyết định của công ty hóa chất Đức BASF — chuyển hoạt động hóa chất của công ty này từ Đức sang Trung Quốc, nơi công ty có thể tiếp cận năng lượng và nguyên liệu thô với chi phí thấp hơn nhiều.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times