Hoa Kỳ chạm mức trần nợ, buộc Bộ Ngân khố áp dụng ‘các biện pháp đặc biệt’
Như Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen đã dự đoán trong một lá thư gửi Quốc hội hôm 13/01, Hoa Kỳ đã chính thức đạt đến giới hạn nợ theo luật định là 31.381 ngàn tỷ USD hôm 19/01. Bộ Ngân khố giờ đây sẽ phải thực hiện các biện pháp đặc biệt để ngăn quốc gia này vỡ nợ.
Trong bức thư của mình, bà Yellen giải thích rằng giới hạn nợ là tổng số tiền mà chính phủ Hoa Kỳ được phép vay để đáp ứng các nghĩa vụ pháp lý hiện có của mình, bao gồm các khoản An sinh Xã hội và Medicare, lương cho quân nhân, lãi suất nợ quốc gia, các khoản hoàn thuế, cùng các khoản thanh toán khác.
Bà Yellen viết: “Các Tổng thống và Bộ trưởng Ngân khố đến từ cả hai đảng đã nói rõ rằng chính phủ không được mất khả năng thanh toán đối với bất kỳ nghĩa vụ nào của Hoa Kỳ.”
Bộ Ngân khố có thể sử dụng các biện pháp kế toán và ngân sách được gọi là “các biện pháp đặc biệt” để tránh vỡ nợ quốc gia cho đến khi Quốc hội có hành động nâng giới hạn nợ và cho phép chính phủ tiếp tục vay tiền. Thời hạn của các biện pháp này phụ thuộc vào mức chi tiêu của chính phủ và không phải là vĩnh viễn. Trong giai đoạn đầu của quá trình tranh luận về giới hạn nợ, Bộ Ngân khố sẽ chỉ sử dụng hai trong số bốn biện pháp đặc biệt mà bộ có.
Hai biện pháp đặc biệt
Bộ Ngân khố dự kiến sẽ thực hiện hai biện pháp đặc biệt kể trên trong tháng này, tháng 01/2023. Biện pháp đầu tiên là mua lại các khoản đầu tư hiện có, và tạm dừng các khoản đầu tư mới của Quỹ Hưu trí và Khuyết tật Dịch vụ Dân sự (CSRDF), và Quỹ Phúc lợi Y tế dành cho Người về hưu của Dịch vụ Bưu chính (Quỹ Bưu điện). Biện pháp thứ hai là đình chỉ các khoản tái đầu tư của Quỹ Đầu tư Chứng khoán Chính phủ (Quỹ G) thuộc Kế hoạch Tiết kiệm cho Hệ thống Hưu trí của Nhân viên Liên bang.
Theo bà Yellen, Quốc hội đã trao cho Bộ Ngân khố quyền sử dụng các biện pháp kể trên, những biện pháp mà sẽ “làm giảm số nợ tồn đọng theo giới hạn và tạm thời cung cấp thêm năng lực cho Bộ Ngân khố để tiếp tục tài trợ cho các hoạt động của chính phủ liên bang.” Bà giải thích rằng sau khi tình trạng bế tắc về giới hạn nợ chấm dứt, CSRDF, Quỹ Bưu điện, và Quỹ G sẽ được khôi phục.
Các biện pháp đặc biệt đã được các Bộ trưởng Ngân khố sử dụng khi cần đến trong những thập niên gần đây. Bà Yellen cảnh báo rằng việc sử dụng các biện pháp đặc biệt chỉ giúp chính phủ thực hiện các nghĩa vụ của mình trong một khoảng thời gian có hạn.
Bà viết, “Do đó, điều cấp bách là Quốc hội phải hành động kịp thời để tăng hoặc đình chỉ giới hạn nợ. Việc không đáp ứng các nghĩa vụ của chính phủ sẽ gây ra tác hại không thể khắc phục được đối với nền kinh tế Hoa Kỳ, sinh kế của tất cả người dân Mỹ, và sự ổn định tài chính toàn cầu. Thật vậy, trong quá khứ, chỉ riêng mối đe dọa rằng chính phủ Hoa Kỳ có thể sẽ không đáp ứng được các nghĩa vụ của mình đã gây ra những tác hại thực sự, bao gồm cả việc hạ xếp hạng tín dụng duy nhất trong lịch sử của quốc gia chúng ta vào năm 2011.”
Bế tắc
Chính phủ Tổng thống Biden đã kiên quyết bày tỏ rằng cần phải nâng trần nợ mà không kèm theo bất kỳ điều kiện hay quy định bổ sung nào.
Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã kêu gọi các thành viên Đảng Dân Chủ tham gia thảo luận với các thành viên Đảng Cộng Hòa về một kế hoạch tài chính bao gồm việc tăng giới hạn nợ. Tuy nhiên, một lần nữa Tòa Bạch Ốc đã tái khẳng định rằng sẽ không tham gia vào các cuộc đàm phán như vậy và nhấn mạnh nguy cơ xảy ra một cuộc chiến về giới hạn nợ gây xáo trộn thị trường vào một thời điểm nào đó trong năm nay.
Ông McCarthy nói hôm thứ Ba (17/01): “Tôi muốn ngồi lại với tất cả các nhà lãnh đạo, đặc biệt là tổng thống và bắt đầu thảo luận. Ai lại muốn đẩy quốc gia vượt qua một mối đe dọa nào đó vào phút chót bằng trần nợ đây? Không ai muốn làm như thế hết.”
Trong một cuộc họp báo hôm 18/01, Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre tuyên bố rằng kế hoạch kinh tế của tổng thống thực sự có hiệu quả, mặc dù Hoa Kỳ đã chạm mức giới hạn nợ.
Do Ingólfur Stefansson thực hiện
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times