Chính phủ TT Biden dự trù vay thêm 1.2 ngàn tỷ USD trong bối cảnh bế tắc về mức trần nợ
Hôm thứ Hai (30/01) Bộ Ngân khố Hoa Kỳ cho biết rằng họ dự kiến sẽ vay 1.2 ngàn tỷ USD trong nửa đầu năm nay, chia ra 932 tỷ USD trong quý đầu tiên và 278 tỷ USD trong quý hai.
Trong ba tháng cuối năm 2022, Bộ Ngân khố đã vay 373 tỷ USD và kết thúc quý này với số dư tiền mặt là 447 tỷ USD, sau khi ước tính ban đầu vào tháng 10/2022 rằng họ sẽ vay 550 tỷ USD và có số dư tiền mặt là 700 tỷ USD trong khoảng thời gian đó.
Theo thông cáo báo chí của Bộ Ngân khố, khoản chênh lệch giảm 177 tỷ USD trong khoản vay chủ yếu là do số dư tiền mặt cuối quý thấp hơn, phần nào được bù đắp bởi dòng tài chính ròng thấp hơn.
Trong một tuyên bố hôm thứ Hai (30/01), ông Benjamin Harris, trợ lý bộ trưởng về chính sách kinh tế của Ủy ban Tư vấn Vay nợ của Bộ Ngân khố, cho biết rằng nền kinh tế Hoa Kỳ đã cho thấy khả năng phục hồi trong quý 4 năm 2022 với mức tăng trưởng 2.9% trong tổng sản phẩm quốc nội thực tế. Ông cho biết thị trường việc làm rất mạnh, trong đó các nhà tuyển dụng tạo thêm 247,000 việc làm có trả lương hàng tháng và tỷ lệ thất nghiệp đã trở lại mức thấp nhất trong 50 năm qua là 3.5%.
Ông Harris cho biết rằng lạm phát đã tiếp tục chậm lại kể từ khi đạt đỉnh vào tháng 06/2022. Lạm phát chung trong 12 tháng, được đo bằng chỉ số giá tiêu dùng, đã giảm 2.6%, do giá năng lượng giảm mạnh và lạm phát hàng hóa phi năng lượng giảm nhẹ trong hơn nửa cuối năm.
Ông viết: “Lạm phát căn bản (không bao gồm lương thực và năng lượng) chậm lại ít hơn so với lạm phát chung, phần lớn là do lạm phát nhà ở tăng cao — mặc dù các quy định kịp thời về giá nhà và tiền thuê nhà cho thấy sẽ giảm bớt trong năm tới. Thị trường nhà ở cho thấy sự suy yếu đáng kể, điều chỉnh từ sự mất cân bằng liên quan đến đại dịch và phản ứng với chính sách tiền tệ thắt chặt hơn.”
Ông Harris cho biết nền kinh tế quốc gia sẽ đối mặt với một số thách thức vào năm 2023, bao gồm cách giải quyết giới hạn nợ, hậu quả từ COVID-19, lạm phát, lãi suất cao hơn, và các sự kiện địa chính trị.
Hôm 19/01 Hoa Kỳ đã đạt đến giới hạn nợ theo luật định là 31.4 ngàn tỷ USD. Do đó, Bộ Ngân khố bắt đầu thực hiện “các quy định đặc biệt” để tránh cho Hoa Kỳ khỏi phải thực hiện được các nghĩa vụ của mình.
Ông Harris nói, “Các quy định này dự kiến sẽ hết hiệu lực vào khoảng sau đầu tháng 06/2023. Ngay cả mối đe dọa rằng chính phủ Hoa Kỳ có thể không đáp ứng các nghĩa vụ của mình cũng có thể gây ra tác hại nghiêm trọng cho nền kinh tế bằng cách làm xói mòn niềm tin của gia đình và doanh nghiệp, tạo ra sự biến động vào thị trường tài chính, và nâng cao chi phí vốn — trong số các tác động tiêu cực khác.”
Chính phủ ông Biden loại trừ ưu tiên thanh toán
Bi kịch giới hạn nợ hiện tại ở Hoa Thịnh Đốn đã dẫn đến đồn đoán ở Wall Street rằng Hoa Kỳ sẽ sử dụng một phương án dự phòng để bảo đảm thanh toán cho những người cho vay nếu Quốc hội không tăng giới hạn vay.
Ý tưởng ưu tiên thanh toán cho trái chủ có nguồn gốc từ lịch sử, nhưng chính phủ Tổng thống Biden đã bác bỏ ý tưởng này vì các viên chức không cho rằng điều đó sẽ ngăn chặn được khủng hoảng kinh tế. Chính phủ không dự trù cho sự ưu tiên hóa, và Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen đã tuyên bố rằng một biện pháp như vậy sẽ không ngăn được một cuộc vỡ nợ theo cách nhìn của thị trường.
Mới đây bà Yellen nói với các phóng viên: “Các hệ thống của Bộ Ngân khố đều được xây dựng để thanh toán tất cả các hóa đơn của chúng ta khi đến hạn và đúng hạn, chứ không phải ưu tiên một hình thức chi tiêu này hơn một hình thức chi tiêu khác.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times