Hoa Kỳ: Các quy định mới của Hạ viện giúp việc chuyển giao đất công của liên bang cho các tiểu bang trở nên dễ dàng hơn
Các điều khoản làm khơi lại trận chiến năm 2017, tập hợp những người phản đối để bảo vệ quyền tiếp cận 650 triệu mẫu đất công
LAS VEGAS — Hôm 09/01/2023, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua một gói quy định nới lỏng các quy định liên quan đến việc chuyển giao đất công liên bang, loại bỏ việc ước tính bắt buộc về doanh thu bị mất và tính toán chi phí khi chuyển giao quyền kiểm soát cho các tổ chức chính phủ khác.
Những người theo chủ nghĩa bảo thủ về công khố, các chủ trang trại, công ty khai thác gỗ, ngành dầu khí, và ít nhất 10 cơ quan lập pháp của các tiểu bang miền Tây đã tán dương điều khoản này. Những cá nhân và tổ chức này khẳng định rằng họ có thể quản lý đất công một cách thiết thực và hiệu quả hơn mạng lưới các cơ quan liên bang mà họ cho là đang làm một công việc rất yếu kém.
Những người phản đối lại lập luận rằng bằng cách làm cho việc chuyển nhượng đất công của liên bang trở nên “trung lập về doanh thu,” các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đã mở ra cơ hội cho một kiểu bán tháo “tước bỏ-và-chuyển giao” hàng triệu mẫu Anh đất đai vốn đang được người Mỹ dùng cho mục đích vui chơi giải trí để phát triển thương mại, công nghiệp, và khai khoáng.
Mâu thuẫn giữa các cơ quan liên bang quản lý đất công trong bối cảnh nhiều áp lực do lợi ích của tiểu bang và địa phương gây ra là một chủ đề đã tồn tại 175 năm qua, đặc biệt là trên khắp miền Tây. Nhưng nếu có sự đồng thuận về bất cứ điều gì, thì họa chăng đó là sự chỉ trích khắp nơi đối với các quan chức độc đoán, lãnh đạm vốn ban hành các chính sách sử dụng đất công rời rạc, vụng về từ cách xa hàng ngàn dặm.
Tuy nhiên, khi nói đến việc chuyển giao đất công của liên bang cho các tiểu bang thì không có sự đồng thuận như vậy, đặc biệt là giữa các nhóm cử tri quan trọng của phái bảo tồn truyền thống.
Chẳng hạn, “nhóm lưỡi câu-và-đạn dược” gồm những thợ săn, người câu cá, người đam mê bắn súng — một khối cử tri màu đỏ đáng tin cậy — chia sẻ quan điểm chung với những người chống đối lâu năm trong việc kịch liệt phản đối bất kỳ đề xướng tước bỏ-và-chuyển giao nào đối với các vùng đất liên bang mà họ nói chắc chắn sẽ tuân theo sự thay đổi quy định “trung lập về doanh thu” của Hạ viện.
Sự chia rẽ đó chắc chắn sẽ xuất hiện trong số 2,400 nhà triển lãm và 60,000 khách tham quan dự kiến sẽ tham dự cuộc tụ họp lớn nhất thế giới của các ngành thể thao bắn súng, săn bắn, giải trí ngoài trời, và sản xuất súng, mang tên Triển lãm Thương mại Ngoài trời Bắn súng và Săn bắn (SHOT) thường niên, sẽ khởi động chương trình bốn ngày của mình bắt đầu từ ngày 17/01 tại Las Vegas.
Việc tăng cường khả năng các tiểu bang đảm nhận công việc quản lý các vùng đất liên bang theo sự thay đổi quy định này cũng có thể sẽ được thảo luận trong diễn đàn SHOT Show ngày 18/01, trong đó có sự hiện diện của sáu thống đốc Đảng Cộng Hòa — ông Brad Little của Idaho, ông Tate Reeves của Mississippi, ông Greg Gianforte của Montana, ông Jim Pillen của Nebraska, ông Kevin Stitt của Oklahoma, và ông Mark Gordon của Wyoming.
Giúp việc chuyển giao thuận tiện trở lại
Chính phủ liên bang sở hữu và quản lý khoảng 650 triệu mẫu Anh (2,630,457 km²) đất đai trên toàn quốc, chiếm gần 28% diện tích đất đai của quốc gia và gần một nửa diện tích bề mặt của 11 tiểu bang liền kề ở miền Tây.
Hơn 95% điền sản này nằm dưới sự kiểm soát theo quy định của bốn cơ quan Hoa Kỳ — Cục Lâm nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp (193 triệu mẫu Anh, tương đương với 781,043 km²), Cục Quản lý Đất đai của Bộ Nội vụ (244 triệu mẫu Anh, tương đương với 987,433 km²), Cục Cá và Động vật Hoang dã (89 triệu mẫu Anh, tương đương với 360,170 km²), và Cục Công viên Quốc gia (80 triệu mẫu Anh, tương đương với 323,748 km²).
Trong Khoản 3 (g) của gói quy định dài 55 trang được Hạ viện mới do Đảng Cộng Hòa kiểm soát thông qua hôm 09/01 này, các trang 23-24 nêu rõ, “việc chuyển giao đất liên bang cho một tiểu bang, cho chính quyền địa phương, hoặc cho tổ chức bộ lạc như thế này sẽ không được nhìn nhận là cung cấp thẩm quyền ngân sách mới, giảm doanh thu, gia tăng chi tiêu bắt buộc, hoặc gia tăng chi phí.”
Các quy định này loại bỏ yêu cầu Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) tính toán chi phí cho người nộp thuế — chẳng hạn như doanh thu bị mất từ việc khai thác khoáng sản, chăn thả gia súc, hay khai thác gỗ — của bất kỳ luật lệ nào chuyển giao đất công cho các tổ chức của tiểu bang, địa phương, và bộ lạc.
Sửa đổi này — mặc dù không có khả năng được thông qua tại Thượng viện — lại có thể được thực hiện trong các sửa đổi hoặc điều khoản bổ sung kèm theo các nghị quyết ngân sách đang diễn ra và cũng được sử dụng như một công cụ trợ giúp quy định cho các dự luật cụ thể đề xướng về chuyển nhượng đất đai của liên bang.
Đảng Dân Chủ phản đối việc ngăn cản CBO tính toán giá trị của các khu đất công liên bang được chuyển giao, trong đó Dân biểu Raul Grijalva (Dân Chủ-Arizona), thành viên cao cấp của Đảng Dân Chủ trong Ủy ban Tài nguyên Thiên nhiên Hạ viện, đã đưa ra một loạt tuyên bố quả quyết rằng “những kẻ cực đoan phản đối đất công” trong Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đang khiến việc “lừa dối những người nộp thuế ở Mỹ và chuyển giao đất công của chúng ta mà không nhận lại được gì” trở nên dễ dàng hơn.
Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện bác bỏ những gì họ nói là sự cuồng loạn giả tạo. Trong các nhận xét và tuyên bố trên truyền thông, chủ tịch Ủy ban Tài nguyên Thiên nhiên Hạ viện, Dân biểu Bruce Westerman (Cộng Hòa-Arkansas), khẳng định quy định này chỉ áp dụng đối với những cuộc chuyển giao cho các tổ chức chính phủ khác và sẽ thúc đẩy luật sử dụng đất đai có lợi cho người nộp thuế trong khi vẫn duy trì quyền tiếp cận của công chúng đối với các vùng đất vốn sẽ vẫn là đất công, ngay cả khi không còn nằm dưới sự kiểm soát của liên bang.
Những người có tư tưởng bảo tồn truyền thống, bao gồm cả “nhóm lưỡi câu và đạn dược,” có những hoài nghi của họ. Họ cảnh báo rằng dễ hiểu là các tiểu bang và thành phố thiếu tiền mặt có thể sẽ bán — và bán một cách hợp pháp — các khu đất do chính phủ liên bang chuyển giao mà trước đây từng được bảo vệ khỏi sự phát triển tư nhân.
Họ lập luận rằng lo ngại đó hầu như không phải là sự cuồng loạn. Chính điều khoản do Đảng Cộng Hòa đưa ra hôm 09/01 này cũng đã được thông qua hồi năm 2017 khi Đảng Cộng Hòa kiểm soát Hạ viện lần gần đây nhất, thúc đẩy một loạt các dự luật “tước bỏ-và-chuyển giao” gây tranh cãi nhưng đã nhanh chóng bị rút lại trước sự phản đối gay gắt từ một một loạt các tổ chức đồng minh kỳ lạ và các nhóm vận động, từ những người thợ săn đến Hiệp hội Nhân đạo Hoa Kỳ.
Các chiến tuyến tương tự dường như đang hình thành sáu năm sau đó, với tất cả mọi người đều đang chờ đợi diễn biến tiếp theo — các dự luật đề xướng chuyển giao các vùng đất liên bang cho các tiểu bang.
Lại là cảm giác quen thuộc như đã từng gặp qua
Từ năm 2013-2016, hơn 44 dự luật do Đảng Cộng Hòa bảo trợ nhằm giảm bớt hoặc xóa bỏ quyền kiểm soát theo quy định của liên bang đối với các vùng đất công, cũng như tước bỏ-và-chuyển giao các vùng đất liên bang, đã được đưa ra trước Quốc hội.
Tại Hội nghị Quốc gia Đảng Cộng Hòa năm 2016, Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng Hòa đã thông qua một nguyên tắc nền tảng ủng hộ việc chuyển giao đất đai của liên bang cho các tiểu bang. Tuy nhiên, người được đề cử làm ứng cử viên và cuối cùng trở thành Tổng thống tương lai Donald Trump chưa bao giờ tán thành chính sách này một cách rõ ràng.
Sau khi Hạ viện thông qua điều khoản “trung lập về ngân sách” của cựu Dân biểu Rob Bishop (Cộng Hòa-Utah) trong gói quy định năm 2017 của mình — chính là điều khoản được giới thiệu lại vào năm 2023 này — 570 trong số 650 triệu mẫu Anh đất do liên bang quản lý về căn bản đã trở nên vô giá trị do sự thờ ơ của cơ quan quản lý. Sự mất giá hàng loạt này là một tiền đề cho các dự luật cụ thể đề xướng cho việc chuyển giao đất đai.
Trong vòng vài tuần, nhiều dự luật như vậy đã được đệ trình, bao gồm các dự luật tìm cách tước bỏ quyền chấp pháp của Cục Quản lý Đất đai và Cục Lâm Nghiệp; quản lý 2 triệu mẫu Anh rừng quốc gia ở Alaska chỉ để khai thác gỗ; và trao cho các tiểu bang toàn quyền đối với các kế hoạch bảo tồn nhằm khôi phục môi trường sống của loài gà gô.
Tất cả những dự luật đó đều làm dấy lên sự phản đối, nhưng không có dự luật nào gây ra phản ứng dữ dội trên diện rộng như dự luật của cựu Dân biểu Jason Chaffetz (Cộng Hòa-Utah). Ông Chaffetz đã đề xướng ‘Đạo luật Chuyển giao Đất đai Liên bang Dư thừa’ (Disposal of Excess Federal Lands Act), kêu gọi bán 3.3 triệu mẫu Anh đất của Cục Quản lý Đất đai trên 10 tiểu bang cho người trả giá cao nhất.
Dự luật gây tranh cãi của ông Chaffetz đã thúc đẩy các chiến dịch #KeepItPublic (Giữ cho vùng đất đó là đất công) và #PublicLandsProud (Tự hào về đất công) do các tổ chức và nhà sản xuất vũ khí cùng nhiều cử tri Đảng Cộng Hòa đứng cùng họ hậu thuẫn, bao gồm:
- Hiệp hội Bảo tồn Theodore Roosevelt (Theodore Roosevelt Conservation Partnership)
- Quỹ Rocky Mountain Elk (Rocky Mountain Elk Foundation)
- Liên minh Vận động viên (Sportsmen’s Alliance)
- Hiệp hội Công nghiệp Ngoài trời (Outdoor Industry Association, OIA)
- Liên minh Ngoài trời (Outdoor Alliance)
- Tổ chức Thể thao Bắn súng Quốc gia (National Shooting Sports Foundation, NSSF), đơn vị tài trợ cho SHOT Show hàng năm
- Những người Đi săn và Đi câu ở Miền quê (Back Country Hunters and Anglers), trong đó có ông Donald Trump, Jr. là một thành viên
- Cá hồi Không giới hạn (Trout Unlimited)
- Chim cút Mãi mãi (Quail Forever)
- Quỹ Động vật Hoang dã Quốc gia (National Wildlife Foundation)
- Kimber
- Chim trĩ Mãi mãi (Pheasants Forever)
- Liên đoàn Gà tây Hoang dã Quốc gia (National Wild Turkey Federation)
- Remington
- Hiệp hội Vùng Hoang dã (Wilderness Society)
- Trung tâm các Ưu tiên của Miền Tây (Center for Western Priorities)
- Hiệp hội Săn bắn bằng Cung Quốc gia (National Bowhunters Association)
- và Câu lạc bộ Sierra (Sierra Club), tổ chức bảo tồn lớn nhất quốc gia ở cấp cơ sở với hơn 2 triệu thành viên.
Họ lập luận rằng theo luật, việc quản lý đất công của các tiểu bang nhấn mạnh vào phát triển tài nguyên bởi vì, không giống như chính phủ liên bang, các tiểu bang và thành phố phải cân đối ngân sách của họ.
Chẳng hạn, Hiến Pháp của Wyoming yêu cầu các khu đất ủy thác của tiểu bang phải được quản lý để “tăng trưởng dài hạn về giá trị” và “tạo doanh thu bền vững, tối ưu.” Theo luật định, Cơ quan Quản lý Đất đai Ủy thác cho Tổ chức và Trường học Utah (SITLA) có nghĩa vụ quản lý đất đai theo “cách thức thận trọng và sinh lợi nhất có thể.” SITLA không thể xem xét sử dụng nhiều lần hoặc “lợi ích công cộng” trừ khi các nghĩa vụ tài khóa của họ đối với những người thụ hưởng ủy thác đã được đáp ứng.
Các cơ quan liên bang tuân thủ một quy định đa dụng liên quan đến bảo tồn môi trường sống, quản lý động vật hoang dã, tính toàn vẹn của lưu vực sông, bảo tồn lịch sử, và quyền giải trí như những ưu tiên bình đẳng với khai thác dầu/khí và khoáng sản, chăn thả gia súc, khai thác gỗ, và tư nhân hóa thương mại.
Các nhà bảo tồn chỉ ra rằng ngay cả khi các cơ quan liên bang bị tước bỏ quyền kiểm soát, các tiểu bang vẫn phải tuân thủ một ma trận phức tạp và tốn kém về luật môi trường liên bang, các quy định về loài có nguy cơ tuyệt chủng, và hợp đồng nước giữa các tiểu bang, chịu gánh nặng tài chính mà họ không có đủ nguồn lực để duy trì nếu không buộc phải bán đất, điều mà họ thường làm.
Những người ủng hộ chuyển giao đất liên bang lập luận rằng việc kiểm soát của tiểu bang đối với đất công sẽ ít tốn kém hơn và hiệu quả hơn về mặt sinh thái so với cách các cơ quan liên bang phải thực hiện theo các lớp quy định. Họ cho rằng những bộ máy quan liêu cồng kềnh này cũng cản trở sự phát triển có lợi bằng các thủ tục cấp phép kéo dài mà không quan tâm đến nhu cầu và mối quan tâm của địa phương.
Những người ủng hộ cho rằng các tiểu bang sẽ phản ứng nhanh hơn và phù hợp hơn để cân bằng lợi ích công cộng trong việc bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng, duy trì lưu vực sông, quản lý môi trường sống, và bảo đảm quyền giải trí với các vùng đất công, đồng thời thúc đẩy khai thác dầu/khí, chăn thả gia súc, và cho thuê khai thác gỗ — trong số các mục đích sử dụng thương mại khác — ở những nơi thích hợp để tạo việc làm và thu thuế.
Một số nhóm vận động ủng hộ chính sách chung về việc tước đất đai của liên bang này, nếu không muốn nói là ủng hộ mọi dự luật có mục đích như vậy, gồm: Hội đồng Trao đổi Lập pháp Mỹ (ALEC), Hội đồng Đất đai Mỹ (ALC), Người Mỹ vì Thịnh vượng, Liên minh Chính sách Môi trường, Liên minh Năng lượng Miền Tây, Trung tâm Nghiên cứu Tổ chức và Giáo dục, và, theo nghị quyết, có tới 10 cơ quan lập pháp tiểu bang Miền Tây.
Phản ứng tiêu cực đối với dự luật tìm cách bán 3.3 triệu mẫu Anh đất từ Cục Quản lý Đất đai của ông Chaffetz là gay gắt và nhanh chóng đến nỗi, sau khi bị phản ứng dữ dội, ông phải rút lại dự luật sau một tuần đệ trình, và đăng một bức ảnh Instagram đầy hối lỗi khi đang mặc đồ đi săn với lời trấn an rằng, “Tôi là một chủ sở hữu súng, một thợ săn đầy tự hào và yêu những vùng đất công của chúng ta.”
Ủng hộ việc tước bỏ đất khỏi liên bang
Thường xuyên soạn thảo luật mẫu cho các mục tiêu của phái bảo tồn truyền thống, ALEC, tổ chức tư vấn về thị trường tự do cho Hoa Thịnh Đốn, đã xây dựng một chính sách tước bỏ đất công của liên bang dựa trên Đạo luật Chuyển giao Đất đai năm 2012 của tiểu bang Utah. Luật này đã được đưa vào ít nhất 7 cơ quan lập pháp ở các tiểu bang miền Tây, yêu cầu kiểm soát đất liên bang trong ranh giới của các tiểu bang này.
Bà Karla Jones, Giám đốc Điều hành Lực lượng Đặc nhiệm về Bang giao Quốc tế và Chủ nghĩa Liên bang của ALEC, nói với The Epoch Times rằng nhóm này “hoan nghênh” sự thay đổi quy định này và sẽ ủng hộ các dự luật “tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao nhiều đất liên bang hơn, ngoại trừ các công viên quốc gia, di tích quốc gia, khu vực hoang dã do Quốc hội chỉ định, các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ và vùng đất của bộ lạc, cho các tiểu bang muốn có thẩm quyền đó.”
Bà Jones cho biết việc chuyển giao cho các tiểu bang một số loại đất hiện nằm trong sự kiểm soát của liên bang “sẽ bảo đảm rằng lãnh thổ đó được quản lý bởi những người quan tâm nhất đến việc bảo tồn và tình trạng của nơi đó cũng như hiểu rõ nhất về cách chăm sóc lãnh thổ đó.”
Bà cho biết, có rất nhiều bằng chứng được ghi lại bác bỏ những tuyên bố cho rằng các cơ quan liên bang quản lý đất công tốt hơn các tiểu bang.
“Các tiểu bang là những nhà quản lý kinh tế và môi trường tối ưu cho các vùng đất nằm trong biên giới của họ và kinh nghiệm gần đây ở miền Tây nước Mỹ đã nhấn mạnh kết luận này,” bà Jones nói. “Các vụ cháy rừng kỷ lục đã tàn phá New Mexico hồi mùa xuân năm ngoái bắt nguồn từ các vụ hỏa hoạn có chủ đích nhằm quản lý rừng trên các vùng đất liên bang — những vụ hỏa hoạn mà các quan chức địa phương sẽ không bao giờ cho phép xảy ra do thời tiết và các yếu tố khác ở địa điểm sở tại.”
“Hy vọng rằng,” bà tiếp tục, sự thay đổi quy định này “sẽ dẫn đến việc chính phủ liên bang từ bỏ một số vùng đất liên bang được lựa chọn dưới sự quản lý của họ vốn do nhiều năm quản lý yếu kém đã khiến việc duy trì trở nên rất tốn kém đối với chính phủ liên bang. Việc này cho phép các tiểu bang tiếp cận những vùng đất này nhiều hơn để có thể phục hồi, làm khu giải trí và tạo doanh thu.”
Ông Doug Keaton, Giám đốc Hoạt động Nội bộ của Hội đồng Đất đai Hoa Kỳ (ALC) cho biết “vấn đề duy nhất” của tổ chức có trụ sở tại Utah này là “việc chuyển giao đất công đầy hy vọng cho các tiểu bang.”
“Chúng tôi rất hào hứng trước viễn cảnh là chính phủ liên bang thậm chí sẽ cân nhắc việc chuyển giao đất công cho các tiểu bang,” ông Keaton nói với The Epoch Times. “Đất đai là một loại tài sản, nhưng chỉ khi loại tài sản này được sử dụng vì lợi ích công cộng, vì người dân.”
Chia sẻ một cách thẳng thắn, ông nói, “Chính phủ liên bang là một địa chủ tồi. Các quy trình quản lý của chính phủ này về căn bản là 90% xem đất đai như một viện bảo tàng, kiểu như để nằm yên đó và phó mặc cho Mẹ Thiên Nhiên làm công việc của bà, không hề can thiệp. Loại chính sách đó đã và đang tàn phá môi trường tự nhiên.”
Ông Keaton cho biết ALC tán thành cách quản lý “xem các vùng đất công như một khu vườn, trái ngược với một viện bảo tàng.” Ông nói: “Để quản lý một khu vườn, quý vị thu hoạch những gì đã được gieo trồng, quý vị bảo vệ những thứ vẫn đang sinh trưởng.”
Ông cho biết tình trạng quản lý rừng liên bang đã là một thảm họa. “Vì thiếu quản lý nên các khu rừng của chúng ta đang phát triển quá mức, là nhiên liệu cho các đám cháy. Điều đó vô cùng nguy hiểm và là nguyên nhân dẫn đến những vụ hỏa hoạn thảm khốc mà chúng ta đang chứng kiến xảy ra ngày càng nhiều. Về căn bản đã không còn việc quản lý rừng. Hiện trạng này đã gây tổn hại nặng nề cho các tiểu bang.”
Ông Keaton cho biết ở hầu hết các tiểu bang, các chính sách khai thác gỗ có chọn lọc đã được áp dụng trên các vùng đất do tiểu bang sở hữu, tạo ra doanh thu cho các trường học, có thể giúp cải thiện sự lành mạnh cho các khu rừng do liên bang quản lý.
“Thỏa thuận là như thế này: chúng ta có khả năng thông qua các quy trình quản lý để giữ cho rừng của chúng ta tươi tốt và sum suê mãi mãi thay vì để rừng tích tụ những bụi cây và gây ra những trận hỏa hoạn thảm khốc, sát hại hàng triệu động vật, chưa kể đến nhân mạng — chúng ta đã mất rất nhiều ngôi nhà ở California — gây thiệt hại cho rừng trong nhiều thập niên,” ông nói. “Chúng ta không cần phải thực hiện việc quản lý cực đoan chỉ vì có khủng hoảng. Thu hoạch có chọn lọc làm cho rừng ngày càng tốt hơn.”
Liên minh Năng lượng Miền Tây (WEA) có trụ sở tại Denver, vốn đại diện cho 200 công ty tham gia khai thác dầu khí trên khắp miền Tây, không bình luận về các đề xướng chuyển giao đất công cụ thể nhưng ủng hộ chính sách chung này.
Chủ tịch WEA Kathleen Sgamma nói với The Epoch Times rằng dễ hiểu vì sao những đề xướng như vậy “nhận được sự quan tâm rất lớn từ các tiểu bang, vì các nhà quản lý đất đai liên bang đưa ra những quyết định phong tỏa các vùng đất liên bang và họ cô lập các vùng đất tiểu bang, những vùng đất mà lẽ ra được sử dụng cho mục đích sản xuất nay đột nhiên trở nên không thể tiếp cận được, chẳng hạn như qua một chỉ định tượng đài tổng thống theo Đạo luật Cổ vật.”
WEA nằm trong số các nhóm tán thành việc làm suy yếu hoặc bãi bỏ Đạo luật Cổ vật năm 1906 để loại khỏi danh sách 29 di tích quốc gia do chính phủ cựu Tổng thống Obama tạo ra và làm giảm hiệu lực của Đạo luật về Các loài có Nguy cơ tuyệt chủng (ESA).
Bà Sgamma cho biết sự thay đổi quy định này sẽ có sức hút đối với những dân biểu Quốc hội và nhà lập pháp tiểu bang trên khắp miền Tây “đang cố gắng giúp các quận trong địa hạt và tiểu bang của mình điều hướng những hậu quả tiêu cực của các quyết định quản lý đất đai yếu kém của liên bang.”
Những người ủng hộ chỉ ra các phân tích tài chính, mà theo họ, vốn xác nhận rằng các tiểu bang có thể quản lý đất công để phát triển kinh tế cũng như bảo vệ môi trường, và khi làm như vậy, sẽ bảo đảm khả năng tồn tại bền vững của các môi trường sống, quần thể động vật hoang dã cũng như khả năng tiếp cận của công chúng.
Trong số các phân tích đó có ‘Các Vùng đất bị Chia cắt: Quản lý Đất đai của Tiểu bang so với Liên bang ở Miền Tây’ của Trung tâm Nghiên cứu về Môi trường và Địa sản (PERC) và một báo cáo của Vụ Khảo cứu Quốc hội (CRS) năm 2014, ‘Tổng quan và Dữ liệu về Quyền sở hữu Đất đai của Liên bang.’ Những phân tích này tuyên bố Arizona, New Mexico, Montana, và Idaho đã thu lại 4.89 USD cho mỗi dollar mà các tiểu bang này đã chi để quản lý các khu đất công của mình so với 15 cent cho mỗi dollar mà các cơ quan liên bang chi cho các khu đất công ở các tiểu bang đó.
Phản đối việc tước bỏ đất khỏi liên bang
Những người ủng hộ đất công không ủng hộ các thông lệ quản lý của liên bang — và họ cũng chỉ trích các thông lệ này — nhưng họ bác bỏ từng luận điểm do những người ủng hộ việc tước bỏ đất đai khỏi liên bang tuyên bố.
Những người ủng hộ đất công cho biết, các tiểu bang không phải đáp ứng các yêu cầu về minh bạch và công khai của Đạo luật Tự do Thông tin vốn được áp đặt đối với các cơ quan liên bang. Điều này có nghĩa là công chúng sẽ không được thụ hưởng thông tin đầu vào hiện có trong việc phát triển các kế hoạch quản lý tài nguyên đối với các vùng đất công. Những người ủng hộ còn cho biết thêm, dưới sự kiểm soát của tiểu bang, quyền tiếp cận của công chúng đối với đất công và sự tham gia của công chúng vào quản lý đất công sẽ trở nên … ít công khai hơn.
Theo những người phản đối, vì đất đai của các tiểu bang phải được quản lý để phát triển kinh tế, nên các tiểu bang không thể bảo đảm rằng bất kỳ vùng đất liên bang nào mà họ có được cuối cùng sẽ không bị bán cho các lợi ích tư nhân. Trên thực tế, các tiểu bang đã sử dụng đất công chính xác là theo cách này.
Chẳng hạn, Utah đã bán đấu giá các công viên tiểu bang và đã thành lập trên toàn tiểu bang các Khu Năng lượng, Khu Hàng hóa Nông nghiệp Gỗ, và Khu Hàng hóa Nông nghiệp Chăn thả trên các vùng đất ủy thác của tiểu bang. Loại hệ thống này sẽ được mở rộng trên các vùng đất liên bang nếu những vùng đất này được chuyển giao cho họ quản lý.
Khi SITLA của Utah bán 391 mẫu đất ủy thác của tiểu bang hồi tháng 10/2016 cho Tập đoàn Lyman Family Farms, với giá 500,000 USD, những người chủ mới đã khóa cổng và treo biển “Cấm xâm phạm” trên nơi từng là lối đi duy nhất cho công chúng vào khu vực phía đông nam của Đài tưởng niệm Quốc gia Bears Ears rộng 1.3 triệu mẫu Anh.
Hồi năm 2017, Cơ quan lập pháp tiểu bang Oregon đã đồng ý bán khu rừng lâu đời nhất của tiểu bang, Rừng Tiểu bang Elliott rộng 82,500 mẫu Anh, vì doanh thu từ gỗ của khu rừng đã giảm sút.
Nevada hầu như không còn đất tiểu bang sau khi bán gần 2.7 triệu mẫu Anh vào năm 2016. Idaho đã bán 41% đất ủy thác của tiểu bang và chỉ cho phép hoạt động giải trí trên 2.4 triệu mẫu đất ủy thác còn lại nếu hoạt động đó không can thiệp vào các hoạt động tạo doanh thu. Tại Colorado, chỉ có 18% trong số 2.8 triệu mẫu đất của tiểu bang được mở để săn bắn và câu cá.
Những người phản đối nói rằng sau khi được bán, những khu đất công đó sẽ mãi mãi là của tư nhân, công chúng không thể tiếp cận được nữa.
Bằng cách khiến việc chuyển giao đất trở nên “trung lập về ngân sách”, sự thay đổi quy định ngày 09/01 ngụ ý rằng một vùng đất công rộng lớn của liên bang có rất ít giá trị, mà Giám đốc Truyền thông của Outdoor Alliance, bà Tania Lown-Hecht, trong một kháng cáo kêu gọi hành động đã gọi là “một thủ đoạn… nhằm mục đích khiến việc chuyển giao hoặc bán đất công sẽ trông như tặng không hoặc là chẳng mất đồng nào. Trên thực tế, đất công là một nguồn thu lớn của chính phủ và là nền tảng của nền kinh tế giải trí ngoài trời đang phát triển và sự thịnh vượng của nhiều cộng đồng địa phương.”
Một nghiên cứu năm 2018 của Cục Phân tích Kinh tế thuộc Bộ Thương mại Hoa Kỳ, phép đo chính thức đầu tiên về sự đóng góp của hoạt động giải trí ngoài trời cho nền kinh tế Hoa Kỳ, đã ghi nhận rằng hoạt động giải trí ngoài trời đã đóng góp 412 tỷ USD, tương đương 2.2%, vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia trong năm 2016 và hỗ trợ gần 4.6 triệu việc làm.
Giám đốc Quan hệ Chính phủ Kaden McArthur tại Những người Đi săn và Đi câu ở Miền quê (Back Country Hunters and Anglers, BHA), nói với The Epoch Times trong một tuyên bố gửi qua thư điện tử rằng tổ chức có trụ sở tại Missoula, Montana này đã cảnh báo các nhà lập pháp rằng họ sẽ phản đối bất kỳ dự luật nào tước bỏ đất công của liên bang.
Ông McArthur cho biết: “BHA phản đối mạnh mẽ sự thay đổi quy định này vì nó đe dọa tính toàn vẹn của tài sản công của chúng ta —- vùng đất và vùng biển được 70 triệu thợ săn và người câu cá cũng như nhiều người đam mê hoạt động ngoài trời yêu thích — và chúng tôi đã đấu tranh để loại trừ điều đó trong gói quy định cuối cùng.”
Các cuộc khảo sát do Trung tâm các Ưu tiên của Miền Tây (CWP) có trụ sở tại Denver thực hiện cho thấy đại đa số người Mỹ — bất kể quan điểm chính trị — muốn chính phủ liên bang, chứ không phải các tiểu bang, quản lý đất công.
“Những nỗ lực cực đoan nhằm thanh lý và phong tỏa đất công quốc gia cho thấy Đảng Cộng Hòa Hạ viện hoàn toàn không đồng hành cùng công chúng về các vấn đề ảnh hưởng đến miền Tây,” Giám đốc điều hành CWP Jennifer Rokala nói với The Epoch Times trong một bình luận gửi qua thư điện tử: “Người miền Tây muốn tiếp cận nhiều hơn với đất công chứ không phải ít hơn — và họ muốn đất công của họ được bảo vệ, chứ không phải bị khai thác vì lợi nhuận tư nhân.”
Ông McArthur cho biết các nhà bảo tồn phải duy trì “sự giám sát chặt chẽ” và sẵn sàng phản hồi khi một dự luật tước bỏ đất khỏi liên bang được đề nghị một cách không thể tránh khỏi.
Ông McArthur nói: “Nếu không tính đến giá trị bị mất của các vùng đất liên bang của chúng ta, thì cánh cửa sẽ mở ra cho các đề xướng lập pháp sai lầm mang lại lợi ích cho các nhóm lợi ích đặc biệt chứ không phải cho người dân Mỹ.”
Bà Lown-Hecht gọi việc thay đổi quy định này là “một cuộc thăm dò ý kiến nhằm kiểm tra mức độ sẵn lòng của người Mỹ đối với việc bán đất công” và cho biết có một số điểm khác biệt giữa gói dự luật của Hạ viện năm 2017 và gói được thông qua hôm 09/01 vừa rồi.
Bà lưu ý, một quy định trong gói dự luật này giới hạn mức phân bổ của Quốc hội, có khả năng cắt giảm ngân sách cho các cơ quan quản lý đất của liên bang.
Gói này cũng bao gồm một điều khoản để tranh luận về một dự luật — Đạo luật Ứng phó Sản xuất Chiến lược — theo đó sẽ buộc chính phủ phải cho thuê thêm các vùng đất và nước công để phát triển năng lượng.
“Điều khoản này sẽ yêu cầu tất cả những lần xuất dầu không khẩn cấp từ kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược phải đi kèm với một kế hoạch tăng cường cho thuê để khai thác nhiên liệu hóa thạch trên các vùng đất liên bang,” bà Lown-Hecht viết. “Vào thời điểm đất nước cần chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, thì việc yêu cầu chính phủ tùy tiện cho thuê các vùng đất và nước công để phát triển là một cách tiếp cận sai lầm.”
Bà Rokala cũng kêu gọi sự chú ý đến điều khoản này, vốn ràng buộc việc cho thuê đất công với kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược, do Lãnh đạo Đa số Hạ viện, Dân biểu Steve Scalise (Cộng Hòa-Louisiana) đưa vào gói quy định.
Bà nói: “Một kế hoạch kiểu như vậy sẽ không làm tăng sản lượng dầu và khí đốt trong thời gian ngắn, nhưng nếu được thực hiện, có thể phong tỏa thêm hàng triệu mẫu đất công vào việc khoan trong nhiều thập niên sắp tới.”
Bà Rokala nhắc lại rằng những hành động tiềm năng này không được ưa chuộng và sẽ vấp phải chỉ trích gay gắt. “Đa số người dân miền Tây muốn thấy ít đất công bị giữ lại để khoan hơn, chứ không phải nhiều hơn,” bà nói. “Và họ chắc chắn không muốn thấy những khu đất công của họ bị sử dụng như một quân tốt trong một trò chơi chính trị nhằm quy trách nhiệm cho chính phủ liên bang về giá xăng cao.”
Nếu chuyện đã qua là khởi nguồn cho một bắt đầu mới, vậy thì “Việc thông qua những điều khoản này là điềm báo trước cho những ý tưởng tồi sắp tới,” bà Lown-Hecht viết. “Mặc dù các nhà lập pháp có thể gặp khó khăn trong việc thông qua bất kỳ luật nào trong năm nay, đặc biệt là các đề xướng không được ưa chuộng do khả năng xảy ra bế tắc tại Quốc hội, nhưng việc đưa vào điều khoản này là một dấu hiệu rõ ràng rằng các nhà lập pháp đang tìm kiếm giấy phép để tiếp tục bán bớt đất công.”
Những tiếng kèn hiệu đã vang lên.
Ông Joel Webster, phó chủ tịch bộ phận Bảo tồn Miền Tây tại Hiệp hội Bảo tồn Theodore Roosevelt, nói với The Epoch Times: “Những người đi săn và đi câu đã đẩy lùi thành công nỗ lực bán hoặc chuyển nhượng đất công (năm 2017) và chúng tôi sẵn sàng làm lại điều đó.”
Nhóm tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times