Hoa Kỳ: Các cơ quan quản lý thông báo đóng cửa ngân hàng Signature Bank của New York
Fed cho biết tất cả các khoản tiền gửi sẽ được bảo đảm
Hôm Chủ Nhật (12/03), các nhà quản lý Hoa Kỳ đã tuyên bố họ đang can thiệp để đóng cửa ngân hàng Signature Bank, đánh dấu ngân hàng thứ hai của Hoa Kỳ phá sản trong vòng vài ngày và là vụ phá sản ngân hàng lớn thứ ba trong lịch sử Hoa Kỳ.
Ngân hàng này đã được đặt dưới quyền tiếp quản của cơ quan cho vay khẩn cấp thuộc Fed, Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC).
Theo một hồ sơ chứng khoán hồi tháng 12/2022, Signature Bank có trụ sở tại thành phố New York đã nắm giữ khối tài sản trị giá hơn 110 tỷ USD và là một trong những ngân hàng có hoạt động kinh doanh liên quan đến ngành mã kim nhiều nhất trong số các ngân hàng trên toàn quốc.
Vào thời điểm đó, ngân hàng này cho biết họ đang giảm 8 tỷ USD tiền gửi liên quan đến số mã kim trị giá 17.79 tỷ USD để giảm rủi ro trong “một môi trường mã kim đầy thách thức.” Sàn giao dịch mã kim Coinbase cho biết trong một tweet hôm 13/10:
“Tính đến cuối hôm thứ Sáu, ngày 10/03, Coinbase đã có số dư khoảng 240 triệu USD trong tài khoản tiền mặt của công ty tại Signature. Như FDIC đã tuyên bố, chúng tôi hy vọng sẽ thu hồi đầy đủ những khoản tiền này.”
All client cash at banks continues to be protected by FDIC pass-through insurance. Due to FDIC's hold on Signature’s transactions, we’re currently facilitating all client cash transactions with other banking partners.
— Coinbase 🛡️ (@coinbase) March 12, 2023
Ngân hàng này có các văn phòng khách hàng ở New York, Connecticut, California, Nevada, và North Carolina, đồng thời có tám chuỗi kinh doanh ngoài ngành ngân hàng tài sản kỹ thuật số, trong đó có địa ốc thương mại.
Hôm Chủ Nhật (12/003), Thống đốc tiểu bang New York Kathy Hochul cho biết, quyết định đóng cửa được đưa ra cùng với văn phòng kiểm soát tiền tệ của tiểu bang và các đối tác liên bang vào cuối tuần qua (11-12/03), là nhằm để “ổn định lĩnh vực ngân hàng và bảo vệ số tiền khó kiếm được của những người dân New York có sinh kế phụ thuộc vào các công ty bị ảnh hưởng.”
“Tôi rất biết ơn vì các cơ quan quản lý Liên bang đã thực hiện các bước để làm chính xác những việc như thế, và tôi hy vọng rằng những hành động này sẽ mang lại thêm niềm tin vào sự ổn định của hệ thống ngân hàng của chúng ta. Nhiều người gửi tiền tại các ngân hàng này là các doanh nghiệp nhỏ, trong đó có những doanh nghiệp thúc đẩy nền kinh tế đổi mới, và thành công của họ là chìa khóa cho nền kinh tế vững mạnh của tiểu bang New York.”
Sự sụp đổ của SVB
Sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) chuyên về lĩnh vực công nghệ ở Santa Clara, tiểu bang California, hôm 10/03, giá cổ phiếu tại các ngân hàng khác phục vụ các công ty công nghệ đã giảm mạnh, trong đó có ngân hàng First Republic Bank và ngân hàng PacWest Bank. Sự kiện đóng cửa SVB là vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử Hoa Kỳ với tổng tài sản xấp xỉ 209 tỷ USD, sau vụ sụp đổ của ngân hàng Washington Mutual trong cuộc khủng hoảng năm 2008.
Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen cho biết việc nâng lãi suất, được Cục Dự trữ Liên bang tiến hành nhằm chống lạm phát, là vấn đề cốt lõi đối với ngân hàng Silicon Valley Bank. Nhiều tài sản của SVB là công khố phiếu hoặc chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp đã mất giá sau mỗi đợt tăng lãi suất. Đồng thời, các khách hàng khởi nghiệp của ngân hàng này ngày càng rút tiền nhiều hơn trong bối cảnh khan hiếm vốn đầu tư mạo hiểm.
Các cơ quan quản lý đã can thiệp để bảo đảm cho các khoản tiền gửi của khách hàng trong SVB và Signature Bank, cho cả những khoản tiền được bảo hiểm lẫn những khoản không được bảo hiểm, nhằm trấn an công chúng và ngăn chặn những đợt rút tiền ồ ạt khỏi ngân hàng trên diện rộng hơn trong các tổ chức tài chính khác có công việc kinh doanh liên quan nhiều đến công nghệ.
Trong một tuyên bố chung với Bộ Ngân khố Hoa Kỳ và Cục Dự trữ Liên bang, FDIC cho biết họ đang “thông báo một ngoại lệ do có rủi ro hệ thống tương tự cho ngân hàng Signature Bank” như tình trạng mà họ đã cấp cho SVB.
Một tuyên bố chung từ các cơ quan quản lý liên bang cho biết, “Tất cả những người gửi tiền của tổ chức này sẽ được thanh toán toàn bộ. Như với nghị quyết đối với Silicon Valley Bank, người nộp thuế sẽ không phải chịu bất kỳ tổn thất nào.”
Tuyên bố này tiếp tục thông báo rằng, “Các cổ đông và một số chủ nợ không có bảo hiểm sẽ không được bảo vệ. Ban quản trị cao cấp cũng đã bị loại trừ. Bất kỳ tổn thất nào đối với Quỹ Bảo hiểm Tiền gửi để trợ giúp những người gửi tiền không có bảo hiểm sẽ được giải quyết thông qua một đánh giá đặc biệt đối với các ngân hàng, theo yêu cầu của pháp luật.”
Fed cho biết về cách tiếp cận quản trị khẩn cấp của họ rằng, “Những hành động này sẽ giảm căng thẳng trên toàn hệ thống tài chính, giúp ổn định tài chính và giảm thiểu bất kỳ tác động nào đối với các doanh nghiệp, các gia đình, những người nộp thuế và nền kinh tế rộng lớn hơn.”
Trước đó hôm 08/03, ngân hàng Silvergate Bank chuyên về mã kim cũng đã tiết lộ dự định ngừng các hoạt động kinh doanh của họ và tự nguyện thanh lý. Chủ sở hữu của ngân hàng này, Silvergate Capital Corporation, cho biết quyết định này được đưa ra “theo những diễn biến trong ngành cũng như những phát triển về quy định gần đây.” Silvergate cho biết kế hoạch thanh lý của họ bao gồm “hoàn trả đầy đủ tất cả các khoản tiền gửi.”
Bản tin có sự đóng góp của Associated Press
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times