Ngân hàng có hơn 176 tỷ USD tiền gửi thể hiện dấu hiệu đáng lo ngại
Cổ phiếu của First Republic Bank đã giảm hơn 60% trong giao dịch trước giờ mở cửa hôm 13/03, mặc dù nhà cho vay này trấn an các khách hàng rằng tiền gửi của họ được an toàn trong bối cảnh có những lo ngại xung quanh sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank.
Trong một thư điện tử gửi cho các khách hàng hôm Chủ Nhật (12/03), nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Điều hành Jim Herbert và CEO kiêm Chủ tịch Mike Roffler của First Republic Bank đã nhấn mạnh rằng vốn của công ty quản lý tài sản có trụ sở tại California này “vẫn mạnh mẽ.”
Bức thư điện tử này viết rằng, “Mức vốn của chúng tôi cao hơn đáng kể so với các yêu cầu theo quy định để được xem là có vốn hóa tốt,” đồng thời cho biết thêm rằng ngân hàng này có quyền truy cập vào hơn 60 tỷ USD khả dụng trong khả năng vay chưa sử dụng sau sự trợ giúp từ Ngân hàng Cho vay Mua nhà Liên bang (FHLB) và Ngân hàng Dự trữ Liên bang.
“Trước những sự kiện gần đây trong ngành, vài ngày qua đã gây ra sự bất ổn trên các thị trường tài chính,” họ viết. “Chúng tôi muốn dành một chút thời gian để củng cố sự an toàn và ổn định của First Republic, thể hiện qua sự liên tục về sức mạnh nguồn vốn, tính thanh khoản, và hoạt động của chúng tôi.”
Họ cho biết thêm, “Chúng tôi ở đây để phục vụ quý vị một cách trọn vẹn. Chúng tôi sẵn sàng giải quyết các giao dịch và chuyển khoản, cấp vốn cho các khoản vay, phúc đáp các câu hỏi, và phục vụ các nhu cầu tài chính nói chung của quý vị — như chúng tôi vẫn làm hàng ngày.”
Trong một thông cáo báo chí ngay sau đó, ngân hàng này cũng đã tìm cách xoa dịu những lo ngại của các nhà đầu tư, lưu ý rằng ngân hàng đã “tăng cường và đa dạng hóa hơn nữa vị thế tài chính của mình” thông qua việc tiếp cận thanh khoản bổ sung từ Ngân hàng Trung ương và JPMorgan Chase & Co.
“Tổng số thanh khoản có sẵn, chưa sử dụng để tài trợ cho các hoạt động hiện là hơn 70 tỷ USD,” họ cho biết. “Số tiền này không bao gồm thanh khoản bổ sung mà First Republic đủ điều kiện nhận theo Chương trình Tài trợ có Kỳ hạn cho Ngân hàng mới do Cục Dự trữ Liên bang công bố hôm nay.”
Theo hồ sơ 10-K gần đây nhất của mình, First Republic Bank đã nắm giữ 176.4 tỷ USD tiền gửi vào cuối năm 2022.
Cổ phiếu First Republic sụt giảm
Mặc dù First Republic liệt kê tổng tài sản khoảng 213 tỷ USD và là ngân hàng lớn thứ 14 tại Hoa Kỳ, nhưng sự trấn an này dường như không giúp xoa dịu những lo ngại, vì cổ phiếu của công ty này đã giảm 62% vào thời điểm phát hành bản tin này, sau khi đã giảm 33% hồi tuần trước.
First Republic không phải là tổ chức tài chính duy nhất chứng kiến cổ phiếu của họ sụt giảm sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank hồi tuần trước.
Cổ phiếu của PacWest Bancorp đã giảm hơn 43% trong giao dịch trước giờ mở cửa, cổ phiếu Western Alliance Bancorp đã giảm 63%, và cổ phiếu Charles Schwab đã mất 8%. Ở những nơi khác, cổ phiếu của Zions Bancorporation đã giảm 21%, cổ phiếu KeyCorp đã giảm hơn 11%, và cổ phiếu Bank of America mất 4% trong giao dịch trước giờ mở cửa.
Hôm Chủ Nhật (12/03), Ngân hàng Trung ương đã công bố một chương trình cho vay khẩn cấp nhằm cung cấp thêm vốn cho các tổ chức nhận tiền gửi đủ điều kiện để bảo đảm họ đáp ứng nhu cầu của tất cả những người gửi tiền của mình.
Khoản tài trợ bổ sung này sẽ được cung cấp thông qua việc tạo ra một chương trình tài trợ có kỳ hạn cho ngân hàng mới, vốn sẽ cung cấp các khoản vay có thời hạn lên tới một năm cho các tổ chức lưu ký đủ điều kiện như các ngân hàng và các nghiệp đoàn tín dụng, được thực hiện dựa trên các tài sản bảo đảm như công khố phiếu và chứng khoán có bảo đảm bằng thế chấp (MBS), và các tài sản đủ điều kiện khác.
Những điều khoản đó ít cứng nhắc hơn so với những điều khoản mà Fed thường cung cấp và sẽ ngăn chặn được một cách hiệu quả việc ngân hàng này phải nhanh chóng bán tài sản của mình trong thời kỳ kinh tế bất ổn.
Silicon Valley Bank đóng cửa
Ngoài ra, các cơ quan quản lý tài chính Hoa Kỳ đã thông báo rằng tất cả những người gửi tiền tại Silicon Valley Bank sẽ nhận lại được tiền của họ, bắt đầu từ ngày 13/03.
Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen, Chủ tịch Hội đồng Dự trữ Liên bang Jerome Powell, và Chủ tịch FDIC Martin Gruenberg cho biết trong một tuyên bố thông báo tin này: “Hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ vẫn kiên cường và dựa trên một nền tảng vững chắc, phần lớn là nhờ những cải tổ được thực hiện sau cuộc khủng hoảng tài chính nhằm bảo đảm các biện pháp bảo vệ tốt hơn cho ngành ngân hàng.”
Tuyên bố này cho biết thêm: “Kết hợp với các hành động hôm nay, những cải tổ đó thể hiện cam kết của chúng tôi trong việc thực hiện các bước cần thiết để bảo đảm rằng tiền tiết kiệm của những người gửi tiền vẫn an toàn.”
Các nhà quản lý liên bang đã đóng cửa Silicon Valley Bank hôm thứ Sáu (10/03) sau khi ngân hàng này xảy ra vụ phá sản ngân hàng lớn nhất ở Hoa Kỳ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, một phần do lãi suất tăng, vốn đầu tư mạo hiểm cạn kiệt, và thực tế rằng tỷ lệ lớn tiền gửi của khách hàng tại ngân hàng này đã được đầu tư vào công khố phiếu, loại tài sản đầu tư rất nhạy cảm với lãi suất.
Sau thông tin cần huy động 2.25 tỷ USD để củng cố bảng cân đối kế toán của SBV, các công ty đầu tư mạo hiểm được cho là đã khuyên các doanh nghiệp rút tiền khỏi ngân hàng này, khiến cổ phiếu của SBV giảm mạnh, và cuối cùng, các cơ quan quản lý tài chính đã phải can thiệp.
Theo Cục Dự trữ Liên bang, SVB là ngân hàng lớn thứ 16 tại Hoa Kỳ, với khối tài sản trị giá 209 tỷ USD tính đến ngày 31/12/2022.
Sự sụp đổ của ngân hàng này sau đó đã gây áp lực lên các ngân hàng nhỏ và ngân hàng khu vực khác ở Hoa Kỳ, trong đó có Signature Bank — một trong những ngân hàng chính trong ngành công nghiệp mã kim — khiến các khách hàng đua nhau rút tiền gửi khỏi họ.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times