Người gửi tiền xếp hàng bên ngoài các chi nhánh của ngân hàng First Republic trên khắp California
Khách hàng của First Republic — ngân hàng có trụ sở chính tại San Francisco chuyên phục vụ các khách hàng và doanh nghiệp có giá trị tài sản lớn — đã xếp hàng dài tại nhiều chi nhánh ở California hôm 13/03 sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank hồi cuối tuần qua.
Đang đợi bên ngoài chi nhánh Đường Montgomery của ngân hàng First Republic ở San Francisco hôm 13/03, một chủ doanh nghiệp ở California tên là Chad đã nói với The Epoch Times rằng ông lo lắng về việc liệu có thể rút hơn 1 triệu USD được cất giữ tại ngân hàng này hay không. Vị chủ doanh nghiệp này vừa hoàn tất việc chuyển tiền từ SVB — nơi ông cũng là một khách hàng — và hiện đang cố gắng đa dạng hóa.
“Chúng tôi cũng đã chuyển một phần tiền vào Wells [Fargo],” ông nói. “Chúng tôi đã phân tán rủi ro của mình.”
Tuy nhiên, ông Chad cho biết những sự kiện gần đây đã làm lung lay niềm tin của ông đối với các ngân hàng nhỏ trong khu vực.
Đầu tuần này (13-19/03), giá cổ phiếu của ngân hàng First Republic đã giảm 78%, đạt 18 USD một cổ phiếu, trước khi tăng trở lại trên 35 USD vào cuối ngày.
Khách hàng Lance Keefer, một cựu nhà thầu xây dựng, đã ghé vào chi nhánh ngân hàng của ông ở Brentwood, California. Cuộc trò chuyện trên mạng xã hội đã thúc đẩy ông đến gặp trực tiếp để bảo đảm rằng tiền của ông vẫn được an toàn.
Ông Keefer nói với NTD, hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times rằng, “Điều đó khiến tất cả chúng tôi có chút đứng ngồi không yên.”
Một số khách hàng khác cũng xếp hàng vào sáng ngày 13/03 trước khi chi nhánh Brentwood mở cửa.
Một người gửi tiền khác, ông Robb Strom, đến kiểm tra tài khoản của ông và được thông báo rằng tiền của ông vẫn an toàn và ngân hàng vẫn thanh khoản và đang thực hiện các khoản cho vay. Tuy nhiên ông vẫn cảnh giác.
Ông Strom nói: “Khi giá cổ phiếu giảm 60% trong vòng một buổi sáng, thì tình hình thật đáng lo ngại.”
Những điểm tương đồng với Silicon Valley Bank
Các nhà kinh tế đang nêu ra những điểm tương đồng giữa các ngân hàng công nghệ đã sụp đổ và ngân hàng First Republic, vốn khiến công chúng lo ngại. Một nhà bình luận thị trường gọi sự sụp đổ của SVB là “một cuộc khủng hoảng thanh khoản kiểu cũ của những năm 1930,” nói rằng sự kiện này liên quan nhiều tới việc những người gửi tiền rút tiền mặt hơn là tới các khoản đầu tư thiếu thận trọng của ngân hàng này.
“Đây không phải là một cuộc khủng hoảng về khả năng thanh toán như năm 2008. Không có các khoản nợ khó đòi hoặc các khoản đầu tư kém hiệu quả,” nhà phân tích vĩ mô Jim Bianco viết trên Twitter. “Đã có quá nhiều người gửi tiền muốn rút tiền mặt cùng một lúc, và SVB không thể chuyển đổi các khoản vay và chứng khoán thành tiền mặt kịp nhanh như vậy.”
Ông Bianco đã cảnh báo rằng với “thế giới ngân hàng di động” nhanh chóng ngày nay, những người gửi tiền có thể yêu cầu 42 tỷ USD hôm 10/03 mà không cần phải xếp hàng chờ đợi và nói chuyện trực tiếp với một nhân viên giao dịch.
“Thực tế này nên khiến các chủ ngân hàng và các cơ quan quản lý trên toàn thế giới sợ hãi,” ông nói. “Toàn bộ cơ sở tiền gửi trị giá 17 ngàn tỷ USD hiện đang trong tình trạng rất nhạy cảm muốn được thanh khoản ngay lập tức.”
Giống như SVB, ngân hàng First Republic nắm giữ một lượng lớn tiền của một số ít người gửi tiền, với số lượng người gửi tiền chỉ bằng ⅕ so với các ngân hàng có cùng quy mô. Hầu hết những khoản tiền gửi này là của các doanh nghiệp với 68% số tiền gửi không được bảo hiểm — có nghĩa là không được bảo hiểm theo chương trình hoàn trả của Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang — so với 90% số tiền gửi không được bảo hiểm của SVB.
Nếu những người gửi tiền của ngân hàng First Republic rút tiền của họ, thì hành động của họ có thể gây rắc rối cho ngân hàng có trụ sở tại San Francisco này, do vẫn chưa chắc chắn liệu ngân hàng này có đủ điều kiện áp dụng các biện pháp khẩn cấp của chính phủ hay không.
Hôm 12/03, Cục Dự trữ Liên bang đã công bố một chương trình cho vay mới để “bảo đảm các ngân hàng có thể đáp ứng nhu cầu của tất cả những người gửi tiền của mình.” Mặc dù điều này nhằm mục đích dập tắt tâm trạng hoảng loạn đang gia tăng, nhưng chương trình đó đã không ngăn được sự sụt giảm giá cổ phiếu của First Republic.
Rắc rối có thể nằm ngay trong danh mục tài sản của ngân hàng này.
Theo thông báo của Fed, các tổ chức muốn nhận các quỹ khẩn cấp phải cầm cố công khố phiếu Hoa Kỳ, chứng khoán có bảo đảm bằng thế chấp (MBS), hoặc “các tài sản đủ điều kiện khác” làm tài sản bảo đảm. Mặc dù không rõ những tài sản nào khác có thể đủ điều kiện, nhưng ngân hàng First Republic không sở hữu nhiều công khố phiếu hoặc các tài sản MBS.
Ông Joseph Wang, một cựu giao dịch viên tại Quầy Giao dịch Thị trường Mở của Fed, đã viết trên Twitter rằng ngân hàng này “không được hưởng lợi từ gói cứu trợ mới của Fed.” Ông cho rằng điều này có thể liên quan đến giá cổ phiếu sụt giảm của ngân hàng.
Ông viết, “Quý vị cần công khố phiếu và MBS để khai thác phương tiện cứu trợ này, và ngân hàng này hầu như không sở hữu chút nào những tài sản đó.”
Tuy nhiên, ông Wang không lo lắng về các triển vọng của ngân hàng này. Kể cả khi một số tài sản không đủ điều kiện, thì ông cho rằng các cơ quan quản lý sẽ bẻ cong các quy định để tránh một cuộc khủng hoảng.
Ông nói với đài truyền hình NTD rằng, “Tôi không lo ngại về First Republic vì các nhà chức trách sẽ có thể làm bất cứ điều gì cần thiết để cứu họ.”
Ông Wang lưu ý rằng gói cứu trợ dành cho những người gửi tiền này có thể làm dấy lên lạm phát mà Fed đã rất cố gắng để kiềm chế.
Hy vọng
First Republic và một loạt các ngân hàng vừa và nhỏ khác vẫn đang phải đối mặt với những khoản nợ khó khăn trên bảng cân đối kế toán của họ.
Như MarketWatch đã đưa tin hôm 10/03, First Republic cho thấy một khoản lỗ khác trị giá 331 triệu USD chưa thực hiện thuộc vốn chủ sở hữu (AOCI) — một số liệu bao gồm các khoản lỗ chưa thực hiện đối với các tài sản sở hữu và các khoản lỗ trong tương lai đối với các khoản nợ cố định, chẳng hạn như các kế hoạch về hưu của nhân viên. Tuy nhiên, so với các ngân hàng khác, First Republic có thể ở trong tình trạng tốt.
Khoản lỗ này chỉ chiếm 1.9% tổng vốn chủ sở hữu của First Republic — một thước đo giá trị thuộc sở hữu của một tập đoàn — trong khi một số ngân hàng có quy mô tương tự có mức lỗ AOCI hơn 10%.
Hãy xem xét ngân hàng Ally Financial có trụ sở tại Detroit, với AOCI là âm 4.05 tỷ USD, chiếm 24% tổng vốn tự có của ngân hàng này. Cả Ally Financial và First Republic đều quản lý các tài sản có giá trị khoảng 200 tỷ dollar.
Bản tin có sự đóng góp của Lear Zhou, Jill McLaughlin, và Steve Ispas
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times