First Republic Bank nhận 30 tỷ USD cứu trợ từ các ngân hàng hàng đầu của Hoa Kỳ
Các ngân hàng đã xác nhận trong một tuyên bố chung hôm 16/03 rằng, First Republic Bank sẽ nhận được 30 tỷ USD từ một số ngân hàng hàng đầu của Hoa Kỳ trong nỗ lực nhằm ổn định công ty đang gặp khó khăn này.
Sau một tuần đầy biến động chứng kiến cổ phiếu của First Republic Bank lao dốc sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) hồi tuần trước (06-12/06), 11 trong số các tổ chức tài chính lớn nhất Hoa Kỳ sẽ truyền thanh khoản cho nhà cho vay này, các tổ chức cho biết, xác nhận các tin tức từ nguồn ẩn danh rằng đã có các cuộc thảo luận về việc trợ giúp First Republic.
Các ngân hàng cho biết trong tuyên bố ngày 16/03: “Hành động của các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ phản ánh niềm tin của họ vào hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ. Cùng nhau, chúng tôi đang vận dụng sức mạnh tài chính và thanh khoản của mình vào hệ thống lớn hơn, hướng tới nơi cần trợ giúp nhất. Các ngân hàng vừa và nhỏ hỗ trợ khách hàng và doanh nghiệp địa phương của họ, tạo ra hàng triệu việc làm và giúp nâng cao các cộng đồng. Các ngân hàng lớn hơn của Hoa Kỳ sát cánh với tất cả các ngân hàng để hỗ trợ nền kinh tế của chúng ta và tất cả mọi người xung quanh chúng ta.”
Các ngân hàng sẽ cung cấp các khoản tiền gửi gồm có: Bank of America, Citigroup, JPMorgan Chase, Wells Fargo, Goldman Sachs, Morgan Stanley, BNY-Mellon, PNC Bank, State Street, Truist, và US Bank. Tuyên bố cho biết những khoản tiền gửi đó sẽ không được bảo hiểm.
Bộ Ngân khố Hoa Kỳ, Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang, và Cục Dự trữ Liên bang cũng đã đưa ra một tuyên bố xác nhận hành động này.
Các cơ quan nêu rõ: “Sự trợ giúp từ phía một nhóm ngân hàng lớn này rất được hoan nghênh, và thể hiện khả năng phục hồi của hệ thống ngân hàng.”
Sau sự sụp đổ của SVB và Signature Bank của New York, đã có những lo ngại rằng hiệu ứng lây lan sẽ lan truyền sang First Republic. Giống như hai tổ chức nói trên, tổ chức này được cho là có một lượng lớn tiền gửi không được bảo hiểm, gây lo ngại rằng khách hàng sẽ rút tiền hàng loạt.
Cổ phiếu của First Republic đã đóng cửa ở mức khoảng 115 USD một cổ phiếu hôm 08/03, nhưng kể từ ngày 16/03, cổ phiếu này được giao dịch dưới 20 USD khi đã bị tạm dừng nhiều lần trong suốt cả tuần. Vào cuối phiên giao dịch thông thường hôm 16/03, cổ phiếu này đã tăng gần 10%.
Dịch vụ xếp hạng Moody’s cho biết hôm 14/03 rằng họ sẽ đưa First Republic vào diện xem xét hạ cấp do các điều kiện tài trợ vốn rất dễ biến động đối với ngân hàng này và tình trạng các ngân hàng Hoa Kỳ khác có rủi ro bị rút tiền gửi không có bảo hiểm.
Diễn biến này có thể giúp xoa dịu tinh thần đang căng như dây đàn của các nhà đầu tư ngân hàng sau vụ sụp đổ SVB hồi tuần trước, vốn là vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử Hoa Kỳ, sau sự sụp đổ của Washington Mutual vào năm 2008. Việc đóng cửa SVB vào hôm 10/03 và kế đến là Signature Bank có trụ sở tại New York hai ngày sau đó đã làm sống lại những ký ức tồi tệ về cuộc khủng hoảng tài chính đã đẩy Hoa Kỳ vào cuộc Đại Suy Thoái 2007–2009.
Cuối tuần qua (11-12/03), chính phủ liên bang, với quyết tâm khôi phục niềm tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng, đã hành động nhằm bảo vệ tiền gửi của tất cả các ngân hàng. Sự bảo vệ này bao gồm cả những khoản vượt quá giới hạn 250,000 USD của FDIC cho mỗi tài khoản cá nhân, gây ra sự chỉ trích từ một số nhà đầu tư hàng đầu.
Hôm 16/03, Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen đã nhấn mạnh với các thượng nghị sĩ trong một phiên điều trần rằng tiền gửi ngân hàng và tiền tiết kiệm “vẫn an toàn” và chính phủ liên bang cam kết bảo đảm rằng tiền gửi được an toàn và hệ thống ngân hàng Mỹ hoạt động lành mạnh.
Bà Yellen nói với các nhà lập pháp trong một tuyên bố chuẩn bị sẵn: “Tôi có thể bảo đảm với các thành viên của ủy ban này rằng hệ thống ngân hàng của chúng ta vẫn ổn định và người Mỹ có thể cảm thấy tự tin rằng tiền gửi của họ sẽ ở đó khi họ cần. Các hành động trong tuần này thể hiện cam kết kiên quyết của chúng tôi nhằm bảo đảm rằng tiền tiết kiệm của người gửi tiền vẫn an toàn.”
Các nhà phân tích nói rằng các ngân hàng đã bị ảnh hưởng do những nỗ lực tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang để chống lại lạm phát cao trong nhiều thập niên. Mặc dù lãi suất cao hơn có thể chế ngự lạm phát bằng cách làm chậm lại nền kinh tế, nhưng lãi suất như vậy làm tăng nguy cơ suy thoái sau này và cũng có thể gây hại cho giá cổ phiếu, trái phiếu, và các khoản đầu tư khác.
Bà Yellen lưu ý rằng chương trình giải cứu được thiết kế để bảo đảm rằng khách hàng có thể tiếp cận với tiền của họ, thanh toán hóa đơn, cũng như trả lương cho nhân viên của họ. Bà nói rằng các chủ nợ và cổ đông không được bảo vệ khỏi những tổn thất liên quan đến sự sụp đổ của ngân hàng, đồng thời lưu ý rằng Cục Dự trữ Liên bang cũng tạo thuận lợi cho các ngân hàng vay trong trường hợp khẩn cấp có thể xảy ra.
Cũng trong ngày 16/03, bà không đề cập đến tình hình liên quan đến Credit Suisse, đại ngân hàng có trụ sở tại Thụy Sĩ vốn đã chứng kiến cổ phiếu lao dốc hồi đầu tuần này. Credit Suisse cho biết trong một tuyên bố trong tuần này rằng họ sẽ vay tới 50 tỷ franc Thụy Sĩ, tương đương khoảng 53 tỷ USD, từ ngân hàng trung ương Thụy Sĩ để cung cấp thêm thanh khoản.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times