TT Biden khẳng định hệ thống tài chính của Hoa Kỳ là ‘an toàn’ sau khi Silicon Valley Bank và Signature Bank sụp đổ
Hôm Chủ Nhật (12/03), Tổng thống (TT) Joe Biden đã ban hành một tuyên bố về sự sụp đổ của các ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank, nhấn mạnh rằng hệ thống tài chính Hoa Kỳ là “an toàn” sau khi Cục Dự trữ Liên bang khai triển một chương trình cho vay khẩn cấp để ổn định hệ thống ngân hàng.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) mở rộng phạm vi bảo hiểm tiền gửi tại hai ngân hàng đã sụp đổ kể trên, để những người gửi tiền không bị mất tiền.
TT Biden cho biết trong một tuyên bố hôm Chủ Nhật (12/03) rằng Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen và cố vấn kinh tế hàng đầu của ông, bà Lael Brainard, đã làm việc với các cơ quan quản lý ngân hàng để giảm thiểu bất kỳ hậu quả tài chính tiềm ẩn nào từ sự sụp đổ của SVB và Signature Bank.
“Tôi hài lòng là họ đã đạt được một giải pháp kịp thời để bảo vệ những người lao động và các doanh nghiệp nhỏ của Mỹ, đồng thời giữ an toàn cho hệ thống tài chính của chúng ta. Giải pháp này cũng bảo đảm rằng tiền của người nộp thuế không gặp rủi ro,” ông Biden nói.
“Người dân Mỹ và các doanh nghiệp Mỹ có thể tin tưởng rằng các khoản tiền gửi ngân hàng của họ sẽ ở đó khi họ cần,” TT Biden nói thêm, đồng thời cam kết sẽ buộc những người “chịu trách nhiệm cho tình trạng hỗn loạn này” phải chịu trách nhiệm hoàn toàn.
Các cơ quan tài chính Hoa Kỳ đã làm việc trên nhiều phương diện để ngăn chặn bất kỳ hậu quả tiềm ẩn nào từ sự sụp đổ kép này, điều làm dấy lên những lo ngại về các đợt rút tiền ồ ạt và hiệu ứng lây lan có thể đe dọa đến sự ổn định của hệ thống tài chính rộng lớn hơn.
‘Ngoại lệ do có rủi ro hệ thống’
FDIC cho biết họ sẽ tiến hành phát mại SVB một cách có trật tự — trong một quy trình được gọi là thanh lý — theo cách “bảo vệ hoàn toàn tất cả những người gửi tiền” trên cơ sở một “ngoại lệ do có rủi ro hệ thống” đặc biệt cho phép FDIC tạm thời mở rộng phạm vi bảo hiểm tiền gửi của họ cao hơn mức bình thường là giới hạn 250,000 dollar cho mỗi tài khoản.
“Những người gửi tiền sẽ có quyền truy cập vào toàn bộ số tiền của họ bắt đầu từ thứ Hai, ngày 13/03,” FDIC cho biết trong một tuyên bố chung với Fed và Bộ Ngân khố.
Điều này có nghĩa là tất cả những người gửi tiền sẽ chuẩn bị được nhận lại toàn bộ số tiền của họ, thay vì phải đối mặt với khả năng phải chịu tổn thất đối với các phần tiền gửi không được bảo hiểm của họ, thường là bất kỳ khoản nào vượt quá giới hạn 250,000 dollar.
Chỉ định “ngoại lệ do có rủi ro hệ thống” tương tự đã được áp dụng cho Signature Bank, ngân hàng đã bị văn phòng kiểm soát tiền tệ của tiểu bang New York đóng cửa hôm Chủ Nhật (12/03).
“Tất cả những người gửi tiền của tổ chức này sẽ được thanh toán toàn bộ,” FDIC cho biết, đồng thời nói thêm rằng, như với nghị quyết dành cho SVB, “người nộp thuế sẽ không phải chịu bất kỳ tổn thất nào.”
Số tiền để hoàn trả cho những người gửi tiền sẽ đến từ quỹ bảo hiểm tiền gửi đặc biệt của FDIC, đây là một loại quỹ phòng ngừa rủi ro mà cơ quan này thu từ các ngân hàng dưới hình thức phí bảo hiểm thường niên, hoặc phí bảo hiểm ấn định, trong suốt nhiều năm.
Tiền được dùng để bồi hoàn cho tất cả những người gửi tiền của SVB và Signature Bank đến từ một nguồn tiền đặc biệt của ngân hàng, đây là một loại phí bảo hiểm bất thường được áp dụng trong các trường hợp đặc biệt để cho phép FDIC luôn sẵn sàng giải quyết các vụ sụp đổ ngân hàng trong tương lai.
Mặc dù những người gửi tiền của SVB và Signature Bank sẽ được bảo vệ đầy đủ và toàn bộ, nhưng các cổ đông của những ngân hàng này sẽ phải chịu thiệt hại.
Fed khai triển hỗ trợ thanh khoản
Một cách riêng biệt, Cục Dự trữ Liên bang đã công bố hôm Chủ Nhật (12/03) rằng ngân hàng trung ương này đã cung cấp một chương trình thanh khoản khẩn cấp đặc biệt cho các tổ chức lưu ký như các ngân hàng, nghiệp đoàn tín dụng, và hiệp hội tiết kiệm, để giúp bảo đảm rằng họ có đủ tiền trong tay nhằm đáp ứng nhu cầu rút tiền của những người gửi tiền.
“Cục Dự trữ Liên bang đã chuẩn bị sẵn sàng để giải quyết bất kỳ áp lực thanh khoản nào có thể phát sinh,” ngân hàng trung ương Hoa Kỳ cho biết trong tuyên bố nói trên, cho thấy quyết tâm của họ nhằm dập tắt bất kỳ suy đoán nào về sự lây lan rộng hơn sau làn sóng chấn động trên khắp các thị trường do sự sụp đổ kép của SVB Signature Bank gây ra.
Chương trình khẩn cấp này, được gọi là Chương trình Tài trợ có Kỳ hạn cho Ngân hàng (BTFP), cung cấp các khoản vay cho các tổ chức lưu ký đủ điều kiện như các ngân hàng và các hiệp hội tín dụng, được thực hiện dựa trên tài sản thế chấp như công khố phiếu và các chứng khoán có bảo đảm bằng thế chấp (MBS), theo các điều khoản dễ dàng hơn so với Fed thường cung cấp.
Fed cho biết: “BTFP sẽ là một nguồn thanh khoản bổ sung dành cho các chứng khoán chất lượng cao, loại bỏ nhu cầu nhanh chóng bán những chứng khoán đó trong các thời điểm căng thẳng của một tổ chức.”
BTFP sẽ được củng cố, nếu nhu cầu này phát sinh, bằng một khoản tài trợ dự phòng trị giá 25 tỷ dollar từ Quỹ Bình ổn Trao đổi (ESF), do Bộ Ngân khố quản lý.
Fed cũng đề cập đến quyết định nói rằng FDIC sẽ không chỉ chi trả cho các khoản tiền gửi được bảo hiểm tại SVB và Signature Bank mà còn thanh toán toàn bộ cho tất cả những người gửi tiền.
Fed cho biết, “Những hành động này sẽ giảm căng thẳng trên toàn hệ thống tài chính, giúp ổn định tài chính và giảm thiểu bất kỳ tác động nào đối với các doanh nghiệp, các gia đình, những người nộp thuế, và nền kinh tế rộng lớn hơn.”
Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ nói thêm rằng họ đang giám sát chặt chẽ các điều kiện trên toàn bộ hệ thống tài chính và sẵn sàng thực hiện các bước bổ sung cũng như khai triển “đầy đủ các công cụ để trợ giúp các gia đình và các doanh nghiệp.”
TT Biden dự kiến sẽ đưa ra những nhận xét sâu rộng hơn về sự sụp đổ kép của hai ngân hàng nói trên và khả năng phục hồi của hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ vào thứ Hai (13/03).
Rủi ro đạo đức?
Một số người tham gia thị trường cho biết các hành động của Fed, FDIC, và những cơ quan khác sẽ củng cố tâm lý trong ngắn hạn nhưng có thể dẫn đến rủi ro đạo đức trong dài hạn.
Rủi ro đạo đức là việc mọi người không còn động cơ để đề phòng rủi ro tài chính, khuyến khích những người tham gia thị trường tiến hành các hoạt động rủi ro hơn.
“Nếu FDIC, Bộ Ngân khố Hoa Kỳ, và Cục Dự trữ Liên bang không can thiệp vào ngày hôm nay, thì chúng ta có thể sẽ có một đợt rút tiền ồ ạt khỏi ngân hàng vào thời những năm 1930 tiếp tục xảy ra ngay đầu ngày thứ Hai, gây thiệt hại kinh tế to lớn và khó khăn cho hàng triệu người,” ông Bill Ackman, người sáng lập công ty Pershing Square cho biết trong một bài đăng trên Twitter.
Ông nói thêm: “Nhiều ngân hàng có thể sẽ sụp đổ bất chấp sự can thiệp này, nhưng chúng ta hiện đã có một lộ trình rõ ràng về cách chính phủ sẽ quản lý các ngân hàng.”
Ông Ackman nhấn mạnh rằng các biện pháp khẩn cấp — hành động miễn trừ trên thực tế đối với giới hạn bảo hiểm tiền gửi 250,000 dollar và chương trình thanh khoản khẩn cấp — “không phải là một gói cứu trợ dưới bất kỳ hình thức nào” vì các nhà đầu tư và các trái chủ, những người không “giám sát một cách thích đáng” các ngân hàng bị sụp đổ sẽ phải đối mặt với thua lỗ, chứ không phải là những người nộp thuế.
Ông nói thêm rằng những hành động này củng cố niềm tin vào lĩnh vực ngân hàng và làm giảm khả năng rút tiền ồ ạt khỏi một số ngân hàng “quá lớn để phá sản” của Mỹ, những ngân hàng có thể sẽ khiến những người nộp thuế phải trả giá đắt cho các gói cứu trợ họ.
Nhà kinh tế Peter Schiff không đồng tình, khi lập luận trong một bài đăng trên Twitter rằng đây “chắc chắn là một gói cứu trợ” và những người nộp thuế sẽ “nhận hóa đơn dưới hình thức lạm phát cao hơn.”
Hôm Chủ Nhật (12/03), bà Yellen đã lập luận rằng các hành động của chính phủ Hoa Kỳ không phải là một gói cứu trợ do người nộp thuế tài trợ mà là các biện pháp để đáp ứng “nhu cầu” của những người gửi tiền, những người sẽ mất hàng triệu USD trong vụ sụp đổ kép này.
“Chúng tôi sẽ không làm điều đó một lần nữa,” bà nói, đề cập đến các loại cứu trợ diễn ra trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008–2009 khiến những người nộp thuế gặp khó khăn.
Trong một lập luận điển hình của những người phản đối cung cấp bảo hiểm cho tiền gửi, ông Schiff cũng lập luận rằng bản thân sự tồn tại của bảo hiểm tiền gửi đã góp phần gây ra rủi ro đạo đức và rằng “việc có một hệ thống ngân hàng lành mạnh đòi hỏi các ngân hàng phải cạnh tranh với các khách hàng dựa trên sự an toàn.”
Nhiều nghiên cứu, trong đó có nghiên cứu của FDIC (pdf), đã công nhận rằng các hệ thống bảo hiểm tiền gửi góp phần ổn định hệ thống tài chính nhưng đồng thời cũng thừa nhận một sự rủi ro đạo đức ngày càng tăng.
Các tổ chức bảo hiểm tiền gửi đã tìm cách giải quyết rủi ro đạo đức này bằng các phương pháp như kỷ luật bằng quy định do các cơ quan giám sát ngân hàng thực thi và thúc đẩy kỷ luật thị trường, một phần bằng cách áp dụng một hạn mức bảo hiểm thường khiến một số phần tiền gửi bị tổn thất trong trường hợp vỡ nợ.
Các chiến lược gia của Rabobank, hai ông Michael Every và Ben Picton, đã lập luận trong một ghi chú rằng chương trình cho vay khẩn cấp của Fed có nghĩa là “cho phép nới lỏng các điều kiện tài chính trên diện rộng cũng như làm tăng vọt rủi ro đạo đức.”
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times