Hoa Kỳ bác bỏ phán quyết của WTO về việc ghi nhãn ‘Made in Hong Kong’
Hoa Kỳ đã bác bỏ phán quyết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vốn phản đối chính sách của nước này trong việc quy định các sản phẩm được sản xuất tại Hồng Kông phải được ghi nhãn là đến từ Trung Quốc.
Kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ban hành Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông hồi cuối tháng 06/2020, Hoa Kỳ đã quyết định rằng toàn bộ hàng hóa Hồng Kông được xuất cảng sang lãnh thổ của nước này sẽ không còn được dán nhãn “Made in Hong Kong” (“Sản xuất tại Hồng Kông”) mà phải được đổi thành “Made in China” (“Sản xuất tại Trung Quốc”).
Hôm 21/12, nhóm chuyên gia trong Cơ quan Giải quyết Tranh chấp (DSB) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã ra phán quyết rằng hành động này của Hoa Kỳ là không phù hợp với các quy định của WTO. Tuy nhiên, cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ đã phản đối mạnh mẽ phán quyết này, cho thấy rằng họ không có ý định hủy bỏ các quy định liên quan và sẽ không nhượng bộ WTO về các vấn đề an ninh quan trọng.
Hoa Kỳ cho biết WTO không có quyền thẩm định các vấn đề an ninh quốc gia
Ông Adam Hodge, phát ngôn viên của Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR), đã phản hồi phán quyết của WTO, chỉ ra rằng ông không có ý định hủy bỏ các quy định ghi nhãn này và ông sẽ không trao quyền phán quyết hoặc quyết định đối với các vấn đề an ninh then chốt cho WTO. Ông cho biết cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO không có quyền thẩm định các vấn đề an ninh quốc gia. Do đó, WTO không có quyền chỉ trích khả năng đối phó với các mối đe dọa dựa trên tình hình thực tế của các nước thành viên.
Ông Hodge cũng nói rằng các hành động này của Hoa Kỳ được đưa ra nhằm mục đích đáp trả việc Trung Quốc đại lục làm xói mòn quyền tự trị, dân chủ, và nhân quyền của Hồng Kông. Ông nhấn mạnh rằng chính phủ Tổng thống Biden vẫn cam kết duy trì an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, bảo vệ nhân quyền và dân chủ, đồng thời tin rằng việc tiến hành các hành động để bảo vệ an ninh quốc gia là quyền vốn có của bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào. Và điều đó được phản ánh trong hiệp định của WTO.
Nhà bình luận các vấn đề thời sự Tào Gia Siêu (Anthony Tso Ka-chiu) đã chỉ ra trong chương trình trực tuyến của mình rằng Hồng Kông đã trải qua “các cuộc bầu cử hoàn hảo” và “ngày ngày đều không ngừng đe dọa người dân bằng Luật An ninh Quốc gia, ngay cả Google cũng không được tha.” Ông tin rằng không có cách nào để quay lại từ đầu. Ông cũng tin rằng WTO không thể làm gì trước các hoạt động thương mại được cho là không công bằng của Trung Quốc.
Hoa Kỳ đã thông qua quy định này hồi năm 2020
Sau khi ĐCSTQ ban hành Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông hồi năm 2020, Tổng thống Hoa Kỳ đương thời Donald Trump đã ký một sắc lệnh tổng thống vào ngày 14/07/2020, hủy bỏ quy chế thuế quan đặc biệt và đối xử kinh tế đặc biệt dành cho Hồng Kông. Ngoài ra cơ hội tiếp nhận công nghệ nhạy cảm cũng bị bãi bỏ, ý muốn nói rằng tình trạng “một quốc gia, hai chế độ” của Hồng Kông không còn được công nhận.
Hồi tháng 08/2020, Hoa Kỳ áp dụng điều khoản miễn trừ an ninh được WTO cho phép để thông báo rằng bắt đầu từ ngày 09/11/2020, hàng hóa của Hồng Kông vận chuyển đến Hoa Kỳ phải được dán nhãn “Made in China”. Vào thời điểm đó, Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ đã đưa ra một thông báo nói rằng biện pháp này phù hợp với sắc lệnh của “Đạo luật Tự trị Hồng Kông” do ông Trump ký vào ngày 14/07/2020 và rằng Hồng Kông sẽ không còn được ưu đãi đặc biệt về thương mại nữa. Bất kỳ hành vi vi phạm nào sẽ bị trừng phạt 10% về thuế quan.
Ông Khâu Đằng Hoa (Edward Yau Tang-wah), Cục trưởng Cục Thương mại và Phát triển Kinh tế đương thời, đã phản ứng lại các quy định do Hoa Kỳ áp đặt và tin rằng các yêu cầu của Hoa Kỳ chỉ đơn giản là một hành động “làm thay đổi tình hình thực tế,” không phù hợp với thực tế, và không phù hợp với thỏa thuận của WTO, cũng như với các quy định về quốc gia xuất xứ trong thương mại quốc tế.”
Vào thời điểm đó, một phóng viên đã hỏi ông tại sao chính phủ kiên quyết phản đối việc dán nhãn “Made in China” trên các sản phẩm của Hồng Kông và liệu điều đó có mâu thuẫn với chính sách “Hồng Kông là một phần của Trung Quốc hay không?” Ông Khâu trả lời rằng đó chỉ đơn giản là phản ánh Hồng Kông đã được công nhận tình trạng thuế quan độc lập, cho thấy các đặc quyền đã được mẫu quốc cấp theo chính sách “Một Quốc gia, Hai Chế độ.”
Hôm 13/08/2020, ông Trump nói rằng trong quá khứ Hoa Kỳ đã dành cho Hồng Kông rất nhiều biện pháp ưu đãi, đó là vì [Hoa Kỳ] đã thấy được rằng Hồng Kông đang thực hành quyền tự do. “Chúng tôi trân trọng tự do, vì vậy chúng tôi đã mang lại cho Hồng Kông rất nhiều lợi ích kinh tế. Bây giờ, khi chúng tôi đã rút lại tất cả những lợi ích này, thì Hồng Kông sẽ không thể cạnh tranh với Hoa Kỳ được nữa.” Ông cũng nói thêm rằng sau khi chấm dứt quy chế đối xử đặc biệt với Hồng Kông, vị thế trung tâm tài chính quốc tế của Hồng Kông chắc chắn sẽ chỉ còn là một dấu chấm hết.
Hôm 30/10 cùng năm, chính phủ Hồng Kông đã yêu cầu WTO giải quyết các khiếu nại của Hồng Kông đối với Hoa Kỳ theo cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO. Vào thời điểm đó, ông Khâu cho biết rằng thật “đáng thất vọng” khi trước đó Hoa Kỳ không có phản ứng thực chất hoặc thỏa đáng nào, nên buộc chính phủ Hồng Kông phải đưa ra thêm hành động để chống lại quyết định này.
Chính phủ Hồng Kông: Xuất cảng sang Hoa Kỳ là không đáng kể
Vào thời điểm đó, ông Khâu nói rằng mặc dù xuất cảng của Hồng Kông sang Hoa Kỳ chiếm chưa đến 0.1% tổng kim ngạch thương mại xuất cảng sang thị trường các nước, nhưng điều đó đã tác động đến các công ty Hồng Kông. Hai năm sau, hôm 22/12, Cục trưởng đương nhiệm của Cục Thương mại và Phát triển Kinh tế, ông Khâu Ưng Hoa (Algernon Yau Ying-wah), đã được các phóng viên hỏi về tác động của hai năm sau khi Hoa Kỳ thực hiện các biện pháp này đối với Hồng Kông. Ông Khâu vẫn nói rằng xuất cảng của Hồng Kông sang Hoa Kỳ “chỉ chiếm khoảng 0.1%” tương đương 7.4 tỷ HKD (940 triệu USD), gọi đó là “rất ít ỏi.” Dù số lượng xuất cảng ít nhưng điều đó vẫn sẽ khiến người tiêu dùng nhầm lẫn giữa nhãn mác “Made in China” và “Made in Hong Kong” cũng như gây ra những sự lo lắng không đáng có cho các nhà sản xuất.
Ông Khâu cho biết phán quyết của WTO là công bằng đối với Hồng Kông và chỉ trích việc cản trở quá trình bổ nhiệm nhân sự cho cơ quan phúc thẩm của WTO.
Cơ chế phúc thẩm của WTO sắp trở nên dư thừa
Trang web của WTO cho thấy tổ chức này có một Cơ quan Phúc thẩm thường trực để giải quyết các khiếu nại. Hoa Kỳ có thể kháng cáo trong vòng 60 ngày, nhưng cả bảy vị trí thành viên của cơ quan này hiện đang bỏ trống và nhiệm kỳ của thành viên cuối cùng đã kết thúc vào ngày 30/11/2020. Điều đó có nghĩa là tất cả các đơn kháng cáo đều không thể được giải quyết và trên thực tế, vẫn còn một số các vụ việc đang tồn đọng.
Theo cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO, sau khi ban chuyên gia gửi một báo cáo lên Cơ quan Giải quyết Tranh chấp, nếu không có khiếu nại trong vòng 20 đến 60 ngày, thì Cơ quan Giải quyết Tranh chấp sẽ thông qua báo cáo này và yêu cầu bên vi phạm thỏa thuận phải hủy bỏ những biện pháp không phù hợp với thỏa thuận này. Tuy nhiên, một khi nước thành viên nào đó kháng cáo, cơ quan này sẽ giữ lại báo cáo đó cho đến khi việc phúc thẩm được giải quyết xong xuôi.
Nie Law, Ying Cheung và Harry McKenny thực hiện
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times