So sánh kinh tế giữa Hồng Kông, Ma Cao và Đài Loan cho thấy ‘một quốc gia, hai chế độ’ chỉ tồn tại trên danh nghĩa
Xuất cảng của Hồng Kông trong tháng Mười Một năm 2022 đã giảm 24.1% so với cùng thời kỳ năm 2021, mức giảm lớn nhất trong vòng 70 năm. Đồng thời, doanh số bán lẻ cũng bất ngờ giảm, mức giảm lớn nhất trong tám tháng, khiến triển vọng phục hồi kinh tế của Hồng Kông trở nên u ám hơn. Các chuyên gia tin rằng cái gọi là “chính trị trên hết” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm kinh tế của Hồng Kông.
50 năm dài hạn được cho là bất khả xâm phạm của hệ thống “một quốc gia, hai chế độ”, nhãn hiệu mà nền kinh tế Hồng Kông dựa vào, đã không còn. Kết quả là, Hồng Kông đã mất đi lợi thế có hệ thống hải quan độc lập của riêng mình. Những gì mà Hương Cảng đang phải chứng kiến là sự hạ cấp hơn nữa khi từ vị thế một trung tâm tài chính quốc tế hạ xuống chỉ còn là một thành phố thương mại quốc tế không hơn không kém.
Số liệu thương mại tháng Mười Một ảm đạm của Hồng Kông
Theo số liệu thương mại tháng Mười Một do Cục Điều tra và Thống kê Hồng Kông công bố, kim ngạch xuất cảng đã giảm xuống còn 360.04 tỷ HKD (khoảng 46.81 tỷ USD), tháng giảm thứ bảy liên tiếp kể từ tháng Năm. Và mức giảm như vậy đã vượt xa kỳ vọng của thị trường là 16.2%, chạm mức giảm lớn nhất kể từ tháng Năm năm 1954.
Theo đó, xuất cảng sang các đối tác thương mại lớn đều sụt giảm nghiêm trọng. Thương mại với Trung Quốc đại lục giảm 29.7%, với Hoa Kỳ giảm 26.8%, với Liên minh Âu Châu giảm hai con số, và với Vương quốc Anh giảm nhiều nhất tới 39.6%. Xuất cảng sang các thị trường lớn của Á Châu cũng suy yếu, với xuất cảng sang Nhật Bản giảm 30.4%, sang Philippines giảm 29.7%, và sang Việt Nam giảm 22.2%.
Tổng giá trị hàng hóa nhập cảng trong tháng Mười Một đã giảm 20.3% so với cùng thời kỳ năm 2021 xuống còn 387.13 tỷ HKD (khoảng 50.33 tỷ USD), giảm 11.9% tính theo tháng so với tháng Mười, mức giảm lớn nhất trong 13 năm. Sau khi bảo hiểm rủi ro cho giá trị hàng hóa xuất nhập cảng, thâm hụt thương mại danh nghĩa đã lên tới 27.1 tỷ HKD (3.47 tỷ USD), tương đương 7% giá trị hàng hóa nhập cảng. Theo giá trị thực, mức này ngang bằng với trước khi đại dịch bùng phát vào năm 2019.
Theo dữ liệu được ghi lại, thương mại và logistics là hai ngành quan trọng nhất ở Hồng Kông, đóng góp 23.7% vào GDP của Hồng Kông trong năm 2021, sử dụng hơn 600,000 nhân viên, chiếm 16.5% tổng số việc làm tại địa phương. Các ngành dịch vụ hỗ trợ kinh doanh và chuyên nghiệp có liên quan đóng góp khoảng 11.4% GDP cho Hồng Kông và sử dụng khoảng 15.5% tổng số lao động. Tất cả những số liệu này cho thấy rằng bất kỳ sự sụt giảm nào trong khu vực thương mại sẽ luôn có tác động sâu sắc đến nền kinh tế và việc làm của Hồng Kông.
Về vấn đề này, bà Phan Tinh Di (Pan Jinyi), phó giám đốc Nghiên cứu Kinh tế và Tình báo Thị trường của S&P Global, cho biết: “Xét từ sự sụt giảm lớn trong các đơn đặt hàng xuất cảng được ghi nhận trong năm, điều đó cho thấy môi trường bên ngoài vẫn còn nhiều thách thức đối với các công ty tư nhân của Hồng Kông.”
Ông Ngô Trác Ân (Gary Ng), nhà kinh tế cao cấp tại Ngân hàng Natixis Á Châu-Thái Bình Dương, nói với The Epoch Times hôm 30/12 rằng dữ liệu thương mại của Hồng Kông trong tháng Mười Một không khả quan. Một mặt, dữ liệu phản ánh sự suy giảm nhu cầu toàn cầu do lãi suất tăng và tác động của sự tấn công lặp đi lặp lại của đại dịch đối với nền kinh tế và lĩnh vực công nghệ ở Trung Quốc đại lục. Mặt khác, việc doanh nghiệp giảm tồn kho dẫn đến đơn hàng tiếp tục giảm.
Vai trò tái xuất cảng của Hồng Kông cũng bị ảnh hưởng
Là một trung tâm trung chuyển quan trọng của các sản phẩm điện tử, vai trò tái xuất truyền thống của Hồng Kông cũng đang đối mặt với những thách thức.
Tờ Economic Daily News của Đài Loan đưa tin hôm 29/12 rằng sau khi NVIDIA, một công ty xử lý đồ họa (GPU) nổi tiếng quốc tế, quyết định chuyển kho thành phẩm của mình từ Hồng Kông sang Đài Loan, Advanced Micro Devices (AMD) cũng đã quyết định chuyển địa điểm kho hàng ở Hồng Kông đến Đài Loan. Đây cũng là công ty đứng thứ hai trong ngành công nghiệp bán dẫn chủ động chuyển đến Đài Loan sau thông báo đầu tư vào Đài Loan của đại công ty bán dẫn Hà Lan ASML trước đó.
Theo bản tin nói trên, Hồng Kông đang ngày càng trở nên tương tự với Trung Quốc đại lục, và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra lại càng bất lợi thêm cho họ. Một khi đại lục bị đặt dưới bất kỳ lệnh cấm vận nào của Hoa Kỳ, thì Hồng Kông có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ chiến tranh thương mại tương tự. Một cách tự nhiên, khách hàng Âu Châu và Mỹ sẽ xem xét đa dạng hóa các rủi ro như vậy. Hồng Kông từng là cơ sở trung chuyển các bộ phận, linh kiện trong ngành công nghệ, nhưng giờ đây Hồng Kông sẽ bị Đài Loan và Singapore thay thế để tránh rủi ro. Khi thực tế này trở thành một xu hướng, vai trò trung chuyển của Hồng Kông sẽ dần suy yếu trong dài hạn.
Trên thực tế, dựa trên tình trạng hải quan độc lập của Hồng Kông trên thế giới, từ lâu, Hồng Kông đã thu được lợi nhuận từ phí dịch vụ thu được từ thương mại trung chuyển. Ông Trang Thái Lượng (Terence Chong Tai-leung), phụ tá giáo sư kinh tế tại Đại học Hồng Kông, trích dẫn dữ liệu năm 2018 làm ví dụ. Ông cho biết khối lượng thương mại trung chuyển của Hồng Kông gấp khoảng ba lần GDP của thành phố này, và phí dịch vụ khoảng 6% của Hồng Kông chiếm 20% GDP. Trong năm 2020 và 2021, Hồng Kông là nhà xuất cảng hàng hóa lớn thứ sáu thế giới.
Sau khi ĐCSTQ ban hành “Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông” năm 2020, Tổng thống Hoa Kỳ đương thời Donald Trump đã ký một sắc lệnh tổng thống hôm 14/07 năm đó, hủy bỏ quy chế thuế quan đặc biệt và đối xử kinh tế đặc biệt đối với Hồng Kông, đồng thời hủy bỏ quyền xuất cảng đặc biệt của Hồng Kông đối với các công nghệ nhạy cảm. Nhìn chung, sự hủy bỏ này có nghĩa là nhãn hiệu “một quốc gia, hai chế độ” của Hồng Kông không còn được công nhận kể từ đó.
Hôm 11/08 cùng năm (2020), Hoa Kỳ thông báo rằng bắt đầu từ hôm 09/11/2020, khi các sản phẩm sản xuất tại Hồng Kông được xuất cảng sang Hoa Kỳ, nhãn xuất xứ sẽ cần phải được thay đổi từ “Made in Hong Kong” thành “Made in China”. Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ thông báo rằng theo sắc lệnh “Đạo luật Tự trị Hồng Kông”, Hồng Kông sẽ không còn được hưởng đối xử đặc biệt trong thương mại và bất kỳ ai bị phát hiện vi phạm các quy định này sẽ bị áp mức thuế trừng phạt 10%.
Ông Ngô Minh Đức (Victor Ng Ming-tak), một chuyên gia ngân hàng cao cấp ở Hồng Kông, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với chương trình “Trân Ngôn Chân Ngữ” (“Precious Dialogues”) rằng vấn đề thương mại yếu kém sẽ không được giải quyết trong thời gian ngắn. Nhân tố dài hạn ảnh hưởng đến nền kinh tế Hồng Kông là nhãn hiệu “một quốc gia, hai chế độ” gần như đã biến mất. Từ đó, Hồng Kông đã mất đi lợi thế là một khu vực hải quan độc lập. Danh tiếng của thành phố trong tư cách một trung tâm tài chính quốc tế giờ chỉ còn là một thành phố thương mại quốc tế.
Ông nói: “Chừng nào vấn đề về hệ thống pháp luật chưa được giải quyết và ‘Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông’ chưa được rút lại, vốn ngoại quốc sẽ không có niềm tin để tiếp tục ở lại và phát triển ở Hồng Kông.”
Doanh số bán lẻ sụt giảm, tình trạng thất thoát chất xám tiếp tục, vị thế trung tâm tài chính không còn được công nhận
Theo dữ liệu do Cục Điều tra và Thống kê Hồng Kông công bố hôm 03/01, doanh số bán lẻ trong tháng Mười Một là 29.5 tỷ HKD (khoảng 3.84 tỷ USD), giảm 4.2% so với cùng thời kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng dự kiến 4.8% của các nhà kinh tế và là mức tệ nhất kể từ tháng 03/2022.
Hôm 05/01, S&P Global đã công bố Chỉ số Quản lý Mua hàng (PMI) mới nhất của Hồng Kông, đạt mức 49.6 trong tháng Mười Hai. Đây là tháng thứ tư liên tiếp chỉ số này ở dưới mức 50 (mức trung lập), phản ánh nền kinh tế Hồng Kông đang tiếp tục trong trạng thái thu hẹp.
Kể từ đầu năm 2020, các biện pháp phòng chống đại dịch nghiêm ngặt và hạn chế kiểm dịch đối với nhập cảnh đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành dịch vụ ăn uống và du lịch của Hồng Kông. Người ngoại quốc và người dân địa phương đã ồ ạt rời khỏi Hồng Kông, và việc khả năng cạnh tranh với những nơi như Singapore cho vị thế trung tâm khu vực đang giảm dần đã gây ra mối lo ngại rộng rãi.
Hồi tháng 06/2020, Đại học Trung văn Hồng Kông đã công bố một cuộc thăm dò cho biết khoảng 37% người Hồng Kông đang cân nhắc việc di cư ra ngoại quốc. Trong 60 năm qua, Hồng Kông đã duy trì tốc độ tăng dân số ổn định, ngoại trừ sự sụt giảm nhẹ trong thời kỳ “SARS” ngắn ngủi vào năm 2003.
Theo dữ liệu do Cục Điều tra và Thống kê Hồng Kông công bố, trong hai năm tính đến tháng 06/2022, dân số Hồng Kông đã giảm khoảng 216,000 người (tương đương 2.8%) xuống còn 7.3 triệu người. Những lo ngại về việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gia tăng kiểm soát càng khiến tình hình thêm nghiêm trọng.
Do đó, hồi tháng 10/2022, Trưởng đặc khu Hồng Kông Lý Gia Siêu (John Lee Ka-chiu) đã công bố các biện pháp khuyến khích “thu hút nhân tài” và “thu hút doanh nghiệp” nhằm đảo ngược tình trạng thất thoát chất xám (brain drain) do các biện pháp phòng chống đại dịch nghiêm ngặt và bất ổn chính trị gây ra trong nhiều năm.
Ông Ngan Po-kong, cựu giám đốc kênh Tài chính của Hong Kong Cable TV, cho rằng năm 2022 là một năm khó khăn đối với thị trường tài chính Hồng Kông. Quỹ Ngoại hối Hồng Kông (Hong Kong Exchange Fund, quỹ do cơ quan quản lý tiền tệ Hồng Kông điều hành) đã lỗ 265.5 tỷ HKD (khoảng 34.52 tỷ USD) trong ba quý đầu tiên, ghi nhận khoản lỗ lớn thứ hai trong lịch sử. Giá địa ốc cũng giảm 15% trong cả năm, mức giảm lớn nhất trong 15 năm qua. Chỉ số Hang Seng từng giảm xuống dưới 15,000 điểm, đạt mức thấp mới trong 13 năm. Mặc dù đã lấy lại được một số điểm đã mất trong hai tháng qua, nhưng chỉ số này vẫn giảm 15% trong cả năm và trong ba năm liên tiếp.
Ông Ngan tin rằng chính trị trên hết là nguyên nhân chính của sự sụt giảm kinh tế này. Ví dụ, cách giải thích luật gần đây của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc của ĐCSTQ phản ánh rằng các tòa án không còn có thể phản đối quyết định về an ninh quốc gia, điều chính thức tượng trưng cho sự sụp đổ của hệ thống tư pháp Hồng Kông. Ông nói, “Những tổn thất của Hồng Kông vào năm 2022 tất nhiên không chỉ giới hạn ở thị trường tài chính và tài sản. Điều mà Hồng Kông mất nhiều nhất là sự công nhận của cộng đồng quốc tế, hay nói một cách đơn giản, là vị thế của Hồng Kông như một trung tâm tài chính quốc tế.”
So sánh Hồng Kông, Ma Cao, và Đài Loan
Ba năm trước, ĐCSTQ đã liệt kê dòng tiền xuyên biên giới được sử dụng để đánh bạc là rủi ro an ninh quốc gia, và đàn áp nghiêm ngặt các hoạt động đánh bạc ở ngoại quốc, dẫn đến việc rút một lượng lớn tiền khỏi Ma Cao. Cùng với tác động của đại dịch, doanh thu từ sòng bài của Ma Cao vào năm 2022 chỉ là 42.2 tỷ pataca (khoảng 5.2 tỷ USD), mức thấp nhất kể từ năm 2004. Điều này đã tạo ra thâm hụt tài khóa lớn và áp lực lên chính quyền Ma Cao, vốn có truyền thống dựa vào doanh thu từ sòng bài cho mục đích tài chính thích hợp của họ.
Tuy nhiên, trái ngược với suy thoái kinh tế ở cả Hồng Kông và Ma Cao, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Đài Loan đạt 6.45% vào năm 2022, cao nhất trong vòng 11 năm và GDP bình quân đầu người lần đầu tiên vượt mức 30,000 USD.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo đến năm 2022, GDP bình quân đầu người của Đài Loan có thể lần đầu tiên vượt Nhật Bản và Nam Hàn, trở thành nền kinh tế số một Đông Á và lớn thứ 21 thế giới.
Ông Quý Đạt (Ji Da), một chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc tại Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times hôm 03/01 rằng sự phát triển của Hồng Kông từng là một phép lạ trong lịch sử các nền kinh tế thế giới. Hồng Kông được đánh giá là nơi kinh tế tự do nhất thế giới trong nhiều năm liên tiếp. Ba phần tư trong số 100 ngân hàng lớn nhất thế giới hoạt động tại Hồng Kông và số lượng các công ty đa quốc gia có trụ sở và văn phòng khu vực ở Hồng Kông vượt xa các thành phố khác trong khu vực Á Châu-Thái Bình Dương.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times