Hệ thống ngoại giao của ĐCSTQ hỗn loạn sau khi Ngoại trưởng Vương Nghị vắng mặt tại hai sự kiện quốc tế quan trọng
Tình hình chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) rất khó lường, với những cơn sóng ngầm đang dâng cao trong hệ thống ngoại giao. Bộ trưởng Ngoại giao ĐCSTQ Tần Cương, một người thân tín của ông Tập Cận Bình, không xuất hiện công khai trong gần ba tháng. Do đó, hồi tháng Bảy, ông Vương Nghị đã được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, thay cho ông Tần Cương. Tuy nhiên, hôm 15/09, ĐCSTQ chính thức thông báo ông Vương sẽ vắng mặt tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, sau lần vắng mặt hiếm hoi của ông tại Hội nghị Thượng đỉnh G20.
Các chuyên gia tiết lộ, ông Vương Nghị đã chọc giận Chủ tịch Tập Cận Bình do sai sót trong việc sắp xếp tại hội nghị thượng đỉnh BRICS. Ông Vương đã bị ông Tập chỉ trích nặng nề và yêu cầu kiểm điểm. Hiện nay, toàn bộ hệ thống ngoại giao của ĐCSTQ đang trong tình trạng hỗn loạn.
Ông Vương Nghị vắng mặt tại G20 và bị chỉ trích vì sai lầm trong việc sắp xếp ở hội nghị thượng đỉnh BRICS
Theo trang web chính thức của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ, sự kiện công khai cuối cùng của ông Vương Nghị là vào ngày 07/09.
Vào ngày này, ông Vương đã gặp Phó Tổng thống Venezuela Rodriguez.
Cùng ngày, cuộc đối thoại cao cấp Trung Quốc-Úc lần thứ bảy đã được tổ chức tại Bắc Kinh. Ông Lý Triệu Tinh (Li Zhaoxing), nguyên Bộ trưởng Ngoại giao ĐCSTQ, giữ chức trưởng phái đoàn Trung Quốc. Theo các thông tin chính thức, sau cuộc đối thoại, Ngoại trưởng Vương Nghị đã có cuộc gặp chung với phái đoàn Úc.
Ông Vương Nghị được cho là sẽ tháp tùng Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 từ ngày 09/09 đến 10/09, nhưng ông đã vắng mặt.
Hôm 13/09, ông Hàn Liên Triều (Han Lianchao), người từng làm việc trong Bộ Ngoại giao của ĐCSTQ và Thượng viện Hoa Kỳ, đã viết trên nền tảng mạng xã hội X: “Liệu có chuyện gì xảy ra với ông Vương Nghị không? Sáng nay tôi nhận được tin nhắn của một người bạn cũ, nói rằng ông Vương Nghị đang viết bản tự kiểm điểm ở nhà. Quả thực là kỳ lạ khi ông ấy không đi cùng ông Lý Cường đến G20. Gần đây, có thông tin xác nhận ông sẽ không tham dự Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Các hoạt động đằng sau hậu trường của ĐCSTQ ngày càng đen tối khiến ngoại giới khó có thể suy đoán. Tóm lại, đó là một vở diễn hay, và chúng ta cũng tận dụng chuyện này để giải trí một chút.”
Hôm 15/09, ông Viên Hồng Băng (Yuan Hongbing), một học giả luật ở Úc, người nắm rõ tình hình chính trị của ĐCSTQ, đã tiết lộ với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times một số bí mật về các quan chức hàng đầu của ĐCSTQ, đặc biệt là Bộ Ngoại giao.
Ông cho biết gần đây có tin từ Trung Quốc truyền ra nói rằng, trước thềm G20, ông Tập Cận Bình đã đến Nam Phi tham dự hội nghị BRICS, và có nhiều vấn đề nảy sinh do sự sắp xếp không tốt của Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị. Trong đó có sự việc thư ký của ông Tập Cận Bình bị chặn ngoài cửa, cầu thang xoắn ốc nơi ông Tập Cận Bình xuống phi cơ trơn trượt, v.v. Những vấn đề này đã không được sắp xếp chu toàn.
Nhà bình luận độc lập Thái Thận Khôn (Cai Shenkun) nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng sai lầm trong việc sắp xếp của ông Vương Nghị tại hội nghị BRICS ở Nam Phi chắc chắn đã khiến ông Tập Cận Bình rất tức giận, dẫn đến việc ông Tập không tham dự G20 và ông Vương cũng vắng mặt ở G20.
Tuy nhiên, ông Thái không cho rằng ông Tập sẽ thay thế ông Vương Nghị ngay lập tức. Bởi vì việc thay đổi bộ trưởng ngoại giao thường xuyên như vậy sẽ là một trò cười đối với quốc tế. Ông cho hay, “Nếu các bộ trưởng ngoại giao bị thay đổi thường xuyên, cộng đồng quốc tế sẽ không biết nền ngoại giao của ĐCSTQ sẽ đi về đâu trong tương lai, và họ sẽ không biết phải liên hệ với nhà ngoại giao nào của ĐCSTQ. Toàn bộ cộng đồng quốc tế sẽ bối rối.”
Bộ Ngoại giao ĐCSTQ xác nhận ông Vương Nghị sẽ không tham dự Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc
Gần đây, nhiều nguồn tin cho biết ĐCSTQ dự định cử Phó Chủ tịch nước Hàn Chính tới tham dự cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Phó Chủ tịch nước là một chức vụ chủ yếu mang tính nghi lễ.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ hôm 15/09, phát ngôn viên Mao Ninh xác nhận ông Hàn Chính, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, sẽ tham dự phiên thảo luận chung của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 78 diễn ra từ ngày 18/09 đến ngày 23/09. Trong thời gian này, ông Hàn Chính sẽ tham dự một số sự kiện của Liên Hiệp Quốc và tổ chức các cuộc gặp song phương với Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 78, và lãnh đạo các quốc gia liên quan.
Ông Thái Thận Khôn cho rằng trước đây ngoại trưởng phải tham dự các cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, nhưng lần này ông Vương Nghị sẽ không được phép tham dự. Từ góc độ này, có thể thấy ông Tập Cận Bình hiện không hài lòng với ông Vương. Theo ông Thái, về việc ông Vương có vấn đề lớn đến mức nào, nếu ông Tập muốn phong sát ông ấy thì khẳng định là dễ dàng thông qua việc điều tra vấn đề ngoại giao trước đây của ông Vương. Đặc biệt là quá trình ngoại giao tiền tệ, đều là việc do ngoại trưởng giải quyết. Ngoại giao tiền tệ là một vấn đề tài chính bí mật trong nội bộ ĐCSTQ, và cũng có những sơ hở hoặc rò rỉ lớn. Rất nhiều chuyện chắc chắn sẽ bị bại lộ nếu điều tra. Vậy nên, ông Vương Nghị có xảy ra chuyện gì hay không thì vẫn cần phải quan sát.
Tại cuộc họp báo hôm 15/09, phóng viên Reuters hỏi: “Có tin ông Vương Nghị sẽ tới Moscow vào tuần tới để gặp Ngoại trưởng Nga Lavrov. Bà có thể xác nhận không?”
Bà Mao Ninh không trả lời trực tiếp mà chỉ nói rằng, “Trung Quốc và Nga luôn duy trì sự liên lạc chặt chẽ. Quý vị có thể theo dõi tình hình mới nhất.”
Trước đó, khi được hỏi câu hỏi tương tự tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 13/09, câu trả lời của bà Mao hoàn toàn giống với hôm 15/09.
Hệ thống Ngoại giao của ĐCSTQ đang hỗn loạn
Ông Viên Hồng Băng cho biết thêm, sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, toàn bộ chính sách và phong cách ngoại giao của ông đã trải qua những thay đổi lớn. Trong thời kỳ ông Chu Ân Lai quản lý Bộ Ngoại giao, Bộ này đã thực hiện một chính sách đối ngoại rất giảo hoạt với nhiều tính toán chiến lược. Trong thời kỳ ông Đặng Tiểu Bình và ông Giang Trạch Dân, họ đã đi theo đường lối ngoại giao được gọi là “thao quang dưỡng hối” (giấu năng lực, tránh phát sáng). Bề ngoài, họ muốn duy trì mối bang giao tốt đẹp với Hoa Kỳ và châu Âu, nhưng lại ngấm ngầm khuyến khích Hoa Kỳ và châu Âu thỏa hiệp với các chính sách chuyên chế của ĐCSTQ, từ đó tạo ra cơ hội chiến lược phát triển kinh tế của ĐCSTQ.
Ông Viên nói rằng dưới thời ông Tập Cận Bình, ông Tập đã thực hiện chính sách ngoại giao “chiến lang” toàn diện, tấn công mọi hướng và gây thù địch từ mọi hướng. Nhiều nhân viên trong Bộ Ngoại giao không quen với phong cách của ông Tập nên hiện nay toàn bộ hệ thống ngoại giao đang hỗn loạn.
Ông Vương Nghị làm việc trong Bộ Ngoại giao ĐCSTQ từ năm 1982 và từng bước được thăng chức. Từ năm 2013 đến 2018, ông Vương giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Phó Bí thư Đảng ủy; từ năm 2018 đến 2022, ông Vương giữ chức Ủy viên Quốc vụ viện và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
Ông Thái Thận Khôn cho biết đường lối ngoại giao của ĐCSTQ có liên quan đến xung đột nội bộ. Tình thế mà ĐCSTQ phải đối mặt là họ nên tiếp tục duy trì bang giao hữu nghị với các nước phương Tây, hay duy trì phong cách ngoại giao chiến lang? Nên đi theo con đường nào? Trước đây, ông Tập có thể ngưỡng mộ chính sách ngoại giao “chiến lang” của ông Vương Nghị, nhưng sau mười năm nắm quyền, ông phát hiện ngoại giao “chiến lang” không mang lại bất kỳ lợi ích nào cho ông. Theo ông Thái, có thể ông Tập thắc mắc liệu ông Vương có đang cố tình gài bẫy mình hay không? Phải chăng ông Vương cố ý đặt ông vào tình thế bị toàn dân trong nước và cộng đồng quốc tế thù địch?
Ông Thái cho rằng chính sách ngoại giao “chiến lang” của ĐCSTQ về cơ bản đã kết thúc và sẽ không thể tiếp tục nếu không có sự điều chỉnh. Ngay cả khi ông Vương Nghị tiếp tục giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao, thì ông ấy cũng phải điều chỉnh phong cách ngoại giao của mình, nếu không đường lối ngoại giao của ĐCSTQ về cơ bản sẽ đi vào ngõ cụt. Hoa Kỳ và các nước phương Tây, kể cả các nước đang phát triển, sẽ không còn sẵn sàng giao thiệp với ĐCSTQ. Ngay cả các quốc gia nghèo và nhỏ cũng không còn nguyện ý giao thiệp với ĐCSTQ nữa. Có thể nói ông Vương Nghị là nguyên nhân lớn nhất gây ra những thất bại ngoại giao của ĐCSTQ trong thập niên qua.
Ông Viên Hồng Băng tiết lộ, toàn bộ hệ thống ngoại giao của ĐCSTQ hiện đang hỗn loạn và trục trặc. Ông Tập Cận Bình không thể tìm được một bộ trưởng ngoại giao vừa có năng lực vừa trung thành tuyệt đối với mình.
Ông Viên một lần nữa nhấn mạnh rằng bất mãn với ông Tập là hiện tượng phổ biến trong giới quan chức ĐCSTQ. Tuy nhiên, dưới cuộc thanh trừng quyền lực tàn khốc của ông Tập, nhìn chung, bầu không khí khủng bố đã tràn ngập trong hệ thống quan chức. Bề ngoài, các quan chức phải tiếp tục thể hiện lòng trung thành với ông Tập để tránh bị cách chức và thanh trừng, nhưng sâu bên trong, sự bất mãn của họ đối với ông Tập đã tích tụ từ lâu. Trong bối cảnh đó, việc xuất hiện “kẻ hai mặt” là hiện tượng phổ biến trong giới quan chức. Hơn nữa, các quan chức của ĐCSTQ nhìn chung đều “thảng bình” (nằm yên, không quan tâm), không ai sẵn sàng chịu trách nhiệm.
Mai Thanh lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ