Hành trình vị thuyền trưởng chiến thắng trong Chiến tranh cách mạng Mỹ và trở thành cha đẻ của Hải quân Hoa Kỳ
Làm thế nào vị thuyền trưởng thuộc địa chiến thắng trong điều kiện bất lợi và đánh bại quân đội Anh.
Bốn tàu Hải quân lục địa chầm chậm đi dọc theo bờ biển phía đông nước Anh. Dẫn đầu là tàu Bonhomme Richard do thuyền trưởng John Paul Jones chỉ huy, các tàu Alliance, Pallas, và Vengeance di chuyển theo làn gió Tây Nam nhẹ.
Jones và đội tàu nhỏ của ông đã săn lùng các tàu của Anh trong nhiều tháng và có được những thành công tương đối, giành được một vài chiến lợi phẩm, gồm cả tàu chiến HMS Drake. Nhưng ông đã gây đủ rắc rối khiến người Anh náo động về khả năng phòng vệ yếu kém nơi bờ biển của họ. Thủy thủ đoàn của ông đã gây ra nỗi sợ hãi này khi họ xâm lược vùng Whitehaven, một thị trấn cảng biển nhỏ nằm ở phía tây bờ biển Scotland (nơi ông lớn lên và bắt đầu sự nghiệp hàng hải).
Đó là ngày 23/9/1779, chính xác là 17 tháng sau cuộc xâm lược và bắt giữ tàu Drake. Jones đang nhắm đến điều gì đó lớn hơn: một chiến lợi phẩm đích thực và cơ hội đem về sự vinh quang. Ông chờ đợi Hạm đội Baltic của Anh quay về, hàng chục tàu buôn chở lượng lớn hàng hóa. Buổi chiều trôi qua, một tiếng hét vang lên trên boong lái – hạm đội đã được phát hiện. Trước khi Jones kịp đưa ra mệnh lệnh “General Chase*”, các thuyền trưởng khác đã xuất phát tiến đến mục tiêu.
Một đối thủ xứng tầm
Trong thủy thủ đoàn Hạm đội Baltic có Đại úy Richard Pearson của tàu HMS Serapis, một tàu chiến được trang bị 44 khẩu súng, nhận được tin báo rằng “Cướp biển Paul Jones” khét tiếng mà người Anh thường nghe danh, đã được phát hiện trong khu vực. Đại úy Pearson chỉ huy con tàu của ông cùng với tàu nhỏ một buồm tên là Countess of Scarborough, đặt mình giữa các tàu buôn không có khả năng phòng vệ và bốn con tàu đang đến. Đại úy Pearson là người có 30 năm sành sõi biển cả và có được rất nhiều huân chương, dày dạn kinh nghiệm trong chiến tranh hàng hải. Ông buộc phải phân xử kẻ phá hoại Quân đội Hoàng gia người Mỹ này, bằng cách nhấn chìm hắn xuống đáy Biển Bắc hoặc đưa lên giá treo cổ ở London.
Các chiến hạm của đội Hải quân Lục địa di chuyển tuần tự ngược dòng chảy và hướng về mục tiêu, cơn gió với tốc độ không đáng kể hầu như không giúp được gì. Thuyền trưởng Jones thất vọng nhìn những chiếc tàu buôn tiến gần hơn về phía đất liền và sự trang bị súng tại Lâu đài Scarborough. Kế hoạch ban đầu của ông là chia cắt đoàn tàu và chiếm tài sản trên đó. Ông nhanh chóng lấy lại tinh thần khi nhìn thấy một chiếc tàu có mui màu vàng đang tiến về phía mình. Đó chính là tàu Serapis và con tàu Countess of Scarborough theo sát phía sau. Vinh quang không còn chờ đợi ông nữa. Nó đang chủ động tiến thẳng đến ông.
Ngay khi buổi tối kết thúc, mệnh lệnh “Beat to Quarters” được xướng lên từ boong lái Continental. Trống bắt đầu gõ đệm nhịp nhàng bởi các thủy thủ la hét và chạy dọc theo boong tàu. Các sĩ quan chỉ huy và cấp dưới hối hả tiến về phía 40 khẩu súng được lắp ráp trong buồng súng, boong súng và boong lái. Lính thủy đánh bộ cũng đóng quân và được điều động dọc theo boong súng. Thuyền trưởng Jones đã thực hiện một mánh khóe thông dụng và điều gì đó có thể làm trì hoãn cuộc tấn công của Pearson ― một lá cờ Anh đã được kéo lên ở cột buồm.
Không được trang bị vũ khí đúng mức và chỉ có những khẩu pháo cũ của Pháp, tàu Bonhomme Richard chậm chạp hơn là bên yếu thế trong cuộc chiến này. May mắn cho thuyền trưởng Jones, ông được hưởng lợi thế với đội tàu có 4 chiếc, gấp đôi số lượng tàu của Hải quân Hoàng gia. Có lẽ cuộc chiến này sẽ thắt chặt tình đồng đội vốn đang thiếu mất giữa ông và các thuyền trưởng cấp dưới. Trận chiến ác liệt luôn gắn kết những người đàn ông theo cách mà không điều gì sánh được. Ông sẽ chứng minh rằng khi ra trận, ông là một thuyền trưởng xứng đáng để tuân theo và phục tùng. Tuy nhiên, lúc đã đến gần kẻ thù, và ngày đã sang chạng vạng, ông phát hiện ba chiếc tàu trong đội đã biến mất. Không ai biết chắc rằng họ bị mất dấu chiếc Bonhomme Richard, hay là rời đi sau hàng chục tàu buôn, hay là chọn bỏ rơi thuyền trưởng Jones. Bất luận thế nào, ông không còn thắng thế về số lượng tàu lớn hơn nữa.
Khi này, thuyền trưởng Jones đưa ra mệnh lệnh “Form Line of Battle*” (tạm dịch: dàn trận chiến tuyến.) Ông không bao giờ nghĩ đến bỏ chạy, mà dẫu có như vậy thì con tàu buôn cũ kỹ được tân trang của ông sẽ không thể vượt qua được các tàu chiến Anh quốc tối tân. Ông nhìn sang phía Tây hướng về Flamborough Head, nơi có những vách đá trắng nhô ra biển khoảng 12200m. Khi mặt trời lặn xuống sau những vách đá, trăng tròn mùa thu bắt đầu ló dạng trên Đại Tây Dương.
Hai con tàu đã đủ gần nhau để các thuyền trưởng gọi chào nhau. Theo ông Nathan Fanning, chuẩn úy hải quân trên tàu Bonhomme Richard, khi ấy mặt biển “hoàn toàn êm ả”. Thời tiết quả là thích hợp cho cuộc đối thoại. “Đó là con tàu nào?” – đại úy Pearson hỏi. Người lái tàu theo lệnh của thuyền trưởng Jones hét đáp lại “Tàu Princess Royal.” “Từ đâu đến?” Sự lưỡng lự kéo dài đã khẳng định nghi ngờ của đại úy Pearson: “Nói cho ta biết ngay lập tức, bằng không ta sẽ nổ súng tấn công!”
Trận chiến bắt đầu
Vào khoảng 7:15 tối và ở khoảng cách cỡ 22m, hai thuyền trưởng không thể trì hoãn thêm và đồng thời nổ súng, đạn đại bác xé toạc các con tàu. Trận chiến Flamborough Head đã bắt đầu.
Khi trúng phát đạn thứ hai, một (có lẽ là hai) khẩu pháo nặng 8.1kg trong phòng súng phát nổ, khiến binh lính chết và bị thương nghiêm trọng, và gây ra một lỗ hổng ở mạn phải của tàu Bonhomme Richard. Thuyền trưởng Jones có 6 khẩu pháo 8,1 kg tất cả, nhưng giờ đây chúng quá nguy hiểm để dùng. Ông buộc phải chiến đấu với một tàu chiến nhanh hơn, có vũ trang mạnh hơn mà không thể sử dụng khẩu pháo lớn nhất của mình.
Nhằm tăng cường khả năng cơ động, thuyền trưởng Jones đang thuận chiều gió, đã nhanh chóng đánh cắp gió từ tàu Serapis và di chuyển vượt lên trên, một động thái hung hãn điển hình của các sĩ quan Anh. Hành động của Jones đã trở thành một cơ hội chiến thuật cho Pearson. “Điều tàu ngược gió!” thuyền trưởng người Anh hét lên. Người chỉ huy Serapis xoay bánh khi mạn trái của nó lao qua đuôi tàu Bonhomme Richard, pháo bắn trúng vào kính và các chi tiết trang trí ở phía sau tàu Mỹ. Trong vòng 20 phút đầu tiên của trận chiến, 22 trong số 25 lính thủy đánh bộ trên boong tàu phía sau của tàu Bonhomme Richard đã chết.
Chuẩn uý hải quân Fanning sau này đã viết: “[Tàu Serapis] đã tàn phá thủy thủ đoàn của chúng tôi. Những người đàn ông đã ngã xuống hàng loạt ở tất cả các bộ phận của con tàu.”
Khi đại úy Pearson đi ngang qua Jones, các khẩu pháo của ông tiếp tục bắn và gây nhiều thiệt hại, kể cả phần bên dưới mực nước. Lợi dụng lúc thuận gió, ông tiếp tục di chuyển nhanh xung quanh tàu Bonhomme Richard. Ông muốn tàn phá phần mũi tàu của kẻ thù như cách đã làm với phần đuôi tàu của nó. Tuy nhiên, cơn gió đã dừng lại, đẩy tàu Serapis vào tình huống bấp bênh và tạo lợi thế cho thuyền trưởng Jones. Mũi tàu của Jones tiếp cận gần cột buồm của tàu Serapis khi ông đến gần đuôi tàu. Các thủy thủ lục địa được trang bị giáo mác và súng ngắn bắt đầu tung những chiếc móc neo kéo thuyền nhằm tràn lên tàu đối phương. Việc sử dụng rầm néo buồm (ở mũi nhọn tàu thuỷ) làm cầu nối đã không có tác dụng khi quân Anh bắn vào những người cố gắng lên tàu, đồng thời cắt dây móc neo. Thuyền trưởng Jones ngay lập tức hủy bỏ kế hoạch tấn công.
Tình trạng thiếu gió đầy thuận lợi
Tàu Serapis một lần nữa nổ súng tấn công với sức mạnh chết người. Tàu Bonhomme Richard giờ đây đang hút lượng nước nhiều hơn khả năng hoạt động của máy bơm. Các boong tàu bị sóng cuốn đi cùng với máu và chết chóc. Nếu Jones không hạ cờ đầu hàng hoặc nắm thế lèo lái chiến hạm tức thì và áp đảo, đoàn người của ông sẽ kết thúc số mệnh tại đại dương sâu thẳm. Trong khi thuyền trưởng hai bên đều hy vọng nắm thế điều động cuối cùng để kết thúc trận chiến thì gió ngừng thổi, khiến hai con tàu chậm chậm va vào nhau. Thời điểm không thể thuận lợi hơn đã xuất hiện.
Rầm néo buồm của tàu Serapis đã cắm thẳng vào dây thừng trên cột buồm của tàu Bonhomme Richard. Khi nhìn thấy điều đó, thuyền trưởng Jones biết rằng đây là một phép màu. Ông leo nhanh lên cái thang dẫn đến boong ở phía đuôi tàu, nhanh chóng buộc dây vào cột buồm và yêu cầu người lái tàu đưa một sợi dây thừng lớn hơn. Ông định nối hai con tàu lại với nhau bằng cách buộc một sợi dây xung quanh cầu tàu (phần kéo dài của rầm néo tàu) của kẻ thù và cột buồm của ông. Người lái tàu bắt đầu chửi thề, có thể là do sự xuất sắc hoặc tính điên rồ của ý tưởng này. Thuyền trưởng Jones, đang ở mức adrenaline cao nhất, tuỳ hứng nói đùa: “Đây không phải lúc để chửi thề đâu. Vào khoảnh khắc tiếp theo, anh có thể ở cõi vĩnh hằng, nhưng bây giờ hãy để chúng tôi thực hiện nhiệm vụ.”
Đại úy Pearson phản công bằng cách thả neo với hy vọng kéo hai con tàu ra xa nhau và sử dụng khẩu pháo để kết thúc trận chiến. Neo tàu đã được cố định vào đáy đại dương, nhưng hai con tàu vẫn còn buộc với nhau. Vào thời điểm cầu tàu bị gãy dưới áp lực, các thủy thủ đã cố định các móc neo kéo thuyền của họ. Lợi thế duy nhất của tàu Bonhomme Richard trước tàu Serapis là chiều cao, và lính hải quân đã tận dụng lợi thế này, họ nổ súng bắn những thủy thủ người Anh đang mạo hiểm mạo chặt các sợi dây thừng. Trong khi hai con tàu đối mặt với nhau theo hướng đối ngược và lính hải quân tiếp tục bắn tỉa, bên dưới boong là súng đại bác đang hoành hành.
Một phản ứng đáng nhớ
Tin tức từ các lái buôn đã lan truyền đến người dân địa phương rằng “Cướp biển Jones” đã bị bao vây. Trên đỉnh Flamborough Head, người Anh đã tụ tập dưới ánh trăng tròn để xem vũ điệu hàng hải này.
Khi hai con tàu chiến đấu với nhau và các thủy thủ và binh lính bắn tỉa qua mũi tàu, tranh nhau dập lửa và cố gắng giữ tàu không bị chìm, một con tàu khác cũng tham gia vào trận đánh. Trước sự kinh hoàng không chỉ của người Anh, mà của thuyền trưởng Jones và toàn bộ thủy thủ đoàn, cuối cùng tàu Alliance do thuyền trưởng người Pháp Pierre Landais chỉ huy đã đến nơi. Thuyền trưởng Jones và Landais đã thất bại với nhau một tháng trước đó, và Landais thực sự thách thức Jones đấu tay đôi. Vì một lý do khó hiểu nào đó, có lẽ là vì thái độ khinh thường với thuyền trưởng Jones, thuyền trưởng Landais đã ra lệnh bắn đạn chùm vào cả hai con tàu, và đợt thứ hai vào tàu Bonhomme Richard. Phát súng giao hữu, hoặc có lẽ không phải như vậy, đã dẫn đến thương vong trên tàu Mỹ. Gần như ngay sau khi thuyền trưởng Landais đến, ông đã đi mất, khiến người Mỹ rơi vào cảnh còn tồi tệ hơn trước khi ông đến.
Thiệt hại đối với con tàu Mỹ là quá lớn đến mức khoảng 100 tù nhân người Anh phải được thả ra để không bị chìm. Ông John Gunnison, thợ đóng tàu và ông Henry Gardner, sĩ quan bảo dưỡng tàu, thống nhất rằng tàu Bonhomme Richard đã bị mất. Chạy nhanh đến boong tàu, họ không tìm thấy thuyền trưởng Jones và thấy cờ hiệu bị mất ở lan can sau khoang lái. Thuyền trưởng Jones chắc đã tử trận. Ông Gardner, không thể xác định được vị trí của trung úy – đã khóc thảm thiết.
Thuyền trưởng Jones và đại úy Pearson nghe thấy tiếng khóc, nhưng với các phản ứng khác nhau. Thuyền trưởng Jones, trong cơn giận dữ với sự láo xược của Gardner, đã cố gắng bắn ông, nhưng đã dùng mất viên đạn cuối cùng, vì vậy ông ném khẩu súng lục của mình vào đầu Gardner, khiến Gardner bất tỉnh. Đại úy Pearson hét lên, “Đầu hàng chưa?”
Thuyền trưởng Jones muốn nói rõ lập trường của mình nhất có thể. Vinh quang của trận chiến này sẽ không kết thúc bằng một tiếng khóc, và Jones không muốn thấy mình bị xét xử trước một tòa án Anh và kết thúc bằng sợi dây treo cổ. Ông đã thông báo với đại úy Pearson, cũng như những thủy thủ đoàn và tù nhân của mình: “Ta vẫn còn chưa bắt đầu!”
Rất nhanh sau đó, tàu Alliance trở lại, bắn đạn chùm vào mũi tàu của cả hai. Các thủy thủ người Mỹ la hét và nguyền rủa thuyền trưởng người Pháp khi ông một lần nữa giong buồm đi mất. Tuy nhiên, ở phía xa, một trong số các tàu của Jones đang thực hiện nhiệm vụ. Tàu Pallas, do thuyền trưởng người Pháp Denis Cottineau chỉ huy, đã đánh bại tàu chiến Countess of Scarborough.
Cú đánh quyết định
Súng trường và đại bác tiếp tục bắn tỉa khi các thủy thủ và lính thủy đánh bộ định vị tốt hơn trên các giàn của cột buồm. Một thủy thủ là William Hamilton trèo qua một trong những sân chính, mang theo diêm và một túi lựu đạn. Không mất nhiều thời gian để ông tấn công đúng mục tiêu. Ông ném một quả lựu đạn vào một cửa boong súng đang mở. Vụ nổ lựu đạn dẫn đến phản ứng nổ dây chuyền. Cú ném hoàn hảo của thủy thủ Hamilton đã phá hủy các khẩu đại bác, giết chết binh lính và thực hiện đòn chí mạng cuối cùng. Đại úy Pearson leo lên boong tàu, định vị được thuyền trưởng Jones, người đang còng lưng hơn cõng một cân nặng 4kg, và hét lên: “Thưa ông, tôi đã trúng đạn! Xin được tha mạng! ”
Kinh ngạc và nhẹ nhõm, thuyền trưởng Jones đầu tiên yêu cầu ông ta hạ cờ hiệu xuống. Trước khi trận chiến bắt đầu, đại úy Pearson đã treo một chiếc cờ đỏ của Hải quân Hoàng gia thay cho vị trí lá cờ trắng Thánh George có hình thánh giá. Đó là một tuyên bố thách thức không đầu hàng. Với thời điểm hoàn hảo và mang tính biểu tượng, cột buồm dài 4570m của tàu Serapis không thể chịu được trọng lượng của nó nữa, bị lật đổ, đâm xuống đại dương.
Tàu Bonhomme Richard chìm xuống Đại Dương
Cũng bị hư hại như tàu Serapis, tàu Bonhomme Richard ở trong tình trạng tệ hơn. Thuyền trưởng Jones đã hy vọng sẽ cứu được nó, nhưng những nỗ lực để giữ nó nổi trên nước và dẫn tàu Serapis đến cảng là không thể. Suốt đêm và ngày hôm sau, cả hai thủy thủ đoàn đã làm việc để tàu chiến Anh có thể đi biển được. Vào tối ngày 24, những người Mỹ đã lên tàu Serapis và sáng hôm sau chứng kiến tàu Bonhomme Richard chìm xuống đáy đại dương.
Tuy nhiên, trước khi những người Mỹ rời khỏi tàu Bonhomme Richard, thuyền trưởng Jones có cơ hội thưởng thức điều mà ông đã chờ đợi bấy lâu: một buổi lễ đầu hàng chính thức. Đại úy Pearson giao kiếm cho thuyền trưởng Jones. “Thưa ngài, ngài đã chiến đấu như một anh hùng,” thuyền trưởng Jones nói với đại úy người Anh, “và tôi chắc chắn rằng quốc vương của ngài sẽ thưởng cho ngài một cách xứng đáng nhất vì điều đó.”
Thuyền trưởng Jones đã đúng trong cả hai điều: đại úy Pearson đã chiến đấu như một anh hùng, và Vua George đệ tam đã phong tước hiệp sĩ cho ông vì trận chiến đó.
Thuyền trưởng Jones được Vua Louis XVI ban tặng một thanh kiếm vàng và phong tước hiệu Chevalier. Truyền thuyết về ông sẽ tiếp tục tồn tại ở Mỹ, mặc dù trong một thời gian rất ngắn. Trong một nghị quyết năm 1781, Quốc hội đã chính thức bày tỏ lời cảm ơn với ông cùng năm vị tướng vì những đóng góp cho Cách mạng và ông đã có được một tấm huân chương bằng vàng có chân dung của mình trên đó.
Khi chiến tranh kết thúc, ông phiêu lưu qua lại giữa quốc gia mới và Âu Châu cũ, đặc biệt là Paris. Sau Cách mạng, Hải quân Lục địa đã bị giải tán. Nước Mỹ sẽ không thành lập hải quân cho đến năm 1794. Thuyền trưởng Jones khi ấy đang tìm một công việc. Ông trở thành đô đốc hậu phương cho Catherine Đại đế của Nga, nhưng quãng thời gian của ông với người Nga không suôn sẻ.
Hồi sinh ký ức của Jones
Sức khỏe của Jones bắt đầu suy yếu vì những lao lực vất vả trong những năm làm thuyền trưởng của ông. Vào ngày 5/6/1794, các sĩ quan đầu tiên được bổ nhiệm vào Hải quân Hoa Kỳ, một trong số họ là Richard Dale, trung úy đầu tiên của Jones trên tàu Bonhomme Richard. Thuyền trưởng Jones không có tên trong danh sách, vì vào ngày 18/7/1792, ở tuổi 45, một mình trong căn hộ ở Paris, ông đã không chống chọi nổi với tình trạng sức khỏe yếu của mình. Ông được chôn cất tại thành phố vĩ đại của nước Pháp và bị lãng quên bởi quốc gia thu nhận của ông.
Mãi đến hơn một thế kỷ sau vào năm 1905, đại sứ Mỹ tại Pháp, Ngài Horace Porter, một tướng lĩnh Nội chiến đã nghỉ hưu, tìm thấy ngôi mộ của thuyền trưởng Jones sau 4 năm tìm kiếm. Quốc hội sau đó đã phê chuẩn 35,000 đô la để khai quật thi hài và đưa trở về nhà.
“Tôi cảm thấy nhục nhã sâu sắc với tư cách là một công dân Mỹ khi nhận ra rằng người anh hùng hải quân đầu tiên và xuất sắc nhất của chúng ta đã nằm hơn một thế kỷ trong một ngôi mộ vô danh và bị lãng quên,” Ngài Porter nói.
Theo chỉ thị của Tổng thống Theodore Roosevelt, Ngài Jones được chôn cất trong một nhà nguyện được xây dựng đặc biệt tại Học viện Hải quân Hoa Kỳ ở thủ phủ Annapolis, bang Maryland.
Trong dịp này, tổng thống Roosevelt trình bày một bài diễn văn và tuyên bố rằng: “Mỗi sĩ quan Hải quân của chúng ta nên khắc ghi trong tâm những việc làm của Ngài John Paul Jones. Mỗi sĩ quan Hải quân của chúng ta nên cảm nhận trong từng thớ thịt của mình một khát khao cháy bỏng noi gương John Paul Jones về nghị lực, sự chuyên nghiệp, lòng quyết tâm kiên định và không sợ hãi trước cái chết đã khiến cho Ngài John Paul Jones ở vị trí cao hơn cả so với các đồng đội của mình ”.
Đáng buồn thay, phải mất hơn một thế kỷ để tôn vinh Ngài Jones theo cách đáng kính đối với một người được coi là Cha đẻ của Hải quân Hoa Kỳ, người đã truyền cảm hứng cho vô số sĩ quan và thủy thủ hải quân. Nhưng cuối cùng điều đó đã được thực hiện, và không chỉ kết thúc bằng việc đưa mộ phần của ông trở về nhà.
Năm 1909, Quốc hội đã phê duyệt 50.000 đô la xây dựng một đài tưởng niệm Ngài Jones ở Quảng trường Quốc gia. Nó được Tổng thống William Howard Taft khánh thành ba năm sau đó và được làm lễ cắt băng bởi Đô đốc George Dewey, một anh hùng của Chiến tranh Tây Ban Nha Mỹ. Ngài Jones được tưởng nhớ theo một cách hoàn hảo khi được an nghỉ tại ngôi nhà của Học viện hải quân tốt nhất cả nước, được bao quanh bởi những anh hùng hải quân tương lai. Dòng chữ trên ngôi mộ không thể nào mô tả tốt hơn ảnh hưởng của ông đối với Hải quân Hoa Kỳ và tầm quan trọng của Trận chiến Flamborough Head: “Ông đã truyền cho Hải quân của chúng ta những truyền thống Anh hùng và Chiến thắng sớm nhất”.
Bài báo này được đăng lần đầu trên tạp chí American Essence.
General Chase: là một tín hiệu trong từ điển của Hải quân Hoàng gia về các mệnh lệnh hạm đội; nó cho phép tất cả các tàu phá vỡ đội hình và hoạt động độc lập để truy đuổi với tốc độ tốt nhất nhằm bắt giữ hoặc tiêu diệt tàu địch khi một chiến thắng là chắc chắn.
Beat to Quarters: là mệnh lệnh triệu tập thủy thủ đoàn đến nơi đóng quân để tiến hành chống lại kẻ thù.
Line of Battle: đội hình được hình thành bởi quân đội hoặc tàu được chuẩn bị để cung cấp hoặc nhận một cuộc tấn công
Thiên Thư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times.