Hàng trăm người tổ chức mít tinh ở Toronto để kỷ niệm 31 năm Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế Giới
Hôm 06/05, một cuộc diễn hành trang trọng, các màn biểu diễn của ban nhạc, các điệu múa và âm nhạc truyền thống của Trung Hoa nhằm đánh dấu kỷ niệm 31 năm Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế Giới đã thu hút đông đảo người xem ở trung tâm thành phố Toronto. Sự kiện này cũng bao gồm một lễ thượng cờ.
Pháp Luân Đại Pháp, còn được gọi là Pháp Luân Công, là một môn tu luyện tinh thần bắt nguồn từ các truyền thống Phật giáo, bao gồm các bài tập thiền định và các bài giảng đạo đức dựa trên nguyên lý “chân, thiện, và nhẫn.” Sau khi được giới thiệu ở Trung Quốc vào ngày 13/05/1992 thì môn tu luyện này đã trở nên phổ biến nhanh chóng phần lớn là nhờ những lợi ích về sức khỏe của môn tập, và đến năm 1999, ước tính có khoảng 70 triệu đến 100 triệu người học viên.
Nhưng những lãnh đạo cấp bậc cao trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã xem sự phổ biến của Pháp Luân Công là mối đe dọa đối với sự cai trị của chế độ này. Do đó, vào tháng 07/1992 họ đã phát động một chiến dịch bức hại với ý định xóa sổ môn tập này. Chiến dịch này vẫn tiếp tục cho đến ngày nay, liên quan đến việc giam giữ tùy tiện, tra tấn, tẩy não, và lạm dụng tình dục các học viên Pháp Luân Công, cũng như thu hoạch nội tạng sống của họ để cung cấp cho ngành cấy ghép mang lại lợi nhuận béo bở của Trung Quốc.
Trong một bài diễn văn tại cuộc mít tinh này, ông Brad Butt, cựu nghị sĩ Đảng Bảo Thủ và hiện là ủy viên hội đồng thành phố đại diện cho Khu 11 của Mississauga, đã khen ngợi các học viên Pháp Luân Đại Pháp vì sự kiên định bảo vệ quyền tự do tôn giáo của mình, đồng thời lên án cuộc bức hại của chính quyền Trung Quốc.
Ông nói: “Các phong trào như Pháp Luân Đại Pháp rất quan trọng đối với sự sôi động của cộng đồng chúng ta và để bảo đảm rằng, là người Canada, chúng ta có cơ hội thực hành và tuyên xưng đức tin của mình.”
“Chúng tôi biết tình trạng cùng cực và khủng khiếp mà các học viên Pháp Luân Đại Pháp đang phải gánh chịu ở Trung Quốc, và tạ ơn Chúa, ở một quốc gia như Canada, chúng ta không hoạt động như vậy mà chúng tôi cho phép mọi người có quyền tự do biểu đạt và quyền tự do hiệp hội.”
Cựu nghị sĩ Đảng Bảo Thủ Wladyslaw Lizon, người lớn lên ở Ba Lan do Liên Xô cũ kiểm soát, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quy tụ những người sống trong các xã hội tự do để chống lại các chế độ độc tài như ĐCSTQ.
Ông nói, “May mắn thay, tại Canada, chúng ta có thể làm lễ kỷ niệm, nhưng chúng ta không thể quên những người ở Trung Quốc,” ông nói. “Họ… không chỉ bị phân biệt đối xử mà còn bị chính quyền cộng sản vốn luôn làm mọi cách để ngăn chặn phong trào [Pháp Luân Công] bỏ tù.”
Nêu lên kinh nghiệm của Ba Lan trong việc đẩy lùi thành công chế độ Xô Viết áp bức, ông nói rằng một ngày nào đó Trung Quốc cũng sẽ chứng kiến sự thay đổi tốt đẹp hơn.
“Bằng cách bắt tay cùng nhau và nhớ đến những người ở Trung Quốc, tôi tin chắc rằng chúng ta cũng sẽ đạt được thành công, và sự thay đổi sẽ đến với Trung Quốc,” ông Lizon nói. “Chúng ta sẽ chiến thắng.”
Bà Sheng Xue, cư dân Toronto, một người Canada gốc Hoa và là người ủng hộ dân chủ lâu năm, cho biết bà đã chứng kiến tấm lòng kiên định của các học viên Pháp Luân Công trong 24 năm qua.
Bà Sheng nói bằng tiếng Quan thoại, “Hồi tháng 05/1999, tôi đã ở đây, ngay tại quảng trường này [Tòa thị chính Toronto] để tham dự kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế Giới đầu tiên. Tôi đã hiệp lực với các học viên kể từ ngày đó. Và sau 24 năm chống lại cuộc bức hại này, các học viên Pháp Luân Công đã trở thành một tấm gương phản kháng [chống lại chế độ chuyên chế] trong lịch sử nhân loại.”
“Nhóm các học viên Pháp Luân Công đã phải chịu đựng cuộc bức hại khốc liệt nhất — chúng ta biết rằng thu hoạch nội tạng là tội ác độc ác, tàn bạo, vô nhân đạo, và vô liêm sỉ nhất trong lịch sử nhân loại — và các học viên Pháp Luân Công là nạn nhân chính của tội ác tàn bạo do Đảng Cộng sản Trung Quốc gây ra này.”
Ông Dean Baxendale, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Optimum Publishing International, cho biết sự kiện này “chứng thực những cuộc đấu tranh của nhiều người vốn đã đến đây với tư cách là những người tị nạn đào thoát khỏi cuộc bức hại ở Trung Quốc dưới bàn tay của một chế độ cộng sản tàn bạo và vô nhân tính, một chế độ tội phạm.”
Ông nói: “Ở đây tại Canada, chúng ta có thể trở thành chính mình, đấu tranh cho những gì mình muốn và những gì mình cần, đồng thời chung sống yên bình và hòa thuận với những người dân quanh mình.”
“Tuy vậy, như quý vị đã biết, ĐCSTQ có một kế hoạch khác — sử dụng Ban Công tác Mặt trận Thống nhất và mạng lưới các hiệp hội hữu nghị Trung Quốc để tìm cách thu hút và kiểm soát tất cả các thành viên trong cộng đồng [người Hoa].”
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times