Hàng trăm học viên Pháp Luân Công tổ chức mít-tinh và diễn hành tại San Francisco, kỷ niệm 24 năm nỗ lực phản bức hại
SAN FRANCISCO — Hôm 15/07, hơn 300 học viên Pháp Luân Công và những người ủng hộ đã tập hợp tại Harry Bridges Plaza, San Francisco, sau đó là một cuộc diễn hành lớn khắp thành phố, tất cả để tưởng niệm ngày 20/07 sắp tới đánh dấu 24 năm nỗ lực phản bức hại tại Trung Quốc.
Vào ngày 20/07/1999, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phát động chiến dịch bức hại Pháp Luân Công. Môn tu luyện tinh thần này, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, dựa trên các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn và dạy một bộ các bài tập thiền định khoan thai nhẹ nhàng. Đến năm 1999, qua người truyền người, ước tính có khoảng 70 triệu đến 100 triệu người theo tập ở Hoa lục
Cuộc diễn hành đi về phía bắc dọc theo bến tàu Embarcadero, đi qua Cầu Tàu 39 và Bến Ngư Phủ trước khi kết thúc tại Vườn Hàng Hải.
Chỉ vài ngày trước đó, Dân biểu Kevin Kiley (Cộng Hòa-California) đã bày tỏ mối lo ngại của mình về bà Mạnh Chiêu Hồng (Meng Zhaohong), mẹ của một trong những cử tri của ông là cô Doria Đinh (Đinh Duyệt), trong một bức thư gửi Ngoại trưởng Antony Blinken.
Ông Kiley kêu gọi Bộ trưởng Blinken liên lạc với chính quyền ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) để yêu cầu trả tự do cho bà Mạnh.
Bà Mạnh đã phải chịu hai lần thụ án trong trại lao động cưỡng bức và một lần bị bỏ tù oan, với tổng cộng hơn tám năm bị giam giữ phi pháp.
Trong bức thư của mình, ông Kiley viết: “Trong suốt thời gian bị giam cầm, bà đã phải chịu đựng những cú sốc điện, đánh đập, và bị bức thực. Những hành động vô nhân đạo này đã khiến bà bị gãy ngón tay đeo nhẫn ở bàn tay trái và bị thương tật vĩnh viễn, khiến bà không thể nhấc cánh tay trái lên được.”
Trong buổi mit-tinh cô Đinh nói: “Cuộc bức hại này đã khiến cho mẹ con tôi phải chia ly, khiến chúng tôi phải xa cách nhau trong phần lớn cuộc đời mình. Nỗi đau khi phải xa những người thân yêu của chúng ta là rất khó mà chịu đựng được.”
Cô lo lắng cho sự an toàn của mẹ sau khi bà Mạnh và một học viên tên Viên Tú Hoa (Yuan Xiuhua) lại bị bắt tại thành phố Tần Hoàng Đảo của Trung Quốc hôm 09/05.
Cô Đinh đến Hoa Kỳ cách đây tám năm và không gặp mẹ kể từ đó. Hiện cô đã kết hôn và có một cậu con trai 8 tháng tuổi.
“Khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999, tôi mới 10 tuổi. Bây giờ, ở tuổi 34, tôi hồi tưởng lại 24 năm dài đã qua,” cô Đinh nói.
Học viên Pháp Luân Công Linda Campbell, một cư dân Quận Sonoma, nói với NTD, hãng thông tấn cùng hệ thống với The Epoch Times: “Càng ngày tôi càng tìm hiểu về cách cuộc bức hại ở Trung Quốc đang thực sự ảnh hưởng đến chúng tôi ở Hoa Kỳ; giờ đây cuộc bức hại đó đang chạm đến biên giới của chúng ta rồi.”
“[Cuộc đàn áp] là điều chúng ta nên biết đến, nên quan tâm đến, bởi vì đây không chỉ là vấn đề nhân quyền, mà cuộc đàn áp này còn đang diễn ra một cách đầy tai tiếng,” bà Campbell nói thêm.
Anh Vương Long Tiêu (Wang Longbiao), 32 tuổi, là một trong số nhiều người Trung Quốc nhập cư bất hợp pháp tràn vào Hoa Kỳ trong những tháng gần đây; anh cũng là một học viên Pháp Luân Công.
Anh Vương cho biết anh đã bị tống vào một trại lao động cưỡng bức trong hai năm sau khi anh và cha anh bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công trở lại năm 2009. Nhiều năm sau, anh Vương đã tìm cách đào thoát khỏi Trung Quốc để đến châu Âu, và từ đó đi qua hàng chục quốc gia ở Nam Mỹ trước khi đến Hoa Kỳ.
Cô Lưu Chỉ Đồng (Liu Zhitong), một cư dân Alameda, cũng đã lên tiếng tại cuộc mít tinh. Cô ăn không ngon ngủ không yên vì luôn lo lắng cho mẹ mình là bà Khổng Khánh Bình (Kong Qingping) đã bị giam giữ ở Trung Quốc từ ngày 22/10/2022 vì tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.
“Liệu mẹ tôi có phải chịu đựng sự bức hại tàn bạo mà rất nhiều người phải chịu đựng không? Tôi vô cùng đau lòng khi hình dung ra thảm cảnh này,” cô Lưu Chỉ Đồng nói.
Cô Lưu Chỉ Đồng cho biết mẹ cô đã bị xét xử qua một “phiên tòa dàn dựng” hôm 10/04/2023. Các thành viên gia đình không được phép có mặt trong phiên tòa. Tòa án vẫn chưa công bố một phán quyết nào.
Học viên Kerry Hoàng (Kerry Huang) nói với The Epoch Times rằng các sự kiện này được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về cuộc bức hại Pháp Luân Công kéo dài 24 năm qua ở Trung Quốc. Bà nói: “Cuộc bức hại không hề giảm đi, ngược lại cuộc bức hại tàn bạo này vẫn còn đang tiếp diễn cho đến ngày nay.”
Theo trang web minghui.org của Pháp Luân Công, trong nửa đầu năm 2023, ít nhất 120 học viên Pháp Luân Công đã bị sát hại từ cuộc bức hại này.
“Do kiểm duyệt thông tin, đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm,” bà Hoàng nói thêm.
Bà Suzanna Sanchez, người đã biết về cuộc bức hại Pháp Luân Công, nói với NTD rằng điều quan trọng là phải lan tỏa rộng rãi. “Tôi nghĩ điều quan trọng là mọi người phải mở rộng tâm trí và nhận thức rõ hơn nữa.”
“Đôi khi người ta không quan tâm đến thực tế, về những gì đang diễn ra xung quanh thế giới trước mắt chúng ta vốn không ở quanh chúng ta,” bà Sanchez nói. “Điều thực sự quan trọng là dễ cảm động và lòng trắc ẩn đối với tất cả mọi người nói chung.”
Cô Amrita Dhar đưa con trai đến thăm thủy cung, đã rất tò mò khi xem đoàn diễu hành. “Tôi phát hiện ra đoàn diễn hành này là nói về Pháp Luân Đại Pháp, có liên quan đến thiền định. Điều tôi thấy kinh hoàng khi biết là môn tập này đã bị cấm ở Trung Quốc; mọi người bị tra tấn, bỏ tù, và rõ ràng là nội tạng của họ đã bị mổ lấy. Điều này thật kinh hoàng đối với tôi!”
Cô Dhar cho biết cuộc diễn hành rất sặc sỡ đầy màu sắc, và cô sẽ về tìm hiểu thêm môn tu luyện này.
Du khách người Pháp Manon Gepuygt cho biết cô chưa từng nghe về cuộc bức hại từ các hãng truyền thông khác, và cô cảm thấy “bối rối” khi biết những gì đang diễn ra tại Trung Quốc. Cô nói rằng điều quan trọng là có nhiều người hơn tìm hiểu về môn tập này.
Xem thêm video: Cuộc Đại Thảm Sát của thế kỷ 21
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times